Chính sách & Quản lý

Di tích Hỏa Lò: Tiếp tục sáng tạo hoạt động trải nghiệm để người dân thêm yêu lịch sử dân tộc

Quỳnh Chi 07/11/2024 07:24

Đó là khẳng định của TS. Nguyễn Thị Bích Thủy - Giám đốc Ban Quản lý Di tích Nhà tù Hỏa Lò (TP. Hà Nội), nhằm đưa Di tích Nhà tù Hỏa Lò trở thành điểm đến của du khách trong và ngoài nước khi đến với Thủ đô Hà Nội.

Theo TS. Nguyễn Thị Bích Thủy, để phát huy tốt các giá trị của di tích, ngoài việc chú trọng bảo tồn các đơn nguyên kiến trúc gốc; đẩy mạnh công tác nghiên cứu, sưu tầm tư liệu, hiện vật về Nhà tù Hỏa Lò, đơn vị đặc biệt chú trọng đến việc đưa các hoạt động trải nghiệm lồng ghép trong hệ thống trưng bày thường xuyên, tạo nên sự chân thực, hấp dẫn và kích thích sự tham gia của công chúng.

bichthuy.jpg
TS. Nguyễn Thị Bích Thủy - Giám đốc Ban Quản lý Di tích Nhà tù Hỏa Lò cho biết đơn vị sẽ tiếp tục sáng tạo các hoạt động trải nghiệm để thế hệ trẻ Thủ đô thêm yêu lịch sử dân tộc Việt Nam.

TS. Nguyễn Thị Bích Thủy chia sẻ, các chương trình trải nghiệm tại di tích được thực hiện bằng nhiều hình thức như: giao lưu với nhân chứng lịch sử; thi tìm hiểu về Di tích Nhà tù Hỏa Lò được tổ chức thường xuyên và mang lại hiệu quả giáo dục thiết thực. Tham gia các cuộc giao lưu, cuộc thi tìm hiểu về di tích, công chúng được trực tiếp gặp gỡ các nhân chứng lịch sử là những cựu tù đã từng bị thực dân Pháp bắt và giam tại Nhà tù Hỏa Lò, được nghe kể về chế độ giam cầm hà khắc của nhà tù thực dân, những gian khổ, hy sinh mà các thế hệ cha anh đi trước đã phải trải qua, để các thế hệ ngày nay được sống trong hòa bình, tự do và hạnh phúc. Chính từ những cuộc gặp gỡ trực tiếp với các nhân chứng lịch sử, thế hệ hôm nay càng hiểu sâu sắc hơn cái giá của hòa bình, độc lập ngày hôm nay mà mình đang được thụ hưởng.

Các chương trình trải nghiệm dành cho học sinh như “Rung chuông vàng”, “Thi vẽ tranh về Nhà tù Hỏa Lò”, “Em học làm thuyết minh” được tổ chức tại di tích đã thu hút được sự tham gia đông đảo của các em học sinh và sự hưởng ứng nhiệt tình từ các bậc phụ huynh. Đây là những sân chơi bổ ích, lý thú dành cho các em học sinh. Tham gia chương trình, các em có cơ hội giao lưu, tương tác, được tham gia trải nghiệm thực tế giúp cho những bài học lịch sử trở nên sống động, dễ hiểu, dễ nhớ.

Ngoài hệ thống trưng bày thường xuyên, Ban Quản lý Di tích Nhà tù Hỏa Lò còn tổ chức các trưng bày chuyên đề với hoạt động trải nghiệm độc đáo. Hàng năm, đơn vị giới thiệu đến công chúng từ 3 đến 5 trưng bày chuyên đề nhân kỷ niệm các sự kiện lịch sử hay các ngày lễ trọng đại của đất nước. “Qua thực tế tổ chức, đơn vị nhận thấy, để các trưng bày chuyên đề nhận được sự quan tâm của công chúng, thì không chỉ là nội dung sâu sắc, mỹ thuật phù hợp, mà chính là các hoạt động trải nghiệm được lồng ghép trong trưng bày sẽ có vai trò kích thích sự tò mò, thu hút được sự tham gia của công chúng và chính là những điểm chạm trong cảm xúc để họ quay trở lại di tích nhiều lần, với các trưng bày chuyên đề khác nhau” - TS. Nguyễn Thị Bích Thủy, cho biết thêm.

thap-ngon-lua-hong.jpg
Nhân dân và du khách tham quan trưng bày “Thắp ngọn lửa hồng” tại Di tích Hỏa Lò - sự kiện chào mừng kỷ niệm 70 năm Giải phóng Thủ đô.

Trong tháng 7/2024, khi đến với Di tích Nhà tù Hỏa Lò, công chúng được nghe thuyết minh về nội dung trưng bày “Thắp ngọn lửa hồng”, được trải nghiệm trong các gian xà lim tử hình tối tăm, ngột ngạt (mô hình phục dựng lại), được lắng đọng cảm xúc khi xem biểu diễn hoạt cảnh cuộc gặp gỡ cuối cùng đồng chí Nguyễn Văn Mẫn và vợ của mình là đồng chí Mai Ngọc Thuyết cùng con gái tại Nhà tù Hỏa Lò, trước khi bị đày đi Nhà tù Côn Đảo vào năm 1933.

“Việc xác định thời điểm để tổ chức các trải nghiệm sẽ quyết định thành công của trưng bày chuyên đề. Bằng kinh nghiệm thực tế, Ban Quản lý Di tích Nhà tù Hỏa Lò thường chú trọng tới việc đổi mới tổ chức các lễ khai mạc, ra mắt trưng bày. Đơn vị cố gắng biến những buổi lễ khai mạc trưng bày thực sự là “món ăn tinh thần”, để lại những ấn tượng khó quên đối với các đại biểu tham dự” - TS. Nguyễn Thị Bích Thủy nhấn mạnh.

Qua những câu chuyện xúc động do các nhân chứng chia sẻ, những hoạt cảnh tái hiện lại sự kiện lịch sử, những trải nghiệm thực tế đã khiến đại biểu trải qua nhiều cung bậc cảm xúc. Dưới góc độ tiếp cận của công chúng là nhà nghiên cứu, nhân chứng lịch sử hay khách du lịch, khi được trực tiếp tham gia trải nghiệm đều cảm nhận về lịch sử chân thực hơn và có những phản hồi tích cực về các trải nghiệm thực tế tại trưng bày chuyên đề.

Ngoài các hoạt động trải nghiệm, tương tác trong trưng bày được tổ chức vào ban ngày, hiện tại Ban Quản lý Di tích Nhà tù Hỏa Lò đã tổ chức chương trình tham quan, trải nghiệm di tích vào các tối thứ Bảy, Chủ Nhật hàng tuần với các chủ đề “Đêm thiêng liêng 2 - Sống như những đóa hoa” và “Đêm thiêng liêng 3 - Lửa thanh xuân”. Không gian di tích vào buổi tối được kết hợp giữa âm thanh, ánh sáng, cùng những câu chuyện kể chân thực về cuộc sống đọa đày nơi tù ngục, được sân khấu hóa bằng các hoạt cảnh, đưa du khách ngược thời gian, cảm nhận lịch sử như đang diễn ra ngay trước mắt, giúp đánh thức mọi giác quan, mang đến cho du khách những cảm xúc, ấn tượng sâu sắc.

Hành trình tham quan được lồng ghép các trải nghiệm thực tế như: chạm tay vào gông cùm; được tận mắt chứng kiến những người tù bị tra tấn, đánh đập thông qua các hoạt cảnh sân khấu; nhập vai người tù để cảm nhận không gian phòng giam tăm tối, chật hẹp; trải nghiệm chui cống ngầm để hiểu được một phần khó khăn, gian khổ, hiểm nguy mà các chiến sỹ cách mạng đã phải trải qua để vượt ngục trở về tiếp tục tham gia hoạt động cách mạng; được tĩnh tâm và thắp hương tri ân các anh hùng, liệt sỹ, nghĩa sỹ yêu nước tại Đài tưởng niệm. Trực tiếp tham gia trải nghiệm, giúp du khách như được sống trong không gian, thời gian của thời khắc lịch sử; cảm nhận một cách trực quan về những khó khăn, gian khổ mà các chiến sỹ cách mạng đã phải trải qua trong Nhà tù Hỏa Lò.

dem-thieng-lieng-3.jpg
Hoạt cảnh trong chương trình trải nghiệm “Đêm thiêng liêng 3 - Lửa thanh xuân” tại Di tích Hỏa Lò đưa du khách ngược thời gian, cảm nhận lịch sử như đang diễn ra ngay trước mắt.

Du khách cũng đặc biệt ấn tượng với trải nghiệm: thưởng thức các thức quà từ cây bàng trăm tuổi duy nhất còn lại tại di tích. Xuất phát từ câu chuyện các chiến sỹ yêu nước, cách mạng trong Nhà tù Hỏa Lò năm xưa: dùng lá bàng, búp bàng non để chữa bệnh đường ruột; dùng lá bàng bánh tẻ để đắp lên vết thương do đòn roi tra tấn của kẻ thù, hay ăn những quả bàng chín cả vỏ lẫn nhân mà hồi phục sức khỏe; cán bộ, nhân viên đơn vị đã sáng tạo ra trà bàng lá nếp, bánh lá bàng, thạch bàng và một số sản phẩm lưu niệm khác từ lá và quả bàng.

Sau khi trải nghiệm chương trình Đêm thiêng liêng, du khách, đặc biệt là thế hệ trẻ thấu hiểu hơn giá trị độc lập, hòa bình mà ngày hôm nay mình được hưởng, được tiếp thêm động lực trong công việc và cuộc sống hàng ngày, thấy mình cần sống có trách nhiệm hơn để chung tay xây dựng đất nước.

“Với mục tiêu đưa Di tích Nhà tù Hỏa Lò trở thành điểm đến của du khách trong và ngoài nước khi đến với Thủ đô Hà Nội, Ban Quản lý Di tích Nhà tù Hỏa Lò sẽ tiếp tục nỗ lực trong việc sáng tạo ra các hoạt động trải nghiệm, đẩy mạnh truyền thông, nâng cao hơn nữa chất lượng phục vụ nhằm thu hút sự quan tâm của công chúng, từ đó góp phần giáo dục truyền thống cách mạng cho mọi tầng lớp nhân dân, đặc biệt là để thế hệ trẻ Thủ đô thêm hiểu, thêm yêu lịch sử dân tộc Việt Nam” - TS. Nguyễn Thị Bích Thủy, khẳng định./.

Quỳnh Chi