Ngành ngân hàng thực thi ESG để phát triển bền vững
Việc áp dụng các tiêu chuẩn môi trường, xã hội và quản trị (ESG) trong tổ chức hoạt động kinh doanh đang là xu hướng phổ biến, góp phần thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững. Ngành ngân hàng Việt Nam cũng đang nỗ lực thực hiện ESG.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, ông Lê Trọng Minh, Tổng Biên tập Báo Đầu tư cho rằng, chuyển đổi sang nền kinh tế xanh, thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững vào năm 2030 và Net Zero vào năm 2050 là hành trình đầy thách thức, đặc biệt trong bối cảnh biến đổi khí hậu ngày càng diễn biến rất phức tạp. Trong đó, các vấn đề về tài chính khí hậu đang là một trong những nỗi trăn trở lớn nhất không chỉ với Việt Nam mà cả các quốc gia khác trên toàn thế giới.
Tài chính xanh tại Việt Nam đang ngày càng trở nên quan trọng và ngành ngân hàng, với tư cách là nguồn cung cấp vốn chủ đạo của nền kinh tế, có thể đóng vai trò tiên phong trong việc thúc đẩy các nỗ lực toàn diện hướng tới sự phát triển bền vững. “Bằng việc áp dụng các chính sách trong hoạt động cung cấp tín dụng, ngân hàng đóng vai trò mắt xích quan trọng trong thực thi ESG”, ông Lê Trọng Minh nhấn mạnh.
Tích hợp các tiêu chuẩn môi trường, xã hội và quản trị (ESG) – bộ ba tiêu chuẩn đo lường tính hiệu quả và bền vững, phản ánh sự tương tác của vừa là công cụ hỗ trợ tích cực cho các ngân hàng nâng cao hiệu quả hoạt động. Tuy nhiên, theo khảo sát cảu PwC, các ngân hàng đang ưu tiên yếu tố G (quản trị) hơn E (môi trường) và S (xã hội).
Phân tích những nguyên nhân gây ra những trở ngại trên sẽ là một trong những nội dung chính mà các chuyên gia có mặt tại hội thảo hôm nay. Theo người đứng đầu Báo Đầu tư, từ những phân tích và qua những bài học kinh nghiệm hữu ích tại các quốc gia khác, các giải pháp dự kiến được gợi mở để hoàn thiện khung khổ pháp lý, hỗ trợ cả doanh nghiệp và ngân hàng xử lý các vấn đề liên quan tới chi phí trong quá trình chuyển đổi xanh, thực hành và đánh giá rủi ro ESG, phát triển đội ngũ nhân sự đặc biệt là ở các mảng E và S, nâng cao nhận thức của hệ thống và cả cộng đồng...
Theo Phó Thống đốc Đào Minh Tú: Đối với ngành ngân hàng, việc tăng cường áp dụng ESG đòi hỏi các TCTD phải thực thi, tuân thủ và cập nhật liên tục những thay đổi trong quy định và chính sách để thể hiện tốt trách nhiệm với môi trường và xã hội. Mặt khác, thực hành các tiêu chuẩn ESG sẽ giúp nâng cao uy tín, thương hiệu của TCTD thông qua việc công bố và minh bạch các vấn đề liên quan đến quản trị, môi trường và xã hội.
Thêm vào đó, như chúng ta đã thấy, rủi ro về môi trường và xã hội không đứng độc lập hay tách biệt, mà còn liên đới tới các rủi ro của TCTD (rủi ro tín dụng, rủi ro thị trường, rủi ro thanh khoản, rủi ro chiến lược, rủi ro danh tiếng, ...), do vậy việc thực hành ESG sẽ giúp các TCTD cải thiện hiệu quả quản trị rủi ro, từ đó nâng cao chất lượng hoạt động và lợi nhuận. Đồng thời, khi áp dụng ESG, các TCTD có cơ hội mở rộng thị trường, tiếp nhận các dòng vốn đầu tư, hỗ trợ kỹ thuật từ các tổ chức tài chính quốc tế, phát triển các sản phẩm tín dụng.
Đại diện NHNN cho hay: Thời gian qua, ngành ngân hàng đã luôn tiên phong đi đầu trong việc áp dụng các tiêu chuẩn ESG. NHNN đã có nhiều giải pháp, định hướng, hướng dẫn, chỉ đạo liên quan tới nội dung ESG trong hoạt động ngân hàng như: Ban hành Chỉ thị về thúc đẩy tín dụng xanh và quản lý rủi ro môi trường trong hoạt động cấp tín dụng (Chỉ thị số số 03/CT-NHNN); phê duyệt Đề án phát triển Ngân hàng xanh tại Việt Nam (Quyết định số 1604/QĐ-NHNN ngày 07/8/2018), Kế hoạch hành động của ngành ngân hàng thực hiện Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030...
Lãnh đạo NHNN cho biết: Các giải pháp được triển khai từ rất sớm nêu trên đã cho thấy sự trách nhiệm của ngành ngân hàng trong thực hành ESG góp phần thúc đẩy thực hiện các mục tiêu tăng trưởng xanh và bền vững; đồng thời, có ý nghĩa lan tỏa, nâng cao nhận thức và năng lực thực thi các quy định về bảo vệ môi trường cũng như trách nhiệm xã hội của các DN đang sử dụng nguồn lực từ hệ thống ngân hàng.
Với sự định hướng, chỉ đạo của NHNN, việc thực thi ESG đã có những chuyển biến rõ rệt từ nhận thức đến hành động. Các TCTD chủ động tích hợp yếu tố môi trường và xã hội trong chiến lược phát triển, mô hình hoạt động; hoàn thiện mô hình tổ chức; quản lý rủi ro môi trường và xã hội trong hoạt động cấp tín dụng; chuyển đổi số, nâng cao năng lực; chủ động hợp tác, tìm kiếm và tiếp nhận các hỗ trợ về nguồn lực và kỹ thuật của các tổ chức quốc tế; v.v.
"Kết quả triển khai hoạt động ESG được thể hiện rất rõ nét qua tốc độ tăng trưởng, tỷ trọng dư nợ được đánh giá rủi ro môi trường và xã hội của ngành ngân hàng. Đến 30/9/2024, đạt hơn 3,2 triệu tỷ đồng, chiếm hơn 22%/tổng dư nợ cho vay của nền kinh tế, tăng 15,62% so với cuối năm 2023, cao hơn tốc độ tăng trưởng tín dụng chung của nền kinh tế", Phó Thống đốc Đào Minh Tú thông tin.
Bà Nguyễn Thị Tuyết Hạnh, Giám đốc Ban Quản lý dự án Quốc tế - Ngân hàng SHB, cho biết, triển khai ESG đem lại nhiều cơ hội cho các ngân hàng thương mại Việt Nam, bao gồm việc thu hút vốn đầu tư và gia tăng uy tín thương hiệu.
Tuy nhiên, nó cũng đặt ra những thách thức liên quan đến chi phí đầu tư ban đầu, sự thay đổi quy định, và các yêu cầu quản trị chặt chẽ từ các nhà đầu tư và đối tác quốc tế. Do đó, các ngân hàng cần có chiến lược cụ thể để tận dụng các cơ hội và giảm thiểu các rủi ro tiềm tàng.
Trong triển khai, SHB đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận trong quá trình triển khai ESG. Đại diện SHB cho biết, ngân hàng luôn chủ động phát triển sản phẩm, đầu tư cho vay các dự án thuộc các lĩnh vực xanh. Tỷ trọng dư nợ tín dụng xanh chiếm 10%/ tổng dư nợ cấp tín dụng (gần 50 nghìn tỷ đồng) và tham gia vào các dự án phát triển bền vững của các tổ chức phát triển quốc tế (nông nghiệp bền vững, nông nghiệp công nghệ cao, năng lượng tái tạo, hiệu quả năng lượng).
Đồng thời, SHB cũng đồng hành cùng chính sách quốc gia và các hoạt động an sinh xã hội thông qua đóng góp tích cực cho các chương trình xóa đói giảm nghèo; hỗ trợ các khu vực chịu ảnh hưởng thiên tai; tích cực đóng góp cho sự phát triển của nền giáo dục và thể thao…