Kiến trúc - Quy hoạch

Tọa đàm "Ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo trong kiến trúc và quy hoạch"

Thụy Phương 20:55 28/11/2024

Chiều 28/11, Hội Kiến trúc sư Hà Nội tổ chức tọa đàm “Ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo trong kiến trúc. Không chỉ tập trung thảo luận về những tiềm năng và cơ hội của trí tuệ nhân tạo AI, tọa đàm còn là diễn đàn để các kiến trúc sư cùng nhau nhìn nhận các thách thức và tìm kiếm những giải pháp phù hợp góp phần xây dựng một tương lai đô thị thông minh, hiện đại và bền vững.

Tại Việt Nam, tốc độ đô thị hóa nhanh đặt ra không ít vấn đề cấp bách như: làm thế nào để quy hoạch hiệu quả, đáp ứng nhu cầu tăng trưởng dân số và bảo vệ môi trường; làm sao để ứng dụng công nghệ hiện đại mà vẫn giữ được bản sắc văn hóa và giá trị lịch sử; và quan trọng hơn là làm thế nào để giải quyết mâu thuẫn giữa tăng trưởng và phát triển bền vững.

Theo TS. KTS Nguyễn Văn Hải - Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Hà Nội, trong thời đại công nghệ 4.0, trí tuệ nhân tạo đang trở thành một công nghệ mũi nhọn dẫn dắt các ngành công nghiệp và dịch vụ toàn cầu.

z6078294406422_0997fd44a37563e8b5e87e5e27d75c9d.jpg
TS. KTS Nguyễn Văn Hải - Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Hà Nội phát biểu khai mạc tọa đàm.

“Đối với kiến trúc và quy hoạch – lĩnh vực có vai trò quan trọng trong việc định hình không gian sống, quản lý tài nguyên đô thị và phát triển bền vững, AI đã mang lại những bước tiến vượt bậc, thay đổi toàn diện diện mạo quy hoạch, kiến trúc. AI mang lại những giải pháp mới từ mô phỏng dữ liệu lớn để dự đoán xu hướng quy hoạch đến tự động hóa trong thiết kế kiến trúc, và hỗ trợ xây dựng các thành phố thông minh, nơi mà chất lượng sống của con người được đặt lên hàng đầu”, Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Hà Nội nhấn mạnh.

Tại tọa đàm, các ý kiến, tham luận tập trung đề cập một số nội dung trọng tâm, bao gồm: Tổng quan về AI và ứng dụng trong thiết kế kiến trúc; Kinh nghiệm trong nước về ứng dụng AI trong lập hồ sơ thiết kế xin phép xây dựng và quản lý đô thị; Kinh nghiệm quốc tế về ứng dụng AI trong các dự án hạ tầng đô thị quy mô lớn và những tiếp cận bước đầu của các công ty Tư vấn lớn Việt Nam; Thiết bị điện lạnh thông minh trong kỷ nguyên trí tuệ nhân tạo.

z6078635348948_ec894a13f10be57d82d61c2506c84155.jpg
Ông Hoàng Anh – Giám đốc Công ty Công nghệ S.O.S chia sẻ về việc ứng dụng trí tuệ nhân tạo AI trong quản lý cấp phép xây dựng và quản lý đô thị.

Chia sẻ việc ứng dụng trí tuệ nhân tạo AI trong quản lý cấp phép xây dựng và quản lý đô thị, ông Hoàng Anh – Giám đốc Công ty Công nghệ S.O.S cho hay, AI có thể tự động hóa quy trình thiết kế và quản lý nhà mẫu; xử lý nhanh dữ liệu qua Internet; tích hợp đa nền tảng GIS/CAD/BIM với dung lượng tối ưu; cá nhân hóa thiết kế theo yêu cầu người dùng. Việc ứng dụng trí tuệ nhân tạo AI trong quản lý cấp phép xây dựng và quản lý đô thị không chỉ tăng tốc độ mà còn giảm chi phí và nâng cao độ chính xác.

Đề cập tới việc xây dựng dữ liệu và BIM (một mô hình số quản lý thông tin công trình), ông Lê Hoàng Anh - đại diện Vircon Hồng Kông tại Việt Nam cho hay, áp dụng BIM có thể giảm chi phí vận hành – khai thác tới 34%. Đại diện Vircon Hồng Kông tại Việt Nam cũng đã đưa ra một số phương pháp tiếp cận để đạt được AI, sản phẩm của kiến trúc sư hệ thống và kiến trúc sư dữ liệu; đồng thời chia sẻ những kinh nghiệm khảo sát, mô phỏng và tích hợp vận hành BIM tại một số dự án Vircon của Hong Kong như: dự án Đường hầm Wanchai – Hong Kong, Sân bay Quốc tế Hong Kong…

z6078628556668_1164901abd0e8aa08e5de8b01df89226.jpg
Tọa đàm đề cập tới một số kinh nghiệm về ứng dụng AI trong kiến trúc và quy hoạch.

Thực tế cho thấy, xu hướng công nghệ: BIM, AI, Computational design ngày càng phổ biến; nhu cầu của thị trường về công trình bền vững và thông minh ngày một gia tăng. Bởi thế, các công ty kiến trúc trong và ngoài nước đang đầu tư mạnh vào công nghệ.

KTS Trịnh Quốc Bảo - Trưởng Bộ phận nghiên cứu và phát triển công nghệ kiến trúc Công ty CP Kiến trúc Lập phương CUBIC chia sẻ: Ứng dụng công nghệ số để xây dựng dữ liệu và tối ưu hóa việc sử dụng dữ liệu kiến trúc nhằm tăng năng suất lao động và giảm chi phí vận hành đồng thời góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp. Chuyển đổi số trong ngành kiến trúc còn hướng tới mục tiêu tự động hóa, chính xác hóa, nâng cao hàm lượng khoa học trong thiết kế./.

Thụy Phương