Văn hóa – Di sản

Chiêm ngưỡng hình tượng rồng hiện diện, kiêu hãnh ở “trung tâm quyền lực” của triều Nguyễn

Hương Giang 18/10/2024 14:28

Sau gần 3 năm “Đại trùng tu”, công trình có giá trị đặc biệt về lịch sử, văn hóa, nghệ thuật kiến trúc thời Nguyễn điện Thái Hòa được trang trí hình tượng rồng đang dần được hoàn thiện và chờ ngày đón khách tham quan.

Điện Thái Hòa là công trình kiến trúc tiêu biểu, quan trọng trong Hoàng Cung triều Nguyễn, là nơi lưu giữ hệ thống văn thơ theo hình thức trang trí “nhất thi, nhất họa” độc đáo đã được tổ chức UNESCO công nhận là Di sản Tư liệu thuộc Chương trình Ký ức Thế giới khu vực châu Á - Thái Bình Dương, là nơi diễn ra các đại lễ và các cuộc họp đại triều với sự tham gia của vua, hoàng thân quốc thích và các đại thần của triều đình nhà Nguyễn trong suốt 143 năm tồn tại. Tên điện Thái Hòa lấy gốc từ kinh dịch, chữ “Hòa” có nghĩa là hòa hợp, hài hòa, “Thái Hòa” là khí âm dương hội hợp mà dung hòa với nhau.

463445289_1087174303412714_6932251107659144547_n.jpg
Hình ảnh điện Thái Hòa sau gần 3 năm trùng tu, tu bổ tổng thể.

Điện Thái Hòa được khởi công xây dựng ngày 21/2/1805 và hoàn thành vào tháng 10/1805 nằm cách vị trí hiện nay khoảng 45m về phía Tây Bắc. Năm 1833 khi quy hoạch lại và hoàn chỉnh hệ thống kiến trúc ở Đại nội Huế, vua Minh Mạng đã cho dời điện Thái Hòa về phía Nam, xây dựng đồ sộ và nguy nga hơn.

Điện Thái Hòa được xây dựng theo kiểu nhà kép gọi là “trùng thiềm điệp ốc” hay “trùng thiềm trùng lương” (mái chồng lên nhau, nhà nối liền nhau) với diện tích mặt bằng là 1.360m2. Nền điện cao hơn tầng sân chầu thứ nhất 1m và cao hơn mặt đất 2,35m. Ngôi nhà chính ở phía sau là chính điện (hay chính doanh) có 5 gian hai chái, ngôi nhà phía trước gọi là tiền điện (hay tiền doanh) có bảy gian hai chái. Hai nhà trước và sau được nối lại với nhau bằng một mái thừa lưu hay còn gọi là mái vỏ cua.

Dù qua nhiều lần tu bổ, trùng tu nhưng trước tác động của thời gian và khí hậu khắc nghiệt điện Thái Hòa đã bị xuống cấp nghiêm trọng. Từ thực trạng đó, Dự án Bảo tồn, tu bổ tổng thể di tích điện Thái Hòa đã được UBND tỉnh Thừa Thiên Huế phê duyệt thực hiện với tổng mức đầu tư hơn 128 tỷ đồng (gồm ngân sách Trung ương, ngân sách địa phương và các nguồn huy động khác) và khởi công vào cuối năm 2021.

Theo Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế, điện Thái Hòa là trung tâm quyền lực của Hoàng thành Huế, nơi ngai vàng của các vua triều Nguyễn từng ngự với kiến trúc uy nghi, tráng lệ và trang trí tinh xảo mà nổi bật là hình tượng rồng, biểu trưng cho quyền uy của Thiên tử. Hình tượng rồng hiện diện khắp nơi trên mái điện Thái Hòa được chạm khắc sắc sảo với những tư thế đa dạng, đặc biệt các hình rồng trên mái không chỉ mang tính nghệ thuật cao mà còn tôn lên sự thanh thoát và kiêu hãnh của công trình, như biểu tượng cho sức mạnh và quyền lực của bậc quân vương.

463409241_1087174373412707_973270390569529305_n.jpg
Hình tượng rồng trên mái điện Thái Hòa.
463455670_1087174340079377_4512651739016728241_n.jpg
Rồng được các nghệ nhân trang trí tinh xảo, uy nghi.
463782095_1087174390079372_1937157354882140363_n.jpg
Hình tượng rồng ở điện Thái Hòa - biểu tượng cho sức mạnh và quyền lực của bậc quân vương.
463595863_1087174393412705_7381172148056227006_n.jpg
Hình tượng rồng được các nghệ nhân chạm khắc sắc sảo.
463861880_1087174263412718_6120768758829008107_n.jpg
Rồng uốn lượn trên mái điện Thái Hòa với những tư thế đa dạng.
463789442_1087174366746041_2282228611905422377_n.jpg
Hình tượng rồng còn tôn lên sự thanh thoát và kiêu hãnh cho công trình điện Thái Hòa.
463433861_1086105640186247_8091102866035929304_n.jpg
Các nghệ nhân đang trang trí cột trong điện Thái Hòa.
463339089_1086105876852890_109371364065145492_n.jpg
Hình tượng rồng hiện diện khắp nơi ở điện Thái Hòa.

Hiện, đơn vị thi công đang tăng cường nhân lực khẩn trương đẩy nhanh tiến độ để có thể hoàn thành dự án, dự kiến cuối tháng 11/2024 Điện Thái Hòa sẽ được khánh thành và đón khách tham quan.

Hương Giang