Đẩy mạnh triển khai Đề án 06 Chính phủ góp phần xây dựng Thủ đô Văn hiến - Văn minh - Hiện đại
Đó là khẳng định của Thiếu tướng - TS. Nguyễn Ngọc Cương, Cục trưởng Cục Cảnh sát QLHC về TTXH (Bộ Công an). Bên cạnh đó, Thiếu tướng Nguyễn Ngọc Cương đánh giá, với sự nỗ lực và quyết tâm của tất cả các cấp, các ngành, Đề án 06/CP sẽ được triển khai thành công trên địa bàn Thành phố Hà Nội, mang lại những lợi ích thiết thực cho người dân và cộng đồng.
Trong bài viết Chuyển đổi số – Động lực quan trọng phát triển lực lượng sản xuất, hoàn thiện quan hệ sản xuất, đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới gần đây, Tổng Bí thư Tô Lâm đã nhấn mạnh một số nhiệm vụ trọng tâm, điển hình là: Đẩy mạnh chuyển đổi số gắn với bảo đảm an ninh, an toàn là tất yếu khách quan để Việt Nam bứt phá trong kỷ nguyên mới. Tập trung xây dựng xã hội số, số hóa toàn diện hoạt động quản lý nhà nước, cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ cao. Kết nối đồng bộ các cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, đất đai, doanh nghiệp, tạo nền tảng tinh gọn bộ máy, cải cách thủ tục hành chính thực chất.
Cải cách, xây dựng bộ máy nhà nước tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả. Cắt giảm đầu mối trung gian không cần thiết, sắp xếp tổ chức theo hướng đa ngành, đa lĩnh vực. Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền gắn với tăng cường kiểm tra, giám sát, xác định rõ trách nhiệm giữa Trung ương và địa phương, giữa các cấp chính quyền địa phương, giữa người quản lý và người lao động. Hoàn thiện cơ chế kiểm tra, giám sát, bảo đảm sự thống nhất trong quản lý nhà nước và phát huy tính chủ động, sáng tạo của các địa phương. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng nền tảng số kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa các cơ quan, tổ chức.
Tổng Bí thư Tô Lâm.
Nhiều cách làm hay, sáng tạo của Hà Nội
Đối với Thành phố Hà Nội, những năm qua và hiện tại, Thành phố đã, đang thực hiện hiệu quả “Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030”, góp phần phát triển Thủ đô Văn hiến – Văn minh – Hiện đại.
Thiếu tướng - TS. Nguyễn Ngọc Cương, Cục trưởng Cục Cảnh sát QLHC về TTXH cho biết, từ năm 2023, việc triển khai đẩy mạnh Đề án 06/CP tại các địa phương được quan tâm. Các mô hình điểm, cách làm hay được thực hiện tại nhiều địa phương. Cụ thể, thành phố Hà Nội và tỉnh Thừa Thiên Huế là địa phương triển khai thí điểm cấp phiếu lý lịch tư pháp trên ứng dụng VNeID đã tiếp nhận 57.414 hồ sơ, trong đó, qua hệ thống dịch vụ công: 18.121 hồ sơ; VNeID: 39.293 hồ sơ, số kinh phí tiết kiệm của người dân dự tính khoảng 10,7 tỷ/năm.
Từ kết quả khả quan trên, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo triển khai thí điểm cấp Phiếu lý lịch tư pháp qua ứng dụng VNeID trên toàn quốc từ ngày 1/10/2024. Ứng dụng mô hình Thu thuế khoán hộ kinh doanh; Triển khai hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền, Cục Thuế Thành phố Hà Nội đang quản lý 224.514 hộ kinh doanh, tăng 6,4% so với cùng kỳ 2023; truy thu 2.193 tỷ đồng, tăng 32% so với cùng kỳ 2023. Cùng với đó, mô hình đã giúp ngành thuế truy thu của 3.208 cơ sở kinh doanh đăng ký mới, vượt chỉ tiêu đề ra là 2.996 cơ sở, đạt 107% so kế hoạch 2024; Khởi tạo được hơn 8,1 triệu/10,4 triệu người dân có hộ khẩu thường trú trên địa bàn Thành phố đã được ngành Y tế Hà Nội chuẩn hóa; đồng thời 384.000 hộ gia đình được khởi tạo theo hộ gia đình để quản lý. Hơn 18,6 triệu lượt Khám chữa bệnh được đồng bộ từ phần mềm Quản lý Khám chữa bệnh tại các Cơ sở Khám chữa bệnh…
Những kết quả đạt được trong công tác và chuyển đổi số và sự đúc kết kinh nghiệm của Thường trực Tổ công tác triển khai Đề án 06 của Chính phủ đã giúp tăng hiệu quả quản lý và bảo vệ quyền lợi của người dân. Mô hình hoạt động mới dựa trên nền tảng số đã thúc đẩy sự phát triển bền vững, nâng cao chất lượng dịch vụ và tạo ra nhiều tiện ích cho người dân. Tiếp tục khẳng định đây là phong trào, xu thế, yêu cầu khách quan, lựa chọn chiến lược, ưu tiên trong phát triển kinh tế xã hội của thời kỳ 4.0.
Thành phố Hà Nội là một trong các địa phương được Chính phủ lựa chọn, tổ chức triển khai thí điểm Đề án 06 ngay từ những ngày đầu năm 2022. Việc triển khai được Chính phủ, lãnh đạo các bộ, ngành đánh giá rất cao về phương pháp triển khai Đề án 06 của Thành phố Hà Nội, trong đó thể hiện rõ “quyết tâm chính trị” của đồng chí Bí thư Thành ủy, đồng chí Chủ tịch UBND Thành phố trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo.
Thành phố Hà Nội đã cùng Tổ Công tác triển khai Đề án 06/CP nhận diện ra các “điểm nghẽn” trong triển khai Đề án 06/CP, điển hình như: những vướng mắc quy định pháp luật trong vấn đề đầu tư công nghệ phục vụ chuyển đổi số và đã chủ động quyết định thực hiện phương án thuê dịch vụ công nghệ thông tin; đảm bảo được hiệu quả khả thi khi hoàn toàn có thể sử dụng ngay, đây cũng là điểm đột phá của Thành phố và đã được Chính phủ xem xét, nghiên cứu và chỉ đạo các Bộ, ngành sửa đổi các quy định còn chồng lấn, gây ảnh hưởng tới tiến độ thực hiện (như sửa đổi Nghị định số 73/2019/NĐ-CP, ngày 5/9/2019 của Chính phủ quy định quản lý đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin sử dụng nguồn vốn ngân sách Nhà nước).
Đồng thời, Thành phố Hà Nội đã triển khai nhiều cách làm hay, sáng tạo như: Báo cáo HĐND Thành phố ban hành Nghị quyết số 07/NQ-HĐND, ngày 4/7/2023 quy định khi doanh nghiệp, người dân có nhu cầu đối với 82 thủ tục hành chính sẽ có mức thu bằng “không” đến hết ngày 31/12/2025. Dự kiến Ngân sách không thu sẽ hỗ trợ người dân, doanh nghiệp khoảng 37 tỷ đồng/năm khi thực hiện, miễn phí chữ ký số điện tử cá nhân cho người dân...
Đặc biệt, UBND thành phố đã phối hợp chặt chẽ với Cơ quan thường trực Tổ Công tác triển khai Đề án 06/CP của Chính phủ (C06) để đăng ký, triển khai 19 mô hình điểm, quyết tâm triển khai để đạt kết quả tích cực, như: thí điểm sổ sức khỏe điện tử, cấp phiếu lý lịch Tư pháp trên VneID; triển khai hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền và thu thuế khoán hộ kinh doanh (tăng thu thuế 3.274 tỷ/1 tháng); phối hợp với C06 triển khai giải pháp thanh toán giá dịch vụ trông giữ xe không dùng tiền mặt trên địa bàn Thành phố (có 148.899 lượt giao dịch với tổng số tiền là 1,7 tỷ đồng)...
Khẳng định các kết quả nêu trên của Đề án 06/CP đã tác động nhiều và tích cực mọi mặt đời sống xã hội của Thành phố, các giá trị hiệu quả Đề án mang lại cho công tác quản lý nhà nước, thay đổi thói quen tư duy và lề lối làm việc của đội ngũ, cán bộ, công chức, viên chức trong các cơ quan hành chính nhà nước Thành phố; có được kết quả đó, là do có sự chỉ đạo quyết liệt với quyết tâm chính trị và nỗ lực cao độ của toàn hệ thống chính trị, từ các đồng chí lãnh đạo UBND Thành phố, đến lãnh đạo đơn vị, sở, ngành, địa phương tại 4 cấp, nhất là các lực lượng thường trực, trực tiếp tham gia thực hiện các nội dung của Đề án.
Triển khai hiệu quả hơn để xây dựng Thủ đô Văn hiến – Văn minh – Hiện đại
Thiếu tướng - TS. Nguyễn Ngọc Cương, Cục trưởng Cục Cảnh sát QLHC về TTXH, cho rằng, trong bối cảnh toàn cầu hóa và sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin, Hà Nội - trái tim của Việt Nam, cần phải trở thành trung tâm chuyển đổi số, nơi mà người dân có thể dễ dàng tương tác với các cơ quan Nhà nước thông qua các nền tảng số. Để thực hiện được điều này, chúng ta cần tập trung vào một số nhiệm vụ cốt yếu.
Thứ nhất, cần phải đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến về Đề án 06/CP đến toàn bộ người dân. Sự tham gia tích cực của người dân vào quá trình chuyển đổi số là yếu tố then chốt, quyết định thành công của Đề án. Chúng ta phải giúp họ hiểu rõ về lợi ích mà Đề án mang lại, từ đó khuyến khích họ tham gia, thực hiện các thủ tục hành chính qua môi trường số.
Thứ hai, cần tăng cường hạ tầng công nghệ thông tin, bảo đảm rằng hệ thống của chúng ta có thể xử lý một lượng lớn dữ liệu dân cư, đồng thời phải bảo đảm an toàn, bảo mật thông tin cá nhân của công dân. Điều này đòi hỏi nỗ lực không ngừng nghỉ từ chúng ta trong việc nâng cao năng lực công nghệ, đào tạo cán bộ và xây dựng hệ thống thông tin hiện đại.
Thứ ba, phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan chức năng để xây dựng một hệ sinh thái số hoàn thiện. Chuyển đổi số không phải chỉ là trách nhiệm của một cơ quan hay ngành nào đó, mà cần có sự phối hợp đồng bộ, liên ngành. Chúng ta cần xây dựng các quy trình, quy định rõ ràng để mọi hoạt động có thể diễn ra một cách theo chiều hướng tích cực và hiệu quả.
Thứ tư, khuyến khích đổi mới sáng tạo trong lực lượng Công an, tiên phong trong chuyển đổi số của Thành phố. Chúng ta cần phải có những ứng dụng mới, những giải pháp sáng tạo nhằm nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước trong lĩnh vực an ninh trật tự. Đặc biệt, việc ứng dụng trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn và máy học trong công tác phòng ngừa, điều tra tội phạm sẽ mở ra những hướng đi mới, sáng tạo và hiệu quả hơn trong công tác này.
“Cuối cùng, chuyển đổi số là quá trình không thể đảo ngược. Nó yêu cầu mỗi cá nhân, mỗi tổ chức, mỗi cơ quan phải liên tục thích ứng và đổi mới. Đặc biệt, trong ngành công an, chúng ta phải không ngừng đổi mới tư duy, phương thức hành động để ứng phó kịp thời với sự thay đổi của tình hình an ninh và trật tự, đồng thời phục vụ tốt hơn cho người dân. Một Hà Nội hiện đại không chỉ đứng vững trên nền tảng công nghệ mà còn phải xây dựng được một môi trường sống an toàn, văn minh cho người dân.
Sự quyết tâm của chúng ta trong việc triển khai Đề án 06/CP và đẩy mạnh chuyển đổi số sẽ góp phần tạo dựng hình ảnh một thành phố không chỉ năng động mà còn an toàn và thân thiện. Với sự nỗ lực và quyết tâm của tất cả các cấp, các ngành, Đề án 06/CP sẽ được triển khai thành công trên địa bàn thành phố Hà Nội, mang lại những lợi ích thiết thực cho người dân và cộng đồng” - Thiếu tướng - TS. Nguyễn Ngọc Cương, Cục trưởng Cục Cảnh sát QLHC về TTXH, nhấn mạnh./.