Mở cơ hội mới cho sự phát triển văn hóa trong kỷ nguyên hội nhập
Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025 – 2035 (sau đây gọi là Chương trình) vừa được Quốc hội khóa XV thông qua tại kỳ họp thứ 8, có thiết kế như một chiến lược toàn diện để khắc phục các điểm nghẽn về nguồn lực, mở ra cơ hội mới cho sự phát triển văn hóa Việt Nam trong kỷ nguyên hội nhập và hiện đại hóa.
1. Quốc hội đã quyết nghị nguồn vốn thực hiện Chương trình giai đoạn 2025 - 2030 tối thiểu là 122.250 tỷ đồng, trong đó vốn ngân sách trung ương là 77.000 tỷ đồng, vốn ngân sách địa phương là 30.250 tỷ đồng, nguồn vốn khác dự kiến khoảng 15.000 tỷ đồng. Thẩm tra Báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư Chương trình, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội khẳng định việc bố trí nguồn lực thỏa đáng là cần thiết để cụ thể hóa đầy đủ, hiệu quả các quan điểm, chủ trương của Đảng về phát triển văn hóa.
Để tranh thủ tối đa thời cơ, thuận lợi, đẩy lùi nguy cơ, thách thức, tăng cường tiềm lực, sức mạnh thực hiện thắng lợi các mục tiêu chiến lược mà Đại hội lần thứ XIII của Đảng đã đề ra; toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta cần nỗ lực phấn đấu, chung sức đồng lòng, kế thừa, phát huy mạnh mẽ truyền thống vẻ vang và kinh nghiệm quý báu của Đảng ta;... Kiên định phát triển kinh tế - xã hội là trung tâm, xây dựng Đảng là then chốt, phát triển văn hóa là nền tảng tinh thần, bảo đảm quốc phòng, an ninh là trọng yếu, thường xuyên; phát huy tối đa nội lực, tranh thủ ngoại lực, trong đó nguồn lực nội sinh, nguồn lực con người là quan trọng nhất.
Tổng Bí thư Tô Lâm
Ủy viên thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội - PGS.TS Bùi Hoài Sơn nhấn mạnh, đây không chỉ là sự đầu tư về tài chính mà còn là sự đầu tư về trí tuệ, sáng tạo và tâm huyết cho một nền văn hóa không ngừng đổi mới, bền vững và hội nhập.
Mục tiêu tổng quát Chương trình hướng tới 7 vấn đề trọng tâm, đó là tạo sự chuyển biến mạnh mẽ và toàn diện trong phát triển văn hóa và xây dựng, hoàn thiện nhân cách, chuẩn mực đạo đức, bản sắc, bản lĩnh, hệ giá trị con người, gia đình Việt Nam. Nâng cao đời sống tinh thần, khả năng tiếp cận, thụ hưởng văn hóa, nhu cầu tập luyện, giải trí của nhân dân, thu hẹp sự chênh lệch trong thụ hưởng văn hóa giữa các vùng, miền, các tầng lớp dân cư, giới tính từ đó nâng cao năng suất lao động, hiệu quả công việc.
Đồng thời Chương trình huy động sự tham gia của mọi tổ chức, cá nhân và cộng đồng trong việc quản lý, bảo vệ, phát huy giá trị di sản văn hóa của dân tộc; huy động nguồn lực, tập trung đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, chất lượng, hiệu quả cho phát triển văn hóa, đóng góp trực tiếp vào phát triển kinh tế - xã hội, thúc đẩy các ngành công nghiệp văn hóa trở thành bộ phận cấu thành quan trọng của nền kinh tế quốc dân. Chương trình cũng hướng đến mục tiêu xây dựng nguồn nhân lực văn hóa, nghệ thuật chuyên nghiệp, chất lượng cao, có bản lĩnh chính trị phục vụ nhu cầu trong nước và hướng đến đáp ứng các thị trường nước ngoài.
Phát huy tính dân tộc, tính khoa học, tính đại chúng của văn hóa thông qua đầu tư để bảo tồn văn hóa truyền thống dân tộc, xây dựng môi trường văn hóa cơ sở, với nhân dân là chủ thể sáng tạo, đội ngũ trí thức, văn nghệ sỹ đóng vai trò quan trọng. Và mục tiêu tổng quát cuối cùng của Chương trình, đó là hội nhập quốc tế và tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại, xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, phát huy sức mạnh mềm của văn hóa Việt Nam.
Chương trình được thực hiện trên phạm vi cả nước và tại một số quốc gia có mối quan hệ văn hóa lâu dài, tương tác văn hóa lâu dài với Việt Nam, có đông đảo người Việt Nam sinh sống, lao động, học tập. Trong đó, ưu tiên nguồn lực của Chương trình để đầu tư cho các nhiệm vụ trọng tâm, trọng điểm theo nhóm mục tiêu đã được xác định. Đặc biệt, Chương trình tập trung vào các hoạt động thuộc các lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật cụ thể: di sản văn hóa; văn hóa cơ sở; nghệ thuật biểu diễn (âm nhạc, sân khấu, múa...); văn học; mỹ thuật, nhiếp ảnh và triển lãm; điện ảnh; thư viện; giáo dục văn hóa; đào tạo; văn hóa dân tộc (văn nghệ dân gian, văn nghệ các dân tộc thiểu số,…); văn hóa đối ngoại; công nghiệp văn hóa…
2. Trước đó, Bộ Chính trị đã ban hành Kết luận số 100-KL/TW về đề xuất chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025 - 2035. Theo Bộ Chính trị, thời gian qua, các cấp ủy, tổ chức đảng ngày càng quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, xây dựng phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc gắn với xây dựng hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa trong thời kỳ mới; chú trọng phát triển hài hòa, toàn diện giữa kinh tế với văn hóa, bảo đảm tiến bộ và công bằng xã hội; xây dựng thể chế chính sách về văn hóa ngày càng hoàn thiện; ngân sách nhà nước và huy động nguồn lực xã hội đầu tư cho văn hóa ngày càng tăng; đời sống văn hóa tinh thần cho Nhân dân được nâng cao, từng bước thu hẹp khoảng cách hưởng thụ văn hóa giữa các vùng, miền, chú trọng phát triển văn hóa vùng đồng bào dân tộc thiểu số; tạo động lực quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và phát triển bền vững đất nước. Bộ Chính trị thống nhất chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025 - 2035.
Tại Kết luận số 100-KL/TW, Bộ Chính trị cũng đồng thời nhấn mạnh, phát triển văn hóa phải giữ vững định hướng xã hội chủ nghĩa, chú trọng đổi mới sáng tạo trên cơ sở giữ vững và phát huy bản sắc dân tộc; trọng tâm là xây dựng con người Việt Nam thời kỳ mới, xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, hoàn thiện đồng bộ thể chế chính sách, pháp luật về phát triển văn hóa, hệ thống thiết chế văn hóa; huy động, phát huy tối đa nguồn lực nhà nước và xã hội để đầu tư phát triển văn hóa. Đẩy mạnh chuyển đổi số; quan tâm lựa chọn đầu tư xây dựng một số tác phẩm văn hóa đại chúng, tác phẩm nghệ thuật đỉnh cao, góp phần nâng cao giá trị, bản sắc và năng lực hội nhập của văn hóa Việt Nam.
Quá trình thực hiện các nội dung thành phần của Chương trình cần tính toán kỹ lưỡng về tính cấp bách, tính hiệu quả và khả năng bố trí nguồn lực; bảo đảm có đầu tư trọng tâm, trọng điểm, không dàn trải; phân cấp trách nhiệm cho địa phương về phân bổ nguồn lực và tổ chức thực hiện. Các cấp ủy, tổ chức đảng lãnh đạo, chỉ đạo, quán triệt, coi việc triển khai thực hiện Chương trình là nhiệm vụ chính trị quan trọng của cả hệ thống chính trị, quyết tâm phấn đấu hoàn thành các mục tiêu của Chương trình.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính mới đây, cho biết một trong các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu phát triển kinh tế - xã hội năm 2025, đó là phát triển văn hóa, quan tâm hơn nữa đến việc bảo tồn, tôn tạo và phát huy các giá trị văn hóa, tinh hoa dân tộc. Năm 2025, đẩy mạnh phát triển công nghiệp văn hóa, triển khai hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025 - 2035. Như vậy một lần nữa người đứng đầu Chính phủ nước ta đã tái khẳng định phương châm: “Đảng đã chỉ đạo, Chính phủ đã thống nhất, Quốc hội đồng tình, chỉ bàn làm, không bàn lùi” và “đã nói là làm, đã cam kết là phải thực hiện; đã làm, đã thực hiện là phải có hiệu quả”.
Chương trình vừa được Quốc hội thông qua được nhiều chuyên gia đồng tình, đánh giá cao. PGS. TS Bùi Hoài Sơn nhận định, Chương trình dành một nguồn lực tài chính gồm ngân sách trung ương (chiếm 63%), địa phương (24,6%), và huy động từ các nguồn khác (12,4%) là bước tiến quan trọng, đảm bảo nguồn kinh phí ổn định và minh bạch để đầu tư vào các dự án bảo tồn di sản, xây dựng thiết chế văn hóa, phát triển công nghiệp văn hóa Việt Nam.
Chương trình là một bước đi chiến lược quan trọng để thúc đẩy sự sáng tạo, bảo tồn giá trị truyền thống và khai thác tiềm năng của ngành công nghiệp văn hóa. Đầu tư vào văn hóa là đầu tư vào tương lai, khi mà mỗi sản phẩm văn hóa không chỉ phản ánh bản sắc dân tộc mà còn là một phần không thể thiếu trong sự phát triển bền vững của quốc gia.
PGS. TS Bùi Hoài Sơn.
Đại biểu Nguyễn Trần Phượng Trân (Đoàn ĐBQH TP. Hồ Chí Minh), chia sẻ, việc đầu tư Chương trình ở thời điểm này đã góp phần tiếp tục khẳng định các quan điểm, chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của văn hóa đối với sự nghiệp xây dựng, bảo vệ và phát triển bền vững đất nước. Bên cạnh đó góp phần thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu về phát triển văn hóa đề ra trong các nghị quyết của Đảng. Hơn nữa, việc thực hiện Chương trình sẽ góp phần tăng cường nguồn lực đầu tư, đáp ứng yêu cầu bức thiết về phát triển con người toàn diện và xây dựng nền văn hóa Việt Nam trong giai đoạn mới./.