Chính sách & Quản lý

Dự án Luật Di sản văn hóa (sửa đổi): Mở rộng chính sách với nghệ nhân để bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể

Hoa Quỳnh 09:19 25/10/2024

Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa - Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh vừa trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) tại chương trình Kỳ họp thứ VIII, Quốc hội khóa XV. Dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) đã có nhiều điểm mới, quan trọng, bao quát và phù hợp hơn trong chính sách đối với nghệ nhân thực hành di sản văn hóa phi vật thể.

Theo Cục Văn hóa Di sản, trong hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể, người nắm giữ, thực hành di sản được đánh giá là nhân tố quan trọng nhất. Di sản văn hóa phi vật thể không nằm ngoài con người, nó được chính bản thân con người dưới góc độ là cá nhân, nhóm, cộng đồng nắm giữ và thực hành. Họ là những người đóng vai trò chủ chốt trong quá trình tiếp nhận, sáng tạo và chuyển giao cho thế hệ kế tiếp, là những người “kiến tạo xã hội mang mầu sắc truyền thống”.

mua-roi.jpg
Các nghệ nhân trình diễn, giới thiệu múa rối truyền thống tại Lễ hội Chùa Thầy 2024 tại huyện Quốc Oai (TP. Hà Nội).

Việc bảo vệ, truyền dạy, thực hành và tái sáng tạo di sản văn hóa phi vật thể sẽ giúp gìn giữ di sản phi vật thể sống, thay đổi và thích ứng với đời sống. Thực tế thời gian qua cho thấy, nhiều nghệ nhân qua đời mà chưa nhận được sự tôn vinh, chính sách đãi ngộ xứng đáng dù các nghệ nhân đã dành cả cuộc đời cho việc truyền dạy, lan tỏa giá trị di sản tới cộng đồng.

Cùng đó, nhiều nghệ nhân trong lĩnh vực văn hóa phi vật thể đang gặp khó khăn không chỉ trong hoạt động thực hành di sản văn hóa phi vật thể mà còn ngay trong chính cuộc sống, bởi họ là những người không thuộc các cơ quan Nhà nước, không có lương, ít được hưởng chính sách xã hội. Nhiều người trong số họ sinh sống ở các vùng dân tộc thiểu số, khó khăn. Di sản văn hóa phi vật thể do họ đang nắm giữ chưa thể được phát huy đúng mức.

Điều đáng mừng bởi Dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) đã có nhiều điểm mới, quan trọng, bao quát và phù hợp hơn trong chính sách đối với nghệ nhân thực hành di sản văn hóa phi vật thể. Đó là lần đầu tiên, khái niệm về nghệ nhân di sản văn hóa phi vật thể và nhiều khái niệm khác liên quan được đưa vào Luật. Khoản 15 Điều 3 ghi: “Nghệ nhân di sản văn hóa phi vật thể là người thực hành, nắm giữ và trao truyền các kỹ năng, kỹ thuật, bí quyết ở trình độ cao và hiểu biết sâu sắc về di sản văn hóa phi vật thể”; “Chủ thể di sản văn hóa phi vật thể là cộng đồng, nhóm người hoặc cá nhân sáng tạo, kế thừa, sở hữu, nắm giữ, thực hành, tái tạo và trao truyền di sản văn hóa phi vật thể”. “Người thực hành là thành viên của cộng đồng chủ thể di sản văn hóa phi vật thể, tham gia tích cực vào thực hành, trao truyền, tái tạo di sản, góp phần để di sản được thực hành hoàn chỉnh, hình thành bản sắc văn hóa và vì lợi ích của cộng đồng chủ thể”.

ca-tru.jpg
Nghệ nhân ca trù Hà Nội biểu diễn trong Ngày thơ Hà Nội 2024.

Bên cạnh đó, các chính sách liên quan tới nghệ nhân di sản văn hóa phi vật thể cũng được đưa vào Luật như: “Tôn trọng quyền của cộng đồng chủ thể và nghệ nhân nắm giữ bí quyết, kỹ năng thực hành di sản văn hóa phi vật thể trong việc quyết định các yếu tố cần được bảo vệ và những hình thức, mức độ cần được phát huy của di sản; xác định nguy cơ, tác động đe dọa sự tồn tại và lựa chọn giải pháp bảo vệ di sản” (khoản 7 Điều 6).

Dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) sau khi được tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện trình Quốc hội xem xét tại Kỳ họp thứ VIII gồm 9 chương, 100 điều, giảm 2 điều so với Dự thảo trình tại Kỳ họp thứ VII. Theo dự kiến Chương trình làm việc của Quốc hội khóa XV, Kỳ họp thứ VIII, Quốc hội sẽ thông qua 18 Dự án Luật, trong đó có Luật Di sản văn hóa (sửa đổi).

Tôn vinh và có chính sách đãi ngộ đối với nghệ nhân có tài năng xuất sắc, nghệ nhân có công lao bảo vệ, phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể, đặc biệt là nghệ nhân người dân tộc thiểu số, nghệ nhân sinh sống ở miền núi, biên giới, hải đảo, nghệ nhân là người khuyết tật, người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo” (khoản 4 Điều 7). Dự thảo Luật đồng thời quy định việc miễn, giảm vé tham quan, học tập, nghiên cứu di sản văn hóa tại bảo tàng, di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh thuộc sở hữu toàn dân đối với nghệ nhân nhân dân, nghệ nhân ưu tú và một số đối tượng đặc biệt theo quy định của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan.

Dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) còn có các chính sách, đó là nghệ nhân, chủ thể di sản văn hóa phi vật thể, đặc biệt ưu tiên nghệ nhân, chủ thể di sản văn hóa phi vật thể của đồng bào dân tộc thiểu số được hưởng chính sách, chế độ đãi ngộ của Nhà nước: Được Nhà nước xét tặng, tổ chức lễ trao tặng danh hiệu vinh dự nhà nước và thực hiện các hình thức tôn vinh khác theo quy định của pháp luật về thi đua khen thưởng; hỗ trợ cơ sở vật chất, công cụ, đồ vật, đồ tạo tác và không gian văn hóa liên quan cho hoạt động duy trì thực hành, truyền dạy, sáng tạo, trình diễn, để bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể.

Nghệ nhân, chủ thể thể di sản văn hóa phi vật thể được hỗ trợ kinh phí, cơ sở vật chất, công cụ, đồ vật, đồ tạo tác và không gian văn hóa liên quan cho việc thành lập, tổ chức hoạt động của các câu lạc bộ, nhóm thực hành di sản văn hóa phi vật thể. Nghệ nhân nhân dân, Nghệ nhân ưu tú được Nhà nước phong tặng được hưởng trợ cấp sinh hoạt hằng tháng, hỗ trợ tiền đóng bảo hiểm y tế, hỗ trợ chi phí mai táng khi qua đời... Như vậy có thể thấy, chính sách hỗ trợ, trợ cấp không chỉ còn với đối tượng là nghệ nhân “có thu nhập thấp, hoàn cảnh khó khăn” như Luật Di sản văn hóa hiện hành, mà Dự thảo Luật sửa đổi đã mở rộng ra cho các nghệ nhân khác.

img_7915.jpg
Nghệ nhân nhân dân Lương Tất Tố và vợ - nghệ nhân ưu tú Vũ Thị Xuyên - những "báu vật sống" của di sản văn hóa phi vật thể hò Cửa đình và hát múa Bài Bông của Hà Nội.

So với các quy định trước đây (Luật Di sản văn hóa 2001, Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Di sản văn hóa năm 2009), các nội dung chính sách đối với nghệ nhân di sản văn hóa phi vật thể được quy định tại Dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) có nhiều thay đổi lớn và được đánh giá là tích cực, khắc phục được những bất cập trong thời gian qua, phù hợp với thực tế, đáp ứng yêu cầu về các nhiệm vụ quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể của dân tộc, phù hợp với Công ước 2003 của UNESCO về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể./.

Hoa Quỳnh