Tác giả - tác phẩm

"Lịch sử chữ quốc ngữ" đoạt giải Sách hay 2024

Duy Minh 10:30 07/10/2024

Tác phẩm “Lịch sử chữ quốc ngữ” của tác giả Phạm Thị Kiều Ly vừa xuất sắc đoạt giải Phát hiện mới tại Giải Sách hay 2024, tạo nên điểm nhấn đặc biệt cho nền xuất bản Việt Nam.

7-phat-hien-moi-lich-su-chu-qu-6673-1507-1728230060-0637.jpg
Bộ hai cuốn gồm: "Lịch sử chữ quốc ngữ (1615-1919)" của Phạm Thị Kiều Ly; dịch giả: Thanh Thư và "100 câu hỏi về Lịch sử chữ quốc ngữ" của cùng tác giả nhận giải Sách Hay 2024.

Giải Sách hay 2024 vừa được công bố tại TP HCM vào hôm qua 6/10, đây là giải thưởng về sách của Việt Nam do các học giả và bạn đọc bình chọn, thuộc dự án Khuyến đọc sách hay do Viện Giáo dục IRED và Sáng kiến OpenEdu phối hợp tổ chức 2 năm/lần. Đây cũng là dịp để cộng đồng mê sách cùng chia sẻ những góc nhìn, thông điệp giá trị nhằm giữ gìn văn hóa đọc và lan tỏa tri thức.

Theo đó, sách đoạt giải Phát hiện mới, một trong bảy hạng mục của giải thưởng do dự án Khuyến đọc Sách Hay và Viện Giáo Dục IRED phối hợp tổ chức.

Lịch sử chữ quốc ngữ (1615-1919) bắt nguồn từ luận án tiến sĩ của tác giả Phạm Thị Kiều Ly ở Đại học Sorbonne Nouvelle - Paris 3, năm 2018. Bảo vệ thành công, bà tiếp tục chỉnh lý, bổ sung, bản thảo sau đó được Nhà xuất bản Les Indes Savantes ra mắt năm 2022 tại Pháp. Năm nay, Omega Books giới thiệu sách đến bạn đọc trong nước qua bản dịch của Thanh Thư.

Sách gồm sáu chương kèm phụ lục và bảng tra danh từ riêng, địa danh, đúc kết khoảng 300 năm hình thành và phát triển của tiếng Việt. Đó là quá trình từ khi các giáo sĩ dòng Tên người Bồ Đào Nha và Italy, ở nửa đầu thế kỷ 17, cùng sáng tạo ra một thứ tiếng dùng để giao tiếp với người Việt, cho đến khi vua Khải Định chấm dứt khoa cử Hán học cuối cùng, tiếng Việt được chấp nhận trở thành chữ viết của nước Việt Nam hiện đại.

Ngoài Lịch sử chữ quốc ngữ, tiểu thuyết Nắng Thổ Tang của nhà văn Đinh Phương cũng nhận được sự đánh giá cao từ hội đồng giám khảo và bạn đọc. Với nội dung khai thác từ ba sự kiện lịch sử lớn của dân tộc, cuốn sách không chỉ tái hiện quá khứ mà còn khắc họa sâu sắc số phận con người trong dòng chảy lịch sử.

Lễ trao giải Sách Hay 2024 diễn ra sáng 6/10 tại TP.HCM, thu hút hơn 500 khách mời, trong đó có nhiều chuyên gia và nhà văn hóa. Bên cạnh việc vinh danh những tác phẩm xuất sắc, sự kiện còn là dịp để khơi dậy tình yêu sách và giao lưu giữa các thế hệ độc giả.

Kết quả bảy hạng mục giải Sách Hay 2024

1. Nghiên cứu:

- Tác phẩm: Xã hội học tri thức - Trường lực tri thức miền Nam Việt Nam hậu thuộc địa (Tác giả: Phạm Văn Quang).
- Dịch phẩm: Bất chấp định mệnh - Văn hóa và phong tục tập quán người Bru - Vân Kiều (Tác giả: Vargyas Gábor, dịch giả: Giáp Thị Minh Trang, hiệu đính: Đinh Hồng Hải, Vũ Tuyết Lan)

2. Giáo dục:
- Tác phẩm: Ước vọng cho học đường - Những bài viết về giáo dục (Tác giả: Huỳnh Như Phương)
- Dịch phẩm: Future Wise - Điều gì đáng học cho tương lai? (Tác giả: David N. Perkins, dịch giả: Khải Nguyễn)

3. Kinh tế:
- Tác phẩm: Vì một Việt Nam dân giàu nước mạnh (Tác giả: Trần Văn Thọ - Trần Hữu Phúc Tiến (đồng chủ biên)
- Dịch phẩm: Kinh tế học về Tiền, Ngân hàng và Thị trường Tài chính (Tác giả: Frederic S. Mishkin, Dịch giả: Phan Trần Trung Dũng)

4. Quản trị:
- Tác phẩm: Chiến lược - Cơ chế - Con người: Thế kiềng 3C của tồn vinh doanh nghiệp (Tác giả: Tôn Thất Nguyễn Thiêm)
- Dịch phẩm: Sóng thần công nghệ - Trí tuệ nhân tạo, quyền lực và thách thức lớn nhất thế kỷ 21 (Tác giả: Mustafa Suleyman, Michael Bhaskar, Dịch giả: Vũ Hoàng Linh, Sơn Phạm, Quỳnh Anh, Hiệu đính: Đào Trung Thành).

5. Văn học:
- Tác phẩm: Nắng thổ tang (Tác giả: Đinh Phương)
- Dịch phẩm: Ba màn kịch (Tác giả: Jon Fosse, Dịch giả: Thiên Nga).

6. Thiếu nhi:
- Tác phẩm: Đại náo nhà ông ngoại (Tác giả: Nguyễn Xuân Thủy)
- Dịch phẩm: Chú heo Giáng sinh (Tác giả: J.K. Rowling, Dịch giả: Mai Ba).

7. Phát hiện mới: Bộ hai cuốn gồm: Lịch sử chữ quốc ngữ (1615-1919) (tác giả: Phạm Thị Kiều Ly, dịch giả: Thanh Thư) và 100 câu hỏi về Lịch sử chữ quốc ngữ (Tác giả: Phạm Thị Kiều Ly)

Duy Minh