Chuyển động Hà Nội

Hà Nội: Hấp dẫn, hứa hẹn điểm du lịch làng nghề cỏ tế mây tre đan Phú Túc

Quỳnh Chi 12:06 27/10/2024

Với lịch sử hơn 400 năm hình thành và phát triển, làng nghề cỏ tế mây tre đan xã Phú Túc (huyện Phú Xuyên) vừa được UBND Thành phố Hà Nội công nhận Điểm du lịch làng nghề của Thủ đô.

Quyết định công nhận Điểm du lịch làng nghề cỏ tế mây tre đan xã Phú Túc do Phó Chủ tịch UBND Thành phố Nguyễn Mạnh Quyền ký, ban hành nhấn mạnh, UBND xã Phú Túc có trách nhiệm thực hiện tổ chức quản lý, khai thác, phát triển điểm du lịch theo đúng quy định của Luật Du lịch và các văn bản pháp luật liên quan. Đồng thời, các sở, ngành: Du lịch, Văn hóa và Thể thao, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Xây dựng, Giao thông vận tải, Kế hoạch và Đầu tư, Thông tin và Truyền thông, UBND huyện Phú Xuyên… có trách nhiệm hướng dẫn, tổ chức quản lý, khai thác và đầu tư xây dựng điểm du lịch Làng nghề cỏ tế mây tre đan xã Phú Túc theo đúng quy định pháp luật và Thành phố, đảm bảo phát triển bền vững, hiệu quả.

co-te-phu-tuc-2-.jpg
Nghề đan cỏ tế đã được người dân xã Phú Túc gìn giữ, phát triển trong hơn 400 năm qua.

Tương truyền, năm 1683, bà Nguyễn Thảo Lâm là người đầu tiên đưa cây cỏ tế về Phú Túc, bỏ ra nhiều công sức, mày mò nghiên cứu cách thức chế biến và biến cỏ tế thành nguyên liệu quan trọng cho việc sản xuất các đồ dùng thủ công hàng ngày, phục vụ cho cuộc sống và sinh hoạt. Cỏ tế còn có tên gọi khách là guột, thường mọc ở các vùng núi cao, trung du, miền núi phía Bắc, là loại cây thuộc họ dương xỉ. Cây cỏ tế được đưa về Phú Túc chính là sự kiện quan trọng nhất trong lịch sử phát triển làng quê này từ thế kỷ 17 đến nay.

Theo ông Trần Văn Khiêm, Chủ tịch UBND xã Phú Túc, những năm qua, nghề đan cỏ tế đã mang lại cho Phú Túc một diện mạo mới, nâng cao mức sống của người dân trong xã. Hiện nay tại xã Phú Túc, đường làng ngõ xóm đều được bê tông hóa, các hộ dân đều có được cơ ngơi khang trang, tiện nghi. Cây cỏ tế cùng với lịch sử hàng trăm năm thăng trầm, đang biến một vùng quê nghèo thành một điểm sáng trong phát triển kinh tế của Thủ đô. 6 tháng đầu năm 2024, tổng giá trị sản xuất của xã Phú Túc đạt 427,9 tỷ đồng tăng 9,4% so với cùng kỳ năm 2023. Phú Túc đang phấn đấu đẩy mạnh nghề đan cỏ tế, nâng thu nhập bình quân của người dân toàn xã năm 2024 lên hơn 73,5 triệu/người/năm.

co-te-phu-tuc-1-.jpg
Phú Túc đang đẩy mạnh nghề đan cỏ tế, nâng cao thu nhập cho người dân địa phương.

Thuở sơ khai, người dân làm nghề chẻ cỏ tế ở Phú Túc chỉ sản xuất để phục vụ cho các địa phương và một số địa phương lân cận, phục vụ cho nghề đan cỏ tế và làm nguyên liệu cho một số mặt hàng như nón, các loại rổ, rá, giỏ đựng cua, cá. Tuy nhiên, sau này nhu cầu ngày càng lớn, bằng bàn tay tài hoa và khéo léo của người dân xã Phú Túc, những cây cỏ tế đã trở thành những sản phẩm mang tính nghệ thuật cao, chinh phục được bao khách hàng trong nước và quốc tế.

Những sản phẩm như lẵng đựng hoa quả, khay, hộp đựng quần áo, tráp đựng son phấn, hàng lưu niệm, con giống… mang đậm tính thẩm mỹ, bền, mang đậm văn hóa Việt và nét tài hoa của người nghệ nhân vùng đất Thăng Long – Hà Nội đã làm mê đắm khách hàng. Các sản phẩm cỏ tế ở xã Phú Túc không những được ưa chuộng ở thị trường trong nước, đồng thời được xuất khẩu đến 20 quốc gia trên thế giới như Trung Quốc, Nhật Bản, Đài Loan, Ấn Độ, các nước Trung Đông…

san-pham.jpg
Sản phẩm từ cỏ tế qua bàn tay của người làm nghề, nghệ nhân xã Phú Túc.

Là nơi lưu giữ làng nghề truyền thống với cây cỏ tế cùng với những người làm nghề, nghệ nhân tài hoa, phong cảnh làng quê hiền hòa và trù phú, xã Phú Túc thời gian qua là điểm đến du lịch của nhiều du khách trong và ngoài nước. Chính vì thế, chính quyền địa phương đã đẩy mạnh xây dựng và phát triển làng nghề truyền thống gắn với du lịch làng nghề, đầu tư các tuyến đường giao thông liên xã đáp ứng nhu cầu tham quan làng nghề.

Bên cạnh đó, xã Phú Túc chú trọng công tác xây dựng thương hiệu làng nghề với việc đặt tên thương hiệu, thiết kế logo, đăng ký bảo hộ thương hiệu... Nhờ thực hiện nhiều biện pháp đồng bộ, mỗi năm, Phú Túc thu hút hàng nghìn lượt du khách trong nước và quốc tế đến tham quan, mua sắm.

“Xã Phú Túc có 8 thôn thì 8 thôn đều được công nhận làng nghề. Trong những năm gần đây việc giao thương phát triển hàng hóa trên địa bàn xã được đẩy mạnh. Cách đây khoảng hơn 10 năm, từ hợp tác xã mây tre đan xuất khẩu cũng đã xây dựng hệ thống hướng dẫn viên du lịch. Được sự quan tâm, định hướng của huyện và các Sở, ngành của Thành phố, xã xây dựng hồ sơ đề nghị công nhận điểm du lịch làng nghề truyền thống cỏ tế mây tre đan xã Phú Túc. Một số doanh nghiệp cũng đã xây dựng các điểm vui chơi, giải trí, ẩm thực để có thể phục vụ du khách” - ông Nguyễn Văn Đảm - Phó Chủ tịch UBND xã Phú Túc, chia sẻ.

co-te-phu-tuc-3-.jpg
Trở thành điểm đến du lịch sẽ giúp xã Phú Túc chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tăng thu nhập, nâng cao đời sống cho lao động địa phương.

Thời gian qua, Sở Du lịch Hà Nội đã hỗ trợ kết nối với các doanh nghiệp lữ hành để đưa khách tới Phú Túc, đồng thời liên kết với các xã lân cận để tạo thành tour tham quan các làng nghề nổi tiếng ở Phú Xuyên: Làng guột tế Lưu Thượng, làng chế biến kẹo Hoàng Long, làng tò he Phượng Dực, làng mộc Tân Dân... tạo nên chuỗi du lịch làng nghề hấp dẫn.

Với việc vừa được UBND Thành phố công nhận điểm du lịch làng nghề đan cỏ tế, xã Phú Túc sẽ hứa hẹn mang đến cho du khách một hành trình khám phá đầy thú vị với không gian yên bình, nơi những giá trị văn hóa truyền thống vẫn còn nguyên vẹn. Đồng thời, khi trở thành điểm đến du lịch sẽ giúp xã Phú Túc chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tăng thu nhập, cải thiện và nâng cao đời sống cho lao động nông nghiệp, nông thôn./.

Quỳnh Chi