Văn hóa – Di sản

Tổ chức hoạt động kỷ niệm 20 năm Công ước UNESCO 2005 về bảo vệ và phát huy sự đa dạng của các biểu đạt văn hóa

Hoa Quỳnh 19:41 08/11/2024

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch vừa có công văn gửi các tỉnh, thành phố: Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Hải Phòng, Cần Thơ, Lâm Đồng, Quảng Nam, Ninh Bình, Thừa Thiên - Huế, Quảng Ninh và Bà Rịa - Vũng Tàu về việc tổ chức hoạt động kỷ niệm 20 năm Công ước UNESCO 2005 về bảo vệ và phát huy sự đa dạng của các biểu đạt văn hóa.

Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hoàng Đạo Cương, cho biết, Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hợp Quốc (UNESCO) có Thư mời các quốc gia thành viên, thành phố sáng tạo, tổ chức xã hội nghề nghiệp, nghệ sỹ và người làm văn hóa tham gia tổ chức các sự kiện và hoạt động kỷ niệm 20 năm ra đời Công ước UNESCO 2005 về Bảo vệ và phát huy sự đa dạng của các biểu đạt văn hóa trong năm 2005.

ha-noid.jpg
Hà Nội là thành phố đầu tiên của nước ta tham gia Mạng lưới thành phố sáng tạo của UNESCO vào năm 2019 - lĩnh vực thiết kế.

“Công ước UNESCO 2005 về Bảo vệ và phát huy sự đa dạng của các biểu đạt văn hóa (Công ước UNESCO 2005) được thông qua tại phiên họp lần thứ 33 của Đại hội đồng UNESCO vào ngày 20/10/2005. Với sự tham gia của 156 quốc gia thành viên, trong thời gian qua, Công ước UNESCO 2005 đã trở thành một công cụ pháp lý quốc tế nhằm phát triển công nghiệp văn hóa sáng tạo toàn cầu, góp phần hỗ trợ các nước xây dựng, triển khai hệ thống chính sách thúc đẩy phát triển các ngành công nghiệp văn hóa, lồng ghép văn hóa vào phát triển bền vững quốc gia.

Đồng thời khuyến khích các biện pháp đối xử ưu đãi quốc tế nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho dòng chảy hàng hóa và dịch vụ văn hóa; thúc đẩy quyền tự do sáng tạo cho nghệ sỹ… Đặc biệt, Công ước 2005 là cơ sở để UNESCO khởi xướng và phát triển Mạng lưới các thành phố sáng tạo UNESCO” – Thứ trưởng Hoàng Đạo Cương, nhấn mạnh.

Việt Nam là một trong những quốc gia sớm phê chuẩn Công ước vào tháng 7/2007. Kể từ khi tham gia Công ước đến nay, Việt Nam luôn thể hiện vai trò chủ động, tích cực với hai lần trúng cử thành viên Ủy ban Liên chính phủ Công ước và hiện đang đảm nhận vai trò Phó Chủ tịch Ủy ban Liên Chính phủ nhiệm kỳ 2021-2025.

Các hoạt động và sự kiện chào mừng 20 năm ra đời Công ước 2005 ở quy mô quốc gia, khu vực và toàn cầu trong năm 2005 được kỳ vọng sẽ góp phần nâng cao nhận thức của người dân và cộng đồng về Công ước, văn hóa sáng tạo và các ngành công nghiệp văn hóa. Các hoạt động và sự kiện này sẽ được đăng tải trên trang web riêng dành cho kỷ niệm 20 năm Công ước 2005 của UNESCO và được nhắc đến tại Hội nghị Toàn cầu về chính sách văn hóa MONDIACULT 2025 do UNESCO tổ chức với sự tham dự của các Bộ trưởng văn hóa trên toàn thế giới (tháng 9/2025 tại Barcelona, Tây Ban Nha).

hanoi-34.png

Trên cơ sở đó, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trân trọng đề nghị các cơ quan với tư cách là các địa phương đang tham gia Mạng lưới các thành phố sáng tạo UNESCO hoặc có trong lộ trình gia nhập Mạng lưới tại Đề án phát triển mạng lưới thành phố sáng tạo Việt Nam nằm trong Mạng lưới các thành phố sáng tạo UNESCO nghiên cứu, chủ động xây dựng kế hoạch, bố trí kinh phí, thông tin đến các cá nhân, đơn vị liên quan để tổ chức các hoạt động, sự kiện chào mừng 20 năm Công ước 2005 phù hợp với nhu cầu và nguồn lực của địa phương.

Hình thức tổ chức có thể bao gồm: gắn các hoạt động, sự kiện văn hóa sáng tạo thường niên của địa phương trong năm 2025 với việc chào mừng kỷ niệm Công ước 2005; tổ chức sự kiện kỷ niệm dành riêng cho Công ước 2005; có thể cân nhắc mời đại diện lãnh đạo UNESCO, một số quốc gia thành viên của Ủy ban liên chính phủ Công ước 2005, các thành phố trong Mạng lưới các thành phố sáng tạo UNESCO và các tổ chức quốc tế trong lĩnh vực văn hóa, sáng tạo tham dự.

Thông tin về các hoạt động, sự kiện gửi về Cục Hợp tác quốc tế, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trước ngày 1/12/2024 để tổng hợp, đăng ký với Ban Thư ký Công ước 2005.

Hà Nội là thành phố đầu tiên của Việt Nam tham gia Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO. Đây là tài sản vô giá để Hà Nội tiếp tục sáng tạo, khẳng định giá trị lịch sử, được bạn bè quốc tế biết đến, phục vụ đắc lực cho tiến trình hội nhập văn hóa, xây dựng Thủ đô “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại”.

Thời gian qua, Hà Nội luôn nỗ lực thực hiện các cam kết với UNESCO kể từ khi gia nhập Mạng lưới thành phố sáng tạo năm 2019. Thành phố đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách, kế hoạch để thúc đẩy xây dựng Thành phố sáng tạo, nổi bật là Nghị quyết số 09-NQ/TU, ngày 22/2/2022, của Thành ủy, “Về phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”; Kế hoạch số 102/KH-UBND, ngày 1/4/2022, của UBND thành phố Hà Nội, “Về thực hiện các sáng kiến gia nhập mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO đến năm 2025”.

lan-su-rong-1-.jpg
Thủ đô Hà Nội đã đưa vào hoạt động nhiều tuyến phố đi bộ - những không gian văn hóa sáng tạo góp phần phát triển du lịch, các ngành công nghiệp văn hóa Thành phố.

Những năm qua, Hà Nội đã tổ chức nhiều cuộc thi gắn với thiết kế sáng tạo như “Thiết kế Không gian sáng tạo Hà Nội”, “Thiết kế Km số 0”, “Hà Nội sáng tạo”, “Thiết kế Nghệ thuật công cộng Hà Nội”, cũng như đưa vào hoạt động nhiều tuyến phố đi bộ - những không gian văn hóa sáng tạo, tổ chức lễ hội văn hóa dân gian trong đời sống đương đại, Liên hoan sáng tạo và thiết kế Việt Nam…

Đặc biệt, Lễ hội Thiết kế Sáng tạo Hà Nội qua 3 lần tổ chức và lần thứ 4 diễn ra từ ngày 9 – 17/11 với hơn 100 hoạt động sáng tạo sôi nổi thuộc 12 lĩnh vực công nghiệp văn hóa như kiến trúc, thiết kế, mỹ thuật, trình diễn, điện ảnh, quảng cáo... sẽ giúp nâng tầm hình ảnh Hà Nội, khẳng định vị thế Thủ đô - Thành phố sáng tạo, năng động và có sức hút đối với người dân và du khách quốc tế./.

Hoa Quỳnh