Thúc đẩy phòng chống bạo lực và phân biệt đối xử với trẻ em khuyết tật
Ngày 12/11, Hội thảo tổng kết Dự án “Phòng chống bạo lực thể chất, tinh thần và phân biệt đối xử với trẻ em, trong đó có trẻ khuyết tật" (AVAC) đã diễn ra với sự tham gia của gần 80 đại biểu đại diện các cơ quan nhà nước, trường học và các tổ chức xã hội.
Chương trình do Hội Nghiên cứu Khoa học về Đông Nam Á của Việt Nam (SEARAV) phối hợp cùng Viện Nghiên cứu Quản lý phát triển bền vững (MSD), Tổ chức Cứu trợ Trẻ em Việt nam và các đối tác thực hiện dự án thực hiện Dự án “Phòng chống bạo lực thể chất, tinh thần và phân biệt đối xử với trẻ em, trong đó có trẻ khuyết tật" (AVAC) được Bộ Nội Vụ phê duyệt theo Quyết định số 1210/QĐ-BNV ngày 21/12/2022, do Tổ chức Cứu trợ Trẻ em Hồng Kông tài trợ với sự điều phối của Tổ chức Cứu trợ Trẻ em tại Việt Nam.
Đây là một Hợp phần trong Dự án AVAC do Tổ chức Cứu trợ Trẻ em điều phối triển khai thông qua 3 đối tác: Viện MSD, Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam (VACR), và Viện Nghiên cứu phát triển cộng đồng (ACDC). Mục tiêu của Dự án AVAC là góp phần cùng Nhà nước và các bên thực hiện hiệu quả Quyền Trẻ em, đảm bảo Quyền Trẻ em được thực hiện đầy đủ như cam kết. Trong đó, mục tiêu trung hạn là trẻ em, đặc biệt là trẻ em khuyết tật được hỗ trợ bởi các tổ chức xã hội và các bên liên quan để thực hiện quyền tham gia một cách có ý nghĩa và được bảo vệ khỏi mọi hình thức bạo lực.
Phát biểu khai mạc sự kiện, Tiến sĩ Phạm Thanh Tịnh, Chủ tịch Hội Nghiên Cứu Khoa Học Về Đông Nam Á Việt Nam nhấn mạnh về tầm quan trọng của việc thúc đẩy sự tham gia của trẻ em và việc lắng nghe tiếng nói của trẻ, đặc biệt là trẻ khuyết tật, không chỉ giúp phát hiện sớm các dấu hiệu bạo lực, phân biệt đối xử mà còn tạo cơ hội cho trẻ em được tham gia vào các quyết định liên quan đến cuộc sống của mình.
Bà Trần Vân Anh - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Phát triển bền vững (MSD) - Đại diện Ban tổ chức Hội thảo tổng kết dự án, cho biết “Thúc đẩy thực thi quyền trẻ em nói chung và những nỗ lực phòng chống bạo lực và phân biệt đối xử với trẻ em nói riêng luôn là một trong những ưu tiêu trong các hoạt động của Viện MSD. Thông qua dự án AVAC, chúng tôi có cơ hội tiếp tục nỗ lực này, đặc biệt thông qua các hoạt động thúc đẩy sự tham gia của trẻ em cũng như tăng cường nhận thức của các bên liên quan về áp dụng kỷ luật tích cực và chấm dứt mọi hình thức trừng phạt thể chất, tinh thần đối với trẻ em".
Bà Lê Thị Thùy Dương - Giám đốc Chiến lược,Chất lượng và Hiệu quả chương trình, Tổ chức Cứu trợ trẻ em tại Việt Nam cũng chia sẻ về cam kết lâu dài của Tổ chức trong công tác thúc đẩy quyền cho trẻ em nói chung và cho nhóm trẻ em chịu nhiều ảnh hưởng của bất bình đẳng và phân biệt đối xử, trong đó có trẻ khuyết tật, nói riêng.
Cũng trong khuôn khổ hội thảo đã diễn ra hai tọa đàm với những nội dung thiết thực liên quan đến quan đến bảo vệ trẻ em được tổ chức với sự tham gia tích cực của đại diện các bên liên quan. Cụ thể, Cục Trẻ em, Bộ giáo dục, Thành đoàn TP.HCM, Tổ chức Cứu trợ Trẻ em tại Việt Nam, MSD, VACR, PDEP (Chương trình kỷ luật tích cực), ACDC đã cùng trao đổi và thảo luận về các chủ đề, bao gồm: Lắng nghe trẻ em để bảo vệ trẻ em: các thảo luận tập trung về sự tham gia của trẻ em, đặc biệt là trẻ khuyết tật trong các hoạt động, vấn đề liên quan đến trẻ; Chung tay phòng chống bạo lực thể chất, tinh thần và phân biệt đối xử với trẻ em.
Chia sẻ tại Hội thảo, em Sơn, học sinh của lớp trẻ điếc C5 cho biết “chúng em rất may mắn được tham gia một số lớp tập huấn về phòng chống bạo lực xâm hại, kỹ năng an toàn trên môi trường mạng. Ban đầu em cũng gặp một số khó khăn, nhưng nhờ có sự hỗ trợ tận tình của các thầy cô giáo và các bạn điếc tham gia cùng, em cảm thấy tiếp thu kiến thức dễ dàng hơn. Chúng em cũng có cơ hội được tự triển khai sáng kiến của mình trong quá trình học tập và chia sẻ kiến thức cho các bạn học sinh khác”.
Em Linh Nhi từ trường THCS Tây Đằng hào hứng chia sẻ về những thay đổi của bản thân sau khi được tham gia các hoạt động của dự án, em cho biết em cảm thấy tự tin hơn, cuộc sống có ý nghĩa hơn và đặc biệt em có thể tự tin bày tỏ ý kiến của mình với cha mẹ và thầy cô.
Hội thảo tổng kết Dự án “Phòng chống bạo lực thể chất, tinh thần và phân biệt đối xử với trẻ em, trong đó có trẻ khuyết tật" (AVAC) một lần nữa khẳng định sự cam kết tham gia của các tổ chức hiện diện và tầm quan trọng của việc lắng nghe trẻ em và bảo vệ các em khỏi các vấn nạn bạo lực và xâm hại.
Chương trình đã tổng kết các hoạt động triển khai của dự án trong thời gian qua, thu thập ý kiến đóng góp, đồng thời mở ra các định hướng và phương án mới để hoạt động thúc đẩy sự tham gia của trẻ em hiệu quả hơn nữa. Các nội dung trong hội thảo chính là tiền đề để các bên liên quan chung tay xây dựng môi trường an toàn, tôn trọng và bảo vệ quyền lợi của trẻ, kiến tạo một xã hội bình đẳng, văn minh./.