Trình diễn nhạc ngũ âm của người Khmer có quy mô lớn nhất Việt Nam
Tổ chức Kỷ lục Việt Nam đã công bố quyết định xác lập kỷ lục trình diễn nhạc ngũ âm của người Khmer tỉnh Sóc Trăng có quy mô lớn nhất Việt Nam, quy tụ 20 dàn ngũ âm với khoảng 200 diễn viên, nhạc công tham gia trình diễn.
Tối 13/11, UBND tỉnh Sóc Trăng đã tổ chức khai mạc Lễ hội Oóc om bóc - Đua ghe Ngo Sóc Trăng, khu vực ĐBSCL lần thứ VI và Tuần Văn hóa, Thể thao và Du lịch Sóc Trăng lần thứ I năm 2024.
Chương trình nghệ thuật khai mạc có chủ đề “Bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc, hội nhập và phát triển”. Chương trình gồm 2 chương: “Hội tụ bản sắc” và “Sóc Trăng - Muôn sắc phương Nam”.
Tại lễ khai mạc, ông Dương Duy Lâm Viên, Tổng thư ký Trung ương Hội kỷ lục gia Việt Nam, Viện trưởng Viện Kỷ lục Việt Nam, đại diện Tổ chức kỷ lục Việt Nam đã trao quyết định và bằng công nhận Chương trình trình diễn nhạc Ngũ âm của người Khmer tỉnh Sóc Trăng đạt Guinness Việt Nam. Chương trình nhạc Ngũ âm Sóc Trăng có quy mô lớn nhất Việt Nam với 20 dàn nhạc ngũ âm cùng 200 nghệ nhân, nhạc công, diễn viên tham gia trình diễn.
Nhạc ngũ âm là loại hình nghệ thuật cổ truyền của đồng bào Khmer. Trước đây tỉnh Sóc Trăng từng tổ chức 10 dàn nhạc ngũ âm để trình diễn để phục vụ cho du khách cũng như nhân dân địa phương.
Nhạc ngũ âm là dàn nhạc được hợp thành từ 5 bộ nhạc cụ với chất liệu khác nhau để tạo nên 5 âm sắc riêng biệt: bộ đồng, bộ sắt, bộ mộc, bộ da, bộ hơi. Trước đây dàn nhạc này chỉ được trình diễn khi tổ chức lễ hội, Tết cổ truyền và sau đó được cất giữ tại chùa.
Ngày nay đời sống vật chất tinh thần của nhân dân ngày càng được nâng lên, dàn nhạc ngũ âm được mở rộng phạm vi hoạt động, xuất hiện và tham gia phục vụ trong các buổi trình diễn ca múa nhạc chuyên nghiệp, kết hợp với một số nhạc cụ khác để hòa âm phối khí, sử dụng trong các vở sân khấu Dù Kê.
Với sự hỗ trợ từ Dự án “Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch”, Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số, nhạc Ngũ âm có thêm điều kiện phát triển mạnh mẽ.
Đây cũng là cơ sở để tỉnh Sóc Trăng tiếp tục đầu tư, bảo tồn và phát huy những giá trị vốn có của loại hình nghệ thuật này. Thời gian qua, Sở Văn hoá Thể thao và Du lịch tỉnh Sóc Trăng mua sắm nhiều dàn nhạc ngũ âm hỗ trợ cho các câu lạc bộ, các chùa Khmer trong tỉnh. Ngoài ra, nhiều lớp học đào tạo, truyền dạy nhạc ngũ âm cũng được mở để bồi dưỡng cho con em đồng bào Khmer có thêm nhiều kiến thức cơ bản, hiểu biết hơn về loại hình nghệ thuật đặc sắc này./.