Người Hà Nội thanh lịch, văn minh

Xây dựng hệ giá trị văn hoá, chuẩn mực con người Việt Nam: Tăng cường trao đổi, kết nối về văn hoá giữa Hà Nội và Thái Nguyên

Ly Ly 17:03 29/11/2024

Sáng 28/11, Đoàn khảo sát, trao đổi kinh nghiệm trong đẩy mạnh các giải pháp thực hiện, tuyên truyền triển khai về các hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam trong thời kỳ mới tiếp tục có buổi làm việc hiệu quả tại tỉnh Thái Nguyên.

Vào đầu giờ sáng, Đoàn đã đến làm lễ dâng hương, tưởng niệm thành kính tri ân các Anh hùng liệt sĩ tại Khu di tích lịch sử quốc gia 60 liệt sĩ TNXP Đại đội 915, Đội 91 Bắc Thái, TP. Thái Nguyên. Khu di tích đã và đang là một điểm đến “về nguồn” cho nhân dân cả nước. Đồng thời cũng là nơi để giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ hôm nay và mai sau luôn ghi nhớ công lao to lớn của các liệt sĩ đã hy sinh vì nền độc lập tự do của Tổ quốc.

z6076570627616_24149e9fc08d9eb4bc488cabba7ea4ac.jpg
Đoàn công tác làm lễ dâng dương tri ân các Anh hùng liệt sĩ tại Khu di tích lịch sử quốc gia 60 liệt sĩ TNXP Đại đội 915, TP Thái Nguyên.

Lan toả và bồi đắp cốt cách hào hoa, thanh lịch của người Hà Nội trong thời kỳ mới

Chia sẻ trong chương trình trao đổi kinh nghiệm tại Thái Nguyên, Phó Giám đốc Sở Văn hoá và Thể thao Hà Nội Trần Thị Vân Anh nhấn mạnh, Thủ đô Hà Nội được biết đến là “Thủ đô của lương tri và phẩm giá con người”, “Thành phố Vì hòa bình”, “Thành phố Sáng tạo”… Đặc biệt, với vị trí địa chính trị quan trọng, là trung tâm lớn về văn hóa, những chỉ đạo quan trọng của cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hoá toàn quốc năm 2021 và những chỉ đạo của Trung ương cũng chính là những định hướng lớn, là kim chỉ nam để Đảng bộ Hà Nội luôn hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ, phát triển Thủ đô toàn diện. Trong đó, có nhiệm vụ xây dựng và phát triển văn hóa, xây dựng người Hà Nội - con người Thủ đô tiêu biểu cho văn hóa, lương tri và phẩm giá con người Việt Nam.

z6076913969325_88ff83c42a83df05aad2e01ef087b6c4.jpg
Phó Giám đốc Sở Văn hoá và Thể thao Hà Nội Trần Thị Vân Anh phát biểu.

“Đảng bộ TP. Hà Nội luôn xác định, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh là một nội dung quan trọng trong chiến lược phát triển văn hóa, hình thành hệ giá trị văn hóa gắn với phát huy những giá trị nhân văn sâu sắc của Thăng Long - Hà Nội; coi đây là nguồn lực, động lực quan trọng cho phát triển Thủ đô”.

Phó Giám đốc Sở Văn hoá và Thể thao Hà Nội Trần Thị Vân Anh

Đảng bộ Thành phố đã ban hành nhiều chỉ thị, nghị quyết, kết luận quan trọng nhằm định hướng kịp thời chiến lược phát triển văn hóa Thủ đô. Trải qua nhiều kỳ Đại hội Đảng bộ, với phương châm kiên trì, bền bỉ, hiệu quả lâu dài, Đảng bộ thành phố đã không ngừng tổ chức triển khai, tạo bước đột phá, điểm nhấn trọng tâm khơi thông dòng mạch cho nhiệm vụ phát triển văn hóa, con người. Trọng tâm là tạo bước đột phá về văn hóa, phát triển nguồn nhân lực, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh.

Điểm nhấn trong triển khai thực hiện nhiệm vụ phát triển văn hóa, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh được Đảng bộ Hà Nội khóa XVII triển khai nhằm tạo chuyển biến mạnh mẽ, thay đổi toàn diện về nhận thức, đó là Thành ủy Hà Nội đã ban hành Chỉ thị số 30-CT/TU ngày 19/2/2024 về “Tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng về xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh”. Chỉ thị nhằm tạo sự thống nhất hành động, quan điểm về phát triển văn hóa, xây dựng người Hà Nội gắn với tăng trưởng kinh tế - xã hội, đẩy nhanh tiến bộ và thực hiện công bằng xã hội, phát triển Thủ đô theo hướng bền vững.

z6080487304152_a4cb5ffe4476b301504778401310050f.jpg
Đoàn tham quan, khảo sát, trải nghiệm thực tế tại Khu bảo tồn làng nhà sàn dân tộc sinh thái Thái Hải (Bản làng Thái Hải) ở xã Thịnh Đức, TP Thái Nguyên.
z6080499369047_3803069e30047d84d16adcd76cd75b74.jpg

Xúc động khi về làm việc tại Thái Nguyên, đồng chí Trần Thị Vân Anh nhắc lại rằng, lúc sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn mong muốn: “Xây dựng tỉnh Thái Nguyên trở thành một trong những tỉnh giàu có, phồn thịnh nhất miền Bắc nước ta”. Do vậy, đồng chí Trần Thị Vân Anh mong muốn, qua lần trao đổi kinh nghiệm này, Thủ đô Hà Nội và “Thủ đô gió ngàn” Thái Nguyên sẽ có những bước đột phá mới trong việc tăng cường quan hệ giao lưu, kết nối, học hỏi lẫn nhau những mô hình, cách làm hay, hiệu quả; đặc biệt là về lĩnh vực phát triển văn hoá, xây dựng hệ giá trị văn hoá, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam ở mỗi địa phương, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu xây dựng đất nước bước vào kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.

z6077636896235_8fdabfacda0deff31e7550648c12e82f.jpg
Đồng chí Lương Đức Thắng, Phó Cục trưởng Cục Văn hoá cơ sở (Bộ VHTT&DL) phát biểu.

Đồng chí Lương Đức Thắng, Phó Cục trưởng Cục Văn hoá cơ sở (Bộ VHTT&DL) và đồng chí Trần Thị Vân Anh, Phó Giám đốc Sở Văn hoá và Thể thao Hà Nội đánh giá cao những nỗ lực và quyết tâm của cả hệ thống chính trị, sự đồng lòng, tham gia tích cực của người dân trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên nói chung và ngành Văn hoá, Thể thao và Du lịch nói riêng trong nỗ lực quyết tâm xây dựng Thái Nguyên trở thành “nơi đáng sống, đáng đến, an toàn và thịnh vượng”. Những nỗ lực, quyết tâm đó được thể hiện bằng kết quả thực tế; bằng thái độ, tinh thần trách nhiệm, cách ứng xử văn hoá, văn minh, nghĩa tình của lãnh đạo, cán bộ, đảng viên, viên chức và người dân trên địa bàn tỉnh.

Theo Phó Cục trưởng Cục Văn hoá cơ sở Lương Đức Thắng, Thái Nguyên là nơi có nhiều đồng bào dân tộc sinh sống, do vậy, để phát huy được vốn văn hóa sẵn trong việc xây dựng hệ giá trị văn hoá, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam, tỉnh cần tiếp tục tập trung xây dựng và phát triển sản phẩm du lịch cộng đồng gắn với bảo tồn bản sắc văn hóa các dân tộc thiểu số và xây dựng nông thôn mới. Phát triển mô hình du lịch cộng đồng gắn với sự tham gia trực tiếp của người dân nhằm phát huy các giá trị văn hóa, lịch sử, cảnh quan thiên nhiên, bản sắc văn hóa dân tộc. Đây cũng là nội dung Hà Nội có thể tham khảo để vận dụng triển khai tại Thủ đô.

Thái Nguyên - Khát vọng vươn tầm

Phó Giám đốc Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch tỉnh Thái Nguyên Vũ Thị Thu Hường cho biết, tỉnh Thái Nguyên là quê hương của nhiều danh nhân lịch sử, văn hóa như: Lý Bí tức Lý Nam Đế, vị hoàng đế đầu tiên của nước ta, người đã lãnh đạo nhân dân đứng lên khởi nghĩa, lập nên Nhà nước Vạn Xuân. Tại An toàn khu Định Hoá (ATK Định Hóa - Thái Nguyên), Bác Hồ đã cùng Trung ương Đảng họp bàn và quyết định nhiều chủ trương quan trọng đi đến thắng lợi sau 9 năm trường kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp. Đồng thời, người Thái Nguyên luôn tự hào cùng với Tuyên Quang, Bắc Kạn, Thái Nguyên trở thành “Thủ đô gió ngàn” - Thủ đô của đất nước trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp, trong đó Thái Nguyên giữ vị trí đặc biệt quan trọng, vị trí trung tâm của “Thủ đô kháng chiến”.

z6076913749181_a62a9f12192b0ef6a5aac4bc77ec7b6a.jpg
Phó Giám đốc Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch tỉnh Thái Nguyên Vũ Thị Thu Hường phát biểu.

Về chuẩn mực con người Việt Nam, đồng chí Lương Đức Thắng gợi ý, bám sát các tiêu chí đã ban hành của Bộ VHTT&DL và Trung ương, trên cơ sở truyền thống của quê hương cách mạng, tỉnh tập trung xây dựng con người Thái Nguyên phát triển toàn diện, yêu nước, nghĩa tình, thực hiện đạo lý “uống nước nhớ nguồn”, “đền ơn đáp nghĩa”, “tương thân tương ái”...

Theo báo cáo tại buổi trao đổi kinh nghiệm, việc xây dựng hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên được cấp ủy, chính quyền cụ thể hóa bằng việc ban hành và triển khai có hiệu quả nhiều nghị quyết, chương trình, đề án, kế hoạch. Tỉnh thường xuyên quan tâm, ưu tiên bố trí nguồn vốn đầu tư công lồng ghép với các nguồn vốn hợp pháp khác để thực hiện hiệu quả Chương trình phát triển văn hóa, thể thao và du lịch. Chỉ đạo thực hiện các nội dung tuyên truyền về hệ giá trị Việt Nam gắn với nội dung xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh.

z6077835175540_dae7eab874c3c7a19389e8c7c7bf7dce.jpg
Đoạn chụp ảnh lưu niệm tại Bản làng Thái Hải.

Trong các hoạt động văn hóa, sáng tác văn học, nghệ thuật; hoạt động bảo tồn, phát huy các giá trị di sản văn hóa; trong thực hiện Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá”. Công tác gia đình và nhiều hoạt động khác của các ngành, đoàn thể và địa phương. Từ đó, quán triệt sâu sắc và toàn diện những nội dung về hình thành chuẩn mực con người Việt Nam trong thời kỳ mới, bồi đắp hệ giá trị gia đình, phát triển hệ giá trị văn hóa, góp phần củng cố hệ giá trị quốc gia trên nền tảng bảo tồn, kế thừa, phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc và tiếp thu chọn lọc tinh hoa văn hóa thế giới, xây dựng và phát triển văn hóa, con người Thái Nguyên đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững của đất nước.

“Trong những năm qua tỉnh Thái Nguyên xác định quan điểm xuyên suốt: “Phát triển văn hóa thực sự trở thành nền tảng tinh thần vững chắc của xã hội, là sức mạnh nội sinh, động lực quan trọng để phát triển kinh tế nhanh, bền vững của tỉnh” gắn với khát vọng trở thành tỉnh bình yên, hạnh phúc, sung túc và thân thiện”.

Phó Giám đốc Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch Vũ Thị Thu Hường

Quy hoạch tỉnh Thái Nguyên thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đã xác định: Mục tiêu đến năm 2030, Thái Nguyên trở thành một trong những trung tâm về sản xuất điện, điện tử, cơ khí chế tạo trình độ cao; giáo dục - đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao; y tế, chăm sóc sức khỏe, du lịch; chuyển đổi số của khu vực trung du và miền núi Bắc Bộ. Đến năm 2050, Thái Nguyên trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, xanh, thông minh, có bản sắc rõ ràng; là một trong những trung tâm công nghiệp hiện đại của vùng Thủ đô Hà Nội và cả nước.

z6077147905090_07220779d76bbbc6fbae87c1f970cb30.jpg
Phó Giám đốc Sở Văn hoá và Thể thao Hà Nội Trần Thị Vân Anh tặng quà lưu niệm và tặng ấn phẩm tạp chí Người Hà Nội cho Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch tỉnh Thái Nguyên.
z6081124230880_65cd953eae975ea870d8fdb3033a2dd0.jpg

Phó Giám đốc Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch tỉnh Thái Nguyên Vũ Thị Thu Hường cùng đại điện các phòng, bộ phận liên quan thuộc Sở hy vọng Hà Nội tiếp tục hỗ trợ, kết nối để Thái Nguyên có dịp tiếp cận và tìm hiểu sâu hơn nữa các nội dung triển khai thực hiện xây dựng hệ giá trị văn hoá quốc gia, hệ văn hoá gia đình Việt Nam cũng như trong lĩnh việc xây dựng hệ giá trị văn hoá người Hà Nội; xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh trên địa bàn Thủ đô. Mong muốn học tập và triển khai mô hình tuyên dương Công dân ưu tú “Người tốt, việc tốt” của Thủ đô tại Thái Nguyên; kết nối quảng bá, giới thiệu các sản phẩm trà của Thái Nguyên tại Hà Nội…

z6077636883188_e0e28a22e4dfbc95414e1555be75cdd8.jpg
Phó Giám đốc Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch tỉnh Thái Nguyên Vũ Thị Thu Hường tặng quà lưu niệm của Đoàn công tác.

Trưởng phòng Quản lý Văn hoá (Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch tỉnh Thái Nguyên) cho biết, phát huy thế mạnh về trà, tỉnh hướng tới xây dựng các sản phẩm du lịch gắn với văn hóa Trà như: Du lịch văn hóa, lịch sử, tâm linh gắn với văn hóa Trà; Du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, MICE gắn với văn hóa Trà. Du lịch khám phá hang động mạo hiểm, thể thao gắn với văn hóa Trà nhằm tạo sản phẩm du lịch đặc trưng, riêng có của tỉnh Thái Nguyên.

Đồng thời, hướng dẫn các đơn vị, địa phương sử dụng hiệu quả các thiết chế văn hóa; thực hiện hỗ trợ trên 200 bộ trang thiết bị văn hóa, thể thao, điểm vui chơi trẻ em thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi cho thiết chế văn hóa, thể thao xã, xóm góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống mức độ thụ hưởng văn hóa cho các tầng lớp nhân dân.

Trong chuyến khảo sát, trao đổi kinh nghiệm tại Thái Nguyên, Đoàn công tác đã đến tham quan, học tập thực tế tại Khu bảo tồn làng nhà sàn dân tộc sinh thái Thái Hải (Bản làng Thái Hải) ở xã Thịnh Đức, TP Thái Nguyên.

z6081140237268_24145c320acf90b2080ec4ac379a3d15.jpg
Chị Lê Thị Nga giới thiệu mô hình Bản làng Thái Hải.

Chị Lê Thị Nga, Phó bản, Bản làng Thái Hải chia sẻ: Cả làng ăn chung một nồi cơm, tiêu chung một túi tiền, cùng nuôi dạy con cái và làm công việc chung (làm du lịch cộng đồng). Giữa các ngôi nhà ở đây không có nhà nào giàu, không có nhà nào nghèo, không có ai tư lợi cá nhân mà tất cả là vì một cộng đồng bản làng Thái Hải. Đó là những nét văn hóa đặc sắc của đồng bào dân tộc Tày tại Bản làng Thái Hải.

z6081151496774_9f6be41b1d9ef29f0489b0ade0b38ece.jpg
Đoàn tham quan trải nghiệm tại Hợp tác xã chè Hảo Đạt.

Cùng ngày, Đoàn công tác cũng đã đến tham quan trải nghiệm tại Hợp tác xã chè Hảo Đạt xã Tân Cương (xã Tân Cương, TP. Thái Nguyên); trò chuyện với bà Đào Thanh Hảo, Giám đốc HTX chè Hảo Đạt; tham quan Không gian trà và nơi chế biến chè của Hợp tác xã chè Hảo Đạt./.

Ly Ly