Văn hóa – Di sản

Lễ hội Đền Thánh Nguyễn được công nhận di sản văn hóa phi vật thể quốc gia

Việt Thương 15:27 13/12/2024

Bộ VHTT&DL vừa có Quyết định số 3986/QĐ-BVHTTDL công nhận Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia đối với Lễ hội Đền Thánh Nguyễn, huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình.

img_7332_1733924618014.jpg
Các đại biểu dâng hương tưởng nhớ Đức Thánh Nguyễn tại Lễ hội Đền Thánh Nguyễn năm 2024. Ảnh: CTV

Lễ hội Đền Thánh Nguyễn (xã Gia Tiến và Gia Thắng) diễn ra trong 3 ngày (từ ngày 8-10/3 âm lịch). Lễ hội Đền Thánh Nguyễn được tổ chức hằng năm nhằm tri ân, tưởng nhớ công đức của Thiền sư Nguyễn Minh Không. Ngài là vị thiền sư tài năng, đức độ có nhiều công lao đóng góp đối với đời sống văn hóa, chính trị của Nhà nước Đại Việt thời Lý.

Lễ hội Đền Thánh Nguyễn gồm hai phần lễ và hội. Phần lễ có lễ mở cửa đền, lễ mộc dục, lễ cáo yết, lễ rước bách thần, tế yên vị, dâng hương, rước nước và lễ tạ. Phần hội có phiên chợ làng Điềm, nhiều trò chơi dân gian, trưng bày triển lãm ảnh, giới thiệu tuyến, tour du lịch tìm về cội nguồn cùng nhiều hoạt động văn hóa, thể thao, trình diễn trang phục.

Từ xa xưa, dân gian lưu truyền rằng "Đại Hữu sinh vương, Điềm Dương sinh thánh" để nói về vùng đất địa linh đã sinh ra vua Đinh Tiên Hoàng và Thiền sư Nguyễn Minh Không, vị Quốc sư triều Lý, quê quán ở làng Điềm Giang, ngôi đền thờ ngài - đền Thánh Nguyễn còn tồn tại đến ngày nay.

Đây là ngôi đền cổ thuộc làng Điềm, có tên gọi cổ xưa là Đàm Gia Loan, sau đổi là Đàm Xá, nay là hai xã Gia Tiến và Gia Thắng, huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình.

Theo truyền thuyết, khoảng năm 1121, sư Nguyễn Minh Không về quê Đàm Xá xây dựng một ngôi chùa nhỏ thờ Phật, tên là Viên Quang tự để tu tập và hành đạo cứu người. Tháng 8/1141, Quốc sư Nguyễn Minh Không mất, người đời sau tôn ông là đức Thánh, để tưởng nhớ công ơn, nhân dân đã chuyển chùa Viên Quang thành nơi thờ tự Ngài.

Việc lễ hội Đền Thánh Nguyễn được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia không chỉ có ý nghĩa lớn đối với người dân Ninh Bình mà còn tạo cơ hội phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt trong lĩnh vực du lịch. Lễ hội sẽ là một trong những điểm đến hấp dẫn của du khách khi đến với Ninh Bình, góp phần nâng cao giá trị du lịch văn hóa, thu hút sự quan tâm của du khách trong và ngoài nước.

Đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho các hoạt động bảo tồn di sản, như các chương trình nghiên cứu, giáo dục và truyền thông về giá trị của lễ hội, giúp nâng cao nhận thức của cộng đồng về tầm quan trọng của việc bảo tồn di sản văn hóa, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống trong cuộc sống hiện đại./.

Việt Thương