Chuyển động Hà Nội

Kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô:“Đảng và Nhà nước đã có nhiều văn kiện quan trọng về Thủ đô Hà Nội với tầm nhìn mới và tư duy đột phá”

Phạm Quỳnh 10/10/2024 07:10

Đồng chí Bùi Thị Minh Hoài, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội, nhấn mạnh: “Nhìn lại 70 năm phấn đấu hy sinh, xây dựng và phát triển, Hà Nội và Nhân dân cả nước càng có quyền tự hào về Hà Nội yêu dấu của chúng ta, Thủ đô văn hiến và anh hùng, Thủ đô của lương tri và phẩm giá con người”.

Bí thư Thành ủy Hà Nội Bùi Thị Minh Hoài cho biết, bảy mươi năm kể từ ngày tiếp quản Thủ đô (10/10/1954), Thủ đô Hà Nội đã vững vàng vượt qua bao gian lao, thử thách, đạt được những thành tựu to lớn về phát triển kinh tế - xã hội và xây dựng đô thị, viết lên trang sử hào hùng, ghi dấu son trên bản đồ thủ đô các nước trên thế giới. Bạn bè quốc tế ngày nay biết đến Hà Nội và vinh danh Hà Nội là “Thành phố vì hòa bình”, “Thành phố sáng tạo”…

buithiminhhoai-ok.jpg
Đồng chí Bùi Thị Minh Hoài, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội.

Với tầm nhìn và tư duy mới, Hà Nội đang đứng trước những vận hội lớn để phát triển mạnh mẽ thành một Thủ đô “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại”, có mức sống và chất lượng cuộc sống cao, kinh tế, văn hóa, xã hội phát triển toàn diện, đặc sắc và hài hòa; tiêu biểu cho cả nước; có trình độ phát triển ngang tầm thủ đô các nước phát triển trong khu vực và trên thế giới và trở thành thành phố toàn cầu.

Phát triển Thủ đô Hà Nội Văn hiến - Văn minh - Hiện đại là nhiệm vụ chính trị quan trọng đặc biệt trong chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc với tinh thần “Cả nước vì Hà Nội, Hà Nội vì cả nước”; là trách nhiệm, nghĩa vụ của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, của cả hệ thống chính trị; là nhiệm vụ hàng đầu của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thủ đô Hà Nội… Xây dựng người Hà Nội hào hoa, thanh lịch, nghĩa tình, văn minh, tiêu biểu cho văn hoá, lương tri và phẩm giá con người Việt Nam.

Bí thư Thành ủy Hà Nội Bùi Thị Minh Hoài,

“Nhận thức đúng và rõ vai trò và vị trí của Thủ đô Hà Nội trong chiến lược phát triển đất nước, Đảng và Nhà nước đã có nhiều văn kiện quan trọng về Thủ đô Hà Nội với tầm nhìn mới và tư duy đột phá” – Bí thư Thành ủy Hà Nội Bùi Thị Minh Hoài, khẳng định.

Theo đó, Nghị quyết số 15-NQ/TW ngày 5/5/2022 về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Bộ Chính trị đã đề ra định hướng phát triển đô thị Hà Nội: Lấy sông Hồng là trục xanh, cảnh quan trung tâm, phát triển đô thị hài hòa hai bên sông; xây dựng mô hình thành phố trong Thủ đô tại khu vực phía Bắc (vùng Đông Anh, Mê Linh, Sóc Sơn) và phía Tây (vùng Hòa Lạc, Xuân Mai); xây dựng đô thị thông minh trên cơ sở phát triển khu vực hai bên trục Nhật Tân - Nội Bài; tập trung triển khai quy hoạch, đầu tư xây dựng, ổn định dân cư hai bên bờ sông Hồng và sông Đuống; quy hoạch phát triển không gian ngầm đô thị, không gian xanh và không gian công cộng...

cau-long-bien-2.jpg
Bộ Chính trị đã đề ra định hướng phát triển đô thị Hà Nội lấy sông Hồng là trục xanh, cảnh quan trung tâm, phát triển đô thị hài hòa hai bên sông.

Những định hướng quan trọng được dựa trên cơ sở khoa học và dựa trên tổng kết thực tiễn lịch sử phát triển Thủ đô gắn với bối cảnh của thời đại và điều kiện hiện nay của Hà Nội, là cơ hội để Hà Nội tập trung nguồn lực phát triển, thể hiện tầm nhìn và khát vọng xây dựng và phát triển Thủ đô văn hiến, văn minh, hiện đại. Nhiệm vụ xây dựng và phát triển Thủ đô là nhiệm vụ chính trị quan trọng đặc biệt trong chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc với tinh thần “Cả nước vì Hà Nội, Hà Nội vì cả nước”; là trách nhiệm, nghĩa vụ của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, của cả hệ thống chính trị; là nhiệm vụ hàng đầu của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thủ đô Hà Nội”. Đồng chí Bùi Thị Minh Hoài, cho biết: “Có thể nói Nghị quyết 15 của Bộ Chính trị như một bản Cương lĩnh mới cho phát triển Thủ đô Hà Nội trong thời kỳ mới”.

Bên cạnh đó, Bí thư Thành ủy Bùi Thị Minh Hoài chia sẻ, Luật Thủ đô năm 2024 vừa được Quốc hội khóa XV thông qua tại kỳ họp thứ 7, là một bước cụ thể hóa những tư tưởng của Nghị quyết số 15-NQ/TW của Bộ Chính trị. Luật Thủ đô quy định về vị trí, vai trò của Thủ đô, chính sách, trách nhiệm xây dựng, phát triển, quản lý và bảo vệ Thủ đô. Đặc biệt là mở ra cho Hà Nội được áp dụng các cơ chế, chính sách đặc thù, vượt trội trong tổ chức bộ máy, trong phân cấp, phân quyền, trong huy động và khai thác các nguồn lực, trong thu hút và sử dụng nhân tài và nguồn nhân lực chất lượng cao…, phù hợp với những đặc thù của Hà Nội và yêu cầu của thực tiễn xây dựng, phát triển Thủ đô.

thap-rua-6-1-.jpg
Luật Thủ đô (sửa đổi) có nhiều quy định mới, mang tính đột phá sẽ phát triển Hà Nội theo hướng "Văn hiến - Văn minh - Hiện đại".

Thêm nữa, Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050Đồ án Điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065 đã báo cáo Bộ Chính trị, Quốc hội và sẽ được Thủ tướng Chính phủ quyết định phê duyệt trong thời gian tới, mở ra nhiều không gian phát triển mới. Trong đó nổi bật là phân bố không gian phát triển kinh tế - xã hội theo cấu trúc tâm - tuyến các hành lang, vành đai kinh tế và các trục phát triển, cùng với hệ thống hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại, gắn với việc huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực, liên kết vùng, kết nối văn hóa và kết nối không gian số, khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; phát triển hài hòa đô thị và nông thôn. Phát triển không gian đô thị theo mô hình đô thị trung tâm và các thành phố trong Thủ đô, các đô thị vệ tinh, thị trấn sinh thái.

“Những năm qua, Trung ương Đảng, Bộ Chính trị đã ban hành nhiều Nghị quyết về phát triển kinh tế - xã hội quốc gia và Hà Nội, trong đó luôn khẳng định vị trí, vai trò của Thủ đô Hà Nội là “Trung tâm đầu não chính trị - hành chính quốc gia, trung tâm lớn về văn hóa, khoa học, giáo dục, kinh tế và giao dịch quốc tế, một động lực phát triển của vùng đồng bằng sông Hồng và cả nước”, Bí thư Thành ủy Bùi Thị Minh Hoài, nhấn mạnh./.

Phạm Quỳnh