Gần 1.500 nghệ sĩ, diễn viên tham gia Liên hoan Cải lương toàn quốc 2024
Theo thông tin từ Cục Nghệ thuật biểu diễn, Liên hoan Cải lương toàn quốc 2024 sẽ diễn ra từ ngày 25/10 đến ngày 15/11 tại Trung tâm Văn hóa thành phố Cần Thơ.
Liên hoan năm nay có sự tham gia của gần 1.500 nghệ sĩ, diễn viên đến từ 30 đơn vị, đoàn nghệ thuật chuyên nghiệp trong và ngoài công lập (đơn vị có tư cách pháp nhân, có thời gian hoạt động hoạt động trong lĩnh vực biểu diễn nghệ thuật cải lương chuyên nghiệp từ 12 tháng trở lên tính đến thời điểm tham gia Liên hoan), mang đến 34 vở diễn đặc sắc.
Theo quy chế của Liên hoan, mỗi đơn vị được tham gia 1 vở diễn. Trường hợp đơn vị nghệ thuật công lập có nhiều đoàn, số lượng vở diễn có thể tham gia Liên hoan tương ứng với số đoàn. Nghệ sĩ, diễn viên đóng vai chính, thứ chính tham gia không quá 02 vở diễn tại Liên hoan.
Mỗi vở diễn tham dự Liên hoan có thời lượng từ 90 phút đến 150 phút. Đây là những vở diễn được dàn dựng mới hoặc được phục dựng với đội ngũ sáng tạo mới từ năm 2017 đến nay; chưa tham gia các cuộc thi, liên hoan nghệ thuật chuyên nghiệp do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, hội chuyên ngành, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an và địa phương tổ chức; không sử dụng kịch bản sáng tác trước năm 2005 và kịch bản của nước ngoài. Trường hợp kịch bản sáng tác trước năm 2005 sau khi đã chỉnh lý cho phù hợp phải có sự đồng ý của tác giả (hoặc người đại diện hợp pháp).
Về giải thưởng, Bộ VH-TT&DL sẽ trao Huy chương Vàng, Huy chương Bạc cho các vở diễn; Huy chương Vàng, Huy chương Bạc cho cá nhân nghệ sĩ biểu diễn. Nghệ sĩ, diễn viên tham gia nhiều vai diễn trong nhiều vở diễn tại liên hoan nếu đạt khung điểm xét giải trong nhiều vở diễn, chỉ được nhận 1 giải thưởng cao nhất. Ngoài ra, Ban tổ chức còn trao 1 giải Xuất sắc (nếu có) cho riêng từng thành phần sáng tạo trong các vở diễn tham gia, gồm: Chỉ đạo nghệ thuật, tác giả, tác giả chuyển thể, đạo diễn, nhạc sĩ, dàn nhạc, thiết kế mỹ thuật, biên đạo múa.
Liên hoan Cải lương toàn quốc là dịp để cơ quan quản lý văn hóa và các lãnh đạo tại các đơn vị nghệ thuật tìm kiếm, phát hiện những tài năng trẻ triển vọng, từ đó lên kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng, định hướng phát triển phù hợp với nền nghệ thuật truyền thống của nước nhà. Đây đồng thời cũng là cơ hội cho anh chị em nghệ sĩ yêu nghề được thể hiện, được cống hiến; không chỉ là những gương mặt gạo cội, mà còn là lớp diễn viên trẻ, sẽ mang tới những luồng gió mới cho nghệ thuật cải lương, từ đó góp phần duy trì và phát triển loại hình nghệ thuật truyền thống quý báu này./.