Sự kiện & Bình luận

Hà Nội chuẩn bị tâm thế để bước vào kỷ nguyên vươn mình cùng đất nước

Đình Thế 11:48 29/11/2024

Tại buổi làm việc với Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội vừa qua, Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh, Hà Nội là Đảng bộ trọng điểm, là một trong những Đảng bộ gương mẫu đi đầu trong triển khai thực hiện các Nghị quyết, Chỉ thị của Trung ương. Hà Nội cũng là một cực tăng trưởng kinh tế của khu vực và cả nước, dẫn dắt cả nước. Tổng Bí thư Tô Lâm mong muốn Hà Nội phải bứt phá, chuẩn bị tâm thế để bước vào kỷ nguyên vươn mình.

tbt-pb20241127155538.jpg
Tổng Bí thư Tô Lâm nói về hai vấn đề thành phố Hà Nội cần phải tập trung giải quyết ngay ô nhiễm môi trường và ùn tắc giao thông.

Hiện nay, cả nước đang chuẩn bị tiến tới Đại hội Đảng các cấp. Trung ương cũng đã thống nhất cao phải nỗ lực gấp nhiều lần, phải chuẩn bị một tâm thế mới để đưa đất nước phát triển vượt bậc, bước vào kỷ nguyên vươn mình. Trung ương cũng nhấn mạnh đến việc phải chống lãng phí. Kỳ họp thứ 8 của Quốc hội khóa XV sắp kết thúc, có rất nhiều Luật, Nghị quyết mới, chính sách mới được ban hành…

Thủ đô ngày càng có nhiều khởi sắc, uy tín của cấp ủy, chính quyền các cấp đối với Nhân dân ngày càng được tăng cường. Thành phố Hà Nội cũng đã triển khai rất nhanh và quyết liệt những chủ trương của Trung ương, tạo tiền đề phát triển mạnh mẽ trong giai đoạn phát triển mới.

Với mong muốn Hà Nội phải bứt phá, đáp ứng kỳ vọng của Trung ương và nhân dân, Tổng Bí thư Tô Lâm cho rằng, Thành phố đang có rất nhiều việc phải làm, nhưng có hai việc quan trọng cần phải tập trung là giải quyết ô nhiễm môi trường và ùn tắc giao thông… Trong đó, Tổng Bí thư Tô Lâm bày tỏ sự quan tâm đặc biệt đến việc xử lý ô nhiễm sông Tô Lịch rồi sau đó đến các dòng sông nội đô khác.

Những công việc trọng điểm mà Thành phố đã và đang triển khai, đó là công tác quy hoạch, giao thông công cộng, môi trường, xử lý nước, xử lý rác thải, không khí…, Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh đây cũng là vấn đề Nhân dân quan tâm, mong muốn, vì vậy Hà Nội cần phải làm tốt hơn nữa.

Tổng Bí thư Tô Lâm gợi mở Thành phố học tập kinh nghiệm của các Thành phố đã thành công trong xử lý ô nhiễm môi trường; tập trung làm tốt hơn nữa các vấn đề bảo vệ môi trường, khắc phục tình trạng ô nhiễm từ nguồn phát thải ô tô và xe gắn máy để xây dựng một Thủ đô xanh, sạch, văn minh, hiện đại.

nguyen-van-phong-7199.jpg
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong báo cáo tại buổi làm việc.

Về một số nhiệm vụ được cử tri Thủ đô quan tâm, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong chỉ ra nhiều đầu mục công việc cần tập trung quyết liệt trong thời gian tới như: Xử lý các vấn đề môi trường; các nhiệm vụ về đầu tư phát triển hạ tầng giao thông và xây dựng các công trình khu vực Hồ Tây; tích cực triển khai Quy hoạch phát triển hai bên bờ sông Hồng; hướng tới phát triển dự án tuyến đường sắt đô thị số 5 (Văn Cao - Láng - Hòa Lạc)...

Để làm rõ hơn hai vấn đề mà Tổng Bí thư Tô Lâm quan tâm là giải quyết ô nhiễm môi trường và phát triển hạ tầng giao thông để giảm ùn tắc, chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh cho biết, thành phố đã quan tâm quyết liệt chỉ đạo vấn đề xử lý ô nhiễm nước thải.

Đến nay, thành phố đã có 6 nhà máy/trạm xử lý nước thải tập trung theo Quy hoạch thoát nước Thủ đô được đầu tư xây dựng và đưa vào vận hành, chủ yếu tập trung tại vùng đô thị trung tâm phía Nam sông Hồng - lưu vực sông Tô Lịch và một phần lưu vực Tả Nhuệ với tổng công suất xử lý là 314.300 m3/ngày đêm; đạt tỷ lệ 30,9% nước thải được thu gom và xử lý đạt tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật.

tran-sy-thanh-758120241127145321.jpg
Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh báo cáo tại buổi làm việc về ô nhiễm môi trường và phát triển hạ tầng giao thông để giảm ùn tắc.

Tháng 12/2024, Nhà máy xử lý nước thải Yên Xá sẽ đi vào vận hành chạy thử với công suất 100.000 m3/ngày đêm, nâng tỷ lệ lên 40%; dự kiến năm 2025, khi dự án hoàn thành toàn bộ (công suất 270.000 m3/ngđ) sẽ đạt 50% (hoàn thành chỉ tiêu kế hoạch đề ra).

Đặc biệt, Hà Nội đang chỉ đạo, hoàn thiện, phê duyệt Đề án “Phục hồi chất lượng môi trường và phát triển hệ thống 04 sông nội đô: Tô Lịch, Kim Ngưu, Lừ, Sét” trong tháng 1-2024. Trên cơ sở thu gom triệt để nước thải xả vào sông Tô Lịch, vận hành tốt hệ thống Xử lý nước thải Yên Xá, đầu tư cải tạo, nâng cấp cảnh quan dọc 2 bờ sông, dự kiến trong năm 2025, môi trường, cảnh quan sông Tô Lịch sẽ chuyển biến tích cực, phục vụ hiệu quả nhân dân Thủ đô...

Về thu gom, xử lý rác thải, hiện nay trên địa bàn Thành phố, lượng rác thải sinh hoạt phát sinh 6.800-7.500 tấn/ngày. Để giải quyết tốt vấn đề bức xúc về rác thải, Thành phố đã chỉ đạo thực hiện nhiều biện pháp đồng bộ, kêu gọi đầu tư, xã hội hóa các công trình, dự án xử lý rác thải.

Thành phố đã triển khai mô hình thí điểm phân loại rác thải sinh hoạt tại nguồn tại 5 quận (Ba Đình, Hoàn Kiếm, Đống Đa, Hai Bà Trưng, Nam Từ Liêm) và dự kiến Quý I/2025, sẽ nhân rộng thực hiện trên toàn địa bàn TP.

Về môi trường không khí, toàn Thành phố hiện có 10 KCN, khoảng 318 làng nghề đang hoạt động, gần 1,2 triệu ô tô và 7 triệu xe máy lưu thông hàng ngày, cùng với các hoạt động xây dựng là nguồn phát thải gây ô nhiễm không khí chủ yếu trên địa bàn. Để khắc phục tồn tại này, năm 2024, Thành phố đã ban hành Kế hoạch quản lý chất lượng môi trường không khí đến năm 2030, định hướng đến năm 2035.

Đồng thời, triển khai thực hiện các biện pháp cụ thể, cấp bách, như: xử lý, ngăn chặn hoạt động đốt rơm rạ, phụ phẩm cây trồng và chất thải khác; loại bỏ sử dụng bếp than tổ ong… Thành phố đã phê duyệt Đề án phát triển hệ thống giao thông vận tải công cộng bằng xe buýt sử dụng điện, năng lượng xanh trên địa bàn, đạt 100% vào năm 2035./.

Đình Thế