Y tế - Giáo dục

Nỗ lực đóng góp trí tuệ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa Thủ đô

Trung Kiên 18:22 18/11/2024

Sáng 18/11, UBND thị xã Sơn Tây (TP. Hà Nội) long trọng tổ chức Lễ Kỷ niệm 70 năm thành lập Ngành Giáo dục và Đào tạo Thủ đô (1954 - 2024); 42 năm ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11/1982 - 20/11/2024).

Niềm tự hào trong lịch sử ngành Giáo dục và Đào tạo Thủ đô

Trình bày diễn văn tại Lễ kỷ niệm, Phó Chủ tịch UBND Thị xã Sơn Tây Lê Đại Thăng, cho biết, Kỷ niệm 70 năm thành lập ngành Giáo dục và Đào tạo Thủ đô và 42 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam là dịp đặc biệt để chúng ta cùng nhìn lại hành trình phát triển kể từ giai đoạn khởi đầu đầy gian khó, từng bước chuyển mình của ngành giáo dục, để mạnh mẽ tự tin và vươn mình bứt phá trong giai đoạn đổi mới, hội nhập quốc tế.

sotay-2011-2-.jpg
Phó Chủ tịch UBND Thị xã Sơn Tây Lê Đại Thăng trình bày diễn văn tại Lễ kỷ niệm.

Lật giở lại những trang đầu lịch sử, khi ngành Giáo dục và Đào tạo Thủ đô được khai sinh, nhiều thế hệ nhà giáo không thể nào quên hình ảnh của một Hà Nội gian khó nhưng sôi nổi và đầy nhiệt huyết với những lớp học bình dân học vụ, xóa nạn mù chữ. Trong điều kiện thiếu giáo viên, thiếu trường học, thiếu phương tiện phục vụ việc học tập như: giấy bút, đèn dầu (vì phần lớn học vào buổi tối), bàn ghế ..., có những nơi người học phải ngồi dưới đất, lấy thúng làm bàn viết; lại có những nơi phải học trong những ngôi nhà tranh dột nát, không phên vách. Khó khăn, thiếu thốn là thế, nhưng các lớp học vẫn được tổ chức giản dị, ấm cúng; thầy kiên trì, nhiệt huyết; trò hồ hởi, hân hoan với niềm vui giản dị khi lần đầu biết viết tên mình.

“Trải qua những năm chiến tranh chống Mỹ, rất nhiều nhà giáo thị xã Sơn Tây đã phải tạm biệt phấn trắng, bảng đen, hăng hái lên đường “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”, tham gia nhiều đơn vị chiến đấu tại chiến trường miền Nam hoặc trên các tuyến phòng không bảo vệ miền Bắc với quyết tâm “Tất cả để đánh thắng giặc Mỹ xâm lược”. Hành trang của các nhà giáo không chỉ có vũ khí mà còn có niềm tin và tri thức, giúp nâng cao tinh thần chiến đấu vì lý tưởng. Có những nhà giáo đã để lại một phần xương máu, hoặc vĩnh viễn nằm lại chiến trường, để lại những trang giáo án, những bài giảng còn dang dở, cả những trang nhật ký chứa đựng khát vọng hòa bình và thống nhất” – đồng chí Lê Đại Thăng, chia sẻ.

sotay-2011-1-.jpg
Bí thư Thị ủy Sơn Tây Trần Anh Tuấn trao tặng Cờ thi đua xuất sắc của Chủ tịch UBND TP. Hà Nội cho tập thể trường Mầm non Sơn Đông, Tiểu học Thanh Mỹ và THCS Phùng Hưng.

Bên cạnh đó, cũng có nhiều nhà giáo trở về sau chiến tranh, tiếp tục tham gia đứng lớp, mang theo cả những bài học từ chiến trường để dạy cho học sinh về giá trị của hòa bình, độc lập, tự do - điều thiêng liêng, cao quý mà các thế hệ cha ông đã phải hy sinh xương máu để giành lại. Chính sự hy sinh và tinh thần chiến đấu kiên cường của những người thầy đã góp phần hun đúc nên truyền thống giáo dục yêu nước, trở thành niềm tự hào không thể phai mờ trong lịch sử ngành Giáo dục và Đào tạo Thủ đô.

Giai đoạn đất nước bước sang thời kỳ đổi mới, xóa bỏ nền kinh tế bao cấp, chuyển sang nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, từ năm 1986, với mục tiêu “giáo dục là quốc sách hàng đầu”, ngành Giáo dục và Đào tạo thị xã Sơn Tây, khi thuộc địa giới hành chính của tỉnh Hà Tây hay Thủ đô Hà Nội, luôn phấn đấu hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ được giao, làm tốt sứ mệnh “trồng người” cao cả với quyết tâm nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện; góp sức đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho Thủ đô và đất nước.

Không ngừng nỗ lực đóng góp tài năng, trí tuệ vào công cuộc đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa Thủ đô

Phó Chủ tịch UBND Thị xã Sơn Tây Lê Đại Thăng, nhấn mạnh, bước sang kỷ nguyên mới, kỷ nguyên công nghiệp 4.0, kỷ nguyên của đổi mới và sáng tạo, trước những cơ hội và thách thức khi được hội nhập sâu rộng hơn với khu vực và quốc tế, ngành Giáo dục và Đào tạo thị xã Sơn Tây cùng với giáo dục Thủ đô cũng đã có định hướng phát triển giáo dục đúng đắn cho thời cuộc mới.

sotay-2011-3-.jpg
Bí thư Thị ủy Sơn Tây Trần Anh Tuấn chúc mừng những thành tựu nổi bật của ngành Giáo dục và Đào tạo Thị xã đã đạt được trong thời gian qua.

Với quan điểm đầu tư cho giáo dục là đầu tư cho phát triển, Thị ủy, HĐND và UBND Thị xã Sơn Tây trong những năm qua đã dành nhiều nguồn lực đầu tư cho ngành Giáo dục Thị xã. Để thực hiện thắng lợi Nghị quyết đại hội Đảng bộ Thị xã, triển khai thực hiện 7 Chương trình công tác chuyên đề của Thị ủy (khóa XXI) gắn với 10 Chương trình công tác của Thành ủy Hà Nội (khóa XVII); triển khai thành công các nội dung của Nghị quyết 29-NQ/TW về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo; ngành Giáo dục Thị xã cần tiếp tục tập trung thực hiện triển khai các giải pháp đã đề ra, hoàn thành mục tiêu của từng năm học, quan trọng là năm học 2024-2025 và nhiệm vụ công tác năm 2025.

Tập trung chỉ đạo thực hiện đồng bộ xuyên suốt Chủ đề năm học 2024-2025 mà ngành Giáo dục Hà Nội xác định là “Đổi mới, sáng tạo, nâng cao chất lượng, đoàn kết kỷ cương”. Để đạt được mục tiêu đó, mỗi cán bộ giáo viên, nhân viên của ngành Giáo dục Thị xã cần phải nỗ lực hơn nữa để hiện thực hóa các mục tiêu trên bằng sự sáng tạo, cần mẫn với tình yêu thương học sinh và sự trân trọng đối với nghề. Đưa chất lượng giáo dục có thêm nhiều những chuyển biến tích cực, nhiều học sinh, giáo viên đạt được những thành tích cao trong những năm tiếp theo.
Bí thư Thị ủy Sơn Tây Trần Anh Tuấn.

Bí thư Thị ủy Sơn Tây Trần Anh Tuấn.

“Có thể nói sự phát triển của giáo dục thị xã Sơn Tây trong hành trình 70 năm ngành giáo dục của Thủ đô Hà Nội có không ít những thăng trầm. Tuy nhiên, với sự nỗ lực xây dựng, đổi mới, sáng tạo không ngừng của các thế hệ lãnh đạo, nhà giáo và cán bộ ngành Giáo dục và Đào tạo; bằng việc triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp, ngành Giáo dục và Đào tạo thị xã đã có bước phát triển cả về quy mô, chất lượng và hiệu quả, nơi đào tạo và cung cấp nguồn nhân lực quan trọng cho sự nghiệp xây dựng và phát triển thị xã” – đồng chí Lê Đại Thăng, cho biết thêm.

Đến nay, Thị xã quản lý 48 trường học (trong đó: 47 trường công lập, 1 trường mầm non ngoài công lập), 33 nhóm trẻ mầm non độc lập; 1 Trung tâm GDNN-GDTX với tổng số học sinh 31.082 em học sinh. Có 40/50 trường công lập kể cả cấp THPT đạt chuẩn quốc gia, đạt tỷ lệ 80%; cơ sở vật chất trong các trường học có sự ưu tiên đầu tư vượt bậc, ngày càng khang trang, hiện đại. Chất lượng đại trà và mũi nhọn được không ngừng cải thiện, với chất lượng nhiều mặt được nâng cao, thực hiện tốt việc đổi mới nội dung, phương pháp giảng dạy, nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện; thực hiện hiệu quả Chương trình giáo dục phổ thông 2018.

sotay-2011-6-.jpg
stay34.jpg
sotay-2011-4-.jpg
sotay-2011-5-.jpg
Tại Lễ Kỷ niệm, 37 tập thể, cá nhân của ngành Giáo dục Thị xã Sơn Tây được Bộ Giáo dục và Đào tạo, UBND TP. Hà Nội và Sở Giáo dục và Đào tạo tặng Bằng khen.

Chất lượng mũi nhọn tại Thị xã Sơn Tây ngày càng có nhiều khởi sắc; chất lượng giáo dục đại trà được quan tâm, chú trọng. Chất lượng giáo dục hướng nghiệp, định hướng phân luồng được nâng cao. Các mô hình giáo dục hòa nhập cho trẻ khuyết tật và trẻ em thiệt thòi tại các trường phổ thông được thực hiện nghiêm túc. Ứng dụng công nghệ thông tin thực sự đã đi vào trường học, góp phần rất lớn trong công tác quản lý, tổ chức dạy và học, cho nhiều kết quả đáng ghi nhận. Công tác giáo dục chính trị, đạo đức, lối sống, văn hóa ứng xử trong môi trường giáo dục được quan tâm. Giáo dục thị xã kiên định với mục tiêu giáo dục không chỉ là tri thức mà còn là giáo dục đạo đức, hoàn thiện kĩ năng sống, hình thành nên những thế hệ học sinh biết đến hiện đại từ truyền thống, biết thích ứng và chủ động hội nhập quốc tế bằng tình yêu, niềm tự hào về đất nước, quê hương.

Noi gương các thế hệ thầy cô giáo đi trước, năm học 2023-2024, giáo dục thị xã Sơn Tây đã có những giải pháp tích cực nâng cao chất lượng giáo dục, nhiều tập thể, cá nhân tiếp tục ghi thêm những dấu son vào thành tích của ngành giáo dục thị xã. Tiêu biểu như: có 3 trường được Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội tặng Cờ thi đua; 19 trường được tặng danh hiệu tập thể Lao động Xuất sắc; 11 tập thể nhận Bằng khen của UBND Thành phố. 06 tập thể được Bộ GD&ĐT tặng Bằng khen. Đồng thời có 3 cá nhân được tặng danh hiệu Chiến sĩ thi đua thành phố; 13 cá nhân được Bộ GD&ĐT tặng bằng khen; 381 cá nhân được UBND Thị xã tặng danh hiệu “Chiến sỹ thi đua cơ sở”… và còn rất nhiều thành tích khác.

“Và có lẽ, niềm tự hào lớn nhất, đó là Ngành Giáo dục và Đào tạo thị xã Sơn Tây đã hoàn thành trọng trách phát hiện và bồi dưỡng những tài năng, đồng thời giáo dục các thế hệ học sinh trở thành nguồn nhân lực chất lượng cao của nền kinh tế tri thức, đóng góp tài năng, trí tuệ của mình vào công cuộc đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa Thủ đô và đất nước”, Phó Chủ tịch UBND Thị xã Sơn Tây Lê Đại Thăng, tự hào chia sẻ./.

Trung Kiên