Nâng cao hiệu quả chăm sóc và giáo dục trẻ toàn diện, đáp ứng yêu cầu về đổi mới giáo dục hiện nay
Sự phát triển toàn diện về trí tuệ, thể chất và tinh thần, làm đầy những kỹ năng thực tế... là những giá trị quan trọng mà phương pháp giáo dục Montessori tại Trường Mầm non Xuân Tảo thực hành qua các tiết học giúp trẻ không chỉ tiếp thu kiến thức phong phú ở nhiều lĩnh vực khác nhau mà còn phát triển kỹ năng vận động và các giác quan một cách tự nhiên.
Trẻ được tôn trọng, yêu thương
So với phương pháp giáo dục truyền thống, giáo dục lấy trẻ làm trung tâm được hiểu là mọi hoạt động giáo dục đều hướng vào trẻ và cũng xuất phát từ trẻ. Việc dạy trẻ cần dựa trên nhu cầu, hứng thú, hiểu biết, kinh nghiệm riêng của từng trẻ nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả giáo dục.
Trong các giờ lên lớp hằng ngày, cô Đỗ Hoàng Phượng, GVCN mẫu giáo lớn 2 cho biết, kể từ khi cấp học mầm non thực hiện chuyên đề “Xây dựng trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm”, cô và trò Trường mầm non Xuân Tảo có sự thay đổi khác biệt, trẻ trở nên tự tin khi giao tiếp, yêu thích khám phá và tăng tính tương tác với cô và bạn bè hơn.
Đến với giờ học Montessori, trẻ sẽ sử dụng đôi bàn tay của mình để cảm nhận, khám phá thế giới thông qua các hoạt động với giáo cụ trực quan, sinh động. Tại đây, trẻ được tự do lựa chọn những hoạt động mình yêu thích ở nhiều lĩnh vực khác nhau như hoạt động chuyển tăm, kỹ năng bóc trứng, xâu hạt vòng theo tên, cắm hoa...
Những bài tập này được thiết kế phù hợp với từng độ tuổi của trẻ và giữ được sự chân thực gần gũi nhất với thực tế. Hệ thống giáo cụ dùng trong các bài thực hành cuộc sống được mô phỏng y hệt đồ dùng thực tế như: dao, dĩa, kéo, thìa, hót rác….. chỉ khác duy nhất là kích thước nhỏ gọn để trẻ có thể sử dụng dễ dàng. Điều này tạo điều kiện tối đa cho trẻ có các cơ hội thực tế giúp trẻ trưởng thành hơn mạnh dạn hơn tự tin hơn trong cuộc sống.
Theo cô Đỗ Thị Kim Ngân, Phó Hiệu trưởng Trường Mầm non Xuân Tảo chia sẻ: “lấy trẻ làm trung tâm” với phương châm “chơi mà học, học bằng chơi” đòi hỏi giáo viên phải chủ động, sáng tạo hơn trong các hoạt động giáo dục dựa trên khả năng, thế mạnh của mỗi trẻ. Cô Ngân cho rằng, phương pháp giáo dục này mang lại hiệu quả tích cực, giúp trẻ tự chủ, sáng tạo, tập trung cao, thoải mái, vui vẻ, hạnh phúc mỗi khi đến lớp, bởi trước kia chủ yếu tiếp thu kiến thức thụ động qua truyền đạt ngôn ngữ, nay được trải nghiệm thực tế nên trẻ hào hứng, thích được đến trường, được tham gia các hoạt động hơn...
Trong khuôn khổ hoạt động "Thực Hành Cuộc Sống: Cắm Hoa - Ứng dụng phương pháp giáo dục Montessori", các bé lớp Mẫu giáo lớn 2 Trường Mầm non Xuân Tảo đã có một trải nghiệm đầy sáng tạo và thú vị. Dưới sự hướng dẫn tận tình của cô Đỗ Hoàng Phượng, những bông hoa rực rỡ và thơm ngát đã trở thành nguồn cảm hứng để các bé tạo nên những tác phẩm nghệ thuật độc đáo.
“Hoạt động cắm hoa không chỉ giúp các bé khám phá tên gọi, màu sắc và mùi hương của các loài hoa, mà còn dạy các bé cách sắp xếp hoa một cách hài hòa. Các bé đã rèn luyện kỹ năng sử dụng kéo cắt cành hoa một cách an toàn, đồng thời phát triển khả năng vận động tinh. Các bé cũng học cách ước lượng khoảng cách giữa các bông hoa để tạo ra sự cân đối cho tác phẩm của mình. Hơn nữa, thông qua việc ngửi, sờ và quan sát hoa, các bé được kích thích các giác quan và gia tăng tình yêu với thiên nhiên”, Cô Ngân chia sẻ.
Nâng cao chất lượng triển khai thực hiện
Xây dựng trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm được ngành GD-ĐT coi là một nhiệm vụ quan trọng, giải pháp đòn bẩy về chuyên môn GDMN, góp phần thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 29/NQ-TW về đổi mới căn bản toàn diện GD-ĐT. Sau hơn 10 năm thực hiện chuyên đề được triển khai ở tất cả các yếu tố, điều kiện liên quan đến quá trình chăm sóc và giáo dục trẻ tại các cơ sở giáo dục trên địa bàn, là cơ sở để ngành tiếp tục triển khai chuyên đề “Xây dựng trường học hạnh phúc”.
Ngành GD-ĐT quận Bắc Từ Liêm đã ban hành kế hoạch hướng dẫn triển khai thực hiện các hoạt động của chuyên đề tổng thể theo giai đoạn và cụ thể cho mỗi năm học. Xây dựng tài liệu hướng dẫn và tổ chức tập huấn chuyên đề cho cán bộ quản lý, giáo viên mầm non cốt cán; chỉ đạo mô hình điểm cấp quận về xây dựng trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm; tổ chức kiểm tra, đánh giá, hỗ trợ chuyên môn đối với các đơn vị xây dựng mô hình điểm; đồng thời giới thiệu, tổ chức tham quan học hỏi kinh nghiệm, nhân rộng các mô hình điểm… trong toàn quận. Đây là cơ sở để các trường chia sẻ kinh nghiệm, tham quan học tập và nhân rộng trong nâng cao điều kiện cơ sở vật chất, trình độ đội ngũ giáo viên, đổi mới chất lượng chăm sóc, giáo dục.
Cô Nguyễn Thị Bích Ngọc, Hiệu trưởng Trường mầm non Xuân Tảo cho rằng, triển khai chuyên đề “Xây dựng trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm” tạo sự lan toả tích cực tới toàn thể đội ngũ cán bộ, giáo viên, nhân viên, không ngừng nâng cao tinh thần học hỏi, tự trau dồi kiến thức, chủ động tiếp cận ứng dụng công nghệ thông tin, phương pháp GDMN tiên tiến; tạo luồng không khí mới trong việc đổi mới, sáng tạo các hoạt động tại nhà trường.
Lấy trẻ làm trung tâm là chiến lược để thay đổi tư duy hệ thống GDMN theo tinh thần Nghị quyết 29. Từ những kết quả đạt được rất đáng khích lệ cùng sự đoàn kết của toàn ngành, sự quan tâm của các cấp lãnh đạo, các ban, ngành, đoàn thể, sự đồng thuận ủng hộ của các bậc cha mẹ và toàn xã hội, ngành giáo dục Bắc Từ Liêm tiếp tục duy trì, nhân rộng những mô hình hiệu quả; tăng cường công tác tham mưu, đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, trường lớp hiện đại; bồi dưỡng nâng cao nghiệp vụ giáo viên; tăng cường hội nhập quốc tế để áp dụng phương pháp giáo dục tiên tiến. Qua đó góp phần nâng cao hiệu quả chăm sóc và giáo dục trẻ toàn diện, đáp ứng yêu cầu về đổi mới giáo dục hiện nay./.