Văn hóa

Văn hóa Thủ đô 70 năm tự hào

TS. Trần Thị Minh Thu 10:03 12/10/2024

Ngày 10/10/1954, khi đoàn quân chiến thắng từ 5 cửa ô tiến vào Thủ đô Hà Nội, một thời kỳ phát triển mới hòa trong dòng chảy lịch sử ngàn năm của văn hóa Thăng Long - Đông Đô - Hà Nội đã được mở ra. Trải qua 70 năm, văn hóa Hà Nội dù gặp bao gian khó, thăng trầm, biến đổi, nhưng sức mạnh nội sinh chứa đựng vị thế, bản sắc riêng của mảnh đất là trái tim của nhân dân cả nước vẫn trụ vững trong tư thế hiên ngang, cao lớn, tự hào.

tac-pham-hoan-ca-ngay-hoi-cua-tac-gia-kieu-duc-chung.jpg
Tác phẩm “Hoan ca ngày hội” của tác giả Kiều Đức Chung

1. Trong 70 năm qua, Hà Nội vẫn là nơi hội tụ và chắt lọc tinh hoa văn hóa của cả nước. Người từ mọi miền đất nước đã tụ họp về đây sinh cơ lập nghiệp. Bởi lẽ, với vị trí trung tâm, Hà Nội vừa là nơi hình thành, lưu giữ đậm đặc những giá trị văn hóa truyền thống dân tộc, cũng là điểm giao thoa các vùng, miền văn hóa khác nhau. Xưa, cư dân đất kinh kỳ vốn là người tứ xứ, chủ yếu từ thôn quê. Với đủ các tầng lớp, trình độ khác nhau… họ đã tạo nên bộ mặt xã hội phong phú, cùng những giá trị văn hóa đặc trưng của kinh thành Thăng Long. Sau ngày Giải phóng Thủ đô, Hà Nội chứng kiến đợt xuất cư, tản cư chưa từng thấy. Nhiều người di cư vào miền Nam.

Ngược lại, một số lượng không nhỏ nhân dân từ miền Nam và miền Trung tập kết sau Hiệp định Genève, cộng với cán bộ, nhân dân ở các tỉnh miền Bắc cũng chuyển đến Hà Nội sinh sống, làm việc. Sau Đổi mới, việc xóa bỏ nền kinh tế kế hoạch hóa chuyển sang nền kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa đã thúc đẩy số lượng người nhập cư vào Hà Nội tăng vọt. Đầu thập niên 2000, Hà Nội có khoảng 40.000 - 60.000 người nhập cư mỗi năm, trong khi xuất cư chỉ khoảng 50% số đến. Đến nay, dân số Hà Nội khoảng 8,5 triệu người, với mật độ dân số là 2.398 người/km2, cao gấp 8,2 lần so với mật độ dân số cả nước. Chính sự hội tụ dân cư tứ xứ này đã dẫn đến sự hội tụ văn hóa của Hà Nội trong quá khứ và tiếp nối 70 năm qua. Khi họ đến đây đã đem theo lối sống, phong tục tập quán, tín ngưỡng từ quê hương mình góp vào bộ mặt văn hóa Thăng Long - Đông Đô - Hà Nội, làm cho nó ngày một giàu có hơn. Chưa kể, văn hóa đó hội tụ và kết tinh qua nhiều đời, dần được Hà Nội hóa, hòa cùng văn hóa của cư dân Hà Nội gốc, trở thành các giá trị tiêu biểu cho đời sống người Hà Nội.

2. Trong 70 năm qua, Hà Nội vẫn lưu giữ sự hòa trộn văn hóa làng xã với văn hóa cung đình và văn hóa đô thị, đồng thời bổ sung thêm văn hóa xã hội chủ nghĩa, văn hóa cơ chế thị trường và văn hóa hội nhập.

Văn hóa làng xã hiện hữu rõ nhất trong các tục lệ, hương ước của những làng cổ ở chốn kinh kỳ xưa và còn gìn giữ đến ngày nay; ở các lễ hội dân gian cổ truyền của người Hà Nội mang đậm màu sắc lịch sử; ở các món ăn đặc sản như phở, nem, bún chả, giò chả Ước Lễ, chả cá Lã Vọng, cốm Vòng, bánh cuốn Thanh Trì, rượu Mơ, dưa La, cà Láng… mang hương vị quyến rũ riêng.

Văn hóa cung đình được in dấu năm tháng qua hệ thống di tích được các triều vua xây dựng trong nhiều giai đoạn lịch sử như thành Cổ Loa, Hoàng Thành Thăng Long, chùa Một Cột, Văn Miếu Quốc Tử Giám, hồ Hoàn Kiếm với cầu Thê Húc, Tháp Bút, Tháp Rùa, đền Ngọc Sơn lung linh bóng nước đã đi vào sử sách, thơ ca… đi cùng lối sống thanh lịch, chuẩn mực (“Chẳng thơm cũng thể hoa nhài, Dẫu không thanh lịch cũng người Tràng An”).

Văn hóa đô thị - Kẻ Chợ được tô vẽ đậm nét nhất ở khu phố cổ - nơi lưu giữ dấu ấn của một “Hà Nội băm sáu phố phường” thuở xưa. Những tên gọi Hàng Ngang, Hàng Đào, Hàng Bông, Hàng Gai, Hàng Bài, Hàng Chuối… không giản đơn chỉ là tên phố, mà ẩn sau mỗi tên gọi là một nghề thủ công đặc sắc, một hoài niệm của lịch sử.

Đến thời Pháp thuộc, văn hóa đô thị công thương nghiệp được hình thành gắn với việc xây dựng một số công trình kiến trúc, giao thông, nhà cửa và một loạt nhà máy cần thiết để kinh doanh như: nhà máy điện, nhà máy nước, nhà máy diêm, nhà máy dệt, nhà máy rượu, nhà máy thuốc lá, nhà máy sửa chữa xe lửa Gia Lâm… và Hà Nội trở thành một thị trường tiêu thụ sản phẩm nhập khẩu, cung cấp dịch vụ chủ yếu phục vụ cho người Pháp cư trú ở Hà Nội.
Sau ngày Giải phóng Thủ đô, Hà Nội đã được bồi đắp thêm các giá trị văn hóa mới, trước hết là văn hóa xã hội chủ nghĩa. Văn hóa xã hội chủ nghĩa thể hiện ở lòng yêu nước - gắn liền lòng yêu Tổ quốc với yêu chế độ xã hội mới, chế độ xã hội chủ nghĩa, yêu nước phải đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng thì mới yêu nước triệt để và giành được thắng lợi. Văn hóa xã hội chủ nghĩa còn thể hiện ở tình yêu lao động, căm ghét bóc lột, xây dựng đạo đức cách mạng và loại bỏ thói hư, tật xấu của xã hội cũ sót lại; ở lối sống “tập thể hóa”, “mình vì mọi người” với tinh thần lạc quan cách mạng. Bởi vậy, thời kỳ này, các phong trào xây dựng đời sống mới được người dân Thủ đô nhiệt tình tham gia hưởng ứng, nổi bật là phong trào thanh niên tình nguyện đi khai hoang và xây dựng kinh tế mới, đi về các vùng nông thôn làm việc. Những tấm gương người tốt, việc tốt trong sản xuất và chiến đấu với tinh thần thi đua hăng hái, trong sáng, không màng đến lợi ích riêng nở rộ. Lối sống tập thể được phát huy thông qua phong trào “Tiếng hát át tiếng bom”, “Thanh niên ba sẵn sàng”, “Phụ nữ ba đảm đang”, “Tay búa tay súng”, “Tay cày tay súng”… Đạo đức xã hội chủ nghĩa theo phương châm “cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư” được đề cao thực hiện.

khi-chuyen-minh-va-phat-trien-hien-dai-ha-noi-van-giu-trong-minh-nhung-net-hoai-co-doc-dao..jpg
Khi chuyển mình và phát triển hiện đại, Hà Nội vẫn giữ trong mình những nét hoài cổ độc đáo.

Sau Đổi mới, văn hóa cơ chế thị trường được nảy sinh và phát triển mạnh ở Hà Nội. Văn hóa đời sống của Hà Nội biến đổi theo nguyên tắc kinh tế thị trường: Phải có giá trị sử dụng, có khả năng mang lại lợi nhuận, chịu tác động của quy luật cung cầu, quy luật cạnh tranh, giá cả... Hà Nội xuất hiện các cá nhân, tổ chức hoạt động kinh doanh văn hóa sôi động, đáp ứng một thị trường văn hóa lớn, nhu cầu đa dạng.

Mở cửa thị trường cùng với quá trình toàn cầu hóa và sự phát triển của internet, các trang mạng xã hội đã thúc đẩy sự xuất hiện và lớn mạnh văn hóa hội nhập của Hà Nội. Văn hóa Hà Nội lại tiếp biến theo khuynh hướng đa văn hóa. Sự giao lưu, tiếp biến này diễn ra một cách tự nhiên, với độ mở của văn hóa Hà Nội dễ dàng tiếp xúc với các nền văn hóa mới như: Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản…, càng tạo nên sự đa dạng, phong phú, giàu có của văn hóa Hà Nội với sự hòa trộn giữa truyền thống và hiện đại, dân tộc và quốc tế, phương Đông và phương Tây.

3. Trải qua 70 năm, văn hóa Hà Nội vẫn giữ ở vị trí đi đầu và lan tỏa tới các địa phương khác trong cả nước. Hà Nội là trung tâm của vùng đồng bằng sông Hồng, là địa bàn chiến lược đặc biệt quan trọng không chỉ về chính trị, kinh tế, quốc phòng, an ninh và đối ngoại, mà còn về văn hóa của cả nước. Chính vì vậy, Hà Nội hội tụ các yếu tố để trở thành đầu tàu, dẫn dắt và ảnh hưởng đến các vùng/ tiểu vùng văn hóa khác. Hà Nội tập trung các cơ quan lãnh đạo của Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ, các đoàn thể xã hội, nơi diễn ra các Đại hội đại biểu toàn quốc của Đảng, các kỳ họp Quốc hội, mà từ đó đã đưa ra các nghị quyết, đường lối, sách lược đối nội và đối ngoại cho từng giai đoạn xây dựng và chiến đấu bảo vệ Tổ quốc. Trụ sở trung ương các hội văn học - nghệ thuật, các hội khoa học - kỹ thuật, các xưởng phim, nhà hát quốc gia của các bộ môn nghệ thuật tập trung rất nhiều tại đây. Về số lượng bảo tàng, thư viện, nhà văn hóa, câu lạc bộ, rạp hát, chiếu bóng, hiệu sách,… di tích lịch sử văn hóa, kiến trúc và cách mạng, Hà Nội đứng hàng đầu. Hà Nội cũng là một trong những địa phương tiên phong trong cả nước về xây dựng nếp sống văn minh và gia đình văn hóa mới.

anh-giao-luu-3-thanh-pho-2023-77.jpg
Di tích Văn Miếu Quốc Tử Giám Ảnh: Trịnh Đình Thắng

Trong 70 năm phát triển, văn hóa Hà Nội đã thể hiện rõ bản lĩnh và khí khách của một Thành phố anh hùng, Thành phố vì hòa bình. Những năm kháng chiến chống đế quốc Mỹ, hàng chục vạn người con Thủ đô lên đường tòng quân chiến đấu khắp các chiến trường. Nơi hậu phương, Hà Nội trở thành một trung tâm kinh tế lớn của miền Bắc xã hội chủ nghĩa, chi viện cho tiền tuyến với phương châm “thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người”. Trong cuộc chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ, người Hà Nội không sợ hãi, vẫn bám trụ đến cùng dù thiếu thốn trăm bề, hi sinh mất mát không kể xiết, làm nên một “Điện Biên Phủ trên không”, buộc Mỹ phải quay lại bàn đàm phán và ký Hiệp định Paris, chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam. Sự kiên gan, vững vàng của Hà Nội cổ vũ to lớn nhân dân cả nước, nhất là tiền tuyến miền Nam trong cuộc kháng chiến chống Mỹ. Dưới ánh sáng lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, cuộc đấu tranh trên lĩnh vực văn hóa ở Hà Nội diễn ra sôi động, là tuyến đầu quan trọng, góp phần vào thắng lợi chung của cách mạng Việt Nam.

Đất nước thống nhất, văn hóa Thủ đô Hà Nội phát triển, xứng đáng vị trí là trung tâm văn hóa của cả nước. Các phong trào xây dựng nếp sống văn minh được đẩy mạnh với nhiều hình thức phong phú, được các tầng lớp nhân dân nhiệt tình hưởng ứng và phát triển văn hóa, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh được coi là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên của cả hệ thống chính trị, thực sự trở thành giá trị tinh thần to lớn, sức mạnh, nguồn lực nội sinh cho sự phát triển bền vững Thủ đô… Trong mọi hoàn cảnh, bản lĩnh, khí phách của con người Hà Nội đã trở thành một trong những giá trị cốt lõi của văn hóa Hà Nội. Họ có thể khác nhau về nơi xuất thân, trình độ văn hóa, mục tiêu mưu cầu trong cuộc sống song khi đã là người Hà Nội thì đều yêu mến mảnh đất này và luôn nỗ lực dựng xây, bảo vệ trái tim của cả nước, bởi: “Thăng Long phi chiến địa/ Thiên hạ vạn đại xương” (Thăng Long không phải là nơi chiến trận/ Non nước mới thịnh vượng mãi bền).

4 Kinh tế thị trường, toàn cầu hóa đã làm nảy sinh nhiều mặt trái: Chủ nghĩa cá nhân thực dụng vị kỷ; mê tín, dị đoan, phú quý sinh lễ nghĩa; văn hóa “đen”; tệ nạn xã hội diễn biến phức tạp; những nét đẹp ứng xử của người Hà Nội truyền thống như sự hòa thuận, chung thủy, tình nghĩa, lòng yêu thương và sự hy sinh cho con cái, tôn trọng và hiếu nghĩa với cha mẹ, anh em, sự văn minh, thanh lịch… bị suy giảm; tình trạng phá vỡ không gian kiến trúc, xâm hại di sản văn hóa, biến dạng cảnh quan đô thị và nông thôn… Điều này đặt ra cho những người làm văn hóa Thủ đô những câu hỏi hóc búa: Làm thế nào để giữ gìn và phát huy những nét đẹp văn hóa truyền thống của văn hóa Thăng Long - Đông Đô - Hà Nội? Làm thế nào để “hòa nhập, mà không bị “hòa tan”? Làm thế nào khơi gợi sự đóng góp của nhân dân Thủ đô với sự nghiệp phát triển văn hóa?

Cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng - người con Hà Nội, nguyên là Bí thư Thành ủy Hà Nội (2000-2006) sinh thời đã từng nhấn mạnh: “Nói đến Hà Nội là nói đến Thủ đô văn hiến và anh hùng, linh thiêng và hào hoa, niềm tin và hy vọng, thành phố vì hòa bình, thanh lịch, văn minh, hiện đại. Bởi vậy, Hà Nội cần đặc biệt quan tâm giữ gìn và phát huy những đặc sắc văn hóa, những nét riêng có của mình, đẩy mạnh phát triển kinh tế, giữ vững ổn định an ninh trật tự, xứng đáng là trung tâm chính trị, văn hóa của cả nước”.
Nhận rõ vai trò, vị thế của văn hóa Hà Nội trong dòng chảy văn hóa cả nước, Nghị quyết số 15-NQ/TW ngày 05/5/2022 của Bộ Chính trị về “Phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” đã xác định: Mục tiêu đến năm 2030, Thủ đô Hà Nội là Thành phố “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại”; trở thành trung tâm, động lực thúc đẩy phát triển vùng đồng bằng sông Hồng, vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và cả nước; hội nhập quốc tế sâu rộng, có sức cạnh tranh cao với khu vực và thế giới, phấn đấu phát triển ngang tầm thủ đô các nước phát triển trong khu vực; phát triển văn hóa Thủ đô xứng tầm với truyền thống nghìn năm Thăng Long - Hà Nội; xây dựng Hà Nội thực sự là trung tâm hội tụ, kết tinh văn hóa của cả nước, trở thành nguồn lực phát triển mới cho Thủ đô.

Thực hiện nghị quyết của Đảng, Đảng bộ Thành phố Hà Nội luôn quán triệt sâu sắc và vận dụng linh hoạt, sáng tạo để việc phát triển văn hóa, xây dựng con người Hà Nội, không tách rời quan điểm của Đảng về phát triển văn hóa, xây dựng con người Việt Nam, song vẫn mang những nét đặc trưng phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội Thủ đô. Hà Nội là địa phương đầu tiên trong cả nước ban hành Nghị quyết chuyên đề về phát triển công nghiệp văn hóa. Theo đó, Thành phố đặt mục tiêu phát triển toàn diện ngành công nghiệp văn hóa với quyết tâm đưa văn hóa trở thành nguồn lực quyết định sự phát triển nhanh và bền vững của Thủ đô. Mới đây, Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội vừa ban hành Chỉ thị số 30-CT/TU về “Tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng về xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh”.

Phát huy các giá trị và nguồn lực văn hóa Hà Nội hiệu quả nhất, cần phải huy động sức mạnh tổng hợp, khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế. Chính vì vậy, sự phát triển văn hóa – sức mạnh nội sinh của Hà Nội, ngoài sự nỗ lực của chính con người Hà Nội, còn cần có sự giúp đỡ của cả nước, để Hà Nội kế thừa di sản nghìn năm văn hiến của cha ông và 70 năm tự hào, tiếp tục xứng đáng là trái tim, là nơi giữ nhịp đập cho sự phát triển văn hóa của cả nước, của dân tộc trong hội nhập quốc tế./.

“Nói đến Hà Nội là nói đến Thủ đô văn hiến và anh hùng, linh thiêng và hào hoa, niềm tin và hy vọng, thành phố vì hòa bình, thanh lịch, văn minh, hiện đại. Bởi vậy, Hà Nội cần đặc biệt quan tâm giữ gìn và phát huy những đặc sắc văn hóa, những nét riêng có của mình, đẩy mạnh phát triển kinh tế, giữ vững ổn định an ninh trật tự, xứng đáng là trung tâm chính trị, văn hóa của cả nước”.
Cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng

“Hà Nội luôn luôn là đi đầu trong cả nước về văn hóa. Hà Nội có thể kinh tế chưa phát triển, yếu tố này yếu tố kia chưa phát triển nhưng văn hóa không tiêu biểu không đi đầu cả nước thì không phải là Thủ đô. Nhiều phong trào, nhiều hoạt động văn hóa, sức mạnh của văn hóa bắt đầu từ đây mà lan ra cả nước”.
GS.TS Nguyễn Quang Ngọc
Phó Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam

TS. Trần Thị Minh Thu