Y tế - Giáo dục

Huyện Đan Phượng đẩy mạnh thực hiện ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong dạy và học

Trung Kiên 19:20 24/10/2024

Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) huyện Đan Phượng Bùi Thị Thu Hằng vừa cho biết, năm học 2024-2025, các đơn vị trường học trên địa bàn sẽ triển khai thực hiện nhiệm vụ ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) và chuyển đổi số nhằm thực hiện thành công các mục tiêu, kế hoạch của Sở GD&ĐT Hà Nội và UBND huyện đã đặt ra.

Đẩy mạnh chuyển đổi số trong dạy, học và kiểm tra đánh giá

Bà Bùi Thị Thu Hằng cho biết thêm, Phòng GD&ĐT huyện Đan Phượng vừa có văn bản hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số năm học 2024-2025 gửi đến các trường Mầm non, Tiểu học và Trung học cơ sở trên địa bàn. Đối với nhiệm vụ chuyển đổi số trong dạy, học và kiểm tra đánh giá, ngành giáo dục huyện Đan Phượng tiếp tục triển khai có hiệu quả Thông tư số 09/2021/TT-BGDĐT ngày 30/3/2021 quy định về quản lý và tổ chức dạy học trực tuyến trong cơ sở giáo dục phổ thông và cơ sở giáo dục thường xuyên.

dan-phuong-giaoduc.jpg
Công nghệ thông tin được ứng dụng rộng rãi trong quá trình dạy và học tại trường Tiểu học Đan Phượng, huyện Đan Phượng.

Trong đó, các nhà trường sẽ khai thác sử dụng tối đa lợi ích của phần mềm quản lý học tập (LMS) trong hoạt động dạy học trực tuyến để trở thành hoạt động giáo dục thiết yếu, hàng ngày đối với mỗi nhà giáo, mỗi người học. Đồng thời tăng cường xây dựng học liệu số (bài giảng điện tử, học liệu số đa phương tiện, sách giáo khoa điện tử, phần mềm mô phỏng và các học liệu khác; phát triển hệ thống ngân hàng câu hỏi trực tuyến cho các môn học); đóng góp học liệu và khai thác sử dụng hiệu quả Kho học liệu dùng chung của Ngành trong tổ chức dạy học; triển khai có hiệu quả cho hệ thống ôn tập tiếng anh EDUSO cho học sinh.

Bên cạnh đó, các nhà trường tăng cường thực hiện đánh giá thường xuyên và định kỳ trên hệ thống Hà Nội Study và ứng dụng truyền thông của ngành giáo dục Thành phố về việc đôn đốc triển khai phần mềm truyền thông giáo dục hỗ trợ công tác chỉ đạo, điều hành ngành Giáo dục và Đào tạo nhằm tăng cường sự tương tác giữa gia đình và nhà trường, hỗ trợ giáo viên giao nhiệm vụ về nhà cho học sinh, kiểm tra đánh giá và phối hợp với gia đình trong triển khai các hoạt động giáo dục.

Ngành giáo dục huyện Đan Phượng cũng tổ chức bồi dưỡng nâng cao kỹ năng số cho đội ngũ giáo viên; ưu tiên bồi dưỡng các nội dung gắn với thực tế công việc như: ứng dụng các phần mềm dạy học, kỹ năng tổ chức dạy học trực tuyến, ứng dụng trí tuệ nhân tạo vào hoạt động dạy, học. Rà soát, đề xuất đầu tư mới, mua sắm bổ sung máy tính đáp ứng yêu cầu dạy môn Tin học; mua sắm thiết bị phục vụ xây dựng học liệu số và dạy học trực tuyến.

“Tiếp tục triển khai, thực hiện hiệu quả hệ thống thư viện điện tử đã trang bị (bao gồm phần mềm quản trị thư viện và cơ sở dữ liệu số hóa sách và tài nguyên phục vụ dạy học), kết nối liên thông với các kho học liệu số, chia sẻ tài nguyên số hóa giữa các đơn vị trường học trên địa bàn huyện. Triển khai các giải pháp bảo đảm an toàn môi trường giáo dục số trong nhà trường”, bà Bùi Thị Thu Hằng cho biết thêm.

Chuyển đổi số trong quản trị các cơ sở giáo dục và xây dựng cơ sở dữ liệu về giáo dục

Đối với nhiệm vụ này, ngành giáo dục huyện Đan Phượng duy trì việc sử dụng hệ sinh thái quản trị Ngành và nhà trường kết nối với cơ sở dữ liệu ngành giáo dục và đào tạo đảm bảo 100% cơ sở giáo dục thực hiện các phân hệ: quản lý người học (hồ sơ, kết quả quá trình học tập, rèn luyện, học bạ, sức khỏe), quản lý đội ngũ, quản lý cơ sở vật chất (trong đó có danh mục thiết bị dạy học tối thiểu, phòng học, nước sạch, công trình vệ sinh), y tế học đường, thanh toán không dùng tiền mặt; đảm bảo kết nối thông suốt với cơ sở dữ liệu ngành giáo dục.

hoc-sinh-danphuong.jpg
Học sinh Trường Tiểu học Liên Hà (huyện Đan Phượng) tham gia tiết học kết nối trực tuyến, cùng tìm hiểu về sự kiện lịch sử vẻ vang của dân tộc nhân dịp kỷ niệm 70 năm Giải phóng Thủ đô.

Huyện Đan Phượng tiếp tục đề xuất với Ban cơ yếu Chính phủ triển khai cung cấp chữ ký số cá nhân cho 100% cán bộ, giáo viên, nhân viên phục vụ chuyển đổi số trong quản lý hồ sơ, sổ sách chuyên môn tích hợp chữ ký số cá nhân trong các trường học tiến tới mục tiêu quản lý chuyên môn không sử dụng giấy tờ, nâng cao hiệu quả quản lý của các đơn vị. Tiếp tục triển khai hệ thống kiểm định chất lượng theo chỉ đạo của Sở GD&ĐT Hà Nội phục vụ chuyển đổi số trong công tác kiểm định chất lượng tại các đơn vị trường học, tiến tới mục tiêu quản lý kiểm định chất lượng không sử dụng giấy tờ, nâng cao hiệu quả quản lý của các đơn vị.

Cùng đó, huyện Đan Phượng triển khai học bạ số trong giáo dục phổ thông; tăng cường ứng dụng phương thức họp trực tuyến để tổ chức họp, hội nghị, hội thảo qua mạng và tổ chức sinh hoạt chuyên môn nói chung và sinh hoạt chuyên môn thực hiện Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 nói riêng; triển khai hiệu quả hội nghị trực tuyến giữa Phòng GD&ĐT với các đơn vị trường học, đưa chữ ký số giáo viên nhằm thực hiện quản lý hồ sơ trên môi trường điện tử; triển khai thư viện điện tử tại 100% các trường tiểu học, THCS, chuẩn bị tốt, bố trí hợp lý các điều kiện về cơ sở vật chất, về đội ngũ nhằm thực hiện hiệu quả theo chỉ đạo của ngành. Ngoài ra, cập nhật hoàn thiện cơ sở dữ liệu theo Thông tư số 42/2021/TT- BGDĐT ngày 30/12/2021 của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT quy định về cơ sở dữ liệu giáo dục và đào tạo.

Đặc biệt, trong năm học 2024 – 2025, ngành giáo dục huyện Đan Phượng tiếp tục triển khai hiệu quả dịch vụ công trực tuyến và thanh toán không dùng tiền mặt trong giáo dục, trong đó ưu tiên: dịch vụ đăng ký xét tuyển trình độ đại học, trình độ cao đẳng ngành giáo dục mầm non trên Cổng dịch vụ công quốc gia mức độ toàn trình; dịch vụ trực tuyến về đăng ký, xét tuyển học sinh đầu các cấp học đạt tỷ lệ 100%; dịch vụ công nhận văn bằng, chứng chỉ, hướng tới triển khai ở mức độ toàn trình. Phấn đấu 100% cơ sở giáo dục áp dụng giải pháp thanh toán học phí và các khoản thu bằng các hình thức thanh toán không dùng tiền mặt.

Cũng với các nhiệm vụ kể trên, Trưởng phòng GD&ĐT huyện Đan Phượng Bùi Thị Thu Hằng cho biết, ngành sẽ đảm bảo các điều kiện về hạ tầng số, trang thiết bị triển khai ứng dụng CNTT và chuyển đổi số trong giáo dục và đào tạo. Tăng cường đầu tư hạ tầng thiết bị CNTT phục vụ ứng dụng CNTT và dạy môn tin học một cách hiệu quả và thiết thực như đảm bảo 1 học sinh/1 máy tính ở cấp Tiểu học, THCS. Tùy theo điều kiện của mỗi đơn vị, xây dựng phòng sản xuất nội dung số phục vụ xây dựng học liệu số và dạy học trực tuyến (gồm máy tính, thiết bị phụ trợ và các phần mềm cần thiết).../.

Theo chỉ tiêu ứng dụng công nghệ thông tin và xác định chỉ số chuyển đổi số trong giáo dục của ngành giáo dục huyện Đan Phượng trong năm học 2024 – 2025, sẽ phấn đấu 100% các trường tiểu học, THCS triển khai, thực hiện thư viện điện tử; 100% các trường tiếp tục triển khai, thực hiện trên phần mềm hệ thống kiểm định chất lượng của Sở GD&ĐT Hà Nội. Triển khai việc thu phí không dùng tiền mặt. Tiếp tục thực hiện học bạ số cấp tiểu học, triển khai sử dụng học bạ số ở 100% trường trung học cơ sở. 100% các trường tiểu học và THCS có triển khai hệ thống quản lý học tập trực tuyến (LMS) hoặc hệ thống quản lý nội dung học tập trực tuyến (LCMS).

Đồng thời 100% trường học đảm bảo tối thiểu có 40 học liệu được số hóa sau khi đã được tổ chuyên môn thông qua và được Hiệu trưởng phê duyệt. Trên 60% giáo viên có tài khoản sử dụng trên hệ thống bồi dưỡng giáo viên trực tuyến, biết ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong giảng dạy. Trên 90% giáo viên có khả năng khai thác sử dụng được các phần mềm, công cụ nhằm đổi mới phương pháp dạy học, trên 80% giáo viên có khả năng xây dựng được học liệu số, bài giảng điện tử…

Trung Kiên