Chuyển động Hà Nội

Huyện Gia Lâm dần về đích “quận văn hiến, văn minh, hiện đại ” của Thủ đô Hà Nội

Trung Kiên 16:58 09/12/2024

Năm 2024 và thời gian trước đó, với sự đoàn kết, nỗ lực, quyết tâm của cả hệ thống chính trị, huyện Gia Lâm (TP. Hà Nội) đã đạt được nhiều kết quả nổi bật về kinh tế - xã hội, tạo nền tảng để Gia Lâm sớm đủ tiêu chuẩn thành lập quận trong tương lai gần.

Bám sát định hướng chung phát triển Thủ đô theo chỉ đạo của Trung ương và Thành phố Hà Nội, ngay từ đầu nhiệm kỳ, Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện Gia Lâm lần thứ XXII, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đã xác định mục tiêu quan trọng của huyện là đến năm 2025 trở thành quận, định hướng đến năm 2030 là đô thị có kết cấu hạ tầng đồng bộ, từng bước hiện đại.

gialam34.jpg
Các dự án đô thị đã góp phần giúp Gia Lâm hoàn thiện các tiêu chí trở thành quận.

Theo báo cáo của UBND huyện Gia Lâm, với sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp, sát sao của Thành phố, Thường trực và Ban Thường vụ Huyện ủy, sự phối hợp, hướng dẫn, giúp đỡ của các sở, ban, ngành Thành phố, UBND huyện Gia Lâm đã tập trung chỉ đạo, điều hành triển khai các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2024 và huyện đã đạt được những kết quả nổi bật.

Tại Kỳ họp thứ 13, HĐND Thành phố Hà Nội khóa XVI đã biểu quyết thông qua Nghị quyết tán thành chủ trương thành lập quận Gia Lâm và các phường thuộc quận Gia Lâm với diện tích tự nhiên là 116,64 km2, quy mô dân số hơn 300.000 người. Theo chủ trương, Gia Lâm được xác định là đô thị nằm trong khu vực phát triển mở rộng nội đô về phía Đông của Thủ đô Hà Nội với chức năng chính là phát triển dịch vụ thương mại, giáo dục, trung tâm y tế... gắn với các ngành công nghiệp, công nghệ cao theo hướng Quốc lộ 5 và Quốc lộ 1A.

Thực hiện chỉ đạo của Thường trực Thành ủy Hà Nội, huyện Gia Lâm đã, đang chú trọng phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống người dân thực chất theo mục tiêu tổng quát “Trở thành quận văn hiến, văn minh, hiện đại, phát triển toàn diện bền vững, bảo đảm sinh kế lâu dài cho người dân”.

Trước hết, huyện Gia Lâm đã tiếp tục quán triệt thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 24-CT/TU ngày 7/8/2023 của Thành ủy Hà Nội về “Tăng cường kỷ cương, kỷ luật và trách nhiệm giải quyết công việc trong hệ thống chính trị thành phố Hà Nội”, Kế hoạch số 150-KH/HU ngày 24/8/2023 của Huyện ủy và Kế hoạch số 219/KH-UBND ngày 28/9/2023 của UBND Huyện về tăng cường kỷ cương, kỷ luật và trách nhiệm giải quyết công việc trong hệ thống chính trị gắn với chủ đề công tác năm 2024 của Thành phố và của Huyện “Kỷ cương, trách nhiệm, hành động, sáng tạo, phát triển”.

Đặc biệt, huyện Gia Lâm tập trung phục hồi và đẩy mạnh phát triển kinh tế, chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Giá trị sản xuất các ngành kinh tế chủ yếu do huyện quản lý ước tăng 12,24% bằng 1,13 lần mức tăng trưởng của cùng kỳ năm 2023. Công tác tài chính ngân sách tập trung chỉ đạo, thực hiện chặt chẽ, hiệu quả, kịp thời, tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn năm 2024 ước đạt 6.043,7 tỷ đồng, bằng 141,0% dự toán Thành phố Hà Nội và huyện giao, bằng 144,8% so với năm trước. Huyện cũng đã tổ chức đấu giá thành công Dự án khu đất Tháp Vàng, thôn Trân Tảo, xã Phú Thị, huyện Gia Lâm số tiền trúng đấu giá trên 570,1 tỷ đồng, dự kiến thực hiện thu nộp ngân sách 268 tỷ đồng.

Công tác xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu gắn với đầu tư, xây dựng huyện thành quận, xã thành phường: hoàn thành hồ sơ trình Trung ương xem xét, quyết định Huyện đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. Bên cạnh đó hoàn thành phê duyệt đề cương nhiệm vụ xây dựng đề xuất mô hình thí điểm xã nông thôn mới thông minh tại Dương Xá để triển khai các bước tiếp theo đảm bảo tiến độ đề ra.

chuyen-doi-so-glam.jpg
Người dân được hướng dẫn thực hiện dịch vụ công trực tuyến tại Bộ phận tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả thủ tục hành chính tại xã Đặng Xá, huyện Gia Lâm.

Cùng đó, công tác xây dựng chính quyền và cải cách hành chính được huyện Gia Lâm đẩy mạnh, tăng cường, nâng cao hiệu quả công tác kiểm tra công vụ. Chấm điểm Chỉ số cải cách hành chính năm 2023 huyện Gia Lâm đứng thứ 11/30 quận huyện của Thành phố, tăng 3 bậc, chỉ số SIPAS đứng thứ 2/30 quận huyện, tăng 7 bậc so với năm 2022. Công tác giải quyết đơn thư, khiếu nại tập trung giải quyết, tỷ lệ giải quyết đơn đến hạn giải quyết đạt 92,3%. Triển khai đồng bộ việc sử dụng chữ ký số trong thực hiện nhiệm vụ tới 100% các phòng, ban đơn vị và UBND các xã, thị trấn.

Văn hóa, xã hội duy trì và phát triển, làm tốt công tác quản lý và tổ chức lễ hội, quản lý di tích, tổ chức thành công lễ hội Đền - Chùa Bà Tấm và đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhì xã Dương Xá, Lễ hội làng Bát Tràng (xã Bát Tràng), Lễ hội Gióng (xã Phù Đổng) gắn với các hoạt động quảng bá, xúc tiến du lịch.

Đến nay, huyện Gia Lâm cũng đã xây dựng được các điểm du lịch và các sản phẩm du lịch được Thành phố Hà Nội công nhận: điểm du lịch văn hóa - tâm linh gắn với hệ thống đền - chùa xã Phù Đổng - Dương Xá - Văn Đức; điểm du lịch làng nghề Bát Tràng… thu hút hàng vạn lượt du khách tham quan, trải nghiệm. An sinh xã hội tại huyện Gia Lâm được đảm bảo, chính sách xã hội thực hiện kịp thời, đầy đủ, đúng đối tượng, triển khai chuyển đổi số trong chi trả an sinh xã hội không dùng tiền mặt.

ailao.jpg
Các nghệ nhân trình diễn hát múa Ải Lao tại lễ hội Gióng đền Phù Đổng 2024 tại xã Phù Đổng, huyện Gia Lâm.

Song song với phát triển kinh tế, công tác quy hoạch, quản lý đô thị, đầu tư xây dựng cơ bản được quan tâm chỉ đạo. Diện mạo đô thị huyện Gia Lâm ngày càng khang trang, hiện đại. Trên địa bàn huyện hiện nay đã có nhiều tuyến đường quan trọng, liên kết vùng, như: Đường Yên Viên – Đình Xuyên – Phù Đổng; đường Lý Thánh Tông; đường gom từ Cầu Thanh Trì đến cầu vượt Phú Thụy; đường song hành với đường ô tô cao tốc Hà Nội - Hải Phòng…, những khu đô thị có hạ tầng đồng bộ, thu hút hàng vạn cư dân đến sinh sống cũng đã xuất hiện tại huyện Gia Lâm như Khu đô thị Vinhomes Ocean Park, Khu đô thị Đặng Xá, Khu đô thị Trâu Quỳ...

Tính đến hết năm 2023, huyện Gia Lâm đã đạt 4/4 tiêu chuẩn, nhóm tiêu chuẩn và 31/31 tiêu chuẩn của nhóm tiêu chuẩn về cơ cấu, trình độ phát triển kinh tế - xã hội thành lập quận. Hiện nay, Thành phố Hà Nội đang trình cấp có thẩm quyền điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng Thủ đô để hoàn tất điều kiện pháp lý quan trọng thành lập quận Gia Lâm.

Trên địa bàn huyện Gia Lâm có 250 di tích lịch sử văn hóa, trong đó có 98 di tích văn hóa cấp quốc gia và thành phố, 8 di tích cách mạng được gắn biển cách mạng kháng chiến. Huyện Gia Lâm cũng là địa phương tập trung nhiều làng nghề truyền thống như làng nghề gốm sứ Bát Tràng; làng nghề quỳ vàng, may da ở xã Kiêu Kỵ, làng nghề bào chế thuốc Nam, thuốc Bắc ở xã Ninh Hiệp; sơ chế gỗ, mộc ở Đình Xuyên; buôn bán đồ may mặc ở Yên Thường; bún, bánh phở làng Vân xã Yên Viên...

keiu-ky.jpg
Làng nghề quỳ vàng Kiêu Kỵ, huyện Gia Lâm đã, đang được nghệ nhân, thợ nghề gìn giữ, phát triển.

Huyện Gia Lâm còn có khoảng 84 lễ hội đình chùa được tổ chức, trong đó có những di tích nổi tiếng như đền Ỷ Lan, đền Chử Đồng Tử. Đặc biệt, hội Gióng ở đền Phù Đổng và đền Sóc của Việt Nam đã chính thức được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Đây là nguồn lực vô giá để Gia Lâm phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn nói riêng, Hà Nội nói chung./.

Trung Kiên