Văn hóa – Di sản

Nghệ thuật "Hát sắc bùa" được công nhận là di sản văn hoá phi vật thể Quốc gia

Nguyễn Lâm 14:10 12/12/2024

Hát sắc bùa mang đậm giá trị lịch sử, gắn liền với sự hình thành và phát triển của các cộng đồng ngư dân tại mảnh đất Minh Hóa và thành phố Đồng Hới, nó tồn tại từ bao đời nay. Hát sắc bùa trên địa bàn tỉnh Quảng Bình từ trước đến nay, vừa kế thừa Hát sắc bùa của các vùng khác trên mọi miền Tổ quốc...

quang-binh-co-them-3-di-san-van-hoa-phi-vat-the-quoc-gia-1811.jpg
Biểu diễn hát sắc bùa tại Hội rằm tháng Ba huyện Minh Hóa.

Ngày 11/12, thông tin từ Sở Văn hóa và Thể thao Quảng Bình cho biết, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng vừa ký quyết định công nhận 3 di sản của Quảng Bình là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Theo đó, 3 di sản được vinh danh bao gồm: Lễ hội rằm tháng Ba huyện Minh Hóa (thuộc loại hình lễ hội truyền thống), Hát tuồng bội xã Hưng Trạch (Bố Trạch) và Hát sắc bùa huyện Minh Hóa và TP. Đồng Hới (thuộc loại hình nghệ thuật trình diễn dân gian).

Trong đó, lễ hội rằm tháng Ba huyện Minh Hóa đã đi vào tâm thức của người dân và trở thành sinh hoạt văn hóa cộng đồng, kết tinh nét văn hóa đặc sắc của vùng quê sơn cước. Lễ hội được tổ chức vào tháng 3 âm lịch hàng năm, thu hút đông đảo du khách đến để trải nghiệm các giá trị tâm linh, văn hóa, nghệ thuật.

Hát tuồng bội xã Hưng Trạch và hát sắc bùa huyện Minh Hóa và TP. Đồng Hới là những loại hình văn nghệ dân gian độc đáo, được người dân địa phương gìn giữ, bảo tồn và phát triển qua nhiều thế hệ.

Hát sắc bùa mang đậm giá trị lịch sử, gắn liền với sự hình thành và phát triển của các cộng đồng ngư dân tại mảnh đất Minh Hóa và thành phố Đồng Hới, nó tồn tại từ bao đời nay. Hát sắc bùa trên địa bàn tỉnh Quảng Bình từ trước đến nay, vừa kế thừa Hát sắc bùa của các vùng khác trên mọi miền Tổ quốc vừa do con người ở nơi đây sáng tạo và giữ gìn trao truyền từ thời thế hệ này sang thế hệ khác và đời này qua đời khác.

Giá trị văn hóa của Hát sắc bùa thể hiện qua các bài hát chúc mừng, những bài hát mang nội dung vui tươi, phấn khởi và giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc cũng được thể hiện qua những bài hát sắc bùa, xây dựng nên những mối quan hệ thân thiết, gần gũi của huyết thống các thành viên trong gia đình, của các thành viên trong đội, phường, câu lạc bộ hát sắc bùa, của những người dân trong cộng đồng tại địa phương.

Quảng Bình hiện đang sở hữu 2 di sản được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, cùng với 13 di sản được Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Đây chính là tài sản quý giá, là nền tảng vững chắc để Quảng Bình tiếp tục bảo tồn, phát huy giá trị di sản, đồng thời góp phần khai thác, phát triển du lịch bền vững./.

Nguyễn Lâm