Thí điểm Trung tâm Phục vụ hành chính công thành phố Hà Nội: “Tư duy Thủ đô, hành động Hà Nội” phục vụ nhân dân, doanh nghiệp
Với tính độc lập trong tổ chức, ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin (CNTT) và quy trình số hóa, Trung tâm Phục vụ hành chính công Thành phố Hà Nội sẽ góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ công, tăng cường tính chuyên nghiệp, hiệu quả trong giải quyết thủ tục hành chính (TTHC), khẳng định “Tư duy Thủ đô, hành động Hà Nội” phục vụ nhân dân, doanh nghiệp...
Tạp chí Người Hà Nội đã đưa tin, ngày 15/10, Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh đã ký Quyết định số 5390/QĐ-UBND về việc phê duyệt Đề án “Thí điểm thành lập Trung tâm Phục vụ hành chính công thành phố Hà Nội” (sau đây gọi là Đề án).
Khẳng định “Tư duy Thủ đô, hành động Hà Nội”
Đề án nhấn mạnh, trên cơ sở rút kinh nghiệm từ mô hình Trung tâm Hành chính công tỉnh Quảng Ninh, tỉnh Bắc Ninh và mô hình Trung tâm Hành chính công thuộc các sở, ngành của Ủy ban Nhân dân 56 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, Trung tâm Phục vụ hành chính công thành phố Hà Nội được xây dựng là một mô hình cải tiến toàn diện, nhằm khắc phục những tồn tại, hạn chế của các mô hình đã triển khai tại các địa phương trên cả nước.
Với tính độc lập trong tổ chức, ứng dụng mạnh mẽ CNTT và quy trình số hóa, mô hình Trung tâm Phục vụ hành chính công Thành phố sẽ góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ công, tăng cường tính chuyên nghiệp, hiệu quả trong giải quyết TTHC. Đây không chỉ là bước tiến trong cải cách hành chính mà còn là minh chứng cho “Tầm nhìn dài hạn - Tư duy sáng tạo - Giải pháp thông minh” của Thành phố trong việc xây dựng chính quyền số, phục vụ người dân và doanh nghiệp, khẳng định “Tư duy Thủ đô, hành động Hà Nội” trong nỗ lực chung nhằm cải thiện sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp, đáp ứng yêu cầu thực tiễn của một đô thị đặc biệt. Thể hiện qua những nội dung chính sau:
- Tính độc lập cao hơn: Trung tâm Phục vụ hành chính công Thành phố được thành lập với cơ cấu tổ chức độc lập, trực thuộc UBND Thành phố. Các Chi nhánh Trung tâm Phục vụ hành chính công được tổ chức thành các đơn vị trực thuộc, có con dấu riêng và được đầu tư trụ sở, trang thiết bị làm việc đầy đủ. Điều này không chỉ bảo đảm tính chuyên nghiệp mà còn nâng cao hiệu quả giám sát, quản lý và điều phối toàn diện giữa các cấp.
- Giảm phụ thuộc vào địa giới hành chính: Mô hình mới của Thành phố cho phép tiếp nhận TTHC không phụ thuộc vào địa giới hành chính, nghĩa là người dân có thể thực hiện các TTHC tại bất kỳ Chi nhánh, Điểm tiếp nhận nào thuận tiện thay vì phải đến các cơ quan hành chính tại địa phương cư trú. Đây là một cải tiến vượt bậc so với mô hình hiện tại của Quảng Ninh và Bắc Ninh, nơi sự phân bổ địa giới vẫn còn là rào cản lớn.
- Chuyên nghiệp hóa quy trình và nâng cao năng suất: Tại Hà Nội, quá trình tiếp nhận và xử lý hồ sơ xác định được số hóa hoàn toàn, từ khâu tiếp nhận đến trả kết quả, giúp tối ưu hóa thời gian và công sức. Quy trình này được tự động hóa và liên thông giữa các sở, ban, ngành và UBND các cấp, bảo đảm theo dõi, giải quyết TTHC nhanh chóng, minh bạch. Điều này tạo sự khác biệt với quy trình của Trung tâm Hành chính công tỉnh Bắc Ninh và nhiều tỉnh, thành khác.
- Đẩy mạnh ứng dụng CNTT và số hóa: Mô hình của Hà Nội nhấn mạnh việc ứng dụng CNTT và số hóa toàn bộ quy trình tiếp nhận và giải quyết hồ sơ. Trung tâm không chỉ là nơi tiếp nhận mà còn là đầu mối quản lý, theo dõi và giám sát toàn bộ quy trình giải quyết TTHC trên môi trường số. Tất cả hồ sơ được số hóa trước khi giải quyết và lưu trữ điện tử, giảm thiểu tối đa tình trạng thất lạc hoặc sai sót trong quá trình lưu trữ, xử lý. Đây là một cải tiến đáng kể so với Trung tâm Phục vụ hành chính công của tỉnh Bắc Ninh và phần lớn các tỉnh, thành khác trên cả nước, nơi việc số hóa hồ sơ chưa được áp dụng toàn diện.
- Nâng cao chất lượng phục vụ: Hà Nội không chỉ chú trọng vào việc tiếp nhận và giải quyết TTHC một cách hiệu quả, mà còn tạo ra một hệ thống hỗ trợ toàn diện cho người dân và doanh nghiệp. Mô hình mới sẽ kết hợp với các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ công ích tham gia vào quy trình tiếp nhận và trả kết quả, giảm tải cho đội ngũ cán bộ, công chức và nâng cao chất lượng phục vụ. Điều này cũng góp phần vào việc giải quyết các vấn đề về nhân lực và tạo điều kiện cho công chức tập trung vào công tác chuyên môn.
- Kiểm soát và giám sát hiệu quả: Mô hình tại Hà Nội có cơ chế giám sát, đánh giá chặt chẽ, bảo đảm việc thực hiện quy trình TTHC được công khai, minh bạch. Người dân và doanh nghiệp có thể theo dõi tiến độ xử lý hồ sơ trực tuyến, bảo đảm tính minh bạch và giảm thiểu tình trạng chậm trễ, tiêu cực. Cơ chế này khác biệt so với mô hình Trung tâm Phục vụ hành chính công của tỉnh Quảng Ninh.
Trung tâm Phục vụ hành chính công sẽ mang lại nhiều hiệu quả tích cực cho Hà Nội
Cụ thể, Trung tâm Phục vụ hành chính công giữ vai trò điều phối chung, là công cụ hiệu quả để phục vụ công tác điều hành, chỉ đạo của lãnh đạo UBND Thành phố. Đặc biệt tháo gỡ các điểm “nghẽn” và giải quyết tình trạng “ách tắc” trong giải quyết TTHC (đặc biệt ở các sở, ngành và trong các lĩnh vực như: đất đai, đầu tư, quy hoạch, xây dựng,…) có ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường kinh doanh, chỉ số phát triển của Thành phố như: Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh của Thành phố (PCI) liên tục bị tụt hạng từ vị trí thứ 10 (năm 2021) xuống thứ 18 (năm 2022), thứ 28/63 (năm 2023); chỉ số tiếp cận đất đai 61/63, gia nhập thị trường 54/63, chi phí thời gian 47/63; kết quả xếp hạng chỉ số hài lòng của người dân về cung ứng dịch vụ công của Thành phố (SIPAS) vẫn ở mức trung bình so với cả nước 21/63.
Bên cạnh đó, tối đa hóa phạm vi tiếp nhận TTHC tại một địa điểm theo hướng tiếp nhận hồ sơ TTHC, dịch vụ công không phụ thuộc vào địa giới hành chính; giảm đầu mối bộ phận một cửa riêng lẻ tại các cơ quan nhà nước, bảo đảm mỗi người dân đều có thể tiếp cận với các dịch vụ công được cung cấp trong bán kính dưới 30 phút di chuyển hoặc trong vòng bán kính không quá 5 km, phục vụ 24/7. Tăng khả năng tiếp cận, tạo thuận tiện cho tổ chức, cá nhân trong tìm hiểu, thực hiện TTHC, dịch vụ công, đặc biệt là người có kỹ năng CNTT thấp.
Tạo điều kiện cho việc ứng dụng mạnh mẽ CNTT trong hướng dẫn, hỗ trợ thực hiện, tổ chức tiếp nhận, số hóa và giám sát, điều phối việc giải quyết TTHC, cung cấp dịch vụ công. Sử dụng thống nhất các nền tảng, ứng dụng, dịch vụ, cơ sở dữ liệu dùng chung để tránh lãng phí. Nâng cao tính chuyên nghiệp, độc lập trong tiếp nhận, số hóa, trả kết quả giải quyết TTHC; bảo đảm sự linh hoạt trong bố trí cán bộ một cửa phù hợp với điều kiện, tình hình tiếp nhận, giải quyết TTHC của từng khu vực, tránh việc quá tải cục bộ; tạo điều kiện theo dõi, giám sát, đánh giá, đôn đốc việc thực hiện TTHC kịp thời, hiệu quả hơn.
Hiệu quả tích cực nữa từ việc thí điểm thành lập Trung tâm Phục vụ hành chính công Thành phố sẽ mang lại, đó là thực hiện hiệu quả việc số hóa, khai thác, tái sử dụng dữ liệu đã được số hóa, hồ sơ tiếp nhận được số hóa trước khi giải quyết, hồ sơ TTHC đã giải quyết thành công được lưu trữ và có giá trị tái sử dụng; không yêu cầu khai, nộp những thông tin, giấy tờ cơ quan nhà nước đã có và quản lý ở dạng điện tử.
Nâng cao chất lượng phục vụ, mức độ hài lòng của tổ chức, cá nhân trong tiếp cận, thực hiện TTHC, trong đó 100% hồ sơ TTHC đều được công khai, minh bạch quá trình tiếp nhận, giải quyết để tổ chức, cá nhân có thể theo dõi, giám sát, đánh giá; bảo đảm trải nghiệm dịch vụ giữa các Bộ phận một cửa thống nhất, đồng bộ. Tăng năng suất lao động trung bình trong việc giải quyết TTHC thông qua việc đẩy mạnh ứng dụng CNTT, xã hội hóa một số công việc trong quy trình hướng dẫn, tiếp nhận, giải quyết TTHC./.
(Tạp chí Người Hà Nội sẽ tiếp tục thông tin các nội dung tại Quyết định số 5390/QĐ-UBND về việc phê duyệt Đề án “Thí điểm thành lập Trung tâm Phục vụ hành chính công thành phố Hà Nội” trong các bài viết tiếp theo).