Chính sách & Quản lý

Quận Hai Bà Trưng: Hứa hẹn chương trình “Lưu giữ nét xưa, phát huy bản sắc mới”

Quỳnh Chi 11/12/2024 08:17

Thông tin từ UBND quận Hai Bà Trưng (TP. Hà Nội) vừa cho biết, từ ngày 13 - 15/12/2024 tại Phố đi bộ Trần Nhân Tông và phụ cận sẽ diễn ra Chương trình quảng bá, giới thiệu sản phẩm OCOP, các sản phẩm đặc trưng, các điểm di tích lịch sử và du lịch trên địa bàn quận với chủ đề “Lưu giữ nét xưa, phát huy bản sắc mới”.

Theo Phó Chủ tịch UBND quận Hai Bà Trưng Phan Văn Phúc, chương trình được tổ chức nhằm thực hiện Kế hoạch số 333/KH-UBND ngày 19/12/2022 của UBND thành phố Hà Nội về kích cầu nội địa, tăng tổng mức bán lẻ hàng hóa, doanh thu dịch vụ tiêu dùng chủ động thích ứng linh hoạt, góp phần phục hồi nhanh, phát triển bền vững trên địa bàn thành phố năm 2023; Kế hoạch số 531/KH-UBND ngày 2/2/2024 của Sở Công thương Hà Nội về “Đảm bảo cân đối cung - cầu hàng hóa và tổ chức hoạt động liên kết vùng, quảng bá, kết nối giữa thành phố Hà Nội và các tỉnh, thành phố trong lĩnh vực Công thương năm 2024”.

haibatrung4.jpg
Di tích Quốc gia đặc biệt đền, chùa, đình Hai Bà Trưng thuộc phường Đồng Nhân, quận Hai Bà Trưng.

Thông qua chương trình với chủ đề “Lưu giữ nét xưa, phát huy bản sắc mới” để kích cầu nội địa, tăng tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng, đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm hàng hóa, qua đó thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp trên địa bàn quận nói riêng và thành phố nói chung. Bên cạnh đó, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quảng bá xúc tiến thương mại và du lịch; giới thiệu tiềm năng, thế mạnh của quận để thu hút đầu tư, phát triển thương mại, du lịch trên địa bàn đến các nhà đầu tư, doanh nghiệp trong và ngoài nước; triển khai số hóa các điểm đến du lịch, phát triển du lịch đảm bảo an toàn, linh hoạt, hiệu quả phục vụ khách du lịch.

Ngoài ra, chương trình còn hướng tới mục đích triển khai có hiệu quả cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” và hỗ trợ các đơn vị sản xuất, kinh doanh tăng cường kết nối giao thương, hợp tác liên kết trong đầu tư sản xuất, kinh doanh, đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm, quảng cáo thương hiệu, sản phẩm hàng hóa đến người tiêu dùng biết đến và lựa chọn.

hai-ba-trung-ocop.jpg
Quảng bá, giới thiệu sản phẩm OCOP của quận Hai Bà Trưng trong một sự kiện trên địa bàn.

Để tổ chức chương trình hiệu quả, UBND quận Hai Bà Trưng vừa có văn bản gửi các phòng, ban, phường thuộc quận triển khai các nhiệm vụ đã được giao. Theo kế hoạch, khu vực trưng bày, giới thiệu và bán sản phẩm sẽ diễn ra tại hai bên vỉa hè đường Trần Nhân Tông (từ Cổng chính công viên Thống Nhất đến Tượng đài Công an nhân dân) gồm phần vỉa hè sát tường rào cũ của công viên Thống Nhất và phần vỉa hè sát lòng đường bên phía hồ Thiền Quang. Dự kiến sẽ có 100-120 gian hàng tiêu chuẩn tham gia là các doanh nghiệp, hộ kinh doanh trên địa bàn quận và các đơn vị trên địa bàn thành phố, các tỉnh thành trong cả nước.

Theo kết quả kiểm kê di tích đến năm 2022, trên địa bàn quận Hai Bà Trưng có 51 di tích. Trong đó có 35 di tích xếp hạng, bao gồm 1 di tích Quốc gia đặc biệt, 19 di tích xếp hạng cấp Quốc gia, 13 di tích xếp hạng cấp Thành phố; 23 địa điểm lưu niệm sự kiện Lịch sử - Cách mạng kháng chiến. Trong đó, có những di tích nổi tiếng như: Di tích Quốc gia đặc biệt đền, chùa, đình Hai Bà Trưng; Cụm di tích chùa Hòa Mã; Chùa Vân Hồ; Chùa Vua; Chùa Liên Phái; Chùa Hộ Quốc; cụm di tích chùa Thiền Quang – Quang Hoa – Pháp Hoa.

Bên cạnh đó là các di tích cách mạng kháng chiến tiêu biểu Chiến lũy Ô Cầu Dền, Đài chiến thắng Vân Đồn, Chùa Quỳnh Lôi, chùa Hương Tuyết. Đến với quận Hai Bà Trưng, du khách còn được tham gia, có những trải nghiệm ấn tượng với Lễ hội truyền thống kỷ niệm cuộc khởi nghĩa của Hai Bà Trưng; Lễ hội chùa Vua; Hội thề Đông Quan…

Thời gian qua, quận Hai Bà Trưng đang trở thành điểm đến năng động, sáng tạo với không gian tuyến phố đi bộ phố Trần Nhân Tông và phụ cận. Ngoài vị trí đắc địa, với tổng chiều dài tuyến phố đi bộ khoảng 1.600m gồm đoạn tuyến phố Trần Nhân Tông, Không gian đi bộ Trần Nhân Tông và phụ cận còn có hệ sinh thái và các điểm văn hóa, vui chơi công cộng là khu vực Công viên Thống Nhất, rạp xiếc Trung ương, Nhà văn hóa Học sinh – Sinh viên Thành phố, hồ Thiền Quang, cụm di tích chùa Quang Hoa, Thiền Quang, Pháp Hoa kết hợp với khu vực tượng đài “Công an nhân dân vì dân phục vụ”.

lehoiamthuc-80.jpg
Du khách thưởng thức "Phở số Hà Thành" tại Lễ hội văn hóa ẩm thực Hà Nội 2024 được diễn ra trong Không gian phố đi bộ và Công viên Thống Nhất, phố Trần Nhân Tông, quận Hai Bà Trưng.

Không gian đi bộ phố Trần Nhân Tông là địa điểm tổ chức nhiều sự kiện chính trị, văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao quy mô khác nhau với sự tham gia của nhiều sở, ban ngành, các đơn vị, hội, đoàn thể của Thành phố, quận, phường, trường học và các tổ chức, cá nhân hoạt động nghệ thuật đến biểu diễn.

Ngoài ra, quận Hai Bà Trưng còn có các sản phẩm OCOP đã được xếp hạng như lạc rang (cơ sở Nguyễn Thị Thu Hương); bánh ngọt, bánh pizza nhân bò bằm, caramen (Công ty TNHH Bánh Tuấn Nghĩa); nem chua rán, nem chua rán tẩm bột, nem chua rán phomai, giò tai, giò lụa (cơ sở Nem chua Vị phố); Nem chua, giò lụa (cơ sở Nem chua Hồng Chiến)… Các sản phẩm này đều đã được cơ quan chức năng công nhận, đánh giá xếp hạng sản phẩm OCOP 3 sao năm 2024. Di sản văn hóa đa dạng cùng các không gian sáng tạo mới, sản phẩm OCOP phong phú... chính là tiềm năng to lớn để quận Hai Bà Trưng phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn.

Và trong những năm qua, được sự quan tâm của các cấp, các ngành, cả hệ thống chính trị của quận Hai Bà Trưng đã đoàn kết, năng động, sáng tạo, phát huy những tiềm năng, thế mạnh của địa phương, không ngừng phấn đấu vươn lên đạt được nhiều thành tựu trong xây dựng và phát triển quận Hai Bà Trưng “xanh – sạch – đẹp – văn minh – hiện đại”./.

Quỳnh Chi