Huyện Đan Phượng: Đảm bảo cung ứng mặt hàng thiết yếu dịp Tết Ất Tỵ 2025
Phó Chủ tịch UBND huyện Đan Phượng (TP. Hà Nội) Nguyễn Thạc Hùng vừa ký ban hành Kế hoạch phục vụ Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán Ât Tỵ năm 2025 lĩnh vực Công thương trên địa bàn huyện, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng tại huyện Đan Phượng nói riêng và có thể cung cấp một phần cho thị trường Thành phố Hà Nội nói chung.
Lãnh đạo UBND huyện Đan Phượng nhấn mạnh, Kế hoạch trên nhằm thực hiện có hiệu quả các Nghị quyết của Chính phủ, các bộ ngành Trung ương và các Nghị quyết của Thành ủy, HĐND thành phố Hà Nội về những giải pháp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, kích cầu tiêu dùng, đẩy mạnh tiêu thụ hàng hóa, tăng tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ xã hội, thực hiện các biện pháp nhằm đảm bảo an sinh xã hội, giữ vững an ninh chính trị - trật tự an toàn xã hội, ổn định đời sống nhân dân trên địa bàn huyện.
Bên cạnh đó, tăng cường công tác chỉ đạo điều hành, thực hiện các giải pháp đảm bảo sản xuất, lưu thông, cân đối cung cầu, bình ổn thị trường mặt hàng thiết yếu phục vụ nhân dân trong dịp Tết dương lịch và Tết Nguyên đán Ất Tỵ năm 2025; triển khai bình ổn thị trường Tết gắn với việc thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Đồng thời nắm bắt, cung cấp thông tin để doanh nghiệp triển khai các giải pháp thúc đẩy phát triển hoạt động sản xuất kinh doanh, nâng cao chất lượng hàng hóa, dịch vụ chuẩn bị tốt nguồn cung cấp hàng thiết yếu phục vụ nhu cầu của nhân dân trên địa bàn huyện trong dịp Tết. Đảm bảo đầy đủ cung ứng điện phục vụ nhu cầu sản xuất của các doanh nghiệp trên địa bàn…
UBND huyện Đan Phượng xác định nhóm hàng cần đảm bảo cung cầu trong dịp Tết gồm có: gạo; thịt bò; thịt lợn; thịt gà; thủy hải sản; trứng gà, vịt; thực phẩm chế biến; rau củ, trái cây tươi. Các mặt hàng có nhu cầu cao trong dịp Tết là nông lâm sản khô, bánh mứt kẹo, xăng dầu...
Thời điểm Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán là thời điểm thuận lợi đối với hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp. Trong thời gian này các doanh nghiệp liên tục triển khai các hoạt động xúc tiến thương mại, chương trình khuyến mại, giảm giá nhằm kích cầu tiêu dùng, dịch vụ cho khách hàng thông qua các hình thức mua bán truyền thống và mua bán hàng trực tuyến. Căn cứ vào dân số, diễn biến thị trường, sức mua trên địa bàn huyện, dự báo nhu cầu và nguồn hàng dịp cuối năm và Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025 để chủ động cung ứng kịp thời, đầy đủ.
Đồng chí Nguyễn Thạc Hùng, cho biết, hệ thống cung ứng hàng hóa dịp Tết trên địa bàn huyện Đan Phượng gồm 8 chợ truyền thống, 3 siêu thị tổng hợp, 4 siêu thị điện máy lớn và các cửa hàng tiện lợi, cửa hàng bán lẻ trên địa bàn các xã, 10 cửa hàng xăng dầu, các cửa hàng kinh doanh khí hóa lỏng và các kênh bán hàng qua website, đường dây nóng, ứng dụng... cung ứng hàng hóa thiết yếu bán hàng theo hình thức trực tuyến. Với hệ thống cung ứng hàng hóa trên địa bàn sẽ đáp ứng đủ nhu cầu cho thị trường.
Ngoài ra, huyện Đan phượng hiện còn sản xuất nông nghiệp với tổng diện tích gieo trồng cây hàng năm 2024 ước đạt 5.221,4 ha, trong đó diện tích lúa 757,6 ha, năng suất đạt 55,9 tạ/ha, sản lượng 4.239 tấn; ngô 614,8ha, năng suất đạt 48,5 tạ/ha, sản lượng 2.982 tấn; đậu tương 92,6ha, năng suất đạt 18,6 tạ/ha, sản lượng 172 tấn; rau các loại 1.833,1 ha, năng suất đạt 225,9 tạ/ha, sản lượng 41.418 tấn; hoa 1.729,7 ha, cây màu khác 193,6 ha. Diện tích cây lâu năm 1.200 ha, trong đó diện tích cây ăn quả đạt 1.100 ha; tổng sản lượng dự kiến 17.000 tấn. Công tác chăn nuôi được chú trọng, tổng đàn lợn hiện có 63.352 con, đàn trâu bò 2.795 con, đàn gia cầm 203.240 con. “Với sản lượng từ nuôi trồng từ quy mô sản xuất trên, huyện Đan phượng có thể tự đáp ứng được nhu cầu tiêu dùng trên địa bàn huyện và còn có thể cung cấp một phần cho thị trường Thành phố” – Phó Chủ tịch UBND huyện Đan Phượng Nguyễn Thạc Hùng, nhấn mạnh.
Để đảm bảo thực hiện Kế hoạch hiệu quả, UBND huyện Đan Phượng yêu cầu các đơn vị sản xuất kinh doanh có phương án sản xuất kinh doanh hợp lý, đảm bảo đầy đủ nguồn cung cấp hàng hóa thiết yếu phục vụ nhân dân trước, trong và sau Tết không để xảy ra tình trạng thiếu hàng hóa lưu thông trên thị trường. Có phương án đảm bảo an toàn phòng chống dịch cho người lao động và khách đến mua sắm. Hàng hóa đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm, niêm yết giá công khai, bán theo giá niêm yết.
Cùng đó, các đơn vị kinh doanh tổ chức bán hàng thường xuyên, liên tục, đa dạng hóa các hình thức bán hàng phục vụ nhu cầu mua sắm Tết của nhân dân. Các địa điểm kinh doanh trên địa bàn được trang trí, sắp xếp gọn gàng, đảm bảo vệ sinh môi trường, an ninh trật tự, an toàn phòng cháy chữa cháy. Ngoài ra, các phòng ban liên quan, UBND các xã, thị trấn, các doanh nghiệp, hộ kinh doanh trên địa bàn huyện Đan Phượng tổ chức tốt công tác phục vụ tết nhiều hình thức, đẩy mạnh các sự kiện kích cầu tiêu dùng, xúc tiến thương mại, OCOP, chương trình khuyến mại tập trung, kiềm chế lạm phát, đảm bảo an sinh xã hội… đáp ứng nhu cầu sinh hoạt của người dân trước, trong và sau Tết.
Đảm bảo tốt công tác kết nối, vận chuyển, lưu thông hàng hóa. Tổ chức tốt các chương trình khuyến mại nhằm kích cầu tiêu dùng, kiềm chế lạm phát, đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn. Tổ chức công tác thanh tra, kiểm tra lĩnh vực về giá, chất lượng hàng hóa, đảm bảo an toàn thực phẩm, công tác phòng chống dịch trên địa bàn huyện Đan Phượng./.