Sự kiện & Bình luận

Tiên phong trong công tác phòng, chống lãng phí, Hà Nội cùng cả nước bước vào kỷ nguyên mới

Trung Kiên 20:30 28/11/2024

Tổng Bí thư Tô Lâm vừa có cuộc làm việc với Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội để nghe báo cáo các kết quả về công tác xây dựng Đảng, hệ thống chính trị, phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng an ninh, đối ngoại của Thủ đô năm 2024. Tại cuộc làm việc, Tổng Bí thư Tô Lâm đánh giá cao Hà Nội đã triển khai rất kịp thời, củng cố vai trò của Đảng, góp phần đưa các chủ trương nghị quyết của Đảng vào cuộc sống. Nổi bật, Hà Nội đã thành lập ngay Ban Chỉ đạo phòng chống lãng phí đầu tiên trong cả nước.

1. Theo đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm, với vai trò là Thủ đô của cả nước, Hà Nội luôn tiên phong, gương mẫu trong triển khai các Nghị quyết của Trung ương để các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước đi vào cuộc sống, lan tỏa đến từng người dân.

tong-bithu-3.jpg
Tổng Bí thư Tô Lâm phát biểu chỉ đạo tại cuộc làm việc với Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội về công tác xây dựng Đảng, hệ thống chính trị, phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng an ninh, đối ngoại của Thủ đô năm 2024, ngày 27/11/2024.

Trên thực tế, Đảng bộ Thành phố Hà Nội thời gian qua đã thể hiện sự gương mẫu, đi đầu thực hiện nghiêm túc, sáng tạo, bài bản Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và các Kết luận, Nghị quyết của Trung ương, nỗ lực phấn đấu xây dựng Thủ đô “Văn hiến – Văn minh – Hiện đại” theo yêu cầu của Bộ Chính trị đã đặt ra tại Nghị quyết số 15-NQ/TW ngày 5/5/2022 về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, gần đây là Kết luận số 80-KL/TƯ của Bộ Chính trị ngày 24/5/2024.

Với riêng nội dung về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, Thành ủy, HĐND, UBND thành phố Hà Nội trong các nhiệm kỳ đã tập trung cụ thể hóa yêu cầu về Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Minh chứng, năm 2023, trong công tác lập, thẩm định, phê duyệt, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong quản lý, khai thác, sử dụng tài nguyên, thành phố đã thực hiện giao đất có thu tiền sử dụng đất để sử dụng vào mục đích phi nông nghiệp là 89,57 ha; cho thuê đất sử dụng đất để sử dụng vào mục đích phi nông nghiệp là 82,88 ha; cho phép chuyển mục đích sử dụng đất từ đất nông nghiệp (đất lúa) sang đất phi nông nghiệp là 100,41 ha.

Năm 2023 vừa qua, Hà Nội cũng đi đầu thực hiện chương trình tiết kiệm năng lượng khi tổng năng lượng tiết kiệm của toàn thành phố đạt 1,67% so với dự báo nhu cầu. Trong công tác phân bổ dự toán ngân sách nhà nước, năm 2023, Hà Nội đã thực hiện tiết kiệm 10% chi thường xuyên để thực hiện cải cách tiền lương; phê duyệt phương án sắp xếp lại, xử lý đối với 10.427 cơ sở nhà, đất. Công tác quản lý, sử dụng nhà, đất từng bước được quan tâm, phù hợp tiêu chuẩn, định mức, tiết kiệm và hiệu quả…

Trong nửa đầu nhiệm kỳ 2020-2025, Thành ủy Hà Nội chỉ đạo 2 chủ trương có ý nghĩa trong thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Một là, chỉ đạo HĐND, UBND Thành phố Hà Nội xây dựng và ban hành Đề án quản lý, sử dụng và khai thác hiệu quả tài sản công của Thành phố giai đoạn 2022-2025, định hướng giai đoạn 2026-2030. Ngay sau khi Đề án được triển khai thực hiện, Thành phố đã thu hồi phần diện tích nhà, đất phải bàn giao về thành phố quản lý (quỹ diện tích tầng 1 nhà chung cư thương mại, quỹ nhà tạm cư...); thu hồi diện tích nhà, đất vi phạm, sử dụng chưa đúng mục đích để lập phương án giao quản lý, khai thác và xử lý theo quy định. Hai là, chỉ đạo HĐND, UBND Thành phố tập trung xử lý 712 dự án vốn ngoài ngân sách có sử dụng đất nhưng chậm triển khai.

Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí cũng là nội dung trong Chương trình số 10-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội ngày 17/3/2021 về “Nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2021-2025”. Năm 2024, ngay từ ngày 6/2, UBND thành phố Hà Nội đã ban hành Quyết định số 782/QĐ-UBND về việc ban hành “Chương trình thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2024 của thành phố Hà Nội”.

bi-thu-hoai34.jpg
Bí thư Thành ủy Bùi Thị Minh Hoài phát biểu tại cuộc làm việc với Tổng Bí thư Tô Lâm và đoàn công tác ngày 27/11.

Mục tiêu của thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2024 của Thành phố Hà Nội là thực hiện đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả, thực chất các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong các lĩnh vực, góp phần huy động, phân bổ, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực để tạo nguồn cải cách tiền lương, đảm bảo giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm cân đối lớn của nền kinh tế; tạo chuyển biến thực chất hơn trong nhận thức và hành động của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và nhân dân về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.

Để thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu, tiết kiệm, chống lãng phí năm 2024, UBND thành phố đề ra một số nhóm giải pháp như: Tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; Hoàn thiện quy định pháp luật liên quan đến công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; Tăng cường công tác tổ chức thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trên các lĩnh vực, trong đó tập trung vào một số lĩnh vực như quản lý ngân sách nhà nước; quản lý, sử dụng vốn đầu tư công; Quản lý, sử dụng tài sản công; quản lý tài nguyên, khoáng sản, đặc biệt là đối với đất đai; quản lý vốn, tài sản nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp; tổ chức bộ máy, quản lý lao động, thời gian lao động; Tăng cường kiểm tra, thanh tra, xử lý nghiêm các vi phạm quy định về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí…

a-phong.jpg
Đồng chí Nguyễn Văn Phong – Phó Bí thư Thường trực Thành ủy báo cáo các kết quả tại cuộc làm việc với Tổng Bí thư Tô Lâm và đoàn công tác xây dựng Đảng, hệ thống chính trị, phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng an ninh, đối ngoại của Thủ đô năm 2024

Báo cáo với Tổng Bí thư Tô Lâm tại cuộc làm việc với Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội gần đây, đồng chí Nguyễn Văn Phong – Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, cho biết, thực hiện các chỉ đạo của Trung ương, Thành phố Hà Nội đã tập trung rà soát, lập danh mục 829 dự án (gồm danh mục 712 dự án ngoài ngân sách có sử dụng đất chậm hoặc chưa đưa đất vào sử dụng do Thành phố theo dõi và 117 dự án do UBND các quận, huyện, thị xã tự kiểm tra, phát hiện) chậm triển khai để chỉ đạo thanh tra, kiểm tra, giám sát, đôn đốc thực hiện các biện pháp tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc. Đồng thời, Thành phố Hà Nội đã quyết định thu hồi 8 dự án lớn không đưa đất vào sử dụng, để hoang hóa, lãng phí với diện tích 258,9ha.

2. Điều đáng ghi nhận hơn nữa, căn cứ chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm về chống lãng phí trong thời gian gần đây, Hà Nội vừa thành lập Ban Chỉ đạo về thực hiện các biện pháp phòng, chống lãng phí do Chủ tịch UBND Thành phố Trần Sỹ Thanh làm Trưởng Ban. Hà Nội – Thủ đô ngàn năm văn hiến chính là thành phố đầu tiên trong cả nước thành lập Ban Chỉ đạo về thực hiện các biện pháp phòng, chống lãng phí. Điều này đã thể hiện rõ hơn sự quyết liệt, đồng lòng, trách nhiệm trong chỉ đạo và tổ chức thực hiện nhiệm vụ phòng, chống lãng phí của Thủ đô Hà Nội.

Đặc biệt, Hà Nội đã quán triệt chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm trong bài viết “Chống lãng phí”, đó là: “Chúng ta đang đứng trước cơ hội lịch sử để đưa đất nước bước vào kỷ nguyên vươn mình của dân tộc. Đây cũng là thời điểm để định hình tương lai của chúng ta. Để nắm bắt cơ hội, đẩy lùi thách thức, gia tăng mạnh mẽ nguồn lực chăm lo cho nhân dân, làm giàu cho đất nước trong giai đoạn cách mạng mới, xây dựng tương lai tốt đẹp, công tác phòng, chống lãng phí cần được triển khai quyết liệt, đồng bộ với những giải pháp hữu hiệu, tạo sự lan tỏa mạnh mẽ, trở thành tự nguyện, tự giác của mỗi cán bộ, đảng viên và người dân, văn hóa ứng xử trong thời đại mới”.

a-thanh3.jpg
Ngày 20/11, Hà Nội công bố Quyết định thành lập Ban Chỉ đạo phòng, chống lãng phí. Chủ tịch UBND thành phố Trần Sỹ Thanh làm Trưởng Ban.

Ngay sau khi thành lập Ban Chỉ đạo, Chủ tịch UBND Thành phố Trần Sỹ Thanh đề nghị Ban Chỉ đạo xác định, nhận diện rõ các nhóm nội dung về phòng, chống lãng phí để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo giải quyết hiệu quả. Người đứng đầu chính quyền Thành phố yêu cầu các đơn vị tập trung cải cách, thay đổi quy trình để giảm thời gian làm thủ tục cho nhân dân, doanh nghiệp. Các cấp phải xác định phòng, chống lãng phí là vấn đề lâu dài, tác động đến quản trị, vận hành bộ máy, cần xây dựng văn hóa tiết kiệm, phòng, chống lãng phí trong các cơ quan, tổ chức; khuyến khích nhân dân tăng cường thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, tạo thói quen bảo vệ, quý trọng tài sản của nhà nước, công sức của nhân dân, sự đóng góp của tập thể; coi việc thực hành tiết kiệm, phòng, chống lãng phí là nhiệm vụ liên tục, thường xuyên và lâu dài.

Với sự quyết liệt và coi đây là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên của cả hệ thống chính trị và xã hội, cũng như tiên phong trong việc thành lập Ban Chỉ đạo về thực hiện các biện pháp phòng, chống lãng phí, Hà Nội sẽ hiện thực hóa các chỉ tiêu đặt ra tại Chương trình số 10-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội. Thủ đô Hà Nội đã, đang nỗ lực xây dựng văn hóa phòng, chống lãng phí; đưa thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trở thành “tự giác”, “tự nguyện”, “cơm ăn nước uống, áo mặc hàng ngày” như Tổng Bí thư Tô Lâm đã nêu trong bài viết “Chống lãng phí”.

Chú trọng thực hiện đồng bộ các giải pháp xây dựng văn hóa tiết kiệm, ý thức tiết kiệm và tư duy làm việc khoa học; Hà Nội đã, đang nỗ lực đẩy lùi “giặc nội xâm”, phát huy sức mạnh đại đoàn kết, quyết tâm của hệ thống chính trị và nắm cơ hội để cùng cả nước bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc./.

Trung Kiên