Sự kiện & Bình luận

Trọn vẹn ký ức, tự hào ngày về Thủ đô trong mùa thu lịch sử

Quỳnh Phạm – Đình Thế - Thu Trang (lược ghi) 08/10/2024 07:18

70 năm đã trôi qua nhưng ký ức hào hùng ngày 10/10/1954 vẫn in đậm trong tâm trí các chiến sĩ, nữ sinh Hà thành - nhân chứng lịch sử thực hiện nhiệm vụ tiếp quản Thủ đô Hà Nội. Dù đã ở tuổi xưa nay hiếm nhưng nhớ về Ngày Giải phóng Thủ đô 70 năm về trước, các nhân chứng lịch sử trọn vẹn ký ức, hình ảnh cùng phút thiêng liêng, với những cảm xúc tự hào.

Nhân kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 - 10/10/2024), Tạp chí Người Hà Nội đã gặp gỡ và được lắng nghe các nhân chứng lịch sử kể về thời khắc lịch sử của Thủ đô và dân tộc Việt Nam mùa thu 70 năm trước. Đó là Đại tá Dương Niết (90 tuổi, chiến sĩ Trung đoàn Thủ đô - Đại đoàn 308, nguyên Hiệu phó Trường Trung cao không quân, nay là Học Viện Phòng không Không quân); cựu chiến binh Ngô Duy Thanh (95 tuổi, chiến sĩ Tiểu đoàn Bình Ca, hiện sống tại xã Tiền Phong, huyện Mê Linh) và bà Hoàng Lan Dung (90 tuổi, từng là nữ sinh tham gia đoàn học sinh, sinh viên kháng chiến Hà Nội) - người có mặt trong ngày 10/10/1954 tại Thủ đô.

Đại tá Dương Niết
Sau khi thất bại tại Điện Biên Phủ ngày 7/5/1954, thực dân Pháp buộc phải ký Hiệp định Giơnevơ về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Đông Dương. Đến ngày 30/9/1954, Việt Nam và Pháp ký Hiệp định chuyển giao Hà Nội về quân sự và trật tự, sau đó đến Hiệp định chuyển giao Hà Nội về hành chính. Tôi nhớ rõ ngày 11/9/1954, tôi cùng 213 cán bộ, chiến sĩ Tiểu đội Bình Ca bắt đầu di chuyển từ Sơn Tây qua đò Châu Phan sang Chi Đông, Vĩnh Phúc rồi hành quân về Phù Lỗ để học tập 10 điều kỷ luật và các chính sách ở vùng mới giải phóng của Chính phủ.

1-dai-ta-niet.jpg
Đại tá Dương Niết

Ngày 7/10/1954, chúng tôi hành quân về làng Vân ở sát bốt phía bắc cầu Đuống và nghỉ đêm tại đây. Lúc này bà con nhân dân rất phấn khởi, đón chúng tôi trong niềm vui và hạnh phúc tột độ. Biết ngày 8/10 chúng tôi sẽ sang Hà Nội sớm, người dân mang gà, người mang gạo, rau đến… lo cho chúng tôi bữa ăn. Anh nuôi giải thích bộ đội không được nhận nhưng các bà, các chị vẫn nấu cơm và mời bộ đội chúng tôi. Bữa cơm ấy tôi vẫn còn ghi nhớ mãi, qua đó cho thấy sự đoàn kết, gắn bó thủy chung của tình quân dân.

8 giờ sáng ngày 8/10/1954, chúng tôi có mặt ở phía Bắc cầu Đuống, sau khoảng 15 phút chờ đợi, một hạ sĩ quan của Pháp ra mời chúng tôi vào cầu. Lễ đón chính thức đoàn chúng tôi trong việc tiếp quản Thủ đô Hà Nội được tổ chức trên cầu Đuống. Ôtô của Pháp đưa 214 cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn Bình Ca tiến về Thủ đô để thực hiện nhiệm vụ tiếp quản, tất cả đều mang theo chăn màn, dây mắc màn, giấy vệ sinh và cây chổi để quét dọn.

5-anh-tu-lieu.jpg
Hình ảnh tư liệu Tiểu đoàn Bình Ca trên cầu Đuống về tiếp quản 35 vị trí trọng yếu ở Hà Nội ngày 8/10/1954 được Đại tá Dương Niết lưu giữ tại nhà riêng.

Hôm ấy gió mùa tràn về, thỉnh thoảng lại đổ xuống một trận mưa nhỏ. Lấy lý do này, viên sĩ quan Pháp yêu cầu các xe phủ bạt kín nhưng thực chất muốn người dân không nhìn thấy bộ đội trên xe. Khi đến địa phận Gia Lâm, một số chiến sĩ Tiểu đoàn Bình Ca ngồi ở đầu xe vén bạt, nhô đầu ra ngoài, nhân dân nhìn thấy bộ đội, ùa ra đường vẫy chào. Viên sĩ quan Pháp liền ra lệnh lái xe phóng nhanh về trung tâm Thủ đô. Đến Hà Nội, xe đưa chúng tôi về tập kết tại Trụ sở Ban Liên hiệp đình chiến, đóng ở nhà thương Đồn Thủy (nay là Bệnh viện Trung ương Quân đội 108). Tại đây, tiểu đoàn chúng tôi được chia thành 35 tổ, mỗi tổ từ 3 đến 5 người, đứng thành đội ngũ chỉnh tề. Sau đó việc tiếp quản các vị trí có quân Pháp đóng của chúng tôi được thực hiện nhưng gặp vô vàn khó khăn. Tôi nhớ ở bốt Công chính Hàng Vôi, những tên lính lê dương giả vờ say rượu, đòi lấy súng của ta. Dẫu chúng có nhiều thủ đoạn tâm lý để kéo dân ta về phía chúng, chia rẽ, cố tình bôi nhọ bộ đội ta nhưng tất cả đều thất bại.

Sau 2 ngày, Tiểu đoàn chúng tôi đã tiếp quản nhiều vị trí quan trọng như Dinh Quốc trưởng, Tòa án Hà Nội, Nha Cảnh sát Bắc Việt, Nhà tù Hỏa Lò... Sau khi ta tiếp quản, điện, nước không bị cắt; mọi sinh hoạt, hoạt động của Thành phố Hà Nội vẫn bình thường. Cuối giờ chiều ngày 9/10/1954, những tên lính Pháp cuối cùng rút qua cầu Long Biên, quân dân ta hoàn toàn kiểm soát Thành phố Hà Nội.
Sáng sớm 10/10/1954, hai mươi vạn nhân dân Thủ đô náo nức đón mừng đoàn quân thắng trận tiến về từ 5 cửa ô. Cờ đỏ sao vàng, băng rôn, khẩu hiệu giăng khắp đường phố Thủ đô Hà Nội. Ngày 10/10/1954 là một sự kiện trọng đại của Thủ đô, của đất nước, những cảm xúc khao khát hòa bình, tự do của người dân được bung ra, trong niềm vui sướng vô bờ bến.

Bà Hoàng Lan Dung

Tôi sinh năm 1934, ở làng Thạch Khối, tổng Thượng, huyện Vĩnh Thuận, nay là phố Hàng Than, phường Nguyễn Trung Trực, quận Ba Đình, Thành phố Hà Nội. 14 tuổi, tôi tham gia đoàn học sinh, sinh viên kháng chiến Hà Nội, cùng họ tham gia rải truyền đơn. Tròn 20 tuổi, giữa năm 1954, tôi được Thành ủy Hà Nội cử ra Vân Đình, Hà Tây (nay là thị trấn Vân Đình, huyện Ứng Hòa, Hà Nội), để học lớp tiếp quản Thủ đô, về những chính sách của Đảng đối với nhân dân Thủ đô. Chẳng hạn, đối với những người buôn bán, phải tạo điều kiện cho họ phát triển. Đối với công chức, viên chức thì xem xét, phân loại thế nào. Tôi cùng với các hội viên đi rải truyền đơn cũng như phong trào đấu tranh chống hoạt động bắt lính của bọn thực dân...

hoang-lan-dung.jpg
Bà Hoàng Lan Dung

Tôi còn nhớ từng hình ảnh, chi tiết về ngày 10/10/1954 tại Thủ đô. Ngày ấy, tôi thực hiện tuyên truyền cho nhân dân về ngày chiến thắng, huy động người dân may cờ Tổ quốc chờ ngày giải phóng. Đúng ngày 10/10, tôi được cử cùng đoàn cán bộ, chiến sĩ Sư đoàn 308 từ hướng Xuân Mai về Thủ đô. Không khí lúc đó rộn rã, tưng bừng, xúc động. Khó có thể diễn tả hết được hạnh phúc của người dân Hà Nội lúc bấy giờ khi đang trong vùng tạm chiếm chịu bao áp bức, dồn nén, nay được đón những người kháng chiến trở về, cuộc sống được tự do.

Lúc đó, tôi đứng trên xe ô tô mui trần cùng các chiến sĩ. Xe từ Vân Đình về qua phố Trần Hưng Đạo, qua phố Cửa Nam, rồi tập kết ở Bệnh viện 108. Nhân dân Thủ đô, từ người già tới trẻ nhỏ vẫy cờ hoa đón chào, gương mặt hân hoan. Thật đúng hệt như câu hát “Trùng trùng quân đi như sóng, lớp lớp đoàn quân tiến về…”. Tới 3 giờ chiều, sau một hồi còi dài tại Nhà hát Lớn Hà Nội, hàng vạn người dân Thủ đô và các lực lượng vũ trang đã chỉnh tề tham dự lễ chào cờ do Ủy ban Quân chính tổ chức tại Sân vận động Cột Cờ.
Sau lễ chào cờ, Chủ tịch Ủy ban Quân chính Vương Thừa Vũ đọc Lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi đồng bào Thủ đô nhân Ngày Giải phóng. Được về tiếp quản và làm chủ chính mảnh đất mình sinh ra, lớn lên, qua nhiều đấu tranh, là cảm xúc không thể nào diễn tả hết được. Ngày 10/10/1954 còn in đậm trong tôi hình ảnh người dân đứng bên đường vẫy cờ hoa chào đón đoàn quân vào tiếp quản Thủ đô với bầu không khí hào hùng, náo nức. Cho đến giờ, mỗi khi xem lại những hình ảnh trong ngày Giải phóng Thủ đô trên các phương tiện truyền thông, tôi lại thấy bồi hồi như vừa mới hôm qua.

Những địa điểm được tiếp quản 70 năm trước giờ trở thành “chứng nhân” lịch sử, gợi nhớ những thời khắc không thể nào quên. Thế hệ công dân Thủ đô sinh sau ngày 10/10/1954 dù không được chứng kiến những giây phút hào hùng đó, nhưng tất cả đã được lịch sử ghi lại, từ đó thế hệ trẻ vẫn cảm nhận được niềm tự hào từ các thế hệ cha anh, sẽ luôn ghi nhớ, biết ơn những chiến sĩ đã ngã xuống vì nền độc lập, tự do của dân tộc, vì sự toàn vẹn của Hà Nội - Thủ đô anh hùng. Và cũng từ đó, tôi càng thấy yêu, trân quý Hà Nội của ngày hôm nay, một Thủ đô không ngừng phát triển và xứng đáng là trái tim của cả nước, “Thành phố Vì hòa bình”.

Cựu chiến binh Ngô Duy Thanh

Dẫu 70 năm đã trôi qua, nhưng ký ức sôi động, hào hùng của ngày 10/10/1954 vẫn cứ in đậm trong tâm trí tôi. Sau Chiến thắng Điện Biên Phủ, Sư đoàn 308 vinh dự được Bác Hồ giao nhiệm vụ vào tiếp quản Thủ đô. Theo thỏa thuận của hai bên, 35 tổ của Tiểu đoàn Bình Ca được phân công vào trước vài ngày, phụ trách 35 điểm mà Pháp đang chiếm giữ. Tôi tự hào nằm trong đội hình chiến đấu của Tiểu đoàn Bình Ca.

4-ngo-duy-thanh.jpg
Cựu chiến binh Ngô Duy Thanh - nguyên chiến sĩ Tiểu đoàn Bình Ca

Tuy là Tiểu đoàn chủ lực đầu tiên của quân đội ta, nhưng khi Tiểu đoàn Bình Ca về tiếp quản Thủ đô đã phải giả là cảnh vệ thành vì quân Pháp yêu cầu lực lượng tiếp quản không phải là bộ đội chính quy, không được mang theo vũ khí, không đeo huy hiệu “Chiến sĩ Điện Biên”.

Công việc diễn ra trong thầm lặng, nhưng không kém phần nguy hiểm, căng thẳng đòi hỏi sự tỉnh táo và kiên nhẫn đến tột cùng của từng người. Tiểu đoàn quyết tâm bảo vệ an toàn 35 trọng điểm an toàn trong hai ngày để đón Sư đoàn 308 tiến vào tiếp quản. Trong đó có Sở Cảnh sát, Nhà tù Hỏa Lò, Nhà máy nước, Nhà máy điện Yên Phụ, Nhà đèn Bờ Hồ, Bưu điện, Phủ toàn quyền Đông Dương, Sân bay Bạch Mai… Đặc biệt là không được nổ súng, nếu cần thiết chiến sĩ làm nhiệm vụ tiếp quản Thủ đô phải hy sinh để bảo đảm an toàn cho cuộc tiếp quản.

6-anh-tu-lieu.jpg

Sáng 10/10/1954, các đơn vị Quân đội Nhân dân gồm thành phố và Sư đoàn 308 do Thiếu tướng Vương Thừa Vũ - Chỉ huy trưởng của Mặt trận Hà Nội trong 60 ngày đêm khói lửa - chia làm nhiều cánh lớn, mở cuộc hành quân tiến vào giải phóng Thủ đô. Khi nhận nhiệm vụ tiếp quản, ai cũng cảm thấy vui mừng, mà cảm động nhất là các đồng chí từng chiến đấu ở Hà Nội trong những ngày đầu toàn quốc kháng chiến ra đi, nay lại được trở về trên những con đường cũ, giữa thanh thiên bạch nhật, trước mặt quân thù với tư thế của những người chiến thắng. Thật đáng tự hào và chẳng còn gì vinh quang, hạnh phúc hơn.

Trở về Thủ đô, chúng tôi cảm nhận rất rõ khát khao hòa bình, tự do của người dân được vỡ òa trong niềm vui, niềm hạnh phúc vô bờ bến. Chúng tôi cũng tự hào vì khi về tiếp quản Thủ đô Hà Nội, đoàn quân ngẩng cao đầu tươi cười, trong khi đó thực dân xâm lược cúi đầu lầm lì xách súng quay đi và phải quay nhìn lại đoàn quân của ta. Tôi được trực tiếp chứng kiến những người lính Pháp cuối cùng rút qua cầu Long Biên, quân dân ta hoàn toàn kiểm soát thành phố. Đó sẽ mãi là ký ức, hình ảnh tôi không bao giờ quên./.

Quỳnh Phạm – Đình Thế - Thu Trang (lược ghi)