Người Hà Nội thanh lịch, văn minh

Góp phần nâng cao hiệu quả xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh theo Chỉ thị 30-CT/TU của Thành uỷ Hà Nội

Minh Lý 16:17 13/11/2024

Thành uỷ Hà Nội yêu cầu thúc đẩy mạnh mẽ việc xây dựng, thực hiện giá trị, chuẩn mực người Hà Nội thanh lịch, văn minh trong thời kỳ mới; coi đây là một nguồn lực, động lực quan trọng cho sự nghiệp xây dựng và phát triển Thủ đô “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại”.

Vừa qua, Sở Văn hoá và Thể thao Hà Nội đã ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Kế hoạch số 182/KH-UBND ngày 17/6/2024 của UBND Thành phố Hà Nội về tổ chức thực hiện Chỉ thị số 30-CT/TU ngày 19/2/2024 của Ban Thường vụ Thành ủy “Tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng về xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh đến năm 2025”(Chỉ thị 30-CT/TU) trên địa bàn thành phố Hà Nội năm 2024.

Kế hoạch nhằm triển khai hiệu quả, có trọng tâm, trọng điểm Chỉ thị số 30-CT/TU trên địa bàn thành phố Hà Nội năm 2024. Tăng cường công tác phối hợp, kiểm tra, giám sát, đôn đốc, hướng dẫn và tháo gỡ khó khăn trong quá trình triển khai thực hiện. Thúc đẩy mạnh mẽ, quán triệt sâu rộng; phát huy vai trò của cán bộ, đảng viên, nhân dân và của cả hệ thống chính trị, cộng đồng, doanh nghiệp và mỗi gia đình trong việc xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh. Phấn đấu xây dựng thành phố Hà Nội tiêu biểu về lối sống, phong cách ứng xử; xây dựng người Hà Nội hào hoa, thanh lịch, nghĩa tình, văn minh, tiêu biểu cho văn hoá, lương tri và phẩm giá con người Việt Nam.

3(1).jpg
Quận Hai Bà Trưng là một trong những địa phương tiên phong, tích cực triển khai Chỉ thị 30-CT/TU, qua đó, đã đạt được những kết quả bước đầu đáng ghi nhận.

Chỉ thị 30-CT/TU có nêu: Hệ thống chính trị từ Thành phố đến cơ sở đã triển khai đồng bộ, nhiều giải pháp, ban hành các nghị quyết, chỉ thị, chương trình hành động, kế hoạch, đề án,... gắn với việc đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, các phong trào thi đua lớn như: “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”; “Người tốt việc tốt”, “Đền ơn đáp nghĩa”, “Xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”,... Nhiều sáng kiến, mô hình hay đem lại kết quả đáng ghi nhận như: xây dựng phụ nữ Thủ đô “Trung hậu, sáng tạo, đảm đang, thanh lịch”; “Thanh niên làm theo lời Bác”, xây dựng đội ngũ cán bộ, công nhân, viên chức, lao động thủ đô “Tiên tiến, sáng tạo, đoàn kết, kỷ cương, giữ gìn môi trường, thanh lịch, nhân ái”; xây dựng “Nhà trường văn hoá, nhà giáo mẫu mực, học sinh thanh lịch”,... Thành ủy Hà Nội hàng năm tổ chức thường niên Giải báo chí về “Phát triển văn hóa và xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh”. UBND Thành phố ban hành 2 Quy tắc ứng xử: “Quy tắc ứng xử của cán bộ công chức, viên chức và người lao động trong các cơ quan trực thuộc Thành phố” và “Quy tắc ứng xử nơi công cộng trên địa bàn thành phố Hà Nội”, qua đó tạo sự chuyển biến tích cực về nhận thức và hành động của cán bộ, đảng viên và nhân dân Thủ đô trong việc xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh.

Bên cạnh đó, Chỉ thị 30-CT/TU cũng chỉ ra những hạn chế tồn tại như: So với yêu cầu ngày càng cao của sự nghiệp xây dựng Thủ đô “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại”, việc xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh chưa đáp ứng được yêu cầu, chưa đi vào thực chất, bền vững, còn bộc lộ nhiều hạn chế, yếu kém. Trong nhận thức, một số cấp ủy đảng, chính quyền, trước hết là người đứng đầu còn xem nhẹ giá trị văn hóa, giá trị con người Hà Nội trong phát triển mọi mặt đời sống xã hội; còn thiên về các giá trị kinh tế, chưa chú ý tới nhân tố văn hóa và con người trong xây dựng và thực hiện các quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, dẫn đến tình trạng phá vỡ không gian kiến trúc, xâm hại di sản văn hóa, biến dạng cảnh quan đô thị và nông thôn Việc thực hiện 02 Quy tắc ứng xử, nhất là ứng xử nơi công cộng chưa có chuyển biến mạnh mẽ. Những hành vi ứng xử thiếu văn hóa với môi trường tự nhiên, môi trường xã hội, những biểu hiện lệch lạc trong văn hóa gia đình, văn hóa học đường, văn hóa nơi công cộng…

Bám sát nhiệm vụ, nội dung được đề cập trong Chỉ thị 30-CT/TU, theo đó, Sở Văn hoá và Thể thao Hà Nội đã xây dựng kế hoạch thực hiện bao gồm 05 nội dung chính: (1) Công tác tuyên truyền; (2) Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về xây dựng phát triển văn hóa, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh; (3) Xây dựng Người Hà Nội phát triển toàn diện, “Hào hoa, thanh lịch, nghĩa tình, văn minh” tiêu biểu cho văn hoá, lương tri và phẩm giá con người Việt Nam; (4) Xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh; (5) Công tác kiểm tra, giám sát.

1(1).jpg
Mô hình “Đoạn đường bích hoạ, nở hoa” được triển khai rộng khắp tại các địa phương trên địa bàn Thủ đô chứng tỏ hiệu quả thiết thực của các phong trào thi đua hướng tới xây dựng Thủ đô Hà Nội "Văn minh - Văn hiến - Hiện đại".

Cụ thể, với hoạt động tuyên truyền bằng nhiều hình thức phong phú đa dạng, cần nêu bật vai trò, vị trí quan trọng của việc xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, phát triển bền vững của Thủ đô. Tuyên truyền các hoạt động, kết quả triển khai thực hiện Chỉ thị 30-CT/TU và Kế hoạch số 182/KH-UBND ngày 14/6/2024 của UBND Thành phố đối với địa phương, cơ quan, đơn vị trên địa bàn Thủ đô. Tuyên truyền giáo dục, vận động người dân Thủ đô nâng cao ý thức chấp hành, tôn trọng kỷ cương pháp luật, xây dựng các quan hệ xã hội giàu tính nhân văn trên cơ sở phát huy những nét đẹp truyền thống; có nếp sống, hành vi ứng xử văn hóa mọi lúc, mọi nơi, trên mọi lĩnh vực đời sống xã hội; kiên quyết đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, lệch lạc, văn hoá ngoại lai không phù hợp với thuần phong mỹ tục của dân tộc, truyền thống văn hiến của Thủ đô.

Đáng lưu ý, nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về xây dựng phát triển văn hóa, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh, cần tăng cường việc rà soát, đánh giá việc xây dựng và nhân rộng các mô hình hay, hiệu quả trong xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh. Kịp thời động viên, khen thưởng các tập thể, cá nhân có thành tích trong triển khai thực hiện Chỉ thị.

Chú trọng nghiên cứu, triển khai xây dựng bộ tiêu chí người Hà Nội thanh lịch, văn minh năm 2024 trên địa bàn Thành phố. Tăng cường giáo dục nghệ thuật, nâng cao năng lực cảm thụ thẩm mỹ cho nhân dân, đặc biệt là thanh thiếu niên. Nâng cao thể lực, tầm vóc con người Hà Nội, gắn với giáo dục thể chất, với tri thức, đạo đức, kỹ năng sống, đáp ứng yêu cầu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Phát triển, nâng cao chất lượng phong trào thể dục thể thao quần chúng, các câu lạc bộ thể dục thể thao từ thôn, xã, phường, thị trấn…

2(1).jpg
Việc xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh góp phần thay đổi diện mạo, cảnh quan môi trường sáng, xanh, sạch, đẹp trên địa bàn Thủ đô.

Nâng cao chất lượng việc đánh giá, công nhận thôn, tổ dân phố đạt danh hiệu “Thôn, Tổ dân phố văn hóa”. Xây dựng và ban hành bộ tiêu chí “Gia đình văn hóa”, “Thôn, tổ dân phố văn hóa”, “Xã, phường, thị trấn tiêu biểu” thành phố Hà Nội theo Nghị định số 86/2023/NĐ-CP ngày 07/12/2023 của Chính phủ quy định về khung tiêu chuẩn và trình tự, thủ tục, hồ sơ xét tặng danh hiệu “Gia đình văn hóa”, “Thôn, Tổ dân phố văn hóa”, “Xã, phường, thị trấn tiêu biểu”; tiêu chí phường, thị trấn đạt chuẩn văn minh đô thị theo Quyết định 04/2022/QĐ-TTg ngày 18/3/2022 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Quy định tiêu chí, trình tự, thủ tục xét công nhận đạt chuẩn đô thị văn minh.

Nâng cao chất lượng việc xây dựng và bảo vệ cảnh quan môi trường sinh thái, gắn xây dựng môi trường văn hóa với phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh quốc phòng. Duy trì và nâng cao lượng thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội, trong gia đình và nơi công cộng.

Xây dựng và gương mẫu thực hành văn hóa lãnh đạo, quản lý, văn hóa liêm chính để mỗi cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp, đặc biệt là người đứng đầu trở thành tấm gương chuẩn mực trong văn hóa ứng xử, phát ngôn, giao tiếp tại công sở, gia đình, nơi cư trú và nơi công cộng.

Sở Văn hoá và Thể thao Hà Nội giao cho các phòng, ban, đơn vị chuyên môn liên quan thuộc Sở căn cứ chức năng nhiệm vụ của phòng, ban, đơn vị, chủ động xây dựng kế hoạch và phối hợp thực hiện các nội dung, nhiệm vụ thuộc lĩnh vực đơn vị phụ trách. Đề nghị các sở, ban, ngành, đơn vị; UBND các quận, huyện, thị xã trên địa bàn Thành phố phối hợp triển khai có hiệu quả các nội dung của Kế hoạch. Thực hiện chế độ thông tin, báo cáo kết quả triển khai thực hiện Chỉ thị 30-CT/TU theo quy định./.

Minh Lý