Văn hóa – Di sản

Nghệ thuật trang trí trên trang phục của người Lào ở Điện Biên được công nhận là Di sản văn hóa cấp quốc gia

Việt Thương 19:27 09/11/2024

Nghệ thuật trang trí trên trang phục của người Lào được hình thành, phát triển qua quá trình lao động, sản xuất, là kết quả sáng tạo của nhiều thế hệ, được tồn tại, lưu giữ trong nhân dân.

screenshot-1731127618905.png
Thiếu nữ dân tộc Lào huyện Điện Biên và huyện Điện Biên Đông bên khung dệt. (ảnh: báo Nhân dân)

Ngày 8/11, Ủy ban Nhân dân huyện Điện Biên (tỉnh Điện Biên) tổ chức Lễ công bố và trao Chứng nhận Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia đối với Nghệ thuật trang trí trên trang phục của người Lào.

Trước đó, ngày 9/4/2024, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã công bố “Nghệ thuật trang trí trên trang phục của người Lào” huyện Điện Biên và Điện Biên Đông, tỉnh Điện Biên là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Đây là cơ sở pháp lý và khoa học, khẳng định sự quan tâm của Đảng, Nhà nước trong việc tôn vinh các di sản văn hóa, đồng thời quảng bá, tuyên truyền, bảo tồn, phát huy di sản văn hóa phi vật thể gắn với phát triển kinh tế - xã hội ở các địa phương.

Hiện tỉnh Điện Biên đã có 20 di sản văn hóa phi vật thể được đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia, trong đó dân tộc Lào có 3 di sản là Nghệ thuật trang trí trên trang phục, Tết té nước và Nghệ thuật múa; có 41 nghệ nhân được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu “Nghệ nhân Ưu tú” trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể (trong đó có 2 nghệ nhân là đồng bào Lào).

Dân tộc Lào là một trong 19 dân tộc ở Điện Biên, sinh sống tập trung trong 23 bản thuộc 9 xã của 2 huyện Điện Biên và Điện Biên Đông.

Nghệ thuật trang trí trên trang phục của người Lào được hình thành, phát triển qua quá trình lao động, sản xuất, là kết quả sáng tạo của nhiều thế hệ, được tồn tại, lưu giữ trong nhân dân.

Trang phục thổ cẩm của phụ nữ gồm: Áo, váy, khăn đội đầu, thắt lưng. Tất cả đều bằng vải nhuộm chàm, được thêu nhiều họa tiết hoa văn như hình voi, rồng, chim công, các loại hoa lá... với nhiều màu chỉ, kết hợp khéo léo các sắc màu để nổi bật hoa văn. Mỗi nét hoa văn thổ cẩm trên trang phục của người Lào đều là tinh hoa văn hóa dân gian đã được chọn lọc, gìn giữ và truyền lại qua nhiều đời.

Việc tiếp tục được công nhận Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia góp phần tích cực trong việc bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa đặc sắc của đồng bào các dân tộc trên địa bàn tỉnh Điện Biên./.

Việt Thương