Hoạt động hội

Những cảm xúc đan xen về Hà Nội trong thi ca

Linh Nguyễn 10/10/2024 12:01

Sáng ngày 10/10, đông đảo thành viên của Hội Nhà văn Hà Nội đã tham gia buổi sinh hoạt chuyên đề “70 năm Giải phóng Thủ Đô với sức sống thi ca và sự phát triển của văn học Hà Nội”.

Diễn ra trong buổi sáng mùa thu, nhân dịp kỷ niệm 70 năm ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 – 10/10/2024) nên sự kiện sinh hoạt văn học định kỳ hàng tháng cũng mang những cảm xúc đặc biệt dành cho Hà Nội.

z5914581525212_68ac0e30dce25a471fa1c89ddf99dadd.jpg
Nhà thơ Nguyễn Việt Chiến dẫn đề buổi sinh hoạt chuyên đề.

Nhà thơ Nguyễn Việt Chiến - Ủy viên Ban chấp hành, Trưởng ban Nhà văn trẻ của Hội Nhà văn Hà Nội đề dẫn buổi sinh hoạt chuyên đề bằng những vần thơ đã đi vào lịch sử như “Sáng mát trong như sáng năm xưa/ Gió thổi mùa thu hương cốm mới/ Tôi nhớ những ngày thu đã xa/ Sáng chớm lạnh trong lòng Hà Nội/ Những phố dài xao xác hơi may/ Người ra đi đầu không ngoảnh lại/ Sau lưng thềm nắng lá rơi đầy…” (Đất nước, nhà thơ Nguyễn Đình Thi) hay "Không thể nói trời không trong hơn/ Và mắt em xanh khác ngày thường/ Khi đoàn quân kéo về mùa thu ấy/ Nhịp trống rung ba mươi sáu phố phường" (Cảm xúc tháng 10, nhà thơ Tạ Hữu Yên).

Nhà thơ Nguyễn Việt Chiến cũng nhắc đến một tác phẩm về ngày giải phóng Thủ đô ít được nhắc tới của nhà thơ Hữu Loan là "Tâm sự Thủ đô”. Theo ông, nhà thơ Hữu Loan đã rất nổi tiếng “Màu tím hoa sim”, nhưng bài trường ca thơ tự do viết về Thủ đô này của ông giống như một bức sơn dầu bằng thơ của Hà Nội. Mỗi câu thơ là một nét vẽ, một chấm phá mang đậm cảm xúc và phong cách của nhà thơ: “Trên những chuyến xe bò/ Đi về Kim Liên/ Đi về Chèm, Vẽ.../ Những người Thủ đô tản cư/ Đoàn xe đi/ Chở nặng tâm tư/ Một góc nhà/ Một hè phố/ Mắt em biếc một chiều xưa/ Quán Thánh, Cổ Ngư, Bạch Mai/ Bóng liễu, tháp rùa/ Một thằng bạn một thằng con ở lại…”

z5914581548251_1ea068474d31c276a659f6fce79aa6fa(1).jpg
Buổi sinh hoạt diễn ra tại trụ sở Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật Hà Nội (29 Hàng Buồm, Hà Nội).

Sau phần đề dẫn, nhà thơ Nguyễn Việt Chiến cũng giới thiệu lại với các hội viên bài thơ “Thăng Long sử thi” của mình. Bài thơ dù được viết trong bối cảnh cuộc thi do báo Văn nghệ tổ chức dịp kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội nhưng tính chất sử thi hào hùng vẫn cuồn cuộn đến tận hôm nay (và có lẽ cả mai sau).

Phần đọc thơ đan xen giữa những giọng thơ nam và nữ như nhà thơ Nguyễn Trọng Giá, nhà thơ Ngô Đức Hành, nhà thơ Hoàng Xuân Tuyền…; nhà thơ Phạm Thu Yến, nhà thơ Chử Thu Hằng, nhà thơ Nguyễn Thị Mai… Những cảm xúc cũng đan xen giữa sự tự hào khoảnh khắc lịch sử và những bồi hồi trong không gian Hà Nội mùa thu hôm nay, giữa những cảnh sắc thơ mộng, lãng mạn và những khoảnh khắc đời thường… Mỗi nhà thơ đều thể hiện sự tài hoa, tình yêu và góc nhìn đặc biệt của mình dành cho Hà Nội.

z5914581527841_6328ad93614ad0711a32407c52941607(1).jpg
Nhà thơ Phạm Thu Yến đọc một bài thơ rất dịu dàng, mượt mà về Hà Nội.

Ngoài phần đọc thơ còn là những bài phê bình thơ được chia sẻ với các hội viên. Nhà thơ Nguyễn Linh Khiếu (đồng chủ trì, Ủy viên Ban chấp hành, Chủ tịch Hội đồng Thơ của Hội Nhà văn Hà Nội) đã đọc bài bình thơ về “Thăng Long - Sử thi” do tác giả Vũ Minh Châu viết. Nhà phê bình Nguyễn Thị Thiện cũng đọc tóm tắt phê bình về bài thơ “Lại về” của nhà thơ Tố Hữu…

Những câu chuyện bên lề trong buổi sinh hoạt chuyên đề cũng mang lại nhiều cảm xúc cho các hội viên. Nhà thơ Bùi Thanh Hà rưng rưng khi nói về cảm giác của cô khi có bố là một người lính từng về tiếp quản Thủ đô vào năm 1954, cũng từ đây mà một tình yêu giữa bố mẹ cô đã nảy nở và cho cô một tổ ấm, một tình yêu đặc biệt dành cho Hà Nội. Tập tùy văn “Hoa khởi trinh”“Chân mây” với sự kết hợp đặc biệt giữa các thể loại văn xuôi, thơ, truyện... của nhà thơ Nguyễn Linh Khiếu vừa ra mắt cũng được giới thiệu đến các hội viên…./.

Linh Nguyễn