Về Đan Phượng “Khám phá - check in”...
Nhiều mô hình hay, cách làm sáng tạo, hiệu quả trong phong trào xây dựng cảnh quan môi trường, đường làng, ngõ xóm xanh, sạch, đẹp, an toàn, thông minh trên địa bàn huyện Đan Phượng. Trên những con đường về Đan Phượng hôm nay, đâu đâu cũng thấy khang trang, sạch sẽ với cung đường hoa, bích họa; những hàng cây xanh cùng nhiều điểm check in hấp dẫn.
Vận dụng linh hoạt, sáng tạo các tiêu chí
Theo báo cáo của UBND huyện Đan Phượng, từ năm 2023, huyện ban hành kế hoạch về việc tổ chức cuộc thi “Giữ gìn thôn, tổ dân phố sáng, xanh, sạch, đẹp, an toàn, thông minh” trên địa bàn huyện.
UBND Huyện ban hành đầy đủ các văn bản tổ chức thực hiện cuộc thi và gắn với các nội dung, nhiệm vụ thực hiện nếp sống văn minh đô thị, cảnh quan môi trường xanh-sạch- đẹp trên địa bàn. Chỉ đạo 100% xã, thị trấn có kế hoạch xây dựng và giữ gìn “Xã, thị trấn sáng, xanh, sạch, đẹp, an toàn, thông minh” triển khai sâu rộng tại cơ sở. Tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo triển khai cuộc thi. Kiện toàn Ban Chỉ đạo cấp xã tổ chức kiểm tra, chấm điểm từng thôn, phố, cụm dân cư.
Trưởng phòng Văn hóa thông tin huyện Đan Phương Nguyễn Thị Quỳnh Lâm cho biết, cùng với việc đảm bảo thực hiện toàn bộ theo các tiêu chí Cuộc thi cấp Thành phố, huyện Đan Phượng đưa thêm tiêu chí “thông minh” và coi sẽ là điểm nhấn trong triển khai phong trào tại các địa phương trên địa bàn huyện.
Với phương châm dựa vào sức dân, huy động nguồn lực từ nhân dân và nâng dần các tiêu chí qua từng năm, Cuộc thi góp phần nâng cao ý thức tự giác, mọi người đồng thuận, tích cực tham gia chỉnh trang, vệ sinh môi trường duy trì nề nếp tạo bộ mặt cảnh quan mới văn minh, trật tự, an toàn, thông minh.
Trưởng phòng Văn hóa thông tin huyện Đan Phượng Nguyễn Thị Quỳnh Lâm
Thụ hưởng thành quả từ triển khai tiêu chí “an toàn, thông minh” của Cuộc thi, đến nay, toàn huyện có 16 tổ công nghệ số, 129 tổ công nghệ cộng đồng thôn, cụm dân cư, tổ dân phố với tổng số 1.015 thành viên, xây dựng 101 mô hình “Thôn thông minh”; 101 nhà văn hóa được trang bị hệ thống internet, wifi miễn phí. Thực hiện tốt mô hình camera an ninh trên địa bàn với việc lắp đặt 2.831 camera an ninh và 1.844 đèn đèn năng lượng mặt trời; thành lập 569 nhóm zalo… góp phần đảm bảo công tác an ninh ở cơ sở. Công tác an ninh, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo. Không có mâu thuẫn, vụ việc xảy ra tại khu dân cư.
Nhân dân có ý thức chấp hành tốt việc không đốt rơm rạ, rác thải, chất thải tại khu dân cư. Công tác vệ sinh môi trường phòng chống dịch được thực hiện tốt nên hầu hết các thôn kiểm tra không để sảy ra ổ dịch lớn...
Trong năm 2024, huyện triển khai kế hoạch sắp xếp, thanh thải, bó gọn các đường dây cáp treo viễn thông trên địa bàn. Hoàn thành việc thanh thải, bó gọn dây cáp viễn thông tại các thôn, cụm dân cư trên địa bàn xã Thọ Xuân. Tiếp tục triển khai tại xã, thị trấn theo kế hoạch đảm bảo an toàn, thẩm mỹ, cảnh quan môi trường.
Xã Song Phương là một điển hình tiêu biểu trong xây dựng “Xã thông minh” tại huyện Đan Phượng. Chuyển đổi số được cấp ủy, chính quyền xã xem là nhiệm vụ chính trị then chốt, xuyên suốt quyết định trực tiếp đến việc phát triển kinh tế chính trị của địa phương. Hạ tầng cơ sở viễn thông đáp ứng việc ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý, điều hành đáp ứng tiêu chí chuyển đổi số. UBND xã được trang bị trạm phát wifi kết nối internet để phục vụ cán bộ, công chức xã phục vụ công việc và người dân truy cập, khai thác thông tin trên internet (sử dụng dịch vụ công trực tuyến, tra cứu thông tin trên cổng thông tin điện tử các cấp và các dịch vụ số của Thành phố). 100% cán bộ công chức tham gia tập huấn, hoàn thành khóa học chuyển đổi số…
Xây dựng nhiều điểm đến hấp dẫn
Bên cạnh các phong trào thi đua xây dựng, trang hoàng đường làng bích họa, ngõ xóm nở hoa, xanh, sạch, đẹp, năm 2024, UBND huyện Đan Phương còn tổ chức Cuộc thi video clip “Khám phá Check in - Đan Phượng”.
16/16 xã, thị trấn thuộc huyện Đan Phượng xây dựng Kế hoạch thực hiện Cuộc thi, tổ chức Hội nghị triển khai đến 129 thôn, cụm dân cư, tổ dân phố trên địa bàn huyện. Kết quả 129/129 thôn, cụm dân cư, tổ dân phố đã xây dựng mô hình check in và xây dựng 129 video clip giới thiệu về đặc điểm tình hình, văn hóa, di tích lịch sử, lễ hội, ẩm thực, mô hình điểm check in với tổng kinh phí xã hội hóa gần 2 tỷ đồng.
Theo báo cáo của xã Song Phượng, 04/04 thôn thuộc xã đều xây dựng điểm check-in và xây dựng video clip, góp phần quảng bá, giới thiệu hình ảnh con người, văn hóa, ẩm thực, du lịch xã Song Phượng nói riêng cũng như huyện Đan Phượng nói chung. Các thôn đã xã hội hóa toàn bộ số tiền 85 triệu đồng để xây dựng mỗi thôn 01 điểm check-in và 01 video clip để tham gia cuộc thi check in của huyện.
Đặc biệt, qua thực địa tại thôn Thống Nhất, xã Song Phượng, huyện Đan Phượng, Đoàn kiểm tra liên ngành trực tiếp được thưởng lãm bức tường phù điêu vô cùng độc đáo, khắc họa sinh động hình ảnh nơi hoạt động của cơ quan Báo cứu quốc, Bác Hồ về thăm xã Song Phượng, quê hương của phong trào phụ nữ “Ba đảm đang”…
Bức tường phù điêu được xây dựng từ nguồn xã hội hóa trong nhân dân với tổng kinh phí đầu tư, xây dựng và hoàn thiện lên đến gần 600 triệu đồng (bao gồm: xây dựng: 220 triệu đồng; làm sạch, lăn sơn, quét vôi 3500m2: 105 triệu đồng; vẽ tranh bích họa 800m2: 246 triệu đồng). Giờ đây, bức tường phù điêu của thôn trở thành điểm nhấn của mô hình, cũng là điểm check- in giới hiệu những dấu ấn nổi bật của quê hương Song Phượng, Đan Phượng.
Trưởng phòng Xây dựng Nếp sống văn hóa và Gia đình (Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội) Bùi Minh Hoàng cho biết, Cuộc thi xây dựng và giữ gìn “Xã, phường, thị trấn sáng, xanh, sạch, đẹp, an toàn” đang có sức lan tỏa tới nhiều địa phương. Ông Bùi Minh Hoàng mong muốn Cuộc thi không chỉ dừng lại ở những trang giấy mà đi vào thực chất, thấm sâu và trở thành phong trào toàn dân, thu hút mọi tầng lớp nhân dân tham gia và nhân dân cũng chính là đối tượng được hưởng lợi lớn nhất./.