Sự kiện & Bình luận

Kỷ niệm 70 năm Giải phóng Thủ đô: Hà Nội xứng tầm trung tâm văn hóa của cả nước

Phạm Hoa 09/10/2024 07:16

Nhìn lại chặng đường phát triển văn hóa 70 năm từ Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954), TS. Nguyễn Viết Chức - nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa - Giáo dục Quốc hội, cho rằng, Hà Nội đã đạt được nhiều thành tựu nổi bật và những thành tựu này đã đưa Thủ đô Hà Nội từng bước trở thành trung tâm văn hóa cả nước.

Hà Nội đã vươn tầm “lương tri phẩm giá con người” từ giai đoạn 1954 - 1975

Theo TS. Nguyễn Viết Chức, từ năm 1954 đến nay, văn hóa Thủ đô chia thành 3 thời kỳ: 1954 – 1975; 1975 – 1986; thời kỳ Đổi mới (từ 1986 đến nay).

Trong đó, thời kỳ 1954 – 1975, văn hóa Hà Nội đã đạt thành tựu nổi bật “lương tri phẩm giá con người”. Thành tựu này có được là do toàn quân, toàn dân Hà Nội kế thừa xuất sắc truyền thống giữ nước của Thăng Long - Hà Nội ngàn năm văn hiến, sự kết tinh và lan tỏa những phẩm chất tốt đẹp nhất của con người trong xây dựng và bảo vệ Thủ đô, đặc biệt là chiến thắng “Điện Biên Phủ” trên bầu trời Hà Nội.

ts-chuc.jpg
TS. Nguyễn Viết Chức, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa - Giáo dục Quốc hội.

“Sự kiên cường, dũng cảm, thông minh, sáng tạo của người Hà Nội trong chống chiến tranh phá hoại; sự sẻ chia, tình nguyện không sợ gian khổ hy sinh, tất cả cho tiền tuyến, tất cả vì miền Nam ruột thịt, vì Huế, Sài Gòn là dấu ấn sâu sắc của một thời văn hóa con người Thủ đô. Lạc quan, yêu cuộc sống dẫu còn muôn vàn khó khăn đó là những thành quả lớn lao của thời kỳ này có sự góp phần to lớn của văn hóa Thủ đô thời kỳ này” – TS. Nguyễn Viết Chức nhận định về thành tựu văn hóa hóa Hà Nội thời kỳ 1954 - 1975.

Cũng trong giai đoạn đầu tiên, văn hóa nghệ thuật Thủ đô với nhiệm vụ cổ động, tuyên truyền đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ cách mạng, góp phần to lớn trong công cuộc xây dựng miền Bắc là hậu phương lớn của miền Nam, đồng thời cũng góp cho kho tàng văn hóa, nghệ thuật Thủ đô phong phú và đặc sắc hơn, nhất là âm nhạc, hội họa, sân khấu. Có lẽ không có địa phương nào có nhiều ca khúc hay như ở Hà Nội. Những tác phẩm hội họa, sân khấu mang nội dung tư tưởng có tính mở đường cho sự phát triển trong tương lai.

may-bay-my.jpg
Tự vệ Nhà máy Dệt kim Đông Xuân (đơn vị đã góp phần cùng quân và dân Thủ đô bắn rơi 5 máy bay địch trong ngày 16/4/1972) ra sức luyện tập kỹ thuật. (Ảnh tư liệu TTXVN).

Đến thời kỳ trước Đổi mới (1975 - 1986), TS. Nguyễn Viết Chức cho rằng, trên cơ sở nhận thức đúng đắn về vị trí, vai trò của văn hóa nói chung, nhận thức về vị trí, vai trò của văn hóa Thủ đô cũng được khẳng định. Nghị quyết VIII của Bộ chính trị Trung ương khóa IV năm 1983 khẳng định: “Trung tâm văn hóa Hà Nội phải phát huy truyền thống văn hóa lâu đời và tỏa sáng nền văn hóa mới với toàn quốc”; Hội đồng Bộ trưởng cũng ban hành Nghị quyết số 159 tháng 12 năm 1983 yêu cầu: “Phát triển văn hóa Thủ đô Hà Nội …làm mẫu mực cho phong trào chung. Phải có những hoạt động và công trình văn hóa tiêu biểu cho nền văn hóa mới”.

Rõ ràng Trung ương luôn coi trọng văn hóa Thủ đô Hà Nội với vai trò “trung tâm mẫu mực cho văn hóa toàn quốc”. TS. Nguyễn Viết Chức cho rằng, văn hóa Thủ đô Hà Nội thời kỳ trước Đổi mới được đánh giá dựa trên thành tích từng mặt hoạt động, từng mặt “công tác văn hóa” đều xứng đáng là trung tâm của cả nước, là đi đầu, tiên phong trong các phong trào thi đua và đạt được các mục tiêu đề ra.

Văn hóa là động lực thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển

Đối với giai đoạn từ 1986 đến nay (thời kỳ Đổi mới), TS. Nguyễn Viết Chức cho rằng, nhận thức về văn hóa nói chung và văn hóa Thủ đô Hà Nội nói riêng có bước đổi mới rất cơ bản từ Trung ương đến các địa phương, trong đó có Thủ đô Hà Nội, văn hóa đã có vị trí mới trong phát triển bền vững. Riêng Hà Nội, trước, trong và sau kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội là dịp văn hóa được đặc biệt quan tâm nên cũng có những thành tựu đáng ghi nhận.

van-mieuwe.jpg
Các đại biểu tham quan triển lãm ảnh "Hà Nội trong tôi" lần thứ 19 - năm 2024 nhân kỷ niệm 70 năm Giải phóng Thủ đô, tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám.

Về bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể, Hà Nội đã trùng tu, chống xuống cấp hàng trăm di sản vật thể là đình, chùa, đền, miếu… nhất là Văn Miếu - Quốc Tử Giám với việc xây dựng mới khu Thái học trên cơ sở nhận thức mới trong bảo tồn và phát huy giá trị di sản. Nhiều năm nay, Văn Miếu - Quốc Tử Giám đã phát huy hiệu quả giá trị di sản văn hóa trong đời sống đương đại, không chỉ góp phần nâng cao đời sống tinh thần của nhân dân mà còn minh chứng sinh động cho nhận thức “văn hóa vừa là mục tiêu, vừa là động lực thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển”. Mỗi năm Văn Miếu - Quốc Tử Giám thu nộp ngân sách vài chục tỷ đồng, là điểm đến hấp dẫn cho du khách trong và ngoài nước, góp phàn phát triển du lịch, dịch vụ và thương mại.

“Di tích Nhà tù Hỏa Lò hàng năm cũng thu hàng chục tỷ đồng. So với phần lớn diện tích đã cho thuê sẽ thấy nếu nhận thức đúng, vận dụng tốt nhận thức kinh tế trong văn hóa không chỉ là chuyện lý thuyết. Hiện nay, Hoàng thành Thăng Long cũng đang có những bước đi đúng đắn theo nhận thức này. Chúng tôi đánh giá cao thành tựu này của văn hóa Hà Nội không phải số lượng việc đã làm mà là hướng đi đúng đắn và hiệu quả”, TS. Nguyễn Viết Chức, chia sẻ .

Bên cạnh đó, phố đi bộ và những trải nghiệm đêm Hà Nội đã làm cho Hà Nội sinh động và phong phú. Hà Nội không chỉ có “ăn tối rối nước” mà còn nhiều hơn thế, đó là đời sống hơn một nửa của con người là thời gian rảnh rỗi. Văn hóa phải “lấp đầy” một cách thú vị cho thời gian này để con người, nhất là giới trẻ không bị lâm vào thế “bế tắc” khi thiếu điều kiện vui chơi, giải trí. Chủ trương này được cộng đồng nhiệt liệt hưởng ứng minh chứng cho sự đổi mới đúng đắn và hiệu quả về nhận thức và hành động của văn hóa Thủ đô Hà Nội.

thanh-lich.jpg
Hà Nội luôn chú trọng phát triển văn hóa, trong đó có xây dựng, bồi đắp người Hà Nội thanh lịch văn minh. Giải báo chí về Phát triển văn hóa và xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh do Thành ủy Hà Nội tổ chức 7 mùa qua là một minh chứng cụ thể.

Việc xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh là sự kế thừa và phát huy có hiệu quả những cố gắng của giai đoạn trước, nhằm khắc phục những tồn tại, yếu kém, đồng thời đưa ra những giải pháp mới đồng bộ và hiệu quả. Hà Nội ban hành hai bộ quy tắc ứng xử văn hóa thể hiện sự tiên phong của văn hóa Hà Nội, góp phần thiết thức, cụ thể trong xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh. Chỉ thị của Thành ủy số 30/CT-TU ngày 19/2/2024 khẳng định quyết tâm cao của Hà Nội về vấn đề có tính chiến lược này. Việc xây dựng con người và văn hóa ứng xử với môi trường xã hội được quan tâm và có kết quả tích cực trong nhận thức và hành động được coi là một thành tựu.

Văn hóa ứng xử với môi trường thiên nhiên cũng có những tiến bộ đáng ghi nhận. Việc kè cạp ổn định xung quanh hồ Tây, sông Tô Lịch, sông Lừ, sông Sét… cùng với việc trồng cây bóng mát và cây cảnh quan cùng với đèn chiếu sáng đô thị thực sự góp phần làm cho Hà Nội xanh - sạch - đẹp hơn. Những đường cây nở hoa của Hội phụ nữ, những con đường tự quản những cá nhân, tổ chức tự nguyện làm sạch môi trường cũng đánh dấu nhận thức của cả cộng đồng về văn hóa ứng xử với môi trường thiên nhiên của cả cộng đồng.

Văn hóa đọc được quan tâm với nhiều hoạt động đáng ghi nhận. Tủ sách Thăng Long với hàng trăm nhà khoa học tham gia, với hàng trăm đầu sách có giá trị văn hóa, lịch sử Thăng Long - Hà Nội ngàn năm văn hiến được nhà xuất bản Hà Nội xuất bản, Bộ Bách Khoa Thư Hà Nội được nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật xuất bản khẳng định sự đóng góp lớn của trí thức Thủ đô và cả nước, là thành tựu văn hóa Hà Nội trong Đổi mới.

hoi-sachhn.jpg
Văn hóa đọc tại Hà Nội có nhiều chuyển biến và các hoạt động nổi bật trong thời gian qua.

Văn hóa nghệ thuật Hà Nội thể hiện sự tiên phong của văn hóa Hà Nội. Những vở diễn như “Tôi và chúng ta”, “Nàng Sita”… và nhiều tác phẩm khác được đông đảo khán giả hâm mộ bởi những tài năng xuất chúng của nghệ sĩ Thủ đô. Không chỉ khẳng định vị trí văn hóa nghệ thuật hàng đầu của văn hóa Hà Nội mà còn khẳng định văn hóa nhận thức, văn hóa tư tưởng góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Văn hóa nghệ thuật Thủ đô Hà Nội góp phần hiện thực hóa mục tiêu nâng cao đời sống tinh thần của nhân dân, đồng thời là minh chứng sinh động trong thực tiễn quan điểm văn hóa là động lực thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển.

“Điểm một vài thành tựu cơ bản của văn hóa Thủ đô Hà Nội thời kỳ 1986-2024, chúng ta có thể đánh giá văn hóa Thủ đô Hà Nội có tiến bộ về chất cả trong nhận thức cũng như trong hoạt động thực tiễn. Chính điều đó cho phép chúng ta tin tưởng vào những thành tựu lớn hơn trong thời gian tới. Những hạn chế, tồn tại sẽ được Hà Nội khắc phục, làm cho văn hóa Thủ đô thực sự là trung tâm văn hóa cả nước” - TS. Nguyễn Viết Chức, nhấn mạnh./.

Phạm Hoa