Tác giả - tác phẩm

Nhạc sĩ Đoàn Bổng: Từ chiếc nôi văn hóa quê hương đến duyên nợ với Hà Nội

Đặng Thủy 14:44 10/10/2024

Khát khao được thử sức và chinh phục âm nhạc đã thôi thúc chàng trai Đoàn Bổng từ bỏ công việc kế toán ở công trường thủy lợi Ngoại Độ (cuối huyện Ứng Hòa), về Hà Nội để thi vào khoa sáng tác trường Âm nhạc Việt Nam. Sau gần nửa thế kỷ gắn bó với âm nhạc, những thành quả mà nhạc sĩ Đoàn Bổng gặt hái được đã minh chứng cho sự lựa chọn đúng đắn này.

Cơ duyên dẫn lối

Nhạc sĩ Đoàn Bổng sinh năm 1943 tại làng Kiều Thị, xã Thắng Lợi, huyện Thường Tín, Hà Nội trong một gia đình nông dân nghèo. Ngay từ lúc còn nhỏ, ông đã được đắm mình trong các điệu cò lả, sa mạc, trống quân… từ người mẹ chất phác, hiền hậu và yêu nghệ thuật. Những giai điệu ấy cứ ngấm dần vào cậu bé Đoàn Bổng từ khi nào không hay. Lớn hơn một chút, mỗi khi nghe những giai điệu cách mạng do các anh chị thanh niên trong đội du kích ở địa phương biểu diễn, Đoàn Bổng lại say sưa theo tiếng hát. Có lần, nghe tiếng trống ếch của đoàn thanh niên cứu quốc sắp sửa đi qua cổng nhà mình, cậu bé Đoàn Bổng đang ăn cơm cũng vội buông đũa bát chạy ra xem, thế là được một anh thanh niên trong đoàn kéo vào cho đi theo đánh trống. Dẫu mỏi nhừ tay vì phải vác chiếc trống to đùng, niềm vui vẫn rộn ràng trong lòng Đoàn Bổng cho đến tận hôm nay.

db.jpg

“Đầu năm 1951, tôi theo bố ra Hà Nội sống tại tiệm thuốc bắc ông mở trên phố Bạch Mai. Hồi ấy, trường tôi học gần rạp chiếu bóng Bạch Mai. Mỗi ngày đi học, tôi đều tranh thủ đến sớm rồi nằm vắt vẻo trên thềm tường xây gạch, nghe những bài hát phát qua loa quảng cáo từ rạp vọng tới. Tình yêu với âm nhạc cứ thế lớn dần lên trong tôi từ khi nào chẳng rõ. Những năm tháng học ở trường Đoàn Kết III, tôi hăng hái tham gia các hoạt động văn nghệ của lớp, của trường và còn được cử theo học lớp dân ca chèo của nhà nghệ thuật quần chúng để về dạy lại cho các bạn trong trường”, nhạc sĩ Đoàn Bổng nhớ lại.

Học xong lớp 10, vì sức khỏe yếu và điều kiện gia đình khó khăn nên ông được anh trai xin cho theo học lớp kế toán cấp tốc 3 tháng (do Ty Thủy lợi Hà Đông tổ chức cho con em trong ngành). Những tưởng cơ duyên với âm nhạc sẽ khép lại khi Đoàn Bổng về làm việc tại công trường thủy lợi Ngoại Độ ở cuối huyện Ứng Hòa, nhưng không, khát khao được thử sức với âm nhạc đã thôi thúc chàng thanh niên Đoàn Bổng trở lại Hà Nội.

Thời điểm tham gia khóa học tác khúc tại nhà nghệ thuật quần chúng ở 89 Nguyễn Thái Học, biết tin trường Âm nhạc Việt Nam mở khóa đại học sáng tác đầu tiên, Đoàn Bổng hào hứng nộp hồ sơ dự tuyển và ông may mắn trúng tuyển nhờ “con mắt xanh” của nhạc sĩ Đoàn Phi.

aaanh-2.jpg

Năm 1966, Đoàn Bổng bắt đầu một hành trình mới khi theo hệ trung cấp sáng tác của trường Âm nhạc Việt Nam (nay là Học viện âm nhạc Quốc gia Việt Nam), rồi tiếp đó là học đại học. Ra trường, Đoàn Bổng đầu quân về Đài Giải phóng và được phân công biên tập chương trình Dân ca nhạc cổ. Cũng từ đây, chân trời mới trong âm nhạc dần mở ra cho Đoàn Bổng với bao khát vọng, say mê.
“Thời điểm ấy chuẩn bị giải phóng miền Nam nên chúng tôi cứ chạy như con thoi cả đêm từ 56 Quán Sứ đến 39 Bà Triệu để làm chương trình. Từ việc thu tiết mục sáng tác, phối khí, mời cộng tác viên (chỉ huy dàn nhạc, ca sĩ, nhạc công), đăng ký phòng thu đến việc lên chương trình, tôi đều chủ động xoay xở. Có những ngày mệt nhoài nhưng đầu óc hết sức thư thái”, nhạc sĩ Đoàn Bổng kể lại. Sau khi thống nhất đất nước, năm 1976, ông về công tác tại Ban Văn nghệ Đài Truyền hình Việt Nam và gắn bó ở đó cho tới khi về hưu.

Thành quả từ những say mê

Nhạc sĩ Đoàn Bổng chia sẻ, chính chiếc nôi văn hóa của quê hương với những làn điệu chèo, cải lương, ca trù và những năm tháng học tập ở trường âm nhạc đã vun bồi, tạo chất xúc tác cho các sáng tác âm nhạc sau này. Âm nhạc đã mang đến cho nhạc sĩ Đoàn Bổng niềm vui và nguồn năng lượng tích cực trong cuộc sống. Đến với âm nhạc như một cơ duyên, tình yêu với âm nhạc đã giúp Đoàn Bổng có một gia tài đồ sộ với hàng trăm tác phẩm đa dạng về đề tài. Ông viết về Bác Hồ, quê hương, dòng sông, về các nông lâm trường, về những nơi mình đã qua và gắn bó… rồi còn tích cực tham gia các cuộc thi viết ca khúc do các địa phương, các ngành, các đơn vị phát động, đặt hàng.

Viết về Chủ tịch Hồ Chí Minh, ông có tác phẩm: “Việt Nam rạng rỡ tên Người”, “Hát về Người”, “Từ làng Sen con hát dâng Người”, “Hồ Chí Minh ngọn cờ hòa bình”, “Hồ Chí Minh, nhà thơ không của riêng mình”... Viết về dòng sông, ông ghi dấu với nhiều ca khúc: “Dòng nước ân tình”, “Dòng sông quê anh, dòng sông quê em”, “Nhịp cầu sông Đáy”, “Khúc hát hai dòng sông”, “Đêm sông Cầu”, “Từ đầu nguồn sông Ba ta hát”, “Khúc hát bên sông”. Viết về quê hương, ông có bài “Về Hà Tây đi em”, “Thường Tín quê mình”, “Lời quê hương”, “Bức tranh quê”, “Vẻ đẹp làng tôi”... Viết về tình yêu, ông có bài “Anh bắt đầu từ em”, “Áo tím chiều mưa”, “Tím nhớ”, “Nghe trong tiếng yêu”, “Một ngày xa em”, “Yêu nhau trong hội hoa xuân”... Ngoài ra, ông còn ghi dấu với các sáng tác về vùng miền, địa phương, biên cương, hải đảo…

Điểm lại những sáng tác của Đoàn Bổng có thể thấy ở đề tài nào ông cũng đều gặt hái được những thành công. Với Đoàn Bổng, nguồn cảm hứng sáng tạo dường như chưa bao giờ vơi cạn. Là một người viết nhạc chuyên nghiệp, Đoàn Bổng luôn ý thức được sự cần thiết trong việc trau dồi những thủ pháp, cách tìm đề tài, tìm chủ đề, chuyển tải cảm xúc. Cũng bởi thế, nhiều bạn bè đồng nghiệp luôn đánh giá Đoàn Bổng ở cả sức viết và khả năng sáng tạo.

Duyên nợ với Hà Nội

Gắn bó với Hà Nội từ thuở ấu thơ cho đến khi đã ở tuổi xế chiều, nhạc sĩ Đoàn Bổng luôn dành cho Hà Nội những tình cảm sâu đậm. Điều này đã thể hiện trong không ít các sáng tác của ông trong đó nổi bật là ca khúc “Hà Nội những kỷ niệm trong tôi” sáng tác năm 1984, đúng vào thời điểm Hà Nội kỷ niệm 30 năm ngày tiếp quản Thủ đô. Nhạc sĩ Đoàn Bổng nhớ lại, thời điểm Hà Nội giải phóng, ông mới 11 tuổi. Hình ảnh Thủ đô cờ hoa ngập trời, mọi người hân hoan đón chào những chiến sĩ của Trung đoàn Thủ đô trở về đã khắc sâu vào tâm hồn người nhạc sĩ tài hoa, thôi thúc ông viết một ca khúc thật hay về Hà Nội. Nhưng phải đến 30 năm sau, niềm mong mỏi ấy mới thành hiện thực.

anh-2b.jpg

“Tôi nhớ như in tháng 10 năm ấy (năm 1984), trước tiết thu đẹp đến ngỡ ngàng, trước không khí rộn ràng, cùng quang cảnh tươi vui nhộn nhịp của Thủ đô dịp kỉ niệm 30 năm ngày giải phóng chợt ùa về bao cảm xúc trong tôi. Và rồi những ca từ vừa giàu chất thơ, vừa tha thiết, âu yếm, tự hào cứ thế “tuôn chảy”: “Tôi yêu Hà Nội, từ ngày còn ấu thơ/ Tôi yêu Hà Nội, từ vòng tay mẹ ru/ Tôi yêu Hà Nội từ đoàn quân chiến thắng tiến về Thủ đô/ Kỷ niệm ấy trong tôi không bao giờ phai mờ, và từ đó trong tôi sáng lên như màu cờ”. Với sự kết hợp hài hòa giữa chất liệu âm nhạc dân gian và nhạc nhẹ, bài hát “Hà Nội những kỷ niệm trong tôi” đã mang tới cho người nghe cảm xúc da diết, sâu lắng về Hà Nội.

Ca khúc này đã được ông công bố trong một buổi giao lưu, và nhờ một người dạy nhạc nghiệp dư, tác phẩm đã được lan tỏa rộng rãi tới công chúng. Nhạc sĩ Đoàn Bổng bồi hồi nhớ lại: “Tôi không quên buổi tối hôm ấy, vào lúc 10 giờ, có một người rụt rè tới gõ cửa nhà tôi để xin tác phẩm. Hỏi ra mới biết anh đang dạy nhạc cho phong trào quần chúng, vậy là tôi vui vẻ ngồi vào bàn chép lại bản nhạc cho anh để kịp giờ dạy sáng mai. Từ người dạy nhạc nghiệp dư ấy, ca khúc tới tay nhạc sĩ Ngọc Đại và được ông dàn dựng công diễn trên sân khấu Nhà hát Lớn Hà Nội ngay sau đó”.

Bên cạnh “Hà Nội những kỷ niệm trong tôi”, Đoàn Bổng còn có nhiều ca khúc viết về Hà Nội như: “Hà Nội của tôi”, “Hà Nội đêm”, “Hà Nội, thu lại về”, “Từ Hoa Lư đến Thăng Long - Hà Nội”, “Thăng Long - Hà Nội chào bạn bốn phương”, “Một ngày em xa”... Nhạc sĩ Đoàn Bổng cho biết, bí quyết của ông chính là luôn cảm nhận và viết về Hà Nội ở những dáng vẻ, góc nhìn riêng biệt. Ông tự tin khẳng định, những sáng tác của mình từ giai điệu cho tới nội dung đều không bị trùng lặp hay đi theo những lối mòn xưa cũ. Ông viết như một sự tỏ bày tình yêu với Hà Nội - nơi ông sinh ra, lớn lên và gắn bó cho đến bây giờ.

Gắn bó với âm nhạc gần 50 năm, nhạc sĩ Đoàn Bổng là gương mặt tên tuổi với nhiều ca khúc đã nằm lòng trong trái tim công chúng. Năm 2022, ông vinh dự được trao giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật. Đó là phần thưởng xứng đáng cho những đóng góp của ông với âm nhạc Việt Nam nói riêng, văn học nghệ thuật nói chung./.

Đặng Thủy