Hội nghị Khoa học toàn quốc chuyên ngành đột quỵ và các bệnh thần kinh liên quan lần thứ X
Hội nghị Khoa học toàn quốc chuyên ngành đột quỵ và các bệnh thần kinh liên quan lần thứ X diễn ra trong ngày 02/11/2024 tại Hà Nội. Với sự tham gia của các đại biểu công tác tại các bệnh viện, trường đại học y dược trên cả nước.
Hội nghị thu hút 1.000 cán bộ y tế trong cả nước tham gia bằng cả hai hình thức trực tiếp. Hơn 60 báo cáo được trình bày tại hội nghị đã cập nhật các kiến thức, kỹ năng, kỹ thuật mới nhất từ các chuyên gia đột quỵ hàng đầu ở trong nước và trên thế giới, có tính ứng dụng thực tế lâm sàng cao.
Những năm gần đây, Việt Nam cũng như các nước trên thế giới đều phải đối mặt với nguy cơ bệnh tật kép, gồm các bệnh truyền nhiễm mới nổi cũng như các bệnh lưu hành và sự gia tăng của các bệnh không lây nhiễm. Các bệnh không lây nhiễm chính có 4 nhóm gồm: các bệnh về tim mạch (trong đó có đột quỵ, nhồi máu cơ tim, tăng huyết áp), các bệnh về ung thư, bệnh hô hấp mạn tính và đái tháo đường. Đây đều là các bệnh/nhóm bệnh gây ra những hậu quả nặng nề do tỷ lệ tử vong và tàn phế khá cao.
Đột quỵ não là bệnh không lây nhiễm thường gặp. Theo Hội đột quỵ thế giới, mỗi năm thế giới có hơn 12,2 triệu ca đột quỵ não mới, trong đó hơn 16% xảy ra ở người trẻ 15 đến 49 tuổi. Tại Việt Nam, mỗi năm có khoảng 200 nghìn ca bệnh đột quỵ và con số này vẫn đang có chiều hướng gia tăng.
Đáng chú ý, cùng với việc được tiếp cận thầy thuốc sớm, thì trình độ khoa học kỹ thuật ngày càng hiện đại đã giúp người bệnh đột quỵ có thêm biện pháp điều trị mới, đem lại hiệu quả cao, giảm tỷ lệ tử vong cũng như tàn phế.
Phát biểu khai mạc tại hội nghị, Chủ tịch Hội đột quỵ Việt Nam GS,TS,BS Nguyễn Văn Thông cho biết: Gần 60 tham luận khoa học đã được trình bày tại Hội nghị Khoa học toàn quốc chuyên ngành đột quỵ và các bệnh thần kinh liên quan lần thứ X, tập trung vào những tiến bộ trong chẩn đoán và điều trị liên quan đến các bệnh lý này.
Theo GS,TS,BS Nguyễn Văn Thông sự kiện này là dịp để những người làm công tác chuyên môn về đột quỵ trong cả nước báo cáo những thành tích, những tiến bộ trong công tác chuyên môn. Các đại biểu đã lĩnh hội được nhiều ý kiến, kiến thức trong chẩn đoán, điều trị đột quỵ để trao đổi, học tập kinh nghiệm lẫn nhau, từ đó nâng cao được khả năng chăm sóc cho người bị bệnh đột quỵ.
Bên cạnh các tham luận của các đại biểu trong nước, hội nghị còn nhận được sự chia sẻ kiến thức từ các nhà khoa học nổi tiếng thế giới như GS-TS Natan Bornstein- Chủ tịch Hội Đột quỵ Israel, nguyên Phó Chủ tịch Hội Đột quỵ thế giới, GS-TS Paolo Marangolo – ĐH Federico II, Naples, Italia. GS-TS Nguyễn Văn Thông cho biết, cách đây hơn một thập kỷ, Việt Nam còn là một quốc gia không có tên trên bản đồ thế giới về khả năng điều trị đột quỵ nhưng những năm gần đây, vị trí của Việt Nam đã có sự thay đổi ngoạn mục.
“Có rất nhiều chứng chỉ kim cương, bạch kim trong cấp cứu điều trị bệnh nhân đột quỵ, Việt Nam chúng ta có tên trên bản đồ thế giới – là một nơi điều trị đột quỵ tốt. Ban lãnh đạo Hội đột quỵ thế giới đã từng sang Việt Nam và đánh giá cao khả năng chuyên môn của các trung tâm điều trị đột quỵ tại nước ta. Thậm chí, sau chuyến tham quan TT Đột quỵ của BV Đa khoa tỉnh Phú Thọ họ đã nói, nước ta có nhiều trung tâm điều trị đột quỵ phát triển rất tốt, không thua kém gì các nước trên thế giới”- GS Thông chia sẻ.
Từ kết quả nghiên cứu các chuyên gia sẽ đưa ra các khuyến cáo cụ thể về các biện pháp phòng ngừa và điều trị đột quỵ tại Việt Nam. Bên cạnh việc thực hiện các biện pháp các giảm yếu tố nguy cơ, cần chú trọng hơn nữa cấp cứu trước viện; rút ngắn thủ tục cấp cứu để người bệnh được áp dụng biện pháp điều trị sớm nhất…