Y tế - Giáo dục

Thầy giáo “không lương” tận tâm vì học sinh nghèo vùng đầm Sam

Hà Oai 12:54 20/11/2024

Thầy giáo Trần Văn Hòa (xã Phú An, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên Huế) hơn 30 năm âm thầm trao truyền con chữ cho trẻ em nghèo và “xóa mù” cho nhiều người ở vùng đầm Sam.

Khu vực đầm Sam (xã Phú An, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên Huế) là vùng sông nước thấp trũng và trước đây đi lại rất khó khăn nên người dân nưi đây ít được học hành đến nơi đến chốn với nghề nghiệp chính là quanh năm đánh bắt tôm cá trên đầm phá lo từng bữa cơm qua ngày. Đặc biệt, trẻ em sinh ra ít được học hành và hằng ngày hay theo ba mẹ lênh đênh trên sông nước đầm phá.

z6047787148271_b5782ae6d3d7d4b2db1173ee43269d34.jpg
Thầy giáo Trần Văn Hòa trong lớp dạy học của mình.

Hòa bình, chàng thanh niên trẻ Trần Văn Hòa (nay đã 64 tuổi, trú ở thôn Đập Góc, xã Phú An) trở về mảnh đất quê hương sinh sống để lập nghiệp bằng nghề nuôi tôm, nuôi cá trên vùng đầm Sam và thấy được nhiều người dân vất vả quanh năm do không được học hành, không nghề nghiệp… “Năm 1990, đường vào thôn Đập Góc không được thuận lợi như ngày hôm nay bởi vùng đầm phá nước dâng nên thường bị chia cắt. Tôi phải chở con đến trường học chữ, có ngày phải ở lại với con rất vất vả, không tập trung vào lao động sản xuất được nên tôi xin với mẹ mình mượn nhà bắt đầu mở lớp dạy học cho con mình và các con cháu hàng xóm” – thầy Trần Văn Hòa cho biết.

Theo thầy Trần Văn Hòa, do người dân khu vực đầm Sam vốn quen sông nước, ngày ngày gắn liền với việc kéo lưới theo con tôm, con tép… và không mặn mà với việc học nhưng bằng sự kiên trì vận động của thầy Trần Văn Hòa nên từ từ các gia đình cho con cháu đến học và cả những người lớn tuổi là những người bà, người mẹ, người chị… xin học xóa mù chữ. Thấy được tấm lòng nhân ái của thầy Trần Văn Hòa và sự khó khăn của vùng sông nước đầm Sam nên Hội cứu trợ trẻ em không cha mẹ (ACWP) đã tài trợ xây cho một lớp học nhỏ khoảng 30m2 vào năm 2000 ở phía trước nhà thầy để thầy tiếp tục dạy học miễn phí.

Thầy Trần Văn Hòa chia sẻ, “Để giảng dạy cho các em học sinh thì tôi phải cập nhật liên tục các kiến thức, phương pháp dạy học mới cho phù hợp với chương trình giáo dục hiện nay”. Hiện nay, lớp học của thầy Trần Văn Hòa có 20 học sinh từ lớp 1 đến lớp 5 theo học vào 2 buổi trong tuần và “xóa mù” cho những người lớn tuổi là những người mẹ, người chị… trong thôn đến học.

z6047787168220_72073aa312fafd0e3fc96de118e9cc3a.jpg
Thầy Trần Văn Hòa đang hướng dẫn các em học sinh sinh.

Hơn 30 năm qua, thầy Trần Hòa đã chắp cánh ước mơ cho nhiều học sinh ở vùng quê nghèo đầm Sam để vươn tới các giảng đường cao đẳng, đại học như trường hợp hai anh em ruột Trần Văn Muốn và Trần Văn Mậu thi đỗ vào Trường Đại học Bách khoa Đà Nẵng và Đại học Nông lâm Huế, em Phạm Văn Thanh thi đỗ vào Trường Đại học Nông lâm Huế, em Đoàn Đạt đỗ vào Trường Đại học Y Dược Huế, Hà Thị Thanh Tâm đỗ vào trường Đại học Kinh tế Huế. “Nhiều em học sinh trước đây tôi dạy đã học lên hết cao đẳng, đại học và trưởng thành, tôi mong muốn các em lớn lên có công việc ổn định để giúp cho gia đình và xã hội” - thầy Trần Văn Hòa chia sẻ thêm.

Ngoài dạy chữ miễn phí cho trẻ em nghèo ở thôn Đập Góc, thầy Trần Văn Hòa còn là “cầu nối” với các nhà hảo tâm để giúp đỡ các em có thêm cuốn vở, cây bút. Đặc biệt, mới đây thầy Trần Văn Hòa hiến đất và Nhóm thiện nguyện ATM Gạo Huế cùng các nhà hảo tâm hỗ trợ xây dựng “Thư viện cộng đồng” cho các em học sinh.

z6047787144873_67a2bd23701cd1a48a7fc4a763e938de.jpg
Các em học sinh của thầy Trần Văn Hòa và các Tình nguyện viên Đại học Luật Huế.

Theo ông Lê Đình Phong - Phó Chủ tịch HĐND huyện Phú Vang cho biết, ông Trần Văn Hòa bằng những nỗ lực của mình từ những năm 1990 đến nay đã xóa mù chữ cho rất nhiều người dân ở khu vực Đập Góc. Đồng thời, Phó Chủ tịch HĐND huyện Phú Vang ghi nhận sự đóng góp của ông Trần Văn Hòa đã giảng dạy miễn phí cho nhiều thế hệ học sinh địa phương thành đạt./.

Hà Oai