Chính sách & Quản lý

Di sản công nghiệp - tài sản lớn trong kiến thiết đô thị Hà Nội

Nhà văn Nguyễn Ngọc Tiến 14:17 16/10/2024

Sau khi Thủ đô giải phóng, năm 1958, miền Bắc tiến lên Chủ nghĩa Xã hội. Và để xây dựng cơ sở vật chất của thời kỳ quá độ, nhà nước đã chủ trương “ra sức phát triển nông nghiệp và công nghiệp nhẹ, ưu tiên phát triển công nghiệp nặng một cách hợp lý”. Từ năm này đến cuối năm 1964 khi Mỹ bắt đầu ném bom, cả miền Bắc là đại công trường nhộn nhịp.

Ở biên giới phía Bắc, Nhà máy Apatit được xây dựng ở Lào Cai, ở Thái Nguyên là cả khu liên hợp luyện gang thép còn tại thành phố Việt Trì bên cạnh ngã ba sông là khu công nghiệp với các nhà máy hóa chất. Xuôi về đồng bằng có Nhà máy đường Vạn Điểm, Nhà máy dệt Nam Định… Nhưng Hà Nội mới là tâm điểm xây dựng các nhà máy vì Thủ đô không chỉ là trung tâm chính trị, văn hóa mà phải là trung tâm kinh tế của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
Ở khu vực nội đô, các nhà máy trước đó của chủ Pháp nay thành tài sản nhà nước đã phục hồi sản xuất như: Nhà máy sửa chữa Ô tô Aviat (phố Phan Chu Trinh) đổi tên thành Nhà máy Ô tô Ngô Gia Tự, Nhà máy Cơ khí Đồng Tháp phố Hàng Tre, Nhà máy Thuộc da phố Thụy Khuê, Nhà máy Dệt kim Đông Xuân phố Ngô Thì Nhậm - Hòa Mã và rất nhiều nhà máy, xí nghiệp khác hồi sinh với thái độ lao động mới. Năm 1957, trên nền cũ của Nhà máy Diêm cuối phố Bà Triệu đã mọc lên một cơ sở sản xuất đồ sộ, đó là Nhà máy Cơ khí Trần Hưng Đạo - nhà máy được ví là con chim đầu đàn của ngành cơ khí Việt Nam.

nha-may-co-khi-ha-noi-duong-nguyen-traivgerbgrt11111.jpg
11111.jpg
Một số ký họa về những nhà máy - di sản công nghiệp của Thủ đô.

Ở vùng ngoại ô phía Nam thành phố trước năm 1954 đã mọc lên các cơ sở công nghiệp như: Nhà máy Cơ khí Mai Động, Nhà máy Xay xát Lương Yên, Nhà máy Bánh kẹo Hải Hà, Nhà máy Hoa quả xuất khẩu nhưng lớn nhất là Nhà máy Dệt 8-3 ở phố Minh Khai.
Ở phía Tây thành phố trên đường Nguyễn Trãi có nhà máy Thuốc lá Thăng Long, Cao su Sao Vàng, Nhà máy Xà phòng Hà Nội mà người ta quen gọi là khu Cao-Xà-Lá. Trên đường Nguyễn Trãi gần Cầu Mới có Nhà máy Cơ khí Hà Nội. Nhà máy có khu tập thể rất lớn nằm đối diện cổng nhà máy, và cũng giống như Nhà máy Dệt 8-3 khi tan ca, công nhân qua đường về nhà khiến ông lái tàu điện tuyến Bờ Hồ - Hà Đông phải dậm chuông liên tục. Cũng trên trục đường Nguyễn Trãi có Xí nghiệp giày của Quân đội (năm 1961 đổi thành Nhà máy Cao su Thụy Khuê, năm 1978 đổi thành Xí nghiệp giầy vải Thượng Đình). Năm 1961 có Nhà máy Bê tông đúc sẵn Hà Nội ở làng Chèm, Nhà máy Chế tạo Biến thế ở phố Trần Nguyên Hãn. Trong năm 1962, Nhà máy Cơ khí Quang Trung trên đường Giải Phóng khánh thành.

Thậm chí ngay cả khi Mỹ ném bom phá hoại Hà Nội và miền Bắc nhưng nhà máy vẫn mọc lên ở Hà Nội. Cuối năm 1964 khánh thành Xí nghiệp sửa chữa Ô tô 3/2. Năm 1965, Nhà máy Bánh kẹo Hải Châu đi vào sản xuất. Năm 1968 có Nhà máy Mỳ Chùa Bộc, năm 1970 có Nhà máy Điện cơ Thống Nhất ở phố Nguyễn Đức Cảnh. Sau khi Mỹ ký Hiệp định Paris rút quân khỏi Việt Nam năm 1973, ở Hà Nội lại mọc thêm các nhà máy mới. Năm 1974 có Nhà máy Bi-xích-líp Đông Anh, Nhà máy dệt Minh Khai. Đất nước thống nhất chưa lâu, cuộc chiến tranh biên giới phía ở phía Bắc (năm 1979) đã khiến việc xây dựng cơ sở sản xuất phải tạm ngừng, dồn vật chất chống quân xâm lược. Mãi đến năm 1984, Hà Nội mới có một nhà máy khánh thành là Nhà máy sợi Đức ở phố Minh Khai. Nếu tính những nhà máy xây dựng sau 1954 đến 1986, Hà Nội có 46 nhà máy cỡ lớn thuộc quyền quản lý của các bộ, ngoài ra còn rất nhiều nhà máy, xí nghiệp nhỏ do thành phố quản lý. Hầu hết các nhà máy có lối kiến trúc công nghiệp khá giống nhau, khung bê tông, mái lợp tôn, phần mái bên hông đều bằng kính để lấy ánh sáng trời.

Sau đổi mới, nhiều nhà máy, xí nghiệp đã không bắt kịp cơ chế mới, hoặc muốn thay thế máy móc thiết bị cũ bằng máy móc và công nghệ hiện đại song không có vốn. Lại có đơn vị vẫn làm ra sản phẩm nhưng chất lượng thua kém hàng nhập khẩu nên không tiêu thụ được dẫn đến thua lỗ. Và còn rất nhiều lý do khác nên có nhà máy sản xuất cầm chừng có nhà máy phải giải thể, đóng cửa. Trong thập niên 90 thế kỷ 20 và những năm đầu thế kỷ 21, nhà nước đưa ra chính sách cổ phần hóa và sau đó là chuyển các cơ sở công nghiệp ra khỏi khu vực nội đô. Nhiều nhà máy xây dựng sau 1954 có diện tích rộng, vị trí đắc địa như Nhà máy cơ khí Trần Hưng Đạo, Nhà máy Dệt 8-3, Nhà máy Cơ khí Hà Nội… đã nhanh chóng thành khu chung cao tầng, tòa nhà văn phòng, trung tâm thương mại. Đó là hệ quả tất yếu trước sức ép của phát triển đô thị.

Các di sản công nghiệp luôn mang trong nó dấu ấn lịch sử, kinh tế và xã hội. Các nhà máy ra đời sau năm 1954 cho thấy quan hệ sản xuất ở miền Bắc thay đổi, từ sở hữu tư nhân thành sở hữu quốc doanh. Ở các nhà máy này còn là chồng lớp ký ức của thợ thuyền. Không có con số thống kê Nhà máy dệt 8-3 có bao nhiêu công nhân nhưng đường Minh Khai khi đó nhỏ hẹp mỗi lúc tan làm đổi ca xe đạp đông nghẹt đường. Vì dệt 8-3 hầu hết công nhân là nữ nên nhà máy còn có cả nhà trẻ, các bà mẹ gửi con ở đây và tranh thủ chạy qua cho con bú theo quy định, đó là nét rất đặc biệt chỉ có ở Việt Nam. Nhiều di sản công nghiệp gây tò mò với người dân, gắn với tiềm thức, ký ức cũng như cuộc sống một thời, vì thế, di sản công nghiệp luôn có sức sống ngay cả trong đời sống hiện đại. Rất nhiều kiến trúc sư cho rằng, di sản công nghiệp Hà Nội đang là tài sản lớn trong việc kiến thiết đô thị ở Thủ đô.

Trên tầm nhìn tổng quan, bộ mặt của thành phố được nâng tầm nhờ bệ đỡ của các di sản văn hóa trong đó có “di sản công nghiệp”. Biết khai thác nó sẽ là sản phẩm của công nghiệp văn hóa. Nhưng quan trọng hơn, các chính sách bảo vệ và tái sử dụng di sản chỉ có ý nghĩa và thành công, khi chính người dân được thụ hưởng, thấy gắn bó và tự hào, để chính họ trở thành những tác nhân gìn giữ di sản của thành phố mình./.

Nhà văn Nguyễn Ngọc Tiến