Lý luận - phê bình

Một số gợi mở trong thẩm định thơ

Nhà thơ Nguyễn Quang Hưng 12:11 11/11/2024

Nhìn chung đánh giá về việc đọc sách văn học của công chúng, có thể theo nhiều khía cạnh, đồng sáng tạo, kích thích người viết sáng tác, bồi bổ thẩm mĩ, tích lũy tri thức, phát triển đời sống văn hóa… với những hiệu quả tích cực. Nhưng còn có những tồn tại theo chiều hướng ngược lại, mang tính nguy cơ hơn là cơ hội tốt, phản ánh sự trì trệ hơn là phát triển. Đó là sự dễ dãi trong việc đọc, thẩm định thơ từ cả người đọc lẫn người sáng tác, truyền tải.

Việc đăng tải báo chí và việc xuất bản thơ, cho đến nay vẫn được coi như những cánh cửa chính thống và chủ yếu cho việc công bố, hiện diện của người làm thơ. Có thể thấy như lâu nay, tập hợp những người làm công tác sáng tạo, biên tập, thẩm định, và cao hơn là các nhà nghiên cứu, phê bình được xếp vào đối tượng người đọc tinh hoa. Những bạn đọc đặc biệt này được trang bị kiến thức chuyên ngành văn học và phông tri thức, thông tin văn hóa, xã hội để cảm nhận, thẩm bình các đồng nghiệp thơ ca, những người sáng tác thơ trong giới ngành của mình. Nhưng không ít những bạn đọc đó với vai trò cầu nối, dẫn hướng, gợi mở cho nhiều bạn đọc phổ thông, bình dân khác lại tỏ ra dễ dãi, cẩu thả trong việc thẩm định, giới thiệu các sáng tác thơ trên trang báo, tạp chí, trên sách, website, trang mạng xã hội. Ngay cả việc viết lời tựa, lời đầu sách, viết bài điểm sách, rộng ra có khi cả việc soạn đề thi môn Ngữ văn cho học sinh, những bạn đọc được coi là tinh hoa, có sự mẫn cảm và năng lực hơn người đọc phổ thông đó cũng trình bày luôn cả những bất cập, hạn chế qua việc khen ngợi, biểu dương thái quá những sản phẩm chất lượng tầm tầm, nhạt nhạt.

Việc này, về mặt tác động xã hội, sẽ dễ gây ảnh hưởng đến các bạn đọc phổ thông khác khi đọc sách báo, các học sinh khi học từ sách giáo khoa, làm bài thi. Và khiến cho đối tượng bạn đọc phổ thông này cũng dễ bằng lòng với sự giản đơn, dễ hiểu, dễ dãi trong sáng tạo. Khi tiếp cận những tác phẩm thơ khó hiểu, phức tạp, đòi hỏi thời gian suy ngẫm, trải nghiệm thì dễ nản hoặc lảng tránh, có khi dị ứng, tẩy chay.

***

Cách đọc, khả năng đọc, hứng thú đọc, mối quan tâm trong việc đọc và cả quan niệm về việc đọc thơ, cảm thơ, hẳn rằng sẽ có tác động đến văn hóa đọc nói chung, đến cả văn hóa sống, cách nghĩ về cuộc sống, con người. Có thể làm gì để mối quan tâm sâu sắc với thơ ca và sự nhẫn nại, hào hứng trong khám phá những bài thơ hay, thế giới tâm hồn phong phú của nhà thơ sẽ giúp cho bạn đọc làm giàu có thêm đời sống tinh thần của mình; giúp cho họ dồi dào hơn về ngôn ngữ, sâu xa hơn về văn hóa, đầy đặn hơn về thẩm mỹ, hoàn thiện hơn về đạo đức, nhân cách, sâu sắc hơn về tình yêu thương, lòng trắc ẩn. Những sáng tác thơ hay sẽ giúp ích nhiều cho công việc lý tưởng này. Cũng như muốn đời sống tươi đẹp hơn, công chúng, bạn đọc tốt đẹp, nhân văn lên thì phải đưa ra những gì đẹp tươi để đắp bồi, hun đúc cho con người, cho cuộc sống.

Để phục vụ, nâng đỡ, đồng hành tốt hơn với bạn đọc, theo tôi các nhà biên tập, tổ chức trang thơ, mục thơ trên báo chí, trang mạng, cần nâng cao hơn chất lượng tuyển lựa, giới thiệu. Bên cạnh việc “trưng bày” ra sự đa dạng của sáng tác nhiều tác giả với nội dung, bút pháp, phong cách, nghệ thuật… để đạt được sự phong phú, sinh động, đa giọng điệu, sắc màu cho trang báo, tạp chí, trang web thì có lẽ không dừng lại ở đó, cần kiến tạo và khuyến khích nhiều hơn sự tương tác, trao đổi dành cho bạn đọc, giới nghề. Để xung quanh các bài thơ, trang thơ, tác giả thơ và cả các yếu tố liên quan về thời đại thơ ca, lịch sử thơ ca, thể loại, nghệ thuật sáng tác…, người đọc nói chung có được một môi trường tốt, cởi mở, cuốn hút để chia sẻ suy nghĩ, trao đổi quan điểm, thu nạp tri thức cũng như lan tỏa kiến thức của mình.

Và cùng với mở rộng thao tác bên cạnh việc đọc thơ như vậy, thì cao hơn sự tương tác, mở các chế độ cho bạn đọc bình luận, cảm nhận, cần phải vươn tới các diễn đàn với những vấn đề, chủ đề, chủ điểm thơ ca về bài thơ, tập thơ, tác giả, thời kỳ thơ ca, dòng chảy, trường phái, lịch sử thơ ca… dành cho mọi người bàn luận, tiếp thu, tích lũy. Và chính là các đơn vị báo chí, trang mạng, các nhà sáng tác, nhà nghiên cứu, phê bình, những người biên tập, phụ trách các trang, mục, diễn đàn cần nhập cuộc tích cực, là những người tạo lập, khởi xướng và duy trì, tham gia xới xáo, nuôi giữ những diễn đàn, chuyên mục như thế.

Có một diễn đàn trên không gian mạng nổi lên trong đời sống văn hóa có tính phổ thông, đại chúng mấy năm qua là một ví dụ sinh động và hơi đáng tiếc là đã dừng lại và chuyển hóa thành các mối quan hệ nhóm nhỏ lẻ hơn. Đó là diễn đàn Quán Chiêu văn do nhà văn Trịnh Đình Nghi sáng lập và cùng nhiều cộng sự là nhà văn, nhà thơ điều hành, trong đó không ít người có xu hướng hoạt động nghề nghiệp hướng tới chuyên nghiệp. Diễn đàn này đã phát triển rất nhanh chóng, đông đảo, tạo nên một cộng đồng người viết, người đọc đa dạng về nghề nghiệp, lứa tuổi, vùng miền, địa phương trong nước và cả ở nước ngoài với không khí sinh hoạt thơ, đăng tải thơ lên trang và đọc, cảm, bình, góp ý... sôi nổi. Tự diễn đàn đã phối hợp tổ chức một số cuộc thi sáng tác, in được nhiều tập Quán Chiêu văn chọn lọc. Các quản trị viên và nhất là người sáng lập cũng tích cực giới thiệu được nhiều tác phẩm thơ, văn của các thành viên để in ấn ở các báo, tạp chí về văn học nghệ thuật.

pngtree-stack-of-books-vintage-illustration-png-image_7410484.jpg

Bên cạnh không khí sinh hoạt nhìn chung lành mạnh, tích cực, những nỗ lực của các quản trị viên và nhiều tác giả có ý thức rèn giũa, đổi mới, có thể nhận ra cả những sản phẩm tầm tầm, trung bình, viết và khen còn dễ dãi. Đây cũng là một ví dụ cụ thể cho cả những biểu hiện tích cực và hạn chế nhất định, thậm chí là khó tránh trong việc gây dựng diễn đàn, hội nhóm sáng tác, việc đọc thơ, giới thiệu tác phẩm thơ đến bạn đọc. Sự nghiêm túc, chân thành và tinh thần đề cao chất lượng là chủ đạo đã có ích với nhiều tác giả, thành viên tham gia diễn đàn Quán Chiêu văn.

Một tác động nữa với bạn đọc nhỏ có thể được các thầy cô giáo thực hiện hiệu quả bằng việc mở rộng, bổ sung, làm giàu thêm cho nội dung học tập về thơ ca trong nhà trường. Theo đó thì phát triển thêm từ những gì đã được đưa vào sách giáo khoa, nên giúp cho học sinh tiếp cận nhiều hơn với những tác phẩm thơ có sự khác lạ, phá cách, đổi mới… Giáo viên và học sinh có thể cùng nhau tìm hiểu, cảm nhận, luận giải trên tinh thần cởi mở, không quá bó buộc vào giáo án hay nội dung tập huấn của ngành. Mục đích chính là để học sinh nhận ra có nhiều hơn những điều các em có thể được tiếp cận, giảng giải trong khuôn khổ sách giáo khoa, mà vốn các tài liệu này là kết quả chọn lựa của một hội đồng nhất định. Điều đó sẽ gợi ra cho các em nhiều hơn về sản phẩm để đọc, về cách đọc, khích lệ trong các em sự tìm hiểu, khám phá tác phẩm thơ.

Nhưng muốn vậy, thì cần đẩy mạnh cơ chế khuyến khích giáo viên tham khảo, mở rộng nội dung học tập. Thậm chí mở rộng, bổ sung, làm giàu thêm cho việc học môn Văn trong nhà trường, trong đó có các tác phẩm thơ, cần được coi là một hình thức thi đua đổi mới sáng tạo, là những sáng kiến đổi mới dạy và học. Như thế mới giúp các thầy cô giáo tự tin, mạnh dạn thử nghiệm, áp dụng những ý tưởng cá nhân hay nhóm của mình, chia sẻ những tác phẩm thơ ca đặc sắc mình sưu tầm, cảm nhận được mà không quá e ngại sự “lệch pha”, lệch chuẩn, sợ đi ngược lại nội dung tập huấn hay quy định của ngành giáo dục.

Một mô hình cụ thể đã có uy tín trong đời sống xã hội, có thể coi như một ví dụ thành công của việc mở rộng nội dung đọc, sáng tạo cách đọc cho thiếu nhi, học sinh, đó là Câu lạc bộ Đọc sách cùng con tại Hà Nội do TS giáo dục học Nguyễn Thụy Anh sáng lập và điều hành đến nay đã hơn 10 năm. Từ việc tập hợp các em nhỏ đến đọc và nghe đọc sách văn, thơ…, câu lạc bộ đã mời các nhà văn, nhà thơ đến giao lưu, cùng đọc với các em; tổ chức đọc theo hình thức diễn tiểu phẩm; mời các nghệ sĩ cộng tác, giúp các em làm quen với cách tương tác của sân khấu khi thể hiện tác phẩm văn học. Qua thực tế phát triển câu lạc bộ và có những tích lũy, đúc kết mới, TS Thụy Anh và cộng sự đã đạt được nhiều thành quả với hiệu quả thực tế trong năng lực cảm nhận văn chương, xây dựng thói quen đọc sách và cổ vũ hứng thú viết văn, làm văn của nhiều lứa thiếu nhi.

Đó là vài gợi mở và ví dụ cụ thể từ quan sát của tôi đối với việc in ấn, xuất bản, tổ chức diễn đàn dành cho thơ và đối tượng hướng tới không thể không có mặt là bạn đọc thơ. Còn có nhiều điều cần được tìm hiểu, nhận xét, gợi mở liên quan đến bạn đọc và tác phẩm thơ khi nghĩ về các đối tượng như sinh viên nói chung, sinh viên chuyên ngành văn học; lực lượng an ninh, quốc phòng; người lao động phổ thông; phạm nhân…; cũng như cùng với sách báo đọc theo cách truyền thống thì những hình thức đọc qua nghe, qua xem, qua tương tác, nhập cuộc là những đề tài thú vị cho việc mở rộng cách bạn đọc tiếp cận thơ. Bên cạnh thơ hay như một đòi hỏi tất yếu đối với người sáng tác, thì sáng tạo nhiều cách thức khác nhau cho việc đọc, sẽ đem lại hiệu quả tích cực cứu lấy sự dễ dãi trong việc đọc thơ đang được nhận thấy trong đời sống văn hóa, xã hội hiện nay./.

Nhà thơ Nguyễn Quang Hưng