Thủ đô Hà Nội điểm đến du lịch “An toàn - Thân thiện - Chất lượng - Hấp dẫn”
Hà Nội tiếp tục khẳng định là điểm đến du lịch an toàn, thân thiện, chất lượng, hấp dẫn với du khách trong và ngoài nước ngày càng tăng. Đây là hiệu quả từ các chương trình kích cầu du lịch cũng như sự nỗ lực quảng bá, xúc tiến thời gian qua…
Xây dựng hình ảnh du lịch Thủ đô Hà Nội
Thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/TU ngày 22/02/2022 của Thành ủy về “Phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”;... Việc triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả Nghị quyết phát triển kinh tế - xã hội hằng năm của HĐND Thành phố, các Kế hoạch phát triển ngành Du lịch của UBND Thành phố đã giúp cho hoạt động du lịch trên địa bàn Hà Nội phục hồi nhanh chóng sau đại dịch Covid-19 phát triển và đạt được những kết quả khả quan, góp phần chung vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội Thủ đô.
Trong năm 2024, ngành du lịch đã có sự tăng trưởng và phát triển toàn diện đạt cả về quy mô và chất lượng dịch vụ, số lượng khách du lịch quốc tế và nội địa đến thăm quan và trải nghiệm tại Hà Nội ngày càng tăng; các nhóm nhiệm vụ, giải pháp, chính sách để thúc đẩy ngành du lịch phát triển được triển khai đồng bộ, thống nhất giữ vững vai trò là trung tâm du lịch lớn của cả nước. Tiếp tục xây dựng hình ảnh du lịch Thủ đô Hà Nội là điểm đến du lịch “An toàn - Thân thiện - Chất lượng - Hấp dẫn”.
Cụ thể, số lượng khách du lịch đến Hà Nội năm 2024 ước đạt khoảng 27 triệu lượt khách, tăng 9,2% so với năm 2023, trong đó gồm: 5,5 triệu lượt khách quốc tế (có 3,8 triệu lượt khách quốc tế có lưu trú), tăng 16,4% so với năm 2023 và 21,5 triệu lượt khách nội địa, tăng 7,5% so với năm 2023. Tổng thu từ khách du lịch đạt khoảng 103,74 nghìn tỷ đồng, tăng 11,1% so với năm 2023.
Ước thực hiện năm 2024, công suất sử dụng phòng trung bình khối khách sạn ước đạt 62%; tăng 2,9% so với cùng kỳ năm 2023. Về số lượng cơ sở lưu trú du lịch: Hà Nội hiện 3.761 cơ sở lưu trú với 71.256 phòng; trong đó có 91 khách sạn, khu căn hộ trong thời hạn xếp hạng từ 1-5 sao với tổng số 12.147 phòng, cụ thể (có 23 khách sạn và 6 khu căn hộ xếp hạng 5 sao; 14 khách sạn và 02 khu căn hộ xêp hạng 4 sao; 13 khách sạn 3 sao).
Về dịch vụ du lịch đạt chuẩn: trên địa bàn Hà Nội hiện có 97 cơ sở kinh doanh dịch vụ được công nhận đạt chuẩn phục vụ khách du lịch, trong đó có: 45 cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống; 43 cơ sở kinh doanh dịch vụ mua sắm; 07 cơ sở kinh doanh vui chơi giải trí; 02 cơ sở kinh doanh dịch vụ chăm sóc sức khoẻ.
Trong năm, Công tác xây dựng sản phẩm du lịch có nhiều đổi mới tiêu biểu như: Tổ chức xây dựng và công bố tuyến du lịch Trung tâm Hà Nội - Thanh Oai - Ứng Hòa - Mỹ Đức với chủ đề “Con đường di sản Nam Thăng Long - Hà Nội - Điểm về nguồn cội” gắn với hành trình tham quan, tìm hiểu, trải nghiệm các hoạt động của đình Nội Bình Đà (xã Bình Minh) - làng nghề nón Chuông (xã Phương Trung, huyện Thanh Oai), làng nghề tăm hương (xã Quảng Phú Cầu, huyện Ứng Hòa), làng nghề dệt (xã Phùng Xá, huyện Mỹ Đức); tổ chức công bố Điểm đến du lịch cộng đồng bản Miền, xã Ba Vì, huyện Ba Vì, thành phố Hà Nội với chủ đề “Chữa lành - Tịnh tâm - Dưỡng tuệ” gắn với tìm hiểu văn hóa bản đại và nghề làm thuốc Nam của người Dao Quần Chẹt Ba Vì....
Về Hợp tác xúc tiến và phát triển thị trường du lịch với việc đón nhận 03 giải thưởng “Điểm đến du lịch thành phố hàng đầu châu Á” (Asia's Leading City Destination), “Điểm đến du lịch thành phố cho kỳ nghỉ ngắn ngày hàng đầu châu Á” (Asia's Leading City Break Destination) và “Điểm đến văn hoá hàng đầu Việt Nam” (Vietnam’s Leading City Cultural Destination) do tổ chức Giải thưởng Du lịch thế giới (World Travel Awards) trao tại Hà Nội.
Đặc biệt, năm 2024 đánh dấu chiến thắng đầu tiên của Hà Nội ở hạng mục “Điểm đến văn hoá hàng đầu Việt Nam – Vietnam’s Leading City Cultural Destination”, ghi nhận những giá trị về văn hóa, lịch sử và truyền thống của thành phố – nơi lưu giữ nhiều di sản văn hóa vật thể và phi vật thể có giá trị, được gìn giữ và phát triển qua nhiều thế kỷ, trở thành điểm đến lý tưởng cho du khách yêu thích khám phá văn hoá, lịch sử.
Tổ chức và phối hợp tổ chức các chương trình, sự kiện du lịch: Chương trình “Du lịch Hà Nội chào 2024 - Get on Hà Nội 2024” và công bố Quyết định công nhận khu du lịch Nhật Tân; Tổ chức chương trình quảng bá sản phẩm du lịch Đêm Hà Nội 2024 và công bố Quyết định công nhận 03 điểm du lịch: Di tích quốc gia đặc biệt đền Quán Thánh, đền Voi Phục và đảo Ngọc – Trúc Bạch, quận Ba Đình; Chương trình Du xuân hữu nghị 2024 và đặc biệt chương trình Lễ hội quà tặng Du lịch và Lễ hội Áo dài Du lịch Hà Nội 2024, cụ thể:
Lễ hội quà tặng Du lịch: được tổ chức thực hiện theo Kế hoạch của UBND Thành phố với sự chuẩn bị kỹ lưỡng, có nhiều đổi mới về hình thức và quy mô tổ chức. Kết quả sau 03 ngày, Lễ hội đã đón khoảng 20.000 lượt khách trong nước và quốc tế đến tham quan và trải nghiệm, là hoạt động thu hút số lượng khách cao nhất tại không gian phố đi bộ Trần Nhân Tông, đây là hoạt động thiết thực chào mừng kỷ niệm 70 năm ngày Giải phòng Thủ đô (10/10/1954-10/10/2024).
Lễ hội Áo dài Du lịch Hà Nội 2024: Đây là một sự kiện nằm trong chuỗi các hoạt động kỷ niệm 70 năm Giải phóng Thủ đô. Lễ hội có sự tham gia 150 đơn vị, cá nhân, quy mô 100 gian hàng, bao gồm: 85 nhà thiết kế, thương hiệu áo dài của Hà Nội - Huế, các cơ sở phụ kiện áo dài, các đơn vị: UBND quận Ba Đình, Tổng Công ty Du lịch Hà Nội, Trung tâm bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội, Ban quản lý di tích làng cổ Đường Lâm, các doanh nghiệp du lịch Hà Nội và các gian hàng ẩm thực. Theo thống kê, 03 ngày diễn ra Lễ hội đã thu hút hơn 63.000 lượt khách tham quan là người dân Thủ đô, nhân dân cả nước, du khách và bạn bè quốc tế.
Quảng bá du lịch Hà Nội trên các chuyến bay nội địa và quốc tế của Vietnam Airlines được thực hiện với ba hình thức, gồm: Phim landing, Ấn phẩm Heritage Guide – Hà Nội và Podcast Du lịch Hà Nội. Tổ chức thiết kế, sản xuất sản phẩm quà tặng, bộ nhận diện du lịch, ấn phẩm du lịch Hà Nội đặc sắc, mang đậm nét văn hóa Thủ đô, phục vụ công tác tuyên truyền, quảng bá, xúc tiến du lịch và phục vụ khách du lịch tại các khu, điểm tham quan du lịch.
Về Công tác chuyển đổi số ngành du lịch, Hình thành bản đồ số du lịch (bằng nhiều thứ tiếng) thể hiện các thông tin thu hút du khách phục vụ phát triển du lịch thông minh của Hà Nội (đã thí điểm tại Hoàn Kiếm, Hoàng Mai, Nam Từ Liêm, Đông Anh, Thạch Thất), sau đó đánh giá và triển khai nhân rộng trên toàn Thành phố.
Việc tổ chức các hoạt động, sự kiện, chương trình xúc tiến du lịch cũng được đổi mới, thu hút sự tham gia của đông đảo doanh nghiệp và du khách. Các sự kiện được tổ chức với quy mô lớn, chuyên nghiệp, thường niên, theo chuỗi từ đầu năm đến cuối năm với nhiều hoạt động, nội dung đặc sắc, hấp dẫn, ứng dụng nhiều công nghệ mới như 3D, Mapping, Drone. Bên cạnh đó, công tác truyền thông quảng bá cũng được chú trọng, các doanh nghiệp du lịch đã chủ động liên kết với các đơn vị truyền thông, các hãng hàng không để quảng bá sản phẩm của mình. Nhiều doanh nghiệp đã dành nguồn lực lớn để đầu tư các sản phẩm marketing chuyên nghiệp quảng bá trên các nền tảng truyền thông số.
Hà Nội - Trung tâm du lịch lớn của cả nước
Nhằm thu hút đông đảo nhân dân, khách du lịch quốc tế và nội địa đến tham quan, trải nghiệm tại Hà Nội, nâng cao năng lực quản lý nhà nước về du lịch trên địa bàn Thành phố giữ vững vai trò Hà Nội là trung tâm du lịch lỡn của cả nước, thời gian tới Sở du lịch tiếp tục xây dựng hình ảnh du lịch Thủ đô Hà Nội là điểm đến “An toàn - Thân thiện - Chất lượng - Hấp dẫn” đáp ứng yêu cầu phát triển trong tình hình mới, khẳng định là điểm đến du lịch thành phố hàng đầu thế giới.
Phấn đấu năm 2025 ngành Du lịch Thủ đô thu hút được trên 30 triệu lượt khách, tăng 11,1% so với ước thực hiện năm 2024 với trên 7 triệu lượt khách du lịch quốc tế (gồm 5 triệu lượt khách có lưu trú), tăng 27,3% so với ước thực hiện năm 2024 và 23 triệu lượt khách nội địa, tăng 7 % so với ước thực hiện năm 2024. Tổng thu từ khách du lịch đạt trên 130 nghìn tỷ đồng, tăng 26,1% so với ước thực hiện năm 2024. Công suất sử dụng phòng trung bình của cơ sở lưu trú, khách sạn đạt trên 64%, tăng thêm 2 điểm % so với ước thực hiện năm 2024.
Một là, Tổ chức các chuỗi sự kiện, chương trình hấp dẫn, đặc sắc, quảng bá du lịch Thủ đô theo hướng chuyên nghiệp như: Chương trình Du lịch Hà Nội chào năm mới 2025, Chương trình Du xuân hữu nghị 2025, Lễ hội Quà tặng Du lịch Hà Nội 2025, Festival Áo dài Hà Nội 2025.
Hai là, Triển khai các hoạt động, sự kiện liên kết, hợp tác với một số hãng hàng không nội địa và quốc tế; Tuyên truyền, quảng bá về du lịch Hà Nội trên các chuyến bay của Vietnam Airlines và các khu, điểm, cơ sở lưu trú du lịch. Tiếp tục triển khai phát hành cuốn "Bản tin du lịch Hà Nội" hàng quý.
Ba là, Nghiên cứu định hướng xây dựng, phát triển ngành sản xuất quà tặng phục vụ du lịch. Thiết kế, sản xuất sản phẩm quà tặng, ấn phẩm quảng bá du lịch Hà Nội phục vụ các hoạt động tuyên truyền, quảng bá, xúc tiến du lịch.
Bốn là, Chủ động xây dựng kế hoạch xúc tiến du lịch tại các thị trường trong nước và quốc tế từ đầu năm, theo hướng chuyên nghiệp, đầu tư có trọng tâm, trọng điểm nhằm tạo dựng hình ảnh điểm đến Hà Nội có chất lượng cao.
Năm là, Thực hiện tham gia các hoạt động, chương trình quảng bá du lịch đối ứng với các nước thành viên tổ chức CPTA, TPO, Liên minh hợp tác các thành phố du lịch Mê Kông - Lan Thương và các hoạt động xúc tiến du lịch quốc tế khác. Nghiên cứu, xây dựng kế hoạch quảng bá, thu hút khách du lịch lồng ghép với các sự kiện văn hóa, thể thao, điện ảnh, âm nhạc quy mô, tầm cỡ thế giới.
Sáu là, Đẩy mạnh ứng dụng nền tảng địa chỉ số trong hoạt động du lịch; tiếp tục số hóa hệ thống thông tin số về khu du lịch, điểm du lịch, cơ sở dịch vụ du lịch, thị trường du lịch Hà Nội; Tiếp tục đẩy mạnh thực hiện số hóa bằng giao diện ảnh 360o và các công nghệ mới tại các điểm đến làng nghề, di tích, di sản văn hóa trên địa bàn Thành phố./.