Sự kiện & Bình luận

Hà Nội những ngày đầu tiếp quản

Đặng Việt Thủy 09/10/2024 11:15

Ngày 20/7/1954, Hiệp định Giơ-ne-vơ được ký kết, hòa bình được lập lại ở Đông Dương. Theo hiệp định, Hà Nội còn nằm trong khu vực tập kết 80 ngày của địch.

Sau nhiều ngày đấu tranh quyết liệt, ngày 30/9/1954 và ngày 2/10/1954, các hiệp định về việc chuyển giao Hà Nội được ký kết tại Ủy ban Liên hợp đình chiến Trung ương. Tiếp sau đó, Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã phái các đội công an trật tự, cảnh vệ, hành chính vào Hà Nội để chuẩn bị việc tiếp quản.

cac-don-vi-co-gioi-cua-dai-doan-308-tien-vao-thu-do-tren-duong-kim-ma-sang-10-10-1954.jpg
Các đơn vị cơ giới của Đại đoàn 308 tiến vào Thủ đô trên đường Kim Mã, sáng 10/10/1954. (Ảnh Tư liệu TTXVN)

Theo quyết nghị ngày 17/9/1954 của Hội đồng Chính phủ, Ủy ban Quân chính Thành phố Hà Nội được thành lập để làm nhiệm vụ tiếp thu và quản lý thành phố. Hội đồng Chính phủ còn công bố các chính sách đối với thành thị mới giải phóng, chính sách đối với tôn giáo, các điều kỷ luật của bộ đội, cán bộ và nhân viên công tác khi vào thành phố mới giải phóng. Bộ Tổng tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam đã ra lệnh cho các đơn vị đang tiến về Hà Nội phải giữ vững trật tự, an ninh của thành phố, bảo vệ nhân dân, bảo vệ ngoại kiều, phải triệt để chấp hành các chính sách và kỷ luật, luôn nâng cao cảnh giác, sẵn sàng đập tan mọi âm mưu khiêu khích của bọn phá hoại.

Ngày 5/10/1954, đội trật tự gồm 158 chiến sĩ công an có vũ trang được lệnh vào Hà Nội nhận bàn giao các đồn cảnh sát, các cơ quan công an của Pháp và ngụy quyền. Ngày 7/10, đội hành chính và trật tự của ta đã hoàn tất công tác kiểm kê, chuẩn bị xong biên bản bàn giao. 8 giờ sáng ngày 6/10, địch rút khỏi Văn Điển. Đây là địa điểm đầu tiên ở ngoại thành Hà Nội được giải phóng.

Theo kế hoạch, sáng 8/10/1954, các đơn vị quân đội chia nhiều đường tiến vào ngoại thành Hà Nội. Đến 16 giờ 30 cùng ngày, đoàn quân tiến đến đường La Thành, từ Vĩnh Tuy, Bạch Mai cho đến Ngã Tư Sở, Ô Cầu Giấy và Nhật Tân. 6 giờ sáng ngày 9/10/1954, các đơn vị quân đội lại theo nhiều đường, từ ngoại thành vào tiếp quản Hà Nội, chia làm nhiều cánh quân tiến vào năm cửa ô chính rồi tỏa đi các khu. Lần lượt, bộ đội ta đã tiếp quản nhà ga Hà Nội, phủ Toàn quyền cũ, khu Đồn Thủy, khu Bờ Hồ, Bắc Bộ phủ; đến 16 giờ, quân đội liên hiệp Pháp rời khỏi khoanh đất cuối cùng của thành phố Hà Nội, rút hết sang phía Đông cầu Long Biên.

lao-dong-xay-dung-cong-vien-thong-nhat-1958-.jpg

16 giờ 30 ngày 9/10/1954, Quân đội nhân dân hoàn toàn kiểm soát Thành phố Hà Nội. Bộ đội ta tiến tới đâu, bộ mặt thành phố biến đổi đến đó. Trước đó vài phút, phố xá còn im lìm, lặng lẽ; giờ đây, các cánh cửa mở tung ra, nhân dân đổ xô ra hai bên đường, phất cờ, vỗ tay reo mừng không ngớt. Cổng chào, khẩu hiệu được dựng và treo lên, cờ đỏ sao vàng tung bay rợp phố. Công nhân và thanh niên tự vệ các khu phố cùng với các đội công an hành chính được phái vào từ trước lập tức phối hợp với bộ đội để giữ gìn an ninh trật tự.
Sáng ngày 10/10/1954, Đại đoàn Quân tiên phong (Đại đoàn 308) từ năm cửa ô mở cuộc hành quân lịch sử tiến vào Thủ đô Hà Nội. Lần đầu tiên sau gần 8 năm sống dưới gót sắt của giặc Pháp, người dân Hà Nội mới có một ngày hội lớn, thật tưng bừng, phấn khởi. Mấy chục vạn người Hà Nội, từ già đến trẻ đều đổ ra đường, mặc những bộ quần áo đẹp nhất, mang cờ, ảnh, hoa, thả bồ câu trắng, đàn hát, đánh trống thổi kèn, múa sư tử, hô khẩu hiệu chào mừng bộ đội. Chiều hôm đó, nhân dân Hà Nội đã dự lễ chào cờ trang nghiêm, long trọng do Ủy ban Quân chính thành phố tổ chức, với sự tham gia của các đơn vị Quân đội nhân dân đã tiếp quản Hà Nội.
Ngay từ lúc ta bắt đầu tiếp quản, an ninh trật tự đã được thiết lập trong thành phố. Tất cả các cơ quan, xí nghiệp và tài sản công cộng đều được các lực lượng quân đội, công an phối hợp với công nhân viên chức ra sức bảo vệ. Công việc trong các công sở không bị đình trệ mà vẫn hoạt động tốt.

Song song với an ninh trật tự của thành phố, tình hình kinh tế Thủ đô cũng được ổn định ngay sau khi tiếp quản. Các xí nghiệp công ích như điện, nước, ngành giao thông vận tải, bưu điện... đều tiếp tục hoạt động để phục vụ sản xuất và đời sống của nhân dân. Ngay từ phút giải phóng đầu tiên của Thủ đô, việc cung cấp điện nước cho thành phố được đảm bảo đầy đủ. Sáng ngày 10/10/1954, xe điện lại bắt đầu chạy trên khắp ngả đường Hà Nội (trước đó phải ngừng chạy vì do địch ra lệnh giới nghiêm).

Thời điểm Hà Nội được giải phóng lại là lúc giáp hạt, các nơi đều không có gạo để bán, ngay ở Hà Nội, chỉ còn một số ít gạo dự trữ trong nhân dân và một ít còn lại trong các cửa hàng. Tuy vậy, mậu dịch quốc doanh của ta đã khắc phục mọi khó khăn trở ngại để cung cấp đủ gạo cho Thủ đô. Ngoài ra, nguồn gạo từ các vùng Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình,... được chuyển về Hà Nội. Cũng trong những ngày đó, từng đoàn xe của mậu dịch chở vải, sợi, hàng bách hóa từ các kho dự trữ về Hà Nội để giữ vững mức sinh hoạt và ổn định giá cả.

Các trường học cũng lần lượt mở cửa, ngày 15/10 - các trường tiểu học, ngày 18/10 - các trường trung học và ngày 1/11/1954 - các trường đại học. Bên cạnh đó, các lớp bình dân học vụ, các lớp học văn hóa của công nhân và nhân dân lao động cũng được tổ chức. Bộ máy bình dân học vụ của Hà Nội ngày càng được mở rộng.
Trong không khí tưng bừng phấn khởi của Thủ đô giải phóng, tại trụ sở Hội Văn nghệ Việt Nam, 200 văn nghệ sĩ thuộc các ngành họa, kịch, văn thơ, nhạc, kiến trúc... từ khắp các tỉnh đã về gặp mặt thân mật anh chị em văn nghệ sĩ Hà Nội. Ít lâu sau, các nghệ sĩ trong các đoàn sân khấu cũng đã họp mặt, thảo luận các vấn đề nghiệp vụ, hướng sáng tác, biểu diễn và đối tượng phục vụ, chuẩn bị ra mắt nhân dân Thủ đô. Đồng thời, các nhà báo ở vùng tự do về, các nhà báo ở Sài Gòn, ở Huế mới ra cũng đã tổ chức gặp mặt ở Thủ đô và trao đổi ý kiến về những hoạt động của báo chí.

Có thể nói sau khi tiếp quản, tất cả các khía cạnh đã căn bản ổn định được tình hình. Thành phố Hà Nội tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ tiếp theo mà Đảng và Chính phủ đề ra trong giai đoạn nhân dân thực sự làm chủ Thủ đô./.

Đặng Việt Thủy