Sân khấu

Khai mạc Liên hoan Sân khấu Hà Nội mở rộng năm 2024

Việt Thương 10:37 02/11/2024

Tối 1/11, Liên hoan Sân khấu Hà Nội mở rộng năm 2024 do Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam phối hợp Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội tổ chức đã khai mạc tại Rạp Công nhân, Hà Nội. Liên hoan là hoạt động văn hóa nghệ thuật quy mô nhân dịp kỷ niệm 70 năm Giải phóng Thủ đô.

z5990784775502-cc72ed4fa5dac0ae49ba9b1dc09411b7-6862.jpg
NSND Trịnh Thúy Mùi - Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam - phát biểu khai mạc Liên hoan Sân khấu Hà Nội mở rộng 2024.

Phát biểu khai mạc sự kiện, NSND Trịnh Thúy Mùi, Chủ tịch Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam nhấn mạnh, Liên hoan sân khấu Hà Nội mở rộng – năm 2024 là sự kiện do Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam phối hợp với Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội tổ chức, nhân kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 - 10/10/2024).

Theo NSND Trịnh Thúy Mùi, Liên hoan sân khấu Hà Nội mở rộng – năm 2024 có 12 vở diễn các loại hình sân khấu tuồng, chèo, cải lương, kịch nói, múa rối… của 12 đơn vị nghệ thuật thuộc Trung ương, Quân đội, Hà Nội và một số tỉnh, thành phố lân cận như Bắc Giang, Hải Phòng tụ hội.

“Đây cũng là cơ hội mà Hà Nội tạo điều kiện cho các đơn vị nghệ thuật sân khấu cùng đông đảo nghệ sỹ cả nước được giao lưu, học hỏi về học thuật, kỹ năng sáng tạo nghệ thuật, để không ngừng nâng cao trình độ chuyên môn, xây dựng tác phẩm có giá trị tư tưởng và chất lượng nghệ thuật cao, đáp ứng sự mong mỏi của khán giả trong xu thế hội nhập và phát triển”, Nghệ sỹ nhân dân Trịnh Thúy Mùi khẳng định.

Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội Phạm Xuân Tài cho biết, Thủ đô Hà Nội trong nhiều năm qua đã quan tâm đầu tư và tạo cơ chế cho các nghệ sỹ được thỏa sức sáng tạo. Hà Nội đã và đang là điểm sáng tiêu biểu trong lĩnh vực sân khấu cả nước. Thành phố có nhiều tác phẩm tiêu biểu, đặc sắc phục vụ cho các tầng lớp nhân dân.

Việc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội phối hợp với Hội Nghệ sỹ Sân khấu Việt Nam tổ chức Liên hoan sân khấu mở rộng, định kỳ 2 năm 1 lần tiếp tục khẳng định mục tiêu, quan điểm phát triển của thành phố. Đó là, văn hóa là nền tảng, là động lực cho sự phát triển; coi trọng giá trị văn hóa và chăm lo đời sống tinh thần của người dân là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu.

"Việc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội phối hợp với Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam tổ chức Liên hoan sân khấu Hà Nội mở rộng, định kỳ 2 năm/lần tiếp tục khẳng định mục tiêu, quan điểm phát triển của thành phố: Văn hóa là nền tảng, là động lực cho sự phát triển; coi trọng giá trị văn hóa và chăm lo đời sống tinh thần của người dân là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu. Liên hoan sân khấu Hà Nội đã tổ chức đến lần thứ 6, dần định hình thành thương hiệu nghệ thuật của Thủ đô Hà Nội. Đây không chỉ là sàn diễn thi tài của các nghệ sĩ, mà còn là cơ hội để các đơn vị nghệ thuật chuyên nghiệp của Trung ương, lực lượng vũ trang trên địa bàn Hà Nội và một số địa phương trong cả nước giới thiệu đến người dân Thủ đô những thành tựu nghệ thuật biểu diễn sân khấu của mình", ông Phạm Xuân Tài nhấn mạnh thêm.

Liên hoan sân khấu Hà Nội mở rộng – năm 2024 sẽ diễn ra từ ngày 1 đến 9-11, với 12 tác phẩm diễn miễn phí ở nhiều địa điểm trên địa bàn Thủ đô. Mỗi đơn vị nghệ thuật tham gia 1 vở diễn có thời lượng từ 90 đến 150 phút.

Các tác phẩm tham dự liên hoan đều có chủ đề, tư tưởng, nội dung rõ ràng; phản ánh sinh động về mọi mặt của đời sống xã hội, đất nước, con người Việt Nam. Nhiều tác phẩm có nội dung gắn với địa danh, lịch sử, văn hóa, con người Hà Nội trong quá khứ và hiện tại; đề cao cái đẹp và các giá trị nhân văn; lên án cái xấu, cái ác, sự thấp hèn, có tác động tích cực đến đời sống xã hội, thể hiện rõ các chức năng, nhận thức, giáo dục, thẩm mỹ trong tác phẩm.

Ngay sau lễ khai mạc, Nhà hát Kịch Hà Nội diễn dự thi vở "Khoảng trống".

vokich-17305049687441851546447.jpeg
Dàn nghệ sĩ hùng hậu tham gia diễn xuất vở "Khoảng trống"

Vở Khoảng trống của Nhà hát Kịch Hà Nội được chọn biểu diễn mở màn tại liên hoan. Vở kịch xoay quanh câu chuyện về cuộc tình tay ba đầy oan nghiệt của những con người tri thức. Để giữ thanh danh và sự bình yên cho bản thân, cho gia đình nên họ vẫn nén lòng để chấp nhận nhau, tôn trọng nhau, chấp nhận hạnh phúc chơi vơi, tính toán, đầy giả dối… Hạnh phúc trong vở kịch chỉ là lớp áo khoác che đi những nhức nhối bên trong. Diệu Loan (Thùy Dương) - người phụ nữ xinh đẹp sẵn sàng vì tư lợi mà lấy người mình không yêu làm chồng để rồi khi có chức vụ, học vị, uy tín... trong tay lại dan díu với người yêu cũ - Giáo sư Hoàng (Ngọc Quỳnh).

Khoảng trống đã phản ảnh cuộc đấu tranh cho hạnh phúc cá nhân, cho gia đình, tuy lặng lẽ nhưng rất quyết liệt, âm thầm, gian khó, dữ dội của mỗi người, mỗi gia đình… Vở Khoảng trống được biểu diễn trong liên hoan lần này được làm mới từ vở diễn nổi tiếng cùng tên được công diễn vào năm 1997 với sự tham gia của NSND Hoàng Dũng, NSND Trần Đức, NSND Thu Hà, Kim Chi… Bản diễn mới do NSND Trung Hiếu đạo diễn thực hiện dựa trên kịch bản gốc của tác giả Nguyễn Anh Biên./.

Lịch diễn các vở tham dự Liên hoan sân khấu Hà Nội mở rộng 2024:

- Vở “Khoảng trống” (Nhà hát Kịch Hà Nội): Tối 1-11 tại Rạp Công Nhân (42 Tràng Tiền, Hoàn Kiếm)

- Vở “Cánh cửa khép hờ” (Nhà hát Cải lương Việt Nam): 10h ngày 2-11 tại Rạp Đại Nam (89 Phố Huế, quận Hai Bà Trưng)

- Vở “Hồ Xuân Hương” (Đoàn Chèo Hải Phòng): 20h ngày 2-11 tại Rạp Đại Nam

- Vở “Đại tướng Võ Nguyên Giáp” (Nhà hát Chèo Quân đội): 20h ngày 3-11 tại Nhà hát Quân đội (130 Hồ Tùng Mậu, Cầu Giấy)

- Vở “Ông không phải là bố tôi” (Nhà hát Tuổi Trẻ): 20h ngày 4-11 tại Nhà hát Tuổi trẻ (11 Ngô Thì Nhậm, quận Hai Bà Trưng)

- Vở “Hoàng đế cờ lau” (Nhà hát Múa rối Thăng Long): 20h ngày 5-11 tại Sân khấu biểu diễn rối nước Hoàng thành Thăng Long (19 Hoàng Diệu, Ba Đình)

- Vở “Sóng ven đô” (Nhà hát Chèo Bắc Giang): 9h30 ngày 6-11 tại Nhà hát Tuổi trẻ

- Vở “Người hát ả đào” (Nhà hát Chèo Hà Nội): 20h ngày 6-11 tại Rạp Đại Nam

- Vở “Lý Thường Kiệt” (Nhà hát Cải lương Hà Nội): 20h ngày 7-11 tại Rạp Đại Nam

- Vở “Lộ hàng” (Sân khấu Lucteam): 14h30 ngày 8-11 tại Nhà hát Tuổi trẻ

- Vở “Hoàng thành Thăng Long” (Nhà hát Múa rối Việt Nam): 20h ngày 8-11 tại Nhà hát Múa rối Việt Nam (361 Trường Chinh, Thanh Xuân)

- Vở “Thiếu phụ Nam Xương” (Nhà hát Tuồng Việt Nam)

Việt Thương