Sự kiện & Bình luận

Hà Nội bước tới kỷ nguyên mới từ tư duy đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm

Phạm Hoa 09/12/2024 20:44

Thủ đô Hà Nội đã, đang rất quyết tâm thực hiện định hướng, chỉ đạo chiến lược của Đảng và Tổng Bí thư Tô Lâm về “Kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam”. Điều này đã được chứng minh bởi Hà Nội đã đưa ra nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội năm 2025 với tư duy đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm...

“Quán triệt sâu sắc tinh thần chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm trong nhận thức và hành động về kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc; nhận thức đầy đủ, đúng đắn và sâu sắc về vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng, tiềm năng đặc thù, lợi thế vượt trội của Hà Nội trong sự nghiệp đổi mới.

canh-hop.jpg
Toàn cảnh kỳ họp thứ 20, HĐND Thành phố khóa XVI ngày 9/12/2024.

Tiếp tục đổi mới tư duy, nâng cao tinh thần năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm để đưa Thủ đô Hà Nội phát triển mạnh mẽ, toàn diện, xứng đáng với vai trò, vị thế Thủ đô của một đất nước đang bước vào kỷ nguyên mới”, đồng chí Hà Minh Hải – Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội nhấn mạnh về phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội thành phố năm 2025 tại kỳ họp thứ 20, HĐND Thành phố khóa XVI.

Để hoàn thành các mục tiêu đặt ra, đồng chí Hà Minh Hải cho biết Hà Nội sẽ triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm trong năm 2025. Trong đó, Thành phố sẽ xây dựng nền quản trị chính quyền địa phương hiện đại, gắn với chuyển đổi số; thể chế hóa, cụ thể hóa các chủ trương, đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước sát với tình hình, điều kiện cụ thể của Thành phố. Xây dựng bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, tinh giản biên chế gắn với cơ cấu lại đội ngũ công chức, viên chức.

Thực hiện tinh thần chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm, Hà Nội tiếp tục thực hiện cuộc cách mạng chuyển đổi số với những cải cách mạnh mẽ, toàn diện để điều chỉnh quan hệ sản xuất, tạo động lực mới cho phát triển. Khẩn trương rà soát, sửa đổi kịp thời các quy định không còn phù hợp, tạo hành lang cho các mô hình kinh tế mới như: kinh tế chia sẻ, kinh tế tuần hoàn, trí tuệ nhân tạo... đảm bảo khung pháp lý không trở thành rào cản của sự phát triển, đồng thời bảo đảm an ninh quốc gia, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người dân, doanh nghiệp.

Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng nền tảng số kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa các cơ quan, tổ chức. Đẩy mạnh chuyển đổi số gắn với bảo đảm an ninh, an toàn. Tập trung số hóa toàn diện hoạt động quản lý nhà nước, cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ cao. Kết nối đồng bộ các cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, đất đai, doanh nghiệp, tạo nền tảng tinh gọn bộ máy, cải cách thủ tục hành chính thực chất; phát triển kinh tế số, xây dựng công dân số. Hà Nội quyết tâm phấn đấu đi đầu về chuyển đổi số trong hoạt động của các cơ quan nhà nước và hệ thống chính trị.

Thành phố tiếp tục kiên định các quan điểm: Người dân và doanh nghiệp vừa là trung tâm để phục vụ, vừa là chủ thể tham gia sáng tạo trong cải cách hành chính, chuyển đổi số và đóng góp sáng kiến xây dựng Thủ đô. Lấy phát triển con người, bảo đảm và cải thiện dân sinh làm mục đích; minh bạch hóa, nâng cao trách nhiệm giải trình và tăng cường sự tham gia của người dân và doanh nghiệp vào hoạt động của cơ quan nhà nước thông qua ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số; “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra giám sát, dân thụ hưởng”, kết quả sản phẩm phải hiệu quả thực chất, đem lại giá trị, tiện ích, lợi ích cho người dân, từ đó nâng cao niềm tin của người dân với chính quyền”.

Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hà Minh Hải.

Đồng thời, Thành phố thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 24-CT/TU ngày 7/8/2023 của Ban Thường vụ Thành ủy về “Tăng cường kỷ cương, kỷ luật và trách nhiệm giải quyết công việc trong hệ thống chính trị Thành phố Hà Nội”, tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính và trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị; nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động; công tác đào tạo, nâng cao kỹ năng xử lý công việc sát với thực tiễn, đáp ứng yêu cầu chuyên môn và kỷ cương hành chính, trách nhiệm công vụ.

Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thông suốt, nhất quán, đồng thời tăng cường phân cấp, ủy quyền trong từng ngành, lĩnh vực đảm bảo đồng bộ, đầy đủ nhằm tháo gỡ khó khăn, điểm nghẽn, vướng mắc trong sản xuất kinh doanh; đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án (trong ngân sách và ngoài ngân sách), chú trọng đến các công trình lớn, trọng điểm, có tính lan tỏa cao. Khẩn trương rà soát, tổng hợp và tháo gỡ ngay các khó khăn, vướng mắc liên quan đến quy trình, thủ tục hành chính, đề xuất phương án thực hiện phân cấp, phân quyền trong giải quyết thủ tục hành chính, nhất là các nhóm có thủ tục hồ sơ hành chính nhiều giao dịch như: tư pháp; đất đai; xây dựng; lao động - thương binh và xã hội; bảo hiểm; thuế...

Xây dựng bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả;

Theo đồng chí Hà Minh Hải, Thành phố thống nhất trong nhận thức và hành động về “Kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam”, tập trung thực hiện sắp xếp, hoàn thiện tổ chức bộ máy tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả gắn với cơ cấu lại đội ngũ cán bộ đủ phẩm chất, năng lực và đẩy mạnh phân cấp, phân quyền theo hướng “địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm” gắn với tăng cường kiểm tra, giám sát, xác định rõ trách nhiệm giữa các cấp chính quyền Thành phố, giữa người quản lý và người lao động…

thudo-hanoi.jpg
Để bước cùng cả nước bước vào kỷ nguyên mới, Hà Nội sẽ đẩy mạnh phân cấp, phân quyền theo hướng “địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm”.

Xây dựng và triển khai thực hiện phương án biên chế, kế hoạch biên chế năm 2025 phù hợp quy định và đáp ứng yêu cầu thực tiễn; chính sách thu hút, trọng dụng nhân tài và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao; cơ chế chi thu nhập tăng thêm cho cán bộ, công chức, viên chức. Tiếp tục rà soát chức năng, nhiệm vụ, kiện toàn tổ chức bộ máy một số cơ quan, đơn vị ở quận, huyện, thị xã và các đơn vị sự nghiệp công lập; hoàn thiện bộ máy và triển khai hiệu quả Trung tâm Phục vụ Hành chính công. Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền gắn với nâng cao khả năng tự lực, tự cường, trách nhiệm quản trị địa phương.

Trong năm 2025, Hà Nội tập trung ưu tiên xây dựng, tạo bước đột phá mạnh hơn nữa về hệ thống kết cấu hạ tầng đô thị đồng bộ và hiện đại; đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả công tác quy hoạch, thiết kế đô thị, quản lý quy hoạch kiến trúc, quy hoạch xây dựng nông thôn mới, quản lý đô thị gắn với kế hoạch phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội.

Thành phố đồng thời nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tài nguyên, bảo vệ môi trường, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu. Tập trung giải quyết vấn đề môi trường bằng các giải pháp căn cơ hơn nữa để xử lý các vấn đề về ứng phó với biến đổi khí hậu; cấp, thoát nước, chống úng ngập; xử lý chất thải, xây dựng các nhà máy điện rác; xử lý tận gốc nguồn gây ra ô nhiễm, hồi sinh các dòng sông… Hà Nội phấn đấu là địa phương đi đầu cả nước trong xây dựng nền kinh tế có mức phát thải thấp, sử dụng tiết kiệm năng lượng; thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp phát triển gắn với 3 chuyển đổi (chuyển đổi xanh, chuyển đổi số, chuyển đổi năng lượng); trước mắt thí điểm sử dụng năng lượng xanh trong các cơ quan Thành phố bắt đầu tư năm 2025, phấn đấu hoàn thành trước năm 2030.

Đặc biệt, để nâng cao ý thức của Nhân dân Thủ đô, trách nhiệm của các cơ quan trong hệ thống chính trị về bảo vệ môi trường, đầu tháng 12/2024, Thành phố phát động Phong trào thi đua “Hà Nội sạch”. Đây sẽ là phong trào thi đua lần đầu thực hiện ở Hà Nội, thực hiện đồng bộ các biện pháp: thu gom, xử lý rác thải, nước thải; cải thiện môi trường không khí; giữ gìn văn minh trật tự đô thị; nâng cao ý thức của nhân dân về bảo vệ môi trường xanh - sạch - đẹp tại khu dân cư.

Đưa thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trở thành “tự giác”, “tự nguyện”, “cơm ăn nước uống, áo mặc hàng ngày”

Năm 2025, Hà Nội nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế trong từng lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa… nhằm tạo các điều kiện thuận lợi để thu hút đầu tư, thương mại, du lịch, phát triển công nghiệp văn hóa... Đặc biệt, Hà Nội sẽ quyết liệt phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí. Xây dựng văn hóa phòng, chống lãng phí; đưa thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trở thành “tự giác”, “tự nguyện”, “cơm ăn nước uống, áo mặc hàng ngày”.

Xây dựng văn hóa tiết kiệm, chống lãng phí trong các cơ quan, tổ chức; khuyến khích Nhân dân tăng cường thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, tạo thói quen quý trọng tài sản của Nhà nước, của xã hội. Tiếp tục triển khai mạnh mẽ, đồng bộ các giải pháp phòng, chống quan liêu, tham nhũng, lãng phí, đặc biệt trong các lĩnh vực quản lý đất đai, đầu tư xây dựng. Xử lý kịp thời, nghiêm minh các trường hợp vi phạm, thu hồi triệt để tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát.

Đảm bảo các phương án, kế hoạch bảo vệ tuyệt đối an ninh, an toàn các mục tiêu, công trình trọng điểm, sự kiện chính trị, quốc tế, văn hóa, xã hội và đối ngoại quan trọng, hoạt động của lãnh đạo Đảng, Nhà nước và các đoàn khách quốc tế đến Việt Nam diễn ra trên địa bàn Thủ đô…

Hà Nội sẽ tăng cường công tác phối hợp giữa UBND Thành phố với Thường trực HĐND, Đoàn Đại biểu Quốc hội Thành phố, các Ban của HĐND, Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố và các tổ chức thành viên, tạo sự đồng thuận cao trong xã hội; nâng cao vai trò của mỗi cơ quan trong việc phối hợp công tác, giám sát thực hiện nhiệm vụ chính trị, thực hiện tốt yêu cầu nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên, đột xuất... Phối hợp tuyên truyền vận động các tầng lớp nhân dân thực hiện các phong trào thi đua yêu nước, thực hiện nếp sống văn hóa, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh.../.

Phạm Hoa