Chuyển động Hà Nội

Hà Nội phải tập trung giải quyết ngay ô nhiễm môi trường và ùn tắc giao thông

Đình Thế 20:35 11/12/2024

Với mong muốn Hà Nội phải bứt phá, đáp ứng kỳ vọng của Trung ương và nhân dân, Tổng Bí thư Tô Lâm cho rằng, Hà Nội chuẩn bị tâm thế để bước vào kỷ nguyên vươn mình và Thành phố đang có rất nhiều việc phải làm, nhưng có hai việc quan trọng cần phải tập trung là giải quyết ô nhiễm môi trường và ùn tắc giao thông…

Tại cuộc làm việc với Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội vừa qua, Tổng Bí thư Tô Lâm bày tỏ sự quan tâm đặc biệt đến việc xử lý ô nhiễm sông Tô Lịch rồi sau đó đến các dòng sông nội đô khác.

Những công việc trọng điểm mà Thành phố đã và đang triển khai, đó là công tác quy hoạch, giao thông công cộng, môi trường, xử lý nước, xử lý rác thải, không khí…, Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh đây cũng là vấn đề Nhân dân quan tâm, mong muốn, vì vậy Hà Nội cần phải làm tốt hơn nữa.

Liên quan vấn đề đó, tại kỳ họp thứ 20 HĐND Thành phố Hà Nội, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội Hà Minh Hải tiếp thu ý kiến và báo cáo giải trình các nội dung thảo luận cho biết, trên địa bàn Thành phố Hà Nội hiện có 6 nhà máy/trạm xử lý nước thải tập trung đã được đầu tư xây dựng và đưa vào vận hành; tổng công suất 314.300 m3/ngđ. Thành phố đang chỉ đạo triển khai nghiên cứu, đầu tư xây dựng 09 Dự án Nhà máy, hệ thống thu gom XLNT theo quy hoạch.

z6116523212549-a3a231a658caa0a9ae6e28069d886e7b20241210183344(1).jpg
Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội Hà Minh Hải phát biểu tại kỳ họp.

Năm 2025, Thành phố tập trung triển khai xây dựng Đề án phục hồi chất lượng môi trường và phát triển hệ thống 04 sông nội đô Tô Lịch, Kim Ngưu, Lừ, Sét; Đề án bảo vệ môi trường sông Nhuệ - Đáy giai đoạn 2021 – 2025.

Về thu gom, xử lý tác thải, hiện nay trên địa bàn Thành phố, lượng rác thải sinh hoạt phát sinh 6.800-7.500 tấn/ngày. Thành phố đã chỉ đạo thực hiện nhiều biện pháp đồng bộ, kêu gọi đầu tư, xã hội hóa các công trình, dự án xử lý rác thải. Năm 2023, Thành phố đã đưa Nhà máy điện rác Sóc Sơn với quy mô lớn và hiện đại nhất Đông Nam Á (công suất xử lý 4.000 tấn/ngày, công suất phát điện 90 MW) vào hoạt động và tiếp tới sẽ đưa Nhà máy điện rác Seraphin công suất xử lý 2.250 tấn/ngày, công suất phát điện 30 MW vào hoạt động. Trước mắt, 02 nhà máy trên đã cơ bản đáp ứng nhu cầu xử lý rác thải sinh hoạt phát sinh hằng ngày.

Ngoài ra, để đảm bảo năng lực xử lý chất thải sinh hoạt dự kiến tiếp tục gia tăng trong thời gian tới, Thành phố tiếp tục kêu gọi xã hội hóa, đầu tư một số công trình, nhà máy xử lý rác thải sinh hoạt, bùn thải… hiện đại, phát điện, thân thiện môi trường để giải quyết triệt để nhu cầu xử lý rác thải, bùn thải trên địa bàn (tại các huyện: Sóc Sơn,Thường Tín, Chương Mỹ, Phú Xuyên).

Thành phố đã triển khai mô hình thí điểm phân loại rác thải sinh hoạt tại nguồn tại 05 quận (Ba Đình, Hoàn Kiếm, Đống Đa, Hai Bà Trưng, Nam Từ Liêm); dự kiến quý I/2025, sẽ nhân rộng thực hiện trên toàn địa bàn Thành phố.

Đồng thời, tiếp tục rà soát, điều chỉnh, ban hành các chính sách, mô hình hoạt động với yêu cầu cao hơn nữa để sớm hiện đại hóa hoạt động thu gom, vận chuyển rác thải trên địa bàn Thành phố, đảm bảo xanh – sạch – văn minh, tương tự một số nước tiên tiến, trước mắt sẽ phấn đấu thực hiện tại các quận nội thành.

Về môi trường không khí, trên địa bàn Thành phố hiện có 10 KCN, khoảng 318 làng nghề đang hoạt động, gần 1,2 triệu ô tô, gần 7 triệu xe máy (hơn 70 % đã sử dụng trên 10 năm) cùng với các hoạt động xây dựng là nguồn phát thải gây ô nhiễm không khí chủ yếu trên địa bàn.

z39193594734127abbaf69c95a467bf-1690529276677-1704448032392398437728.jpeg
Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh, ô nhiễm môi trường và ùn tắc giao thông là hai vấn đề Nhân dân quan tâm.

Để đảm bảo xử lý tốt ô nhiễm không khí, Thành phố tiếp tục thực hiện có hiệu quả Kế hoạch quản lý chất lượng môi trường không khí thành phố Hà Nội đến năm 2030, định hướng đến năm 2035; triển khai thực hiện các biện pháp cụ thể, cấp bách: xử lý, ngăn chặn hoạt động đốt rơm rạ, phụ phẩm cây trồng và chất thải khác; loại bỏ sử dụng bếp than tổ ong…

Đồng thời, Thành phố đẩy nhanh tiến độ thực hiện Đề án phát triển hệ thống giao thông vận tải công cộng bằng xe buýt sử dụng điện, năng lượng xanh trên địa bàn, đạt 100% vào năm 2035; triển khai “Vùng phát thải thấp” theo Luật Thủ đô sửa đổi… đẩy mạnh ứng dụng các công nghệ hiện đại về quan trắc, xử lý ô nhiễm, thực hiện đồng bộ các giải pháp về bảo vệ môi trường đã đề ra, phấn đấu đến năm 2030 các thông số về không khí trên địa bàn cơ bản đạt chất lượng tốt, tạo môi trường sống xanh – sạch.

Tập trung huy động các nguồn lực để đầu tư đồng bộ kết cấu hạ tầng giao thông, nhất là giao thông kết nối. Nhiều công trình khánh thành, nhiều dự án khởi công chào mừng kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô: Hoàn thành đoạn trên cao Dự án đường sắt đô thị số 3 và bắt đầu vận hành thương mại từ ngày 08/8/2024; đẩy nhanh tiến độ dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô; hoàn thành dự án Đường Âu Cơ đoạn từ khách sạn Thắng Lợi - cầu Nhật Tân...

Năm 2025 và những năm tiếp theo, Hà Nội tập trung xây dựng hệ thống hạ tầng đồng bộ nhất là giao thông kết nối, hệ thống đường sắt đô thị; phát triển đường vành đai, đường trên cao, đường cao tốc tạo sự kết nối thông suốt để phát huy tối đa các tiềm lực kinh tế của cả Vùng; hoàn thành sớm đường vành đai 4, triển khai xây dựng đường vành đai 5; tập trung đầu tư xây dựng các cầu lớn qua sông Hồng (trong đó có cầu Tứ Liên, Ngọc Hồi, Trần Hưng Đạo). Phấn đấu thông xe Dự án thành phần 2.1 – Đường vành đai 4 trong quý IV/2025 và khởi công dự án thành phần 3.

Đẩy nhanh cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 6 đoạn Ba La - Xuân Mai; dự án đường Vành đai 1, đoạn Hoàng Cầu - Voi Phục (giai đoạn 1); hầm chui Nút giao đường Vành đai 2,5 với đường Giải Phóng; tuyến đường kết nối đường Pháp Vân - Cầu Giẽ và đường Vành đai 3….

Đình Thế