Giải pháp để tiếp tục xây dựng và hoàn thiện chính quyền Thủ đô và thực hiện Luật Thủ đô 2024
GS.TS. Trần Ngọc Đường - nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, cho rằng, xây dựng nền hành chính quốc gia nói chung, chính quyền Thủ đô nói riêng dân chủ, pháp quyền, chuyên nghiệp, hiện đại, tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, có năng lực kiến tạo, phát triển, liêm chính, phục vụ nhân dân, phục vụ doanh nghiệp là một trong những nội dung quan trọng trong việc thực hiện Luật Thủ đô 2024 và tiếp tục xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa giai đoạn mới.
Tại Hội thảo “Triển khai Luật Thủ đô số 39/2024/QH15: Một số vấn đề lý luận và thực tiễn” do Thành ủy – HĐND – UBND - Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Hà Nội và Bộ biên tập Tạp chí Cộng sản tổ chức, sáng 14/11, GS.TS. Trần Ngọc Đường - nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, chia sẻ, chính quyền địa phương nói chung, chính quyền Thủ đô nói riêng là một bộ phận cấu thành bộ máy Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa ở nước ta.
Xây dựng và hoàn thiện chính quyền Thủ đô không thể tách rời với các định hướng tổng thể xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa mà Đại hội lần thứ XIII của Đảng đã đề ra.
GS.TS. Trần Ngọc Đường.
Theo đó, mục tiêu tổng quát của việc xây dựng chính quyền Thủ đô là xây dựng nền hành chính Thủ đô thực sự dân chủ, pháp quyền, chuyên nghiệp, hiện đại, tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, có năng lực kiến tạo phát triển, liêm chính, phục vụ nhân dân. Với mục tiêu đó, GS.TS. Trần ngọc Đường cho rằng, tiếp tục xây dựng và hoàn thiện chính quyền Thủ đô cần được tiến hành theo các định hướng cơ bản.
Nâng cao năng lực với các cơ chế đặc thù dành cho Thủ đô phù hợp với từng cấp chính quyền
Trước hết, tiếp tục xây dựng và hoàn thiện thể chế về tổ chức và hoạt động của chính quyền Thủ đô theo Luật Thủ đô năm 2024. Luật Thủ đô năm 2024 đã xác định Thủ đô Hà Nội là “đô thị loại đặc biệt” là “trung tâm chính trị - hành chính quốc gia” và là “trung tâm lớn về kinh tế, văn hóa, giáo dục, đào tạo, khoa học công nghệ và hội nhập quốc tế của cả nước” (Khoản 2 Điều 2). Theo đó, một trong những nội dung cơ bản của Luật Thủ đô là quy định các cơ chế đặc thù dành cho Thủ đô. Vì vậy, nâng cao năng lực thể chế hóa, cụ thể hóa của Hội đồng Nhân dân và Ủy ban nhân dân các cấp, nhất là cấp thành phố đối với các cơ chế đặc thù dành cho Thủ đô phù hợp với từng cấp chính quyền Thủ đô là nhiệm vụ hàng đầu để thực hiện Luật Thủ đô năm 2024.
“Vì thế cần phải tiếp tục xây dựng và hoàn thiện thể chế về phân cấp, phân quyền giữa cấp chính quyền thành phố với chính quyền cấp quận, thị xã, thành phố thuộc thành phố giữa chính quyền quận, thị xã thành phố thuộc thành phố với chính quyền phường, xã trong việc tổ chức và thực hiện các chính sách, đặc thù theo đúng quy định về phân cấp, ủy quyền của ủy ban nhân dân, chủ tịch Ủy ban Nhân dân (Điều 14)” - GS.TS. Trần Ngọc Đường, nêu ý kiến.
Đồng thời nâng cao chất lượng thể chế những chính sách mới của Luật Thủ đô, đặc biệt là các chính sách mới trong sử dụng tuyển dụng, đào tạo, bồi dưỡng, đãi ngộ đội ngũ cán bộ, công chức; trong xây dựng, phát triển, quản lý và bảo vệ Thủ đô; trong huy động nguồn lực phát triển Thủ đô. Tiếp tục đổi mới, hoàn thiện quy trình lập pháp, lập quy theo hướng chặt chẽ, khoa học, hiện đại, chuyên nghiệp, áp dụng kỹ thuật lập pháp tiến bộ trong soạn thảo; tăng cường tham vấn ý kiến chuyên môn của các hiệp hội, chuyên gia, nhà khoa học và tham vấn ý kiến rộng rãi của người dân, tổ chức xã hội trong quá trình xây dựng và ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
Tổ chức thực hiện Luật Thủ đô năm 2024 để sớm đưa những nội dung mới của Luật Thủ đô vào cuộc sống. Tăng cường năng lực phản ứng chính sách, kịp thời xử lý các vấn đề mới phát sinh trong tổ chức thi hành Luật Thủ đô, đặc biệt gắn kết với quá trình thể chế chính sách mới của Luật Thủ đô. Đổi mới công tác kiểm tra, theo dõi, đánh giá việc thực hiện trách nhiệm quản lý nhà nước trong công tác tổ chức thi hành pháp luật.
Thứ hai, GS.TS. Trần Ngọc Đường cho rằng cần tiếp tục cải cách thủ tục hành chính: kiểm soát chặt chẽ việc ban hành các quy định thủ tục hành chính liên quan đến người dân, doanh nghiệp, bảo đảm thủ tục hành chính mới ban hành đơn giản, dễ hiểu, dễ thực hiện; trọng tâm là các thủ tục hành chính thuộc các lĩnh vực đất đai, xây dựng, đầu tư,... và các thủ tục khác. Đổi mới việc thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính theo hướng không phụ thuộc vào địa giới hành chính; gắn công nghệ thông tin, công nghệ số để nâng cao năng suất, chất lượng phục vụ với phương châm người dân, doanh nghiệp là trước hết và trên hết.
Tiếp tục xây dựng và hoàn thiện chính quyền điện tử, chính quyền số
Giải pháp thứ ba, đó là tiếp tục cải cách tổ chức bộ máy chính quyền Thủ đô theo các quy định mới của Luật Thủ đô 2024 thông qua cụ thể hóa chức năng, nhiệm vụ của cơ quan hành chính nhà nước ở các cấp của chính quyền Thủ đô theo hướng sắp xếp lại bộ máy trên cơ sở phân định rõ hơn tổ chức của mỗi cấp chính quyền.
Khuyến khích sáp nhập và tăng quy mô các đơn vị hành chính các cấp của chính quyền Thủ đô ở những nơi có đủ điều kiện để nâng cao năng lực quản lý, điều hành và tăng cường các nguồn lực ở đô thị. Tiếp tục triển khai rà soát, sắp xếp, tinh gọn bộ máy tổ chức các cơ quan đơn vị, giảm đầu mối tổ chức trung gian, khắc phục triệt để sự trùng lắp, chồng chéo chức năng, nhiệm vụ, bảo đảm nguyên tắc một tổ chức có thể đảm nhận nhiều việc, nhưng một việc chỉ do một tổ chức chủ trì và chịu trách nhiệm chính.
Tiếp tục làm thí điểm chuyển giao một số nhiệm vụ và dịch vụ hành chính công mà nhà nước không nhất thiết phải thực hiện cho doanh nghiệp, các tổ chức xã hội đảm nhận. Sắp xếp giảm tối đa các ban quản lý dự án, các tổ chức phối hợp liên ngành, nhất là các tổ chức có bộ phận giúp việc chuyên trách. Xây dựng cơ chế, chính sách kiểm soát chặt chẽ, bảo đảm dân chủ, công khai, minh bạch và đề cao trách nhiệm giải trình trong tổ chức thực hiện nhiệm vụ phân cấp của các cấp chính quyền Thủ đô. Đổi mới phương thức làm việc và nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của các cơ quan hành chính nhà nước các cấp trên cơ sở ứng dụng mạnh mẽ các tiến bộ khoa học và công nghệ nhất là công nghệ thông tin, công nghệ số; bảo đảm công khai, minh bạch, tăng cường sự tham gia của người dân trong hoạt động của nhà nước.
GS.TS. Trần Ngọc Đường đồng thời nhấn mạnh, Hà Nội cần cải cách chế độ công vụ thông qua xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức của chính quyền Thủ đô chuyên nghiệp, trách nhiệm, năng động, sáng tạo, dám làm, dám chịu trách nhiệm. Đổi mới công tác tuyển dụng, sử dụng, bổ nhiệm, luân chuyển cán bộ, công chức, viên chức của các cấp chính quyền Thủ đô. Chúng ta phải thể chế hóa cơ chế quản lý, chế độ chính sách mới đối với việc tuyển dụng, quản lý sử dụng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức được Luật Thủ đô quy định; có cơ chế chính sách ưu đãi để tạo chuyển biến mạnh mẽ trong việc phát hiện, thu hút, trọng dụng người có tài và phát triển nguồn nhân lực có chất lượng cao; đặc biệt đối với các lĩnh vực mũi nhọn phục vụ cho phát triển nhanh và bền vững ở địa bàn Thủ đô.
Giải pháp thứ năm cũng là cuối cùng, theo GS.TS. Trần Ngọc Đường, chúng ta cần hoàn thiện mô hình quản trị Thủ đô hiệu quả, hiện đại, xây dựng, phát triển, quản lý và bảo vệ Thủ đô. Khẩn trương xây dựng và phát triển Thủ đô theo quy hoạch Thủ đô và quy hoạch chung Thủ đô bảo đảm xây dựng thủ đô văn hiến, văn minh, hiện đại, phát triển bền vững, môi trường sống trong lành, an ninh nguồn nước với sông Hồng là trục xanh; cảnh quan trung tâm; phát triển đô thị hài hòa hai bên sông của thành phố (khoản 1 Điều 17 Luật Thủ đô).
Cùng đó, xây dựng và hoàn thiện chính quyền điện tử, chính quyền số vận hành thông suốt hệ thống thông tin một cách thông minh nhằm tạo ra tri thức và thông tin mới trong hoạt động quản lý và điều hành của các cơ quan đơn vị, trong mối quan hệ tương tác giữa chính quyền và công dân, giữa các đơn vị và các cấp chính quyền Thủ đô. “Xây dựng đô thị thông minh là xu thế tất yếu, cần có sự tham gia, phối hợp từ Chính phủ, chính quyền đô thị, doanh nghiệp, cộng đồng dân cư. Xây dựng mạng lưới dịch vụ pháp lý đủ mạnh để giúp người dân và doanh nghiệp thực hiện và sử dụng pháp luật hiệu quả, từng bước hình thành xã hội pháp quyền, thượng tôn Hiến pháp và pháp luật trở thành nếp sống của người dân Thủ đô” - GS.TS. Trần Ngọc Đường nhấn mạnh./.
(Tạp chí Người Hà Nội sẽ tiếp tục thông tin về Hội thảo “Triển khai Luật Thủ đô số 39/2024/QH15: Một số vấn đề lý luận và thực tiễn” trong các bài viết tiếp theo).