Bảo tồn Di sản văn hóa thế giới Hoàng thành Thăng Long: Dấu ấn 10 năm

Tin tức - Ngày đăng : 13:16, 05/09/2020

Đã tròn 10 năm, Khu trung tâm Hoàng thành Thăng Long được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới nhờ những giá trị nổi bật toàn cầu. Hiếm di sản nào trên thế giới có sự tiếp nối lịch sử xuyên suốt 13 thế kỷ (từ thế kỷ VII đến XX) như Hoàng thành Thăng Long. 10 năm qua, công tác bảo tồn, phát huy giá trị Hoàng thành Thăng Long đã để lại nhiều dấu ấn với cách làm bài bản, nhờ vậy, di sản này luôn là điểm đến hấp dẫn.
Bảo tồn Di sản văn hóa thế giới Hoàng thành Thăng Long: Dấu ấn 10 năm
Khu trung tâm Hoàng thành Thăng Long được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới nhờ những giá trị nổi bật toàn cầu (ảnh minh họa). Ảnh: Tiến Bách

Nơi giao thoa các giá trị nhân văn, nghệ thuật

Năm 1010, vua Lý Thái Tổ dời đô từ Hoa Lư ra Thăng Long, phát triển nơi đây thành trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa của cả nước. Trong suốt 10 thế kỷ từ thời Lý (thế kỷ XI - XII) đến thời Nguyễn (thế kỷ XIX - XX), các triều đại phong kiến đã liên tục kế thừa, phát triển Đại La (thế kỷ VII - IX) trở thành Thăng Long - Đông Kinh - Hà Nội với vai trò, vị trí là trung tâm của cả nước. Trải qua bao biến thiên, dấu tích kinh thành Thăng Long còn hiển hiện qua hệ thống di tích, di vật được tìm thấy tại Khu trung tâm Hoàng thành Thăng Long.

Qua quá trình khai quật khảo cổ học được tiến hành từ năm 2002, nhiều di tích, di vật đã phát lộ, cho thấy sự phát triển liên tục của các triều đại ở Thăng Long - Hà Nội. Đó là một Thăng Long - kinh đô của nước Đại Việt phồn thịnh mà dấu tích còn lại đến ngày nay là thành bậc chạm rồng đá thời Lê sơ của điện Kính Thiên (thế kỷ thứ XV), tòa Đoan Môn của thế kỷ XVII - XVIII, di tích Hậu Lâu, Kỳ Đài, Bắc Môn ở thế kỷ XIX - XX... Thông qua di tích, di vật được khai quật từ lòng đất, có thể hình dung vẻ đẹp lộng lẫy của kinh đô Thăng Long với Hoàng cung thời Lý “đẹp xưa nay chưa từng có” mà sách Đại Việt sử lược thời Trần miêu tả; hay cảnh quan Hoàng thành dưới thời Lê - Trịnh được giáo sĩ Marini, người Italia, ghi lại trong cuốn Những khu truyền giáo: “Nếu ta đi từ Kẻ Chợ vào triều tức là cung điện của nhà vua, thì chúng ta sẽ trông thấy không những một tòa cung điện mà là cả một thành phố rất đẹp và rất rộng...”.

Những công trình kiến trúc của Hoàng thành Thăng Long để lại ấn tượng mạnh mẽ cho nhiều người. Giáo sư, Tiến sĩ Inoue Kazuto (Đại học Minh Trị, Tokyo, Nhật Bản) cho rằng: “Qua những di tích kiến trúc, chúng ta hiểu biết được rằng lúc đó trình độ văn hóa của dân tộc Việt Nam rất cao”. Còn cố Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nishimura Masanari (Đại học Kansai, Osaka, Nhật Bản) từng nói: “Chắc chắn đây là trường hợp tồn tại lâu dài nhất trong khu vực châu Á và có lẽ chỉ La Mã (Italia) mới so sánh được”.

Giá trị nổi bật toàn cầu của Khu trung tâm Hoàng thành Thăng Long được UNESCO ghi nhận ở ba tiêu chí: Chiều dài lịch sử, tính liên tục của tài sản với tư cách là một trung tâm quyền lực, và các tầng di tích, di vật đa dạng, phong phú. UNESCO khẳng định: “Khu trung tâm Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội mang trong mình những giá trị nổi bật toàn cầu bởi nơi đây liên tục trong hơn một thiên niên kỷ là nơi giao thoa các giá trị nhân văn, nghệ thuật điêu khắc, nghệ thuật kiến trúc, kỹ thuật xây dựng, quy hoạch đô thị và nghệ thuật tạo dựng cảnh quan hết sức độc đáo...”.

Bảo tồn Di sản văn hóa thế giới Hoàng thành Thăng Long: Dấu ấn 10 năm
Thềm Rồng điện Kính Thiên. Ảnh: Xuân Chính

“Điểm sáng” trong bảo tồn di sản

Đánh giá cao những thành tựu trong công tác bảo tồn Khu trung tâm Hoàng thành Thăng Long sau 10 năm được công nhận là Di sản văn hóa thế giới, bà Phạm Thị Thanh Hường, Trưởng ban Văn hóa UNESCO tại Việt Nam cho rằng: “Hoàng thành Thăng Long là điểm sáng nổi bật nhất trong số di sản thế giới đã được UNESCO công nhận tại Việt Nam. Di sản này được bảo tồn và phát huy giá trị đúng hướng, ưu tiên mục tiêu bảo vệ, bảo tồn hơn mục tiêu khai thác, trong khi các di sản khác lại chú trọng đến việc phát triển du lịch khiến tính bền vững của di sản bị đe dọa”.

Thành công của Hoàng thành Thăng Long được đúc rút từ 4 bài học kinh nghiệm: Đây là khu di sản duy nhất trong cả nước có một Hội đồng tư vấn khoa học mà thành viên hội đồng đều là các chuyên gia nghiên cứu của Hội đồng Di sản quốc gia. Việc đưa ra bất kỳ quyết định nào liên quan đến di sản đều có sự tham vấn chuyên môn của các thành viên. Điều đó thể hiện sự trân trọng di sản một cách nghiêm túc. Cùng với đó, Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội đã thực hiện tốt các khuyến nghị của UNESCO về việc tiếp tục nghiên cứu đầy đủ, toàn diện trong lĩnh vực khảo cổ học, thực hiện kế hoạch quản lý di sản một cách bài bản, đẩy mạnh hoạt động giáo dục di sản cho thế hệ trẻ và quản lý chặt chẽ các hoạt động phát triển du lịch. “Cho tới nay, kế hoạch quản lý du khách và phát triển du lịch của Hoàng thành Thăng Long tương đối hợp lý ở góc độ hạn chế các sản phẩm có xu hướng giải trí, thương mại hóa, ưu tiên các hoạt động giáo dục lịch sử - văn hóa và những hoạt động có tính kết nối giữa Hoàng thành Thăng Long với các làng nghề và vùng đệm của Hà Nội. Đấy là cách tiếp cận mang tính bền vững”, bà Hường nói.

Bảo tồn Di sản văn hóa thế giới Hoàng thành Thăng Long: Dấu ấn 10 năm
Hiện vật khảo cổ học trong khuôn viên Di tích khảo cổ 18 Hoàng Diệu. Ảnh: Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội.

Phát huy giá trị di sản

Nhờ thực hiện việc quản lý di sản một cách bài bản, những năm qua, công tác phát huy giá trị của Khu di sản Hoàng thành Thăng Long thu được kết quả ấn tượng. Ông Trần Việt Anh, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội cho biết: “Trung tâm đã tổ chức các hoạt động đưa di sản đến với công chúng, trong đó đẩy mạnh triển khai chương trình giáo dục di sản “Em làm nhà khảo cổ”, “Em tìm hiểu di sản” đến các trường học. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng đa dạng hóa các hoạt động phục vụ du khách như: Sưu tầm tư liệu, hiện vật, mở cửa căn hầm Cục Tác chiến; cải tạo cảnh quan khu vực Hậu Lâu, trồng các loại hoa theo mùa để thu hút du khách tới tham quan, chụp ảnh... Nhờ vậy, lượng khách tham quan Hoàng thành Thăng Long không ngừng tăng qua từng năm. Nếu như năm 2013 (bắt đầu bán vé tham quan) mới có khoảng 120.000 lượt khách, năm 2016 đón 245.321 lượt khách, thu phí 5,58 tỷ đồng thì đến năm 2019, lượng khách đến Hoàng thành Thăng Long đạt 517.476 lượt, thu phí hơn 10,5 tỷ đồng”. 

Để tập trung cho công tác phát huy giá trị di sản, phát triển du lịch tại Hoàng thành Thăng Long, thời gian tới, Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long - Hà Nội sẽ tập trung nguồn lực để xây dựng thương hiệu điểm đến Di sản Hoàng thành Thăng Long giữa lòng Hà Nội ngàn năm văn hiến với các sản phẩm du lịch hấp dẫn như: Du lịch tâm linh, tham quan Hoàng thành về đêm, gắn kết tour Hoàng thành Thăng Long với khu vực hồ Hoàn Kiếm, Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh - Quảng trường Ba Đình, Văn Miếu - Quốc Tử Giám; nghiên cứu phục dựng Lễ hội đèn Quảng Chiếu, các nghi lễ Hoàng cung gắn với trải nghiệm âm nhạc, ẩm thực, trang phục để khai thác, phục vụ du lịch.

Một “điểm sáng” khác của việc phát huy giá trị di sản ở Khu trung tâm Hoàng thành Thăng Long trong những năm qua là ứng dụng công nghệ hiện đại để xây dựng các sản phẩm, dịch vụ tiện ích như: Wifi miễn phí, thuyết minh tự động trên điện thoại thông minh, màn hình tương tác diễn giải lịch sử... nhằm đem đến cho du khách trải nghiệm thú vị, có tính tương tác cao. Bên cạnh đó, Trung tâm cũng đầu tư xây dựng cơ sở dữ liệu 3D về di tích, di vật, diễn giải các dấu tích kiến trúc trong Hoàng cung Thăng Long để phục vụ công tác nghiên cứu...

Với những giá trị nổi bật toàn cầu được hun đúc hơn 10 thế kỷ, cùng với những bài học quý trong công tác bảo tồn, phát huy giá trị, Khu trung tâm Hoàng thành Thăng Long ngày càng khẳng định vị trí là một trong những Di sản văn hóa thế giới quan trọng và là điểm đến hấp dẫn của du lịch Thủ đô.

hanoimoicuoituan