Người Hà Nội thanh lịch, văn minh

Tăng cường xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh: Chú trọng xuất bản các tác phẩm văn học, nghệ thuật chất lượng về xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh

Lưu Anh 16:13 20/11/2024

Theo Chỉ thị 30 – CT/TU, ngày 19/2/2024 của Thành ủy Hà Nội, việc xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh là quá trình lâu dài, đòi hỏi phải kiên trì, bền bỉ tiến hành thường xuyên. Trong đó yêu cầu Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật Hà Nội tăng cường vai trò định hướng các hội chuyên ngành, các chi hội; động viên văn nghệ sĩ, nhà báo tích cực tham gia, sáng tác các tác phẩm văn học nghệ thuật, các tác phẩm báo chí có giá trị về tư tưởng nghệ thuật, góp phần nâng cao trình độ thẩm mỹ, cảm thụ văn hóa của Nhân dân, hình thành nhân cách chuẩn mực, nhất là giới trẻ, lan tỏa giá trị thanh lịch, văn minh của người Hà Nội trong thời kỳ mới.

Khơi dậy sứ mệnh từ bên trong của người nghệ sĩ

Thực hiện Chỉ thị số 30-CT/TU, thời gian qua, Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật Hà Nội đã triển khai nhiều hoạt động nhằm ghi nhận đồng thời nâng cao chất lượng tác phẩm văn học, nghệ thuật; khích lệ các tác giả, nhất là tác giả trẻ có thêm nhiều sáng tác lan tỏa giá trị văn minh, thanh lịch của người Hà Nội trong thời kỳ mới.

Cụ thể, Hội đã tổ chức tọa đàm “Văn học, nghệ thuật Thủ đô sáng tác các tác phẩm hướng tới đề tài “Người Hà Nội khơi dậy vẻ đẹp thanh lịch, văn minh”. NSND Trần Quốc Chiêm, Chủ tịch Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật Hà Nội cho biết, trong suốt chiều dài lịch sử ngàn năm văn hiến của đất Thăng Long, người Hà Nội đã kết tinh bản lĩnh, trí tuệ, sức sáng tạo, phẩm chất thanh lịch, tinh tế. Tuy nhiên, so với yêu cầu ngày càng cao của sự nghiệp xây dựng Thủ đô “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại”, việc xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh chưa đáp ứng được yêu cầu, chưa đi vào thực chất, bền vững, còn bộc lộ nhiều tồn tại, hạn chế.

Cũng bởi thế, hơn lúc nào hết vai trò, trách nhiệm của văn học, nghệ thuật trong việc xây dựng đạo đức, nhân cách con người nói chung và xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh nói riêng là hết sức quan trọng, đòi hỏi người nghệ sĩ không chỉ chuyên chở trong tác phẩm của mình những chuẩn mực đạo đức xã hội mà còn làm sáng tỏ, sáng tạo, cổ vũ con người tự nguyện vươn lên những giá trị đạo đức.

2.jpg
Một cảnh trong Vở kịch nói “Trái tim người Hà Nội” của Nhà hát Kịch Hà Nội về những người con Hà Nội thanh lịch, văn minh.

Chia sẻ về sứ mệnh của văn nghệ sĩ đối với xây dựng người Hà Nội thanh lịch văn minh, Đại tá Nguyễn Văn Thu (Hội Điện ảnh Hà Nội) cho hay, việc giữ gìn nếp sống, cốt cách của người Hà Nội trong dòng chảy đời sống hiện đại trong sáng tác tác phẩm văn học nghệ thuật đó là sứ mệnh, là sự thôi thúc từ bên trong của người nghệ sĩ. Những tác phẩm văn học nghệ thuật, nhất là những tác phẩm hay, hấp dẫn, có giá trị khi ra đời sẽ tác động trực tiếp hoặc gián tiếp tới tâm tư, tình cảm và hành động của con người. Nét đẹp thanh lịch văn minh sẽ được lan tỏa, được nhân lên; cái xấu ảnh hưởng tiêu cực đến sự tồn tại phát triển của thanh lịch văn minh Hà Nội, sẽ bị phê phán, lên án đấu tranh, triệt tiêu trong đời sống tinh thần người Hà Nội”.

Tác phẩm văn học nghệ thuật cần hướng tới giá trị Chân -Thiện - Mỹ. Mỗi văn nghệ sĩ có con mắt nhìn tích cực, trong sáng về Hà Nội và con người Hà Nội; đánh thức vẻ đẹp thanh lịch, văn minh của người Hà Nội qua tác phẩm văn học nghệ thuật; xây dựng những hình tượng nhân vật có lối sống thanh lịch, văn minh có nhân cách sống tốt đẹp để bạn đọc yêu thích, noi gương.

Lan toả cốt cách thanh lịch, văn minh của người Tràng An qua các cuộc vận động sáng tác về Hà Nội

Phát biểu tại Lễ trao giải Cuộc thi viết “Hà Nội & Tôi”, Nhà báo Vương Minh Huệ, Tổng Biên tập tạp chí Người Hà Nội (Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Hà Nội) chia sẻ, Hà Nội không chỉ là nguồn cảm hứng bất tận đối với các văn nghệ sĩ mà còn đối với những người gắn bó, sinh sống, làm việc và rời xa Hà Nội. Mỗi người đều mang trong mình những hồi ức về Hà Nội với những xúc cảm riêng biệt, để khi gắn bó thì yêu thương, trân quý; khi rời đi thì nuối tiếc, nhung nhớ khôn nguôi. Với mong muốn góp nhặt những “miền riêng về Hà Nội”.

Chính vì vậy, Cuộc thi là dịp để mỗi người được trải lòng mình với những điều giản dị, riêng có của Hà Nội… Từ đó, tôn vinh, lan tỏa những giá trị văn hóa truyền thống, cốt cách thanh lịch văn minh của người Hà Nội; tạo cơ hội để các tác giả thể hiện góc nhìn, cảm xúc của mình với Thủ đô; góp phần khơi dậy, bồi đắp tình yêu, niềm tự hào đối với mảnh đất ngàn năm văn hiến, đồng thời góp thêm tiếng nói xây dựng Thủ đô ngày một văn minh, hiện đại.

3.jpg
Một tác phẩm về lĩnh vực Nhiếp ảnh tham dự Cuộc vận động sáng tác văn học nghệ thuật “Hà Nội - Đổi mới và phát triển”.

Công tác phát triển văn hoá, trong đó có nhiệm vụ xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh của Thủ đô đã được triển khai đồng bộ, nhiều giải pháp, ban hành các nghị quyết, chỉ thị, chương trình hành động, kế hoạch, đề án… Qua đó, tạo sự chuyển biến tích cực về nhận thức và hành động của cán bộ, đảng viên và nhân dân Thủ đô trong việc xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh.

Tuy nhiên, so với yêu cầu ngày càng cao của sự nghiệp xây dựng Thủ đô “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại”, việc xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh chưa đáp ứng được yêu cầu, chưa đi vào thực chất, bền vững, còn bộc lộ nhiều hạn chế, yếu kém….

Nguyên nhân chủ quan là chủ yếu: việc tổ chức, triển khai thực hiện các văn bản chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền chưa quyết liệt, đồng bộ, thiếu sự kiểm tra, giám sát thường xuyên, chế tài xử phạt còn nhiều hạn chế; việc truyền thống chính sách chưa đáp ứng yêu cầu; công tác phối hợp giữa ngành giáo dục với gia đình, cộng đồng trong việc xây dựng đồng bộ môi trường văn hóa, hoàn thiện nhân cách con người, giáo dục thẩm mỹ, thị hiếu, lối sống đẹp cho thế hệ trẻ chưa được quan tâm đúng mức; một bộ phận người dân Thủ đô còn xem nhẹ giá trị văn hóa, tính nhân văn - giá trị cốt lõi trong xây dựng nhân cách người Hà Nội thanh lịch, văn minh,...

Do vậy, Chỉ thị số 30-CT/TU hướng tới phát huy sức mạnh chung sức đồng lòng của cả hệ thống chính trị từ Thành phố đến cơ sở; các tổ chức chính trị - xã hội các cấp, cấp cơ sở, các sở, ban, ngành Thành phố, trong đó có vai trò của văn nghệ sĩ Thủ đô.

1.jpeg
Đồng chí Nguyễn Huy Cường - Phó Trưởng ban Tuyên giáo Thành uỷ Hà Nội (Vị trí ngoài cùng bên trái) và NSND Trần Quốc Chiêm - Chủ tịch Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Hà Nội trao giải Giải Đặc biệt cho bộ phim tài liệu “Vì Hà Nội ngày mai” (Đạo diễn, NSƯT Trịnh Quang Tùng) tham gia Cuộc vận động sáng tác văn học nghệ thuật “Hà Nội - Đổi mới và phát triển”.

Trong năm qua, Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật Hà Nội đã tổ chức thành công Cuộc vận động sáng tác văn học nghệ thuật “Hà Nội - Đổi mới và phát triển”. Cuộc vận động nhằm tạo điều kiện cho văn nghệ sĩ Thủ đô sáng tạo ra nhiều tác phẩm có giá trị nghệ thuật cao viết về mảnh đất và con người Thủ đô nghìn năm văn hiến, gìn giữ và phát huy những giá trị truyền thống, xây dựng người Hà Nội thanh lịch văn minh theo tiêu chí mới.

Giám đốc Sở Văn hóa & Thể thao Hà Nội Đỗ Đình Hồng khẳng định “Cuộc vận động không chỉ ghi nhận nỗ lực, cống hiến của các văn nghệ sĩ Thủ đô đối với Hà Nội mà còn là sự động viên, khích lệ các văn nghệ sĩ tiếp tục dấn thân trên con đường sáng tạo văn học nghệ thuật”.

Giám đốc Sở Văn hóa & Thể thao Hà Nội bày tỏ hy vọng thời gian tới các văn nghệ sĩ Thủ đô tiếp tục phấn đấu sáng tạo thêm nhiều các tác phẩm văn học, nghệ thuật có giá trị cao về tư tưởng và nghệ thuật, phản ánh thực tiễn sinh động của đời sống xã hội, tầm vóc của công cuộc đổi mới ở mọi lĩnh vực, phản ánh vẻ đẹp tâm hồn con người Thủ đô và khát vọng lớn lao của toàn dân tộc./.

Lưu Anh