Người nghệ sĩ với những cống hiến lớn lao cho nghệ thuật múa
Người Hà Nội thanh lịch, văn minh - Ngày đăng : 16:50, 05/09/2020
Theo dòng lịch sử cách mạng, Đại tá - NSND Đỗ Minh Tiến đã sáng tác hàng trăm tác phẩm múa lớn nhỏ, trong đó nhiều tác phẩm khắc họa cuộc chiến đấu oanh liệt của nhân dân ta trong suốt hai cuộc kháng chiến giữ nước. Với tài năng bậc thầy, ông đã tạo nên những tác phẩm múa dân gian trở thành kinh điển và những tác phẩm có độ hoành tráng sử thi, được bắt nguồn từ sự tư duy giản dị và trong sáng.
Đại tá - NSND Đỗ Minh Tiến
NSND Đỗ Minh Tiến sinh năm 1932 tại xã Đình Bảng, huyện Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh. Ông xuất thân từ một gia đình cố nông không nhà, không ruộng. Thủa nhỏ từng đi chăn trâu, đi ở rồi cùng gia đình phiêu dạt lên vùng núi Lạng Sơn. Đầu năm 1945, phong trào cách mạng ở Thất Khê, Lạng Sơn lên cao, Đỗ Minh Tiến tham gia cách mạng, làm liên lạc, trinh sát, chuyển công văn và nắm tình hình địch để truyền tin cho Ban chỉ huy giải phóng quân Thất Khê. Cậu thiếu niên 13 tuổi Đỗ Minh Tiến đã lập công xuất sắc trong lần lừa giặc Nhật lấy các băng đạn của chúng giấu dưới rổ đựng hoa quả, vượt thoát về căn cứ, cùng các chiến sĩ đánh địch giải phóng Thất Khê.
Toàn quốc kháng chiến, Đỗ Minh Tiến gia nhập tổ múa Đội văn công Đại đoàn 351. Tháng 3/1954, Đội đi phục vụ chiến dịch Điện Biên Phủ. Đêm 12/3/1954, Minh Tiến cùng Đội biểu diễn chương trình nghệ thuật phục vụ 2 cán bộ chỉ huy và 5 pháo thủ tại căn hầm số 2 của Đại đội pháo 105 ly. Đây là đơn vị nhận nhiệm vụ đặc biệt bắn mở đầu chiến dịch nên khẩu đội được ưu tiên xem văn công trước giờ nổ súng. Các điệu múa "Lượn", "Vui sản xuất" và nhiều bài ca cách mạng vang lên rộn ràng, làm cho cán bộ, chiến sĩ vô cùng thích thú. Mấy ngày sau, Đội văn công trở lại thăm khẩu đội thì không còn một ai. Bảy chàng trai đều đã hy sinh bởi quả đạn pháo oan nghiệt của kẻ địch chui đúng vào căn hầm pháo.
Sau chiến thắng Điện Biên Phủ, Đỗ Minh Tiến cùng Đội văn công 351 về tiếp quản Thủ đô, sau đó anh được bổ sung vào Đoàn Văn công Tổng cục Chính trị.
Cuối tháng 7/1957, Đoàn Văn công Tổng cục Chính trị được cử sang Liên Xô tham dự Đại hội Liên hoan Thanh niên - Sinh viên thế giới lần thứ VI (Festival Maxcơva VI). Lần đầu tiên dự thi quốc tế với hai tác phẩm múa: "Múa sạp" và "Mùa hoa ban nở", Đoàn Việt Nam đã chinh phục Ban Giám khảo và đông đảo người xem bởi những nét độc đáo của vũ điệu dân gian, âm nhạc và đạo cụ. Cả hai điệu múa đều được tặng giải Vàng, trong đó Đội trưởng múa Đỗ Minh Tiến - biên đạo trẻ 25 tuổi là đồng tác giả của "Múa sạp" và tác giả độc lập của múa "Mùa hoa ban nở". Dưới ánh đèn lung linh, sân khấu Mạc Tư Khoa hiện lên dáng nét 12 cô gái mặc trang phục dân tộc Thái vùng Tây Bắc Việt Nam với chiếc nón trên tay, di chuyển theo tuyến đội hình linh hoạt, nhịp nhàng trong nền nhạc mang giai điệu núi rừng huyền ảo, cân đối. Hình tượng mở đầu và kết thúc điệu múa, 12 cô gái, biểu tượng một bông hoa ban lớn hé nở trước bình minh, rồi biến thành 12 bông hoa ban xinh đẹp, tươi tắn, lạc quan, lan tỏa vào không khí tự do sau ngày giải phóng Tây Bắc. Sau thành công của Đại hội, Đoàn nghệ thuật Việt Nam đi biểu diễn trên đất nước Liên Xô. Điệu múa "Mùa hoa ban nở" được khán giả hoan nghênh nhiệt liệt và yêu cầu biểu diễn lại hai lần. Xưởng phim Mạc Tư Khoa mời quay phim điệu múa này và phát sóng truyền hình phục vụ người dân Xô Viết.
Múa “Mùa hoa ban nở”, biên đạo Đỗ Minh Tiến, Huy chương Vàng quốc tế - Đoàn Văn công Tổng cục Chính trị biểu diễn tại Festival Max-cơ-va lần thứ VI, tháng 7/1957- Ảnh tư liệu
Tháng 1/2006, kỷ niệm 65 năm ngày Bác Hồ về nước (28/1/1941), tại khuôn viên tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh ở thị xã Cao Bằng, kịch múa sử thi "Ngược dòng lịch sử" (Kịch bản và Tổng đạo diễn: NSND Đỗ Minh Tiến) quy tụ hơn 100 diễn viên đã được trình diễn, được đánh giá là một công trình văn hóa lớn về đề tài chiến tranh và cách mạng, một tác phẩm nghệ thuật múa đặc sắc đầy ý nghĩa lịch sử. "Ngược dòng lịch sử" gồm 6 cảnh và phần mở đầu, kết thúc. Phần mở đầu có tiêu đề "Hạnh phúc". Tiếp đó là các cảnh: "Mùa xuân Bác về", "Lửa thiêng cội nguồn", "Ngày độc lập", "Trường kỳ kháng chiến nhất định thắng lợi", "Thực hiện di chúc Bác", "Bình minh trên quê hương cách mạng". Phần kết thúc có tiêu đề: "Bác Hồ sống mãi trong lòng các dân tộc Việt Nam". Vở kịch múa được xây dựng theo phương pháp kinh điển của nghệ thuật múa ballet thế giới và nghệ thuật của dân tộc Việt Nam. Chủ đề xuyên suốt là hình ảnh một chiến sĩ quân đội 20 tuổi và cô gái Tày 18 tuổi là cặp vợ chồng mới cưới, đưa nhau tới đặt hoa trước tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh để tưởng nhớ công ơn to lớn của Người. Quá khứ hiện tại và tương lai được lý giải trong kịch múa thật hài hòa, đậm nét hiện thực cách mạng mà vẫn lãng mạn, thanh thoát.
46 năm sau kịch múa "Ngọn lửa Nghệ Tĩnh", sự ra đời của kịch múa sử thi "Ngược dòng lịch sử" là trang sử vàng chói lọi được ghi lại bằng ngôn ngữ nghệ thuật múa và âm nhạc. Lần đầu tiên trong lịch sử nghệ thuật múa Việt Nam, hình tượng Bác Hồ rất sống động và truyền cảm đến người xem niềm xúc động bồi hồi bởi những động tác của ngôn ngữ nghệ thuật múa và diễn xuất nội tâm, chân thật của các diễn viên.
Bên cạnh đó, sự nghiệp nghệ thuật của NSND Đỗ Minh Tiến còn ghi dấu ấn với nhiều tác phẩm múa nổi tiếng như: Múa "Mùa hoa ban nở" được biểu diễn ở nhiều nước các châu lục: Á, Phi, Âu, Mỹ Latinh, đã trở thành điệu múa kinh điển trong kho tàng nghệ thuật múa Việt Nam; Múa "Xòe hoa", Huy chương Vàng quốc tế Berlin năm 1973, được Đoàn Ca múa quân đội Đức biểu diễn tại Đức và Việt Nam; Tổ khúc giao hưởng múa "Bão lửa Thăng Long" được Giải thưởng Nhà nước năm 2001; Múa "Mùa xuân bão táp", Huy chương Vàng quốc tế Berlin năm 1973, được truyền hình khắp châu Âu; Múa "Ba chị em", Huy chương Vàng quốc tế Berlin năm 1973; Màn múa hát "Giải phóng miền Nam", Huy chương Vàng quốc tế Berlin năm 1973; Kịch múa "Cánh chim biên giới" có kỷ lục diễn hơn 500 đêm, được Giải thưởng Nhà nước, năm 2001.
Trong sự nghiệp cách mạng và nghệ thuật của Đại tá - NSND Đỗ Minh Tiến được tặng nhiều phần thưởng cao quý: Huân chương Độc lập hạng Ba, Huân chương Quân công hạng Ba, Huân chương Chiến thắng hạng Nhất, Huân chương Kháng chiến chống Mỹ cứu nước hạng Nhất, Huy chương Quân kỳ Quyết thắng, Huy chương Vì sự nghiệp Văn hóa - Nghệ thuật Việt Nam, Huy chương Vì sự nghiệp múa Việt Nam. Ông đạt kỷ lục cao nhất Việt Nam các giải thưởng lớn về tác phẩm múa với 5 Huy chương Vàng quốc tế, 20 Huy chương Vàng trong nước. Năm 1997, ông được Nhà nước phong tặng danh hiệu NSND; Năm 2001, ông được tặng Giải thưởng Nhà nước về Văn học - Nghệ thuật với chùm 3 tác phẩm, trong đó tác phẩm múa "Mùa hoa ban nở" được ghi vào từ điển Bách khoa toàn thư Nghệ thuật sân khấu thế giới năm 1964 và tên tuổi tác giả được ghi trong Từ điển Bách khoa Nghệ thuật múa thế giới năm 1972, được Nhà hát Hàn lâm quốc gia về múa dân gian của Đức chọn làm tiết mục trình diễn chính thức. Tên tuổi, sự nghiệp của ông được ghi trong Từ điển Bách khoa Quân sự Việt Nam.
Giữa năm 2006, NSND Đỗ Minh Tiến hoàn thành kịch bản tác phẩm kịch múa lịch sử "Người mẹ sông Hồng", được Thành phố Hà Nội phê duyệt cho triển khai dàn dựng, hướng tới kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội. Nhưng tháng 9 năm đó, ông lâm trọng bệnh. Ngày 30/9/2006, NSND Đỗ Minh Tiến qua đời. Trong đám tang trọng thể vĩnh biệt ông - người nghệ sĩ tài năng đi suốt dòng lịch sử, cống hiến lớn lao cho sự nghiệp nghệ thuật múa cách mạng Việt Nam - có đông đảo đồng nghiệp, bạn bè, học trò, những người đã cùng ông công tác và được ông giúp đỡ.
Giờ đây, NSND Đỗ Minh Tiến vẫn sống trong tâm tưởng mọi người ở cõi tinh thần, mãi mãi là tấm gương sáng về hoạt động cách mạng và sáng tạo nghệ thuật cho thế hệ nghệ sĩ trẻ noi theo, là niềm tự hào của ngành múa Việt Nam.