Độc đáo “vườn sen ông Điệp”
Người Hà Nội thanh lịch, văn minh - Ngày đăng : 08:45, 16/06/2022
Ông Tạ Hồng Điệp (sinh năm 1957) là một cựu chiến binh. Ngôi nhà ngói ta 3 gian mà gia đình ông đang sinh sống được xây từ năm 1922 trên khuôn viên rộng, có cây cổ thụ cho bóng mát và một ao trồng sen mang đậm phong cách làng quê Bắc Bộ.
Mùa hè đến, không gian nơi đây trở nên đặc biệt, ngập tràn màu xanh, không còn thấy nắng, không còn thấy oi ả... chỉ có hương thơm mát thoang thoảng từ ao sen Bách diệp và vườn sen Cung đình bao trọn khoảng sân trước hiên nhà.
Ông Điệp chia sẻ: “Hoa sen có nét đẹp thanh tao, giản dị. Tôi yêu sen từ lâu và rất muốn được trồng sen trước khuôn viên ngôi nhà cổ của mình. Rất may mắn, năm 2012, ghé qua Huế, tôi vô tình bắt gặp một gia đình có chậu sen rất đẹp và xin được một mầm. Năm đầu tiên, tôi nhân lên được một chậu. Đến năm thứ tư thì nhân được chục chậu và đến nay thì hàng trăm chậu sen”.
Từ ngày nghỉ hưu, ông Điệp dành trọn thời gian của mình cho cây cối và trở thành “chuyên gia” về sen lúc nào không hay. Ông bảo, trồng sen cũng lắm công phu. Trước khi trồng phải bảo quản mầm sen luôn ẩm và để nơi thoáng mát. Chậu để trồng sen, nếu là chậu mới phải để đủ ngày cho xi măng chết hẳn rồi đem ngâm nước bùn, phơi nắng.
Bùn trồng sen phải sạch và bóp nhuyễn. Tuyệt đối không dùng bùn ao tù đọng, nhiều tạp chất. Dùng tay khoét bùn và đặt phần gốc mầm sen ngập trong bùn, lá để nổi hoặc cao hơn mặt nước. Phân bón lót chỉ dùng phân vi sinh dạng bột, mỗi chậu chỉ cho chừng một nắm tay, rắc và trộn đều…
Sau khi làm bùn xong thì cho nước ngập mặt bùn và phơi nắng vài hôm. Khi nước trong mới cấy mầm sen. Nên thả ít rong đuôi chó hoặc bèo hoa dâu để làm sạch nước và chống cung quăng. “Phải quản lý sao cho vừa đủ, đừng để bèo quá nhiều sẽ cạnh tranh dinh dưỡng”, ông Điệp tiết lộ.
Sen mới cấy mầm phải đặt nơi dâm mát, nếu để nơi nắng gắt sẽ bị táp lá. Hằng ngày bổ sung một lượng nước vừa đủ, đừng để khô mặt bùn. Những lúc sau mưa hoặc sáng sớm, lá đọng những giọt nước phải thổi hết để tránh bị cháy, thối lá. Kiểm tra lá già, úa, cắt bỏ cho thoáng mặt chậu…
Cứ đến đầu tháng 3, một mình ông Điệp đánh vật kê, xếp, che chắn ba bốn chục chậu sen to đùng. Lúc này, thời tiết chưa ủng hộ, trên mặt chậu chỉ lác đác vài chiếc mầm lá nhỏ mọc bò dài leo ngheo. Những chiếc lá nhỏ nhoi này làm nhiệm vụ như cái cảm biến để thu thập các dữ liệu: Độ sâu của nước, nhiệt độ môi trường, ánh sáng... để cái thân ngầm nằm trong bùn kia sẽ quyết định đồng loạt bật mầm khi thời tiết thuận lợi.
Bên chén trà sen, ông Điệp tự trào:
“Mê sen đến độ phát rồ
Suốt ngày bùn, nước... lò dò tối khuya
Chậu nhỏ, cho đến chậu to
Một mình xoay, chuyển sao cho nắng đều
Khi sen bung lụa dáng kiều
Đầu trần bêu nắng ngắm nhiều hơn ăn
Sáng, trưa, chiều, tối ngoài sân
Nên giờ đen đúa như dân đốt lò”...
Mỗi sáng sớm, vợ chồng ông Điệp bắt đầu bằng công việc tỉ mẩn chăm sóc từng gốc sen. Đầu mùa sen hay bị bọ trĩ và rệp phải phun thuốc đặc trị.
Sen cung đình nở từ sáng sớm, lúc 5h và đẹp nhất là 8h sáng. Bông sen cung đình nở từ 3-5 ngày mới tàn. Hoa có 2 màu hồng và trắng phớt hồng, có nhiều lớp cánh, phom hoa rất đa dạng, đặc biệt hương thơm rất thanh khiết.
Năm nay rét sâu và kéo dài, thời tiết không thuận nên sen phát triển chậm, không sai hoa, không rực rỡ như mọi năm nhưng bù lại bông rất to và nhiều “gạo” thơm. Ngoài ngắm hoa, thưởng hương dưỡng trí thì ông Điệp còn làm trà. Theo ông, nhụy và lá sen cung đình ướp hoặc làm trà uống dưỡng tâm, an thần rất tốt.
Nhấm nháp tách trà lá sen có vị chát nhẹ, ngọt thanh, ông Điệp chia sẻ, sen cung đình rất lạ, thơm từ lá đến hoa. Lá sen cung đình vừa độ già hái về phơi “âm can”, khi đủ độ khô thì hãm nước sôi sẽ cho một loại nước uống vô cùng thích hợp trong những ngày hè nóng nực, vừa an thần ngủ ngon lại tiêu mỡ máu, thanh nhiệt.
Vườn sen nhà ông Điệp luôn đông khách. Mọi người đến đây vừa ngắm sen, chụp ảnh, vừa uống trà, đàm đạo với chủ nhân. Ngồi dưới tán cây mít cổ thụ, ai cũng cảm thấy như lạc vào không gian yên bình. Hương sen được làn gió nâng đi, xua tan cái oi bức của mùa hè, xoa dịu tâm hồn...
Khi được hỏi: “Anh trồng sen mất bao công sức và tiền bạc sao không thu phí như những hộ kinh doanh khác?”, ông Điệp cho biết, mình trồng sen chỉ để thỏa đam mê và nhân rộng tình yêu hoa với mọi người.
“Trồng sen trong chậu số lượng nhiều cũng vất vả lắm. Một mình lọ mọ nếu không vì tình yêu sẽ không thể có mùa sen rực rỡ. Cái “được” chính là niềm vui. Tôi có lương hưu, vả lại tri túc thường túc - người biết đủ thì không thấy thiếu cái gì”, ông Điệp bộc bạch.
Ngày ngày, ông Điệp cùng người bạn đời ngắm hoa, thưởng trà, chăm lo cửa nhà và hưởng thụ thú vui tao nhã bên cây cỏ trong không gian làng quê mộc mạc, yên bình. Rất nhiệt tình, ông còn nhân giống trồng những chậu sen cung đình quý để tặng những người cũng yêu sen như mình.