Chuyển động Hà Nội

Tạo cơ hội - giá trị - tầm nhìn mới trong phát triển Thủ đô

Nhật Anh 07:33 14/10/2024

Năm 2024 đánh dấu hành trình 70 năm phát triển Thủ đô kể từ ngày giải phóng. Bên cạnh những thành tựu thì những thời cơ và thách thức cũng đã đặt ra những yêu cầu mới đối với Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thành phố. Để tạo cơ hội mới, giá trị mới, tầm nhìn mới trong phát triển Thủ đô, thời gian qua, thành phố đã tập trung cho một trong những nhiệm vụ quan trong là lập Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 với kỳ vọng phác họa rõ nét diện mạo Thủ đô trái tim của cả nước trong tương lai gần và 20 năm tiếp theo. Một quy hoạch chiến lược, hoạch định sự phát triển toàn diện của Thủ đô Hà Nội trong tương lai đã được xây dựng chứa đựng đủ đầy tình yêu, tâm huyết và khát vọng của đất và người Hà Nội hôm nay.

ha-noi-nhin-tu-tren-cao-anh-duy-tuong.jpg
Hà Nội nhìn từ trên cao. ảnh: Duy Tường

5 vùng đô thị trong Thủ đô văn hiến

Mục tiêu bao trùm mà bản Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 xác định định hình rất rõ vóc dáng của vùng đất “địa linh nhân kiệt” xưa nay, trái tim của cả nước mãi cho đến sau này. Trong bức tranh quy hoạch đầy đủ sắc màu đó, Hà Nội đến năm 2030, sẽ là thành phố “Văn hiến, Văn minh, Hiện đại”, xanh, thông minh, nơi hội tụ tinh hoa văn hóa của cả nước và thế giới; trung tâm đi đầu đối với nghiên cứu, sáng tạo, ứng dụng và chuyển giao khoa học - công nghệ mới; trung tâm, động lực thúc đẩy phát triển vùng đồng bằng sông Hồng và vùng động lực phía Bắc; trung tâm kinh tế tài chính lớn, cực tăng trưởng có vai trò dẫn dắt kinh tế của đất nước, có tầm ảnh hưởng trong khu vực, dựa trên mô hình phát triển xanh và kinh tế tuần hoàn, kinh tế số, kinh tế chia sẻ; thực sự là trung tâm lớn, tiêu biểu, hàng đầu cả nước về giáo dục, đào tạo chất lượng cao, ngang tầm khu vực và quốc tế...
20 năm sau đó - năm 2050, nơi “lắng hồn núi sông ngàn năm” này sẽ có mức sống và chất lượng cuộc sống cao; kinh tế, văn hóa, xã hội phát triển toàn diện, đặc sắc, hài hòa; có trình độ phát triển ngang tầm các nước phát triển trong khu vực và trên thế giới; là thành phố kết nối toàn cầu, xanh - thông minh - thanh bình - thịnh vượng; là nơi đáng đến và lưu lại, đáng sống và cống hiến. Quy mô dân số thường trú đến năm 2050 khoảng 13 - 13,5 triệu người; GRDP bình quân đầu người năm 2050 đạt 45.000 - 46.000 USD; tỷ lệ đô thị hóa 80 - 85%...

anh-1.jpg
5 trụ cột phát triển Thủ đô Hà Nội trong Quy hoạch Thủ đô.

Đặc biệt, Quy hoạch Thủ đô Hà Nội xác định cấu trúc không gian phát triển của Thủ đô Hà Nội gồm: 5 không gian phát triển, 5 hành lang và vành đai kinh tế, 5 trục động lực, 5 vùng kinh tế - xã hội, 5 vùng đô thị. Cùng với Thành phố Hồ Chí Minh, Thủ đô Hà Nội đóng vai trò là cực tăng trưởng của đất nước, có vị trí trọng yếu trong tam giác động lực của vùng Đồng bằng sông Hồng (Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh) và tứ giác phát triển khu vực miền Bắc (Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh - Thanh Hóa).

Quy hoạch Thủ đô Hà Nội cũng đã đặt ra các nhiệm vụ trọng tâm và đột phá phát triển. Trong đó nhấn mạnh vấn đề bảo vệ môi trường, giải quyết triệt để ô nhiễm sông Tô Lịch, làm sống lại hình ảnh dòng sông xanh, sạch, gắn liền với văn hóa - lịch sử Thủ đô; xử lý ô nhiễm môi trường các sông (Nhuệ, Đáy, Lừ, Sét)... để bảo đảm nguồn nước tưới an toàn cho nông nghiệp, tạo không gian xanh cho phát triển đô thị. Khai thác lợi thế không gian mặt nước của hệ thống sông, hồ, rừng để tạo môi trường đô thị xanh, hấp dẫn, phát triển bền vững, đồng thời, thực hiện quyết liệt các biện pháp xử lý ô nhiễm môi trường không khí khu vực đô thị.

Cùng với đó, tập trung cải tạo những khu chung cư cũ; xóa bỏ tình trạng nhà tự xây không theo quy hoạch, không đảm bảo an toàn phòng, chống cháy nổ, cứu hộ, cứu nạn. Bảo tồn, chỉnh trang, cải tạo khu phố cổ, khu có kiến trúc kiểu Pháp nhằm khai thác, phát huy giá trị văn hóa - lịch sử của Thủ đô ngàn năm văn hiến. Khai thác không gian ngầm trong phát triển giao thông và dịch vụ đô thị. Tập trung phát triển hạ tầng giao thông, đặc biệt hệ thống đường sắt đô thị, đường vành đai, các cầu vượt sông Hồng để tăng cường kết nối các địa phương và giải quyết căn bản tình trạng ùn tắc tại các cửa ngõ của Thủ đô và khu vực nội đô.

Quy hoạch Thủ đô Hà Nội còn phác họa sắc nét 5 vùng kinh tế - xã hội quan trọng cùng 5 vùng đô thị - nền tảng và điểm tựa cho Thủ đô phát triển. Trong đó, 5 vùng kinh tế - xã hội gồm: Vùng trung tâm, vùng phía Bắc sông Hồng, vùng phía Nam Thủ đô, vùng phía Tây Nam Thủ đô, vùng phía Tây Bắc Thủ đô; 5 vùng đô thị gồm: Đô thị trung tâm, thành phố phía Tây, vùng đô thị Sơn Tây - Ba Vì, thành phố phía Bắc, đô thị phía Nam. Các khâu đột phá phát triển cũng đã được định hình cụ thể dựa trên tiềm năng và đặc thù của Hà Nội như: Đột phá về thể chế và quản trị, đột phá về hạ tầng; đột phá về phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo; đột phá về đô thị, môi trường và cảnh quan…

Nhiều đổi mới với tư duy đột phá

Với vai trò là cơ quan thường trực của Hội đồng thẩm định, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng khẳng định: Quy hoạch Thủ đô Hà Nội được tổ chức lập và thực hiện theo đúng các quy định của pháp luật về quy hoạch; bám sát vào các nhiệm vụ trong nghị quyết, chủ trương của Bộ Chính trị, Trung ương về định hướng phát triển vùng, định hướng phát triển Thủ đô Hà Nội.
Bản quy hoạch được làm hết sức thận trọng, công phu và được đánh giá có nhiều đổi mới với tư duy hết sức đột phá. Quan điểm định hướng phát triển được đưa ra như thành phố quay mặt ra sông hay mở rộng các tuyến đường sắt đô thị, phát triển không gian ngầm, giải quyết được các vấn đề về môi trường nước, trong đó, có việc xử lý và làm sạch các dòng sông Nhuệ, sông Tô Lịch, sông Tích và môi trường không khí của Hà Nội... Quy hoạch cũng đã chú trọng đến tính liên kết vùng và các địa phương xung quanh, trong đó Hà Nội giữ được vai trò trung tâm, động lực để phát triển cho vùng đồng bằng sông Hồng; vùng động lực của phía Bắc, đồng thời là 1 trong 2 cực tăng trưởng có vai trò dẫn dắt quan trọng về kinh tế bậc nhất của cả nước.

anh-2.jpg
Quy hoạch Thủ đô đã xác định 8 đặc trưng của Thủ đô văn hiến

Quy hoạch Thủ đô Hà Nội cũng được ghi nhận có nhiều điểm khác biệt so với một số quy hoạch khác như chú trọng đến văn hóa, di sản, khẳng định Hà Nội là nơi hội tụ tinh hoa văn hóa của cả nước, trung tâm đi đầu trong nghiên cứu, sáng tạo; phát huy được các tiềm năng con người, thúc đẩy khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo.

Quy hoạch đã thể hiện được định hướng phát triển, là thành phố kết nối toàn cầu, ngang tầm với Thủ đô của các nước phát triển trong khu vực và thế giới về mọi lĩnh vực; tiếp cận với xu hướng mới về phát triển xanh hay kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, những xu thế mới nhất, các kinh nghiệm tốt nhất của quốc tế đã nghiên cứu trong đồ án này. Thể hiện được sự phát triển về các cơ sở hạ tầng mới tại các khu đô thị mở rộng, đô thị vệ tinh, đặc biệt là khu vực Bắc sông Hồng. Với các cơ sở hạ tầng hiện đại đạt tiêu chuẩn quốc tế, đặc biệt đã thể hiện được sự phát triển đô thị theo mô hình TOD. Điều chỉnh cấu trúc không gian cũng như hạ tầng đô thị dựa trên khung hạ tầng giao thông công cộng.

Hơn thế, quy hoạch đã định hướng tổ chức không gian phát triển sông Hồng trở thành không gian sinh thái văn hóa, kinh tế và là nơi thể hiện được các biểu tượng phát triển của Thủ đô. Trong đó, lấy trục sông Hồng trở thành trung tâm hội tụ, là diện mạo và điểm nhấn quan trọng của vùng Thủ đô, vùng của vùng đô thị hóa đồng bằng sông Hồng. Quy hoạch đã xem xét từ các vấn đề gọi là điểm nghẽn lớn hiện nay của thành phố như ngập úng hay môi trường, những vấn đề giao thông, đô thị, an ninh nguồn nước...

Bấy nhiêu điều được ghi nhận là đã đủ để “thay lời muốn nói” về bao công sức, trí tuệ và tâm huyết, khát vọng mà những người yêu Hà Nội đã ngày đêm suy ngẫm để truyền tải, gửi gắm vào một sản phẩm góp phần hoạch định sự phát triển của Hà Nội trong tương lai.

Ba trọng tâm trong triển khai thực hiện quy hoạch
Quy hoạch đã hoàn thiện, diện mạo của Thủ đô đã được định hình, dẫu vậy tâm huyết của người Hà Nội vẫn song hành cùng Quy hoạch Thủ đô với kỳ vọng hiện thực hóa khát vọng đã thể hiện trong đó. Bằng cái nhìn bao quát từ quá trình lập quy hoạch, GS.TS. Hoàng Văn Cường - Đại biểu Quốc hội khóa 15, cũng đồng thời là người trực tiếp tham gia lập Quy hoạch Thủ đô Hà Nội cho rằng, có 3 vấn đề rất cần quan tâm và trọng tâm trong quá trình triển khai thực hiện quy hoạch sau này.

tren-do-cao-de-nhin-nhung-con-ho-menh-mong-anh-duy-tuong.jpg
Trên độ cao để nhìn những con hồ mênh mông. Ảnh: Duy Tường

Thứ nhất, phải tập trung giải quyết nút thắt lớn nhất của Hà Nội hiện nay là vấn đề giao thông ùn tắc. Trọng tâm là đầu tư xây dựng 14 tuyến đường sắt đô thị như trong đề án vạch ra, thành một hệ thống mạng lưới đường sắt đủ khả năng kết nối giao thông cho người dân có thể di chuyển bất kể địa điểm nào trong khu vực Thủ đô có thể sử dụng đường sắt. Khi đó Hà Nội sẽ tự động thay thế được các phương tiện giao thông cá nhân. Vấn đề ùn tắc giao thông hay ô nhiễm môi trường sẽ được giải quyết thông qua việc phát triển hệ thống đường sắt.

Khi mạng lưới đường sắt phát triển sẽ kết nối với các vùng ngoại thành, tự động sẽ giãn các hoạt động kinh tế đang tập trung ở nội đô ra phát triển ở những vùng đô thị mới. Đặc biệt, hệ thống đường sắt này còn kết nối với các tỉnh Bắc Ninh, Vĩnh Phúc, Hưng Yên, Hà Nam, sẽ biến các tỉnh đó, các đô thị đó gần như những đô thị vệ tinh để tạo ra kết nối phát triển, đồng thời phân tán sự tập trung. Cùng với đó, phát triển hệ thống không gian ngầm bên dưới trở thành một khu thương mại dịch vụ như là những khu phố ngầm và trên mặt đất trở thành không gian trống để phát triển cây xanh, phát triển công cộng. Đó mới là hình ảnh của đô thị văn minh, hiện đại.

Thứ hai, phải đầu tư xây dựng hệ thống thu gom nước thải tách rời khỏi hệ thống nước mưa và xây dựng, bố trí những khu vực xử lý nước thải cục bộ và nước thải tập trung để khi nước thải từ sinh hoạt thành phố ra hệ thống môi trường là nước không còn ô nhiễm. Giải pháp này đồng thời với việc triển khai xây dựng ngay 2 đập tràn dâng nước trên sông Hồng và sông Đuống - việc này đã có trong quy hoạch thủy lợi mà Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã nhiều lần đề xuất.

Khi xây dựng 2 đập, mặt nước sông Hồng vào mùa cạn sẽ dâng cao, đẩy nước vào sông Đáy, sông Nhuệ, hệ thống sông Bắc Hưng Hải, tự động làm các dòng sông này sống lại, chảy trôi, không còn hạn hán như hiện nay. Khi đó chúng ta xây dựng 2 con đường di sản hai bên sông như quy hoạch. Một bên là con đường thể hiện lịch sử ngàn năm văn hiến, các câu chuyện lịch sử dựng nước, giữ nước, bảo vệ Thủ đô… Một bên sông nữa xây dựng con đường di sản quy tụ những hình ảnh về đất nước, con người Việt Nam.

Thứ ba, cần có cơ chế hỗ trợ người dân ở khu vực phố cổ, bởi muốn cải tạo, chỉnh trang khu vực này, phải hỗ trợ người dân về nơi ở và thực hiện cơ chế không thu hồi nhà của họ. Nếu được hỗ trợ như vậy, người dân sẽ dành không gian này cho kinh doanh dịch vụ, thương mại. Họ có thể tự sản xuất, kinh doanh, hoặc cho những nhà đầu tư vào đầu tư, cải tạo trở thành những nơi lưu trú, kinh doanh ăn uống. Như vậy sẽ phát triển được không gian về kinh tế đêm cho Hà Nội, không phải chỉ quanh khu vực Bờ Hồ như hiện nay mà cả khu vực phố cổ, khu vực Hồ Tây, khu vực sông Hồng trở thành một không gian phát triển du lịch và kinh tế đêm.

Những gợi ý đó thực sự quý giá trong hành trình hiện thực hóa Quy hoạch Thủ đô tiếp theo mà những người trong cuộc cần nắm lấy và suy ngẫm. Như Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nhận định, tổ chức thực hiện quy hoạch là vấn đề lớn, khó, chắc chắn sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Hà Nội phải xây dựng một kế hoạch để thực hiện quy hoạch một cách khả thi nhất. Trong đó có các cơ chế, chính sách đi kèm, cách huy động nguồn vốn, tổ chức triển khai, thứ tự, danh mục dự án ưu tiên... mới có được một Thủ đô Hà Nội trong tương lai như mong muốn./.

Nhật Anh