Chuyển động Hà Nội

Cần nắm vững quy định Luật Thủ đô 2024 để triển khai thi hành Luật đồng bộ, thống nhất, hiệu quả

Phạm Quỳnh 11/10/2024 12:11

Sáng 11/10, Thành ủy Hà Nội tổ chức Hội nghị phổ biến, quán triệt Luật Thủ đô 2024 (Luật số 39/2024/QH15). Hội nghị diễn ra theo hình thức trực tiếp tại Trụ sở UBND Thành phố và kết nối tới các điểm cầu của 30 quận, huyện, thị xã; Sở, Ngành của Thành phố. Phó Bí thư Thành ủy - Chủ tịch UBND Thành phố Trần Sỹ Thanh chủ trì Hội nghị.

dsc08002.jpg
Các đại biểu dự Hội nghị Phổ biến, quán triệt Luật Thủ đô số 39/2024/QH15 do Thành ủy Hà Nội tổ chức sáng 11/10.

Dự Hội nghị có Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Quốc hội Nguyễn Phương Thủy; Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến; Phó Bí thư Thành ủy – Chủ tịch HĐND Thành phố Nguyễn Ngọc Tuấn; Phó Chủ tịch thường trực UBND Thành phố Lê Hồng Sơn; các Phó Chủ tịch UBND Thành phố: Hà Minh Hải, Nguyễn Mạnh Quyền; Phó Chủ tịch thường trực HĐND Thành phố Phùng Thị Hồng Hà…Tham dự Hội nghị còn có lãnh đạo các Sở, Ngành, đại diện lãnh đạo các quận, huyện, thị xã và các báo cáo viên trên địa bàn Thành phố Hà Nội.

Cán bộ, công chức, viên chức của Hà Nội phải nắm vững tư tưởng, quan điểm, tinh thần của Luật Thủ đô 2024

dsc08037.jpg
Chủ tịch UBND Thành phố Trần Sỹ Thanh phát biểu khai mạc Hội nghị.

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Chủ tịch UBND Thành phố Trần Sỹ Thanh nhấn mạnh, Luật Thủ đô (Luật số 39/2024/QH15) được Quốc hội khóa XV thông qua ngày 28/6/2024. Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2025 (trong đó có 5 nội dung có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2025). Luật Thủ đô số 39/2024/QH15 có ý nghĩa quan trọng đối với việc phát triển Thủ đô Hà Nội đến với mục tiêu Văn hiến – Văn minh – Hiện đại theo Nghị quyết số 15-NQ/TW ngày 5/5/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

“Hội nghị nhằm mục đích tuyên truyền, phổ biến sâu rộng Luật Thủ đô và các văn bản hướng dẫn thi hành đến các cơ quan, đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp, đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, lực lượng vũ trang, các tầng lớp Nhân dân Thủ đô và trong cả nước nhằm triển khai Luật Thủ đô kịp thời, đồng bộ, thống nhất, hiệu lực, hiệu quả góp phần thúc đẩy hoàn thành các mục tiêu xây dựng, phát triển Thủ đô theo Nghị quyết số 15-NQ/TW”, Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh, cho biết.

dsc08015.jpg
Hội nghị diễn ra theo hình thức trực tiếp tại Trụ sở UBND Thành phố và kết nối tới các điểm cầu của các quận, huyện, thị xã; sở, ngành Thành phố Hà Nội.
dsc08057.jpg
Toàn cảnh Hội nghị.

Thay mặt lãnh đạo thành phố Hà Nội, đồng chí Trần Sỹ Thanh trân trọng cảm ơn các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, lãnh đạo các bộ, ban, ngành Trung ương đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo sát sao, định hướng các cơ chế, chính sách lớn cho việc triển khai xây dựng Luật Thủ đô. Trân trọng cảm ơn các đại biểu Quốc hội, lãnh đạo các tỉnh, thành phố trong cả nước, các chuyên gia, nhà khoa học, các cơ quan thông tấn báo chí đã dành tình cảm, quan tâm, ủng hộ và tích cực tham gia đóng góp ý kiến cho việc xây dựng, hoàn thiện Luật Thủ đô.

Đồng chí Trần Sỹ Thanh cho biết thêm, sau khi Luật Thủ đô được Quốc hội thông qua, Thủ tướng Chính phủ, Thành uỷ, HĐND, UBND thành phố đã ban hành kế hoạch, văn bản để chỉ đạo triển khai thi hành Luật Thủ đô. Cụ thể là tuyên truyền, phổ biến, quán triệt Luật Thủ đô; xây dựng các văn bản để tổ chức thi hành luật; rà soát hệ thống văn bản của thành phố và theo dõi việc thi hành pháp luật và rất nhiều nhiệm vụ khác có liên quan.

Khối lượng công việc cần triển khai thực hiện là rất lớn và phức tạp, do Luật Thủ đô có nhiều cơ chế, chính sách đặc thù, nhiều quy định mới so với hệ thống pháp luật hiện hành. Từ đó yêu cầu đặt ra là các cấp, ngành, mỗi cán bộ, công chức, viên chức của thành phố phải nắm vững tư tưởng, quan điểm, tinh thần của Luật Thủ đô; hiểu rõ được các quy định cụ thể cũng như mối quan hệ giữa các quy định của Luật Thủ đô trong tổng thể chung của hệ thống pháp luật.

“Với nhận thức đó, Thành ủy Hà Nội tổ chức hội nghị phổ biến, quán triệt Luật Thủ đô nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành, cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và nhân dân trong việc triển khai thi hành Luật Thủ đô và các văn bản hướng dẫn thi hành. Hội nghị hôm nay còn là hoạt động có ý nghĩa thiết thực trong chuỗi các hoạt động hưởng ứng kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 - 10/10/2024) và hưởng ứng Ngày pháp luật nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (9/11/2024)”, Chủ tịch UBND Thành phố Trần Sỹ Thanh nhấn mạnh.

dsc08083.jpg
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Phương Thủy trao đổi, phổ biến những nội dung cơ bản của Luật Thủ đô 2024 tới các đại biểu.

Người đứng đầu chính quyền Thành phố Hà Nội tin tưởng, qua Hội nghị mong muốn và tin tưởng rằng các các cấp, ngành, mỗi cán bộ, công chức, viên chức của thành phố sẽ hiểu rõ, nắm vững hơn những tư tưởng, quan điểm cũng như các quy định cụ thể của Luật Thủ đô; qua đó giúp thành phố triển khai thi hành luật một cách đồng bộ, thống nhất, kịp thời, hiệu quả theo đúng kế hoạch và các văn bản chỉ đạo của Trung ương và thành phố.

Luật Thủ đô 2024 không phải là đạo luật thay thế toàn bộ hệ thống pháp luật hiện hành, áp dụng riêng cho Thủ đô

Tại hội nghị, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Phương Thủy đã trao đổi, phổ biến những nội dung cơ bản của Luật Thủ đô 2024, cập nhật thêm mới từ thực tiễn ảnh hưởng đến luật. Theo bà Nguyễn Phương Thủy, Luật Thủ đô 2024 đã thể chế hóa đầy đủ các chủ trương, đường lối của Đảng về xây dựng, phát triển Thủ đô tại Nghị quyết số 15-NQ/TW, các chủ trương có liên quan đến phát triển Thủ đô tại Nghị quyết số 06-NQ/TW, Nghị quyết số 30-NQ/TW và các nghị quyết khác của Đảng có liên quan.

dsc08115.jpg
dsc08132.jpg
dsc08163.jpg
Tại Hội nghị, UBND Thành phố đã khen thưởng 36 tập thể, 79 cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, tham mưu, xây dựng, ban hành Luật Thủ đô năm 2024.

“Đặc biệt, Luật Thủ đô năm 2024 đã quy định các cơ chế, chính sách đặc thù vượt trội cho Thủ đô, bảo đảm phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng và tuân thủ Hiến pháp năm 2013. Luật Thủ đô (sửa đổi) cần đặt trong tổng thể hệ thống pháp luật, không phải là đạo luật thay thế toàn bộ hệ thống pháp luật hiện hành, áp dụng riêng cho Thủ đô.

Việc Quốc hội thông qua Luật Thủ đô 2024 mới chỉ là điều kiện cần, quan trọng nhất là quá trình thi hành Luật để Thủ đô Hà Nội phát triển theo định hướng Văn hiến – Văn minh – Hiện đại mà Nghị quyết số 15-NQ/TW của Bộ Chính trị đã đặt ra”, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Phương Thủy, nhấn mạnh.

Ngoài ra, bà Nguyễn Phương Thủy cho biết, Luật Thủ đô 2024 đã bám sát 9 nhóm chính sách trong Đề nghị xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi) đã được Chính phủ thông qua để quy phạm hóa tại dự thảo Luật các cơ chế, chính sách cụ thể, thực sự mang tính đặc thù vượt trội và đột phá về thể chế nhằm phát huy thế mạnh của Thủ đô.

Luật có nhiều điểm mới và cơ chế đặc thù, quy định vượt trội về phân cấp ủy quyền, phát triển văn hóa, giáo dục - đào tạo, khoa học công nghệ, giao thông thông minh, thu hút và trọng dụng nhân tài, đảm bảo an sinh xã hội, thu hút đầu tư… để Thủ đô Hà Nội thực sự phát triển xứng tầm, trở thành trung tâm, động lực thúc đẩy phát triển vùng đồng bằng sông Hồng, vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và cả nước; hội nhập quốc tế sâu rộng, có sức cạnh tranh cao với khu vực và thế giới, từng bước phát triển ngang tầm thủ đô các nước phát triển trong khu vực./.

Phạm Quỳnh